Menu

​​​​​​​NITROFURANTOIN CÓ AN TOÀN CHO PHỤ NỮ MANG THAI KHÔNG?

NITROFURANTOIN CÓ AN TOÀN CHO PHỤ NỮ MANG THAI KHÔNG?

18/1/2016

Link gốc: http://www.pharmacytimes.com/contributor/craig-cocchio-pharmd/2016/01/is-nitrofurantoin-safe-during-pregnancy

Người dịch: DS Nguyễn Thu Hiền

Hiệu đính: DS Nguyễn Thị Thu Thủy

Nitrofurantoin là thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị nhiễm khuẩn đường niệu (UTIs) ở PNCT. Sở dĩ là do mức độ an toàn khi sử dụng thuốc trong thai kì mà FDA xếp loại cho thuốc này là mức độ B và nhiều dữ liệu cho thấy tính hiệu quả và an toàn của thuốc.

Tuy nhiên, phân loại này FDA có thể gây hiểu nhầm bởi vì nó chỉ có ý nghĩa xác định nguy cơ gây quái thai tiềm ẩn. Thông tin kê đơn của chế phẩm hỗn dịch uống nitrofurantoin (Furadantin) không chỉ ra việc phải chống chỉ định thuốc này ở phụ nữ có thai giai đoạn từ tuần thứ 38 đến 42, trong suốt thời gian đau đẻ hoặc chuyển dạ, hoặc khi cơn chuyển dạ bắt đầu.1

Chống chỉ định này dựa trên một nghiên cứu thuần tập ở Norway, được công bố năm 2013.2 Dữ liệu của hơn 180000 ca sinh khai thác từ cơ sở dữ liệu đăng ký sinh sản và kê đơn quốc gia (Medical Birth Registry and Prescription Database) đã được phân tích để ước tính liệu tiếp xúc với nitrofurantoin có mối liên hệ với tăng tỉ lệ hậu quả tiêu cực tới thai nhi hay không?

Sau khi so sánh 1334 bà mẹ có dùng nitrofurantoin trong suốt thai kì với 5800 bà mẹ dùng pivmecillinam và 130889 bà mẹ không dùng kháng sinh điều trị UTIs, kết quả cho thấy không có khác biệt giữa các nhóm về tỉ lệ của bất cứ dị tật bẩm sinh nào bao gồm tim mạch, vách ngăn tâm nhĩ, thông liên thất. Hơn nữa, tỉ lệ xảy ra hậu quả tiêu cực với thai nhi như thai lưu, tử vong sơ sinh, nhẹ cân, sinh non, cần chăm sóc sơ sinh tích cực (NICU), hoặc điểm Apgar thấp < 7 điểm tại thời điểm 5 phút không có sự khác biệt giữa các nhóm nghiên cứu.

Tuy nhiên, trẻ sơ sinh có sự tiếp xúc với nitrofurantoin trong vòng 30 ngày trước khi sinh có tỉ lệ vàng da sơ sinh cần can thiệp điều trị cao hơn đáng kể so với nhóm trẻ sơ sinh có mẹ dùng pivmecillinam trong thời gian thai kì tương tự (10.8% với 8.8%, p=0.023). Sự khác biệt rõ rệt này được khẳng định sau phân tích đa biến điều chỉnh theo các yếu tố: sinh non, giới tính trẻ, tuổi, sử dụng oxytocin, sử dụng kháng sinh đường toàn thân ở trẻ sơ sinh, tuổi mẹ, số lần sinh con, và hút thuốc vào cuối thai kì.

Cần chú ý rằng sự khác biệt về tỉ lệ của vàng da sơ sinh không ảnh hưởng đến các biến cố liên quan đến mang thai trong quần thể nghiên cứu. Không có trẻ sơ sinh nào được xác nhận là có thiếu men G6PDH (glucose – 6- phosphate dehydrogenase), và cũng không có khác biệt nào về tỉ lệ chứng tan máu.

Nghiên cứu này gợi ý rằng nitrofurantoin nên được tránh trong 30 ngày cuối cùng của thai kì. Tuy nhiên, theo quan điểm về việc sử dụng sulfonamids, nitrofurantoin và nguy cơ dị tật bẩm sinh của ủy ban của Đại học sản phụ khoa Mỹ, nếu các lựa chọn điều trị khác không thể áp dụng được (như cephalosporin, erythromycin) thì các sulfonamide và nitrofurantoin có thể được sử dụng với vai trò là lựa chọn đầu tay cho điều trị nhiễm khuẩn đường tiểu trong kì thứ 2 và thứ 3 của thai kì.3

Tuyên bố này được đưa ra từ tổng hợp những bằng chứng liên quan tới những mối quan hệ giữa nitrofurantoin và dị tật bẩm sinh.4-8

Khuyến cáo đưa ra với mức độ mạnh đó là chống chỉ định. Các chuyên gia về thuốc dường như không đồng ý với việc kê đơn nitrofurantoin, nhưng có một điều cần luôn lưu ý trong điều trị, đó là mỗi bệnh nhân nên được cá thể hóa điều trị, và cần phải cân nhắc lợi – ích nguy cơ trên từng bệnh nhân.

  1. Furadantin (nitrofurantoin) oral suspension [prescribing information]. Atlanta, GA: Sciele Pharma, Inc; 2009. http://www.accessdata.fda.gov/drugsatfda_docs/label/2009/009175s037lbl.pdf. Accessed January 14, 2016.
  2. Nordeng H, Lupattelli A, Romøren M, Koren G. Neonatal outcomes after gestational exposure to nitrofurantoin. Obstet Gynecol. 2013 Feb;121(2 Pt 1):306-313.
  3. American College of Obstetricians and Gynecologists. Sulfonamides, nitrofurantoin, and risk of birth defects. Committee Opinion No. 494. Obstet Gynecol. 2011;117:1484-1485.
  4. Prytherch JP, Sutton ML, Denine EP. General reproduction, perinatal-postnatal, and teratology studies of nitrofurantoin macrocrystals in rats and rabbits. J Toxicol Environ Health. 1984;13:811-823.
  5. Gait JE. Hemolytic reactions to nitrofurantoin in patients with glucose-6-phosphate dehydrogenase deficiency: theory and practice. DICP. 1990;24:1210-1213.
  6. Ben David S, Einarson T, Ben David Y, et al. The safety of nitrofurantoin during the first trimester of pregnancy: meta-analysis. Fundam Clin Pharmacol. 1995;9:503-507.
  7. Le J, Briggs GG, McKeown A, et al. Urinary tract infections during pregnancy. Ann Pharmacother. 2004;38:1692-1701.
  8. Mohamed A, Dresser GK, Mehta S. Acute respiratory failure during pregnancy: a case of nitrofurantoin-induced pneumonitis. CMAJ. 2007;176(3):319-320.

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.