Menu

Cách sử dụng máy đo SpO2

 

SVD. Phạm Minh Anh – ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đôi khi được cách ly và theo dõi tại nhà nếu đáp ứng đủ các tiêu chí về cách ly và chăm sóc tại nhà. Dù không có triệu chứng hoặc các triệu chứng ở mức độ nhẹ, bệnh nhân cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, giúp nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm và can thiệp kịp thời. Một trong những dấu hiệu nguy hiểm là giảm độ bão hòa oxy trong hồng cầu (còn được gọi là giảm oxy máu), dấu hiệu này có thể được theo dõi qua máy đo oxy xung (máy đo SpO2)

  1. Chỉ số SpO2 là gì?

SpO2 là viết tắt của cụm từ Saturation of peripheral oxygen – độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Hiểu một cách khác, SpO2 là tỷ lệ hemoglobin có chứa oxy so với tổng lượng hemoglobin trong máu.

Chỉ số SpO2 là một trong những dấu hiệu sinh tồn của cơ thể, chỉ số SpO2 giảm cho thấy tình trạng thiếu oxy trong máu cung cấp cho các cơ quan. Cần theo dõi chỉ số SpO2 thường xuyên để phát hiện và can thiệp kịp thời khi xảy ra tình trạng nguy hiểm.

  1. Các loại máy đo SpO2 tại nhà

Máy đo SpO2 là thiết bị được sử dụng để đo độ bão hòa oxy trong máu v à nhịp tim. Thông thường có 2 loại máy đo SpO2 tại nhà: loại kẹp vào ngón tay và loại kẹp vào dái tai.

Máy đo SpO2 gồm 1 cảm biến (hoặc đầu dò) kẹp vào ngón tay (hoặc dái tai) và 1 màn hình hiển thị chỉ số. Máy được sử dụng để phát hiện tình trạng thiếu oxy, tức là mức oxy trong cơ thể thấp bất thường, đó là dấu hiệu nguy hiểm cần can thiệp nhanh chóng.

  1. Máy đo SpO2 tại nhà hoạt động như thế nào?

Máy hoạt động dựa trên nguyên tắc oxyhaemoglobin (haemoglobin có mang oxy) và deoxyhaemoglobin (haemoglobin không mang oxy) hấp thụ ánh sáng ở các bước sóng khác nhau. Oxyhaemoglobin hấp thụ nhiều tia hồng ngoại hơn ánh sáng đỏ trong khi deoxyhaemoglobin hấp thụ nhiều ánh sáng đỏ hơn.

Máy sẽ phát ra 2 nguồn ánh sáng (đỏ và hồng ngoại) truyền qua ngón tay (hoặc dái tai), hemoglobin sẽ hấp thụ ánh sáng và cảm biến bên kia sẽ thu nhận ánh sáng sau khi đã xuyên qua mô. Tỷ lệ độ hấp thụ ở 2 bước sóng (đỏ và hồng ngoại) được tính toán và hiệu chỉnh sẽ cho kết quả độ bão hòa oxy trong máu và nhịp tim dưới dạng số/ sóng xung hiển thị trên màn hình.

  1. Lợi ích của máy đo SpO2 trong cách ly và chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà
  • Phát hiện “tình trạng thiếu oxy máu thầm lặng”, trong trường hợp không khó thở và các dấu hiệu nguy hiểm kèm theo.

  • Theo dõi và xác định sớm tình trạng xấu đi của bệnh nhân.

  • Xác nhận độ bão hòa oxy trong máu.

  1. Cách sử dụng máy đo nồng độ SpO2 tại nhà đúng cách

5.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác khi đo SpO2:

  • Sơn móng tay, móng tay giả hoặc ngón tay có dính màu: Màu sắc có thể hấp thụ ánh sáng phát ra từ máy và cản trở việc phát hiện hemoglobin có mang oxy.

  • Tình trạng giảm tưới máu mô (tụt huyết áp, sốc giảm thể tích hoặc lạnh tứ chi)

  • Gắn đầu dò không chính xác làm giảm khả năng hấp thụ ánh sáng.

  • Ánh sáng chiếu vào đầu dò: ánh sáng mặt trời hoặc đèn có thể gây nhiễu và đo không chính xác.

  • Nhiễu do chuyển động của bệnh nhân.

  • Hemoglobin bất thường.

  • Ngộ độc carbon monoxide (CO) trong đám cháy, hít phải khói độc.

 

5.2. Thực hiện theo các hướng dẫn sau để đảm bảo máy đo SpO2 cho kết quả chính xác:

  • Xóa sơn móng tay hoặc tháo móng tay giả (nếu có).

  • Làm ấm bàn tay của bạn (nếu bạn đang cảm thấy lạnh).

  • Nên nghỉ ngơi ít nhất 5 phút trước khi đo.

  • Bật máy đo SpO2 và kẹp vào ngón tay của bạn. Máy hoạt động tốt nhất nếu bạn kẹp vào ngón giữa hoặc ngón trỏ.

  • Vì cần có thời gian ổn định để máy đọc kết quả chính xác, hãy giữ máy đo SpO2 ít nhất 1 phút.

  • Ghi lại kết quả cao nhất khi chỉ số không thay đổi trong 5 giây.

  • Sau khi có kết quả màn hình sẽ hiển thị: độ bão hòa oxy trong máu (SpO2, đơn vị %) và nhịp tim (PRbpm, đơn vị nhịp/phút).

  • Nên đo 2-3 lần/ngày, và ghi chép lại các kết quả để theo dõi.

 

Một số lưu ý khác:

  • Trong trường hợp khẩn cấp chưa thể xoá sơn móng tay, có thể xoay đầu dò để kẹp đầu dò vào cạnh bên ngón tay như hình sau.

  • Lưu ý khi sử dụng máy đo SpO2: Đầu dò phải được định vị tốt trên ngón tay thích hợp, ngón tay vừa vặn và đầu dò không kẹp quá chặt (có thể làm co tuần hoàn) hoặc quá lỏng (có thể rơi ra hoặc để ánh sáng khác lọt vào).

  1. Theo dõi chỉ số SpO2

Máy đo SpO2 đặc biệt hữu ích đối với bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà, giúp theo dõi độ bão hòa oxy trong máu, kịp thời phát hiện sớm tình trạng thiếu oxy để yêu cầu sự trợ giúp từ các cơ sở y tế.

Tiến hành đo và ghi lại kết quả 3 lần/ngày vào cùng thời điểm cố định mỗi ngày (ví dụ: sáng, trưa, tối), có thể đo thêm nếu bạn cảm thấy không khỏe.

Theo hướng dẫn của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh về triển khai chăm sóc và theo dõi sức khoẻ tại nhà đối với người mắc COVID-19:

Bệnh nhân chủ động theo dõi sức khỏe và cần gọi nhân viên y tế để được hướng dẫn xử trí phù hợp khi có một trong các dấu hiệu sốt trên 38C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi/vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở (khi không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây), khi nhịp thở > 20 lần/phút.

Cần gọi ngay tổng đài “115” hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh quận, huyện để được cấp cứu kịp thời khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95%.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. WHO/AFRO: Response to COVID-19 outbreak. Interim Guidance for Member States – On the Use of Pulse Oximetry in Monitoring Covid-19 Patients Under HomeBased Isolation and Care. (April 2021)

https://www.afro.who.int/sites/default/files/Covid-19/Techinical%20documents/GUIDELINES%20FOR%20THE%20USE%20OF%20PULSE%20OXIMETRY%20IN%20MONITORING%20COVID-19%20PATIENTS%20IN%20HBIC.pdf

 

  1. World Health Organization (2011). Using Pulse Oximeters – WHO

Tutorial 1 – the basics:

https://www.who.int/patientsafety/safesurgery/pulse_oximetry/who_ps_pulse_oxymetry_tutorial1_the_basics_en.pdf?ua=1

Tutorial 2 – Advanced:

https://www.who.int/patientsafety/safesurgery/pulse_oximetry/who_ps_pulse_oxymetry_tutorial2_advanced_en.pdf

 

  1. Hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc COVID-19 tại nhà của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh (ban hành ngày 28/07/2021)

Link:

http://file.medinet.gov.vn//data/soytehcm/vanphongso/attachments/2021_7/5069-syt-nvy_29720218.pdf

 

  1. National Health Service (NHS) in England (2021). Pulse oximetry to detect early deterioration of patients with COVID-19 in primary and community care settings: Annex 2: COVID-19 diary (updated 14/01/2021, version 1.2)

https://www.england.nhs.uk/coronavirus/wp-content/uploads/sites/52/2020/06/C0445-remote-monitoring-in-primary-care-annex-2-diary-jan-21-v1.2.pdf

 

 

 

 

 

 

 

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.