Menu

CLS – THA tại quầy thuốc

Người dịch : Đoàn Thị Phương Thảo- SV Dược 5- Đại học Dược HN
Hiệu đính: TS.DS. Võ Thị Hà
Nguồn: Le Moniteur des Pharmacies N2673 du 14/04/2007
Ca 1. Dùng Kestin (ebastine- nhóm kháng H1) ở bệnh nhân tăng huyết áp
Ông N. 63 tuổi, bị tăng huyết áp nhiều năm, hiện đang điều trị bằng Mono-Tildiem LP 200 mg (ditiazem- nhóm chẹn kênh calci). Gần đây, bệnh nhân được chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và bắt đầu điều trị với Atrovent (ipratropium) từ tháng trước. Ông N. đã bỏ hút thuốc lá thành công sau 30 năm nghiện. Vài ngày gần đây, ông bị phát ban, ngứa, phù nề với viền rõ trên hầu khắp cơ thể. Thấy triệu chứng dai dẳng và ngứa nhiều, ông N. đã đến gặp bác sĩ của mình và ra về với toa thuốc Kestin (ebastine- nhóm kháng H1), 1 viên mỗi ngày trong 15 ngày, tránh bữa ăn.
Bạn nghĩ gì về việc kê đơn này ?
Kestin (ebastine) là một thuốc kháng histamin H1 không gây buồn ngủ làm tăng nguy cơ xoắn đỉnh ở những người nhạy cảm. Cần thận trọng khi kê thuốc này đồng thời với một thuốc khác, ví dụ như Mizollen (mizolastine).
Phân tích ca
Không phải là không khuyến cáo kết hợp Kestin (ebastine- thuốc kháng H1) và Mono-Tildiem (ditiazem- thuốc chẹn kênh calci). Tuy nhiên :
Một khuyến cáo trong tóm tắt thông tin sản phẩm của Kestin (ebastine- thuốc kháng H1) lưu ý : «Cần thận trọng trong kê đơn ebastine ở bệnh nhân có hội chứng kéo dài khoảng QT, hạ kali huyết hoặc đang sử dụng một thuốc đã biết gây kéo dài khoảng QT để ức chế CYP3A4, ví dụ như các kháng nấm nhóm azole và các macrolide. »
Tuy nhiên, khác với các thuốc chẹn kênh canxi dihydropyridine, diltiazem có tác dụng chủ yếu trên tim, làm chậm dẫn truyền và nhịp tim. Khi kết hợp với một loại thuốc kéo dài khoảng QT (như ebastine), diltiazem gây nguy cơ xoắn đỉnh trên bệnh nhân. Mặt khác, thuốc này ức chế CYP3A4. Do đó, thuốc có vẻ không đem lại lợi ích nhiều hơn nguy cơ khi cân nhắc mức độ nghiêm trọng của bệnh lý được điều trị và các tác dụng không mong muốn phát sinh.
Thái độ cần có
Không bắt buộc phải lựa chọn Kestin (ebastine- thuốc kháng H1)  như thuốc kháng histamin. Một số thuốc khác như loratadine hoặc cetirizine có cùng chỉ định nhưng không mang lại các nguy cơ trên.
Hơn nữa, việc liên lạc với bác sĩ kê đơn càng trở nên cần thiết khi không có cách nào để phòng tránh xoắn đỉnh và tác dụng không mong muốn này có thể gây tử vong.
Khi liên lạc với bác sĩ đa khoa qua điện thoại, dược sĩ mới biết bác sĩ đã không để ý đến hồ sơ của ông N. khi kê đơn Kestin (ebastine- thuốc kháng H1). Bác sĩ đề nghị thay bằng Clarityne, một viên mỗi ngày, loại thuốc có vẻ thích hợp hơn.
Lưu ý
Bất kỳ sự kết hợp của các loại thuốc kéo dài khoảng QT và/hoặc gây hạ kali máu, chậm nhịp tim chậm đều làm tăng nguy cơ xoắn đỉnh có thể dẫn đến tử vong.


Ca 2. Bà T. bị nặng chân.
Bà T. 54 tuổi, đang gặp các rối loạn mãn kinh: bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, khô âm đạo. Ba tháng trước, bác sĩ của bà đã kê đơn Femseptcombi (estradiol hemihydrate – hormon).
Tiền sử của bà có ghi nhận tăng huyết áp động mạch phát hiện cách đây 3 năm, được ổn định ở mức 130/85 bởi Triatec 5 mg (ramipril – nhóm ACEI).  Bà T. cũng đang bị suy tĩnh mạch, tăng nặng do yêu cầu công việc phải đứng cả ngày. Bà thường xuyên sử dụng các chất bổ tĩnh mạch (veinotoniques : Thuốc bổ tĩnh mạch làm giảm đau và phù nề bằng cách hạn chế sự giãn nở của các mạch máu và các quá trình viêm tại tĩnh mạch. Đợt điều trị thường 3 tháng, các thuốc này thường được dung nạp tốt kết hợp với lối sống và các quy tắc chế độ ăn uống.)
Hôm nay, bà đến gặp bác sĩ của mình do bị «nặng chân».
Bà đưa cho bạn một toa thuốc mới trong ba tháng với Triatec 5 (ramipril – nhóm ACEI), 1 viên mỗi ngày, Femseptcombi (estradiol hemihydrate – hormon), 1 miếng dán một tuần và Veinobiase (acid ascorbic sủi) 3 viên mỗi ngày, 20 ngày mỗi tháng.
Thuốc nào gây ra vấn đề?
Có thể kết hợp Triatec (ramipril- nhóm ACEI) / Femsept (estradiol hemihydrate- hormon). Huyết áp động mạch cần được theo dõi khi điều trị hormone thay thế nhưng với huyết áp kiểm soát tốt thì dùng hormon thay thế không phải là chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, Veinobiase (acid ascorbic sủi) không phải là một lựa chọn khôn ngoan.
Phân tích ca
Veinobiase là một thuốc bổ tĩnh mạch dựa trên tác dụng của nhựa ruồi, lý chua đen và acid ascorbic. Viên sủi được nhờ thành phần kali cacbonat  391 mg hoặc 10 mmol kali trong mỗi viên thuốc (để so sánh, một viên nang Diffu-K (kali chlorid) chứa 8 mmol kali).
Vì thế, việc sử dụng đồng thời thuốc này với một thuốc hạ huyết áp làm tăng kali máu (thuốc ức chế men chuyển hoặc đối kháng thụ thể angiotensin II) không được khuyến cáo do nguy cơ tăng kali máu. Trong các phần mềm quản lý việc phân phối thuốc, các cảnh báo tương tác chủ yếu liên quan đến các hoạt chất chính chứ không chú ý  đến tá dược, do đó nhiều phần mềm không phát hiện loại tương tác này.
Thái độ cần có
Cần giải thích cho bệnh nhân rằng bạn cần gọi cho bác sĩ của họ về Veinobiase (acid ascorbic sủi). Lượng kali cao trong chế phẩm và liều dùng 3 viên Veinobiase cao và  (acid ascorbic sủi) tương đương với gần 4 viên Diffu-K (kali chlorid) mỗi ngày. Để thay thế Veinobiase (acid ascorbic sủi), bác sĩ có thể lựa chọn trong tất cả các thuốc bổ tĩnh mạch khác hiện có. Sau khi liên hệ qua điện thoại, bác sĩ quyết định kê đơn Ginkor Fort (ginko bibloba).
Việc trị liệu bằng thuốc tất nhiên không giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch, vốn là cách hiệu quả nhất để giảm nặng chân.
Lưu ý
Các thuốc tác động lên hệ thống renin-angiotensin đều có khả năng làm tăng kali máu; chúng tương tác với tất cả các thuốc thuốc có thể ảnh hưởng đến kali huyết thanh.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.