Menu

Đăng ký đặt trước sách “Kỹ năng lâm sàng dành cho Dược sĩ”

Hình bìa thiết kế

GIá: 220k

Tác giả: TS.DS. Võ Thị Hà

Thể loại: Sách tham khảo

Tổng 320 trang, trong đó có 70 trang màu, khổ sách 19 x 26cm. Sách gồm 12 bài, 18 phụ lục, 81 bảng, 83 hình.
Sách có 70 hình ảnh màu mô tả dấu hiệu nhận biết lâm sàng và minh họa, và format chế độ chống photo, nên nếu dùng sách photo sẽ không đọc được hoặc chất lượng kém.
Đợt xuất bản lần đầu tiên chỉ in 1.000 cuốn và đã phân phối hết. Lần tái bản thứ nhất này in 500 cuốn.
Mọi người đặt trước sách qua link sau: https://goo.gl/forms/BMQZh8LXezhg0NbU2

AI ĐÃ TỪNG ĐIỀN LINK, XIN VUI LÒNG KHÔNG ĐIỀN LINK LẦN 2 VÌ SẼ HIỂU LẦM LÀ BẠN ĐĂNG KÝ 2 LẦN. MỖI NGƯỜI CHỈ CÓ QUYỀN ĐIỀN LINK MỘT LẦN.
Tác giả sẽ lưu thông tin đăng ký và lên kế hoạch tái bản sớm vào cuối năm nay. Xin thông báo giúp với các đồng nghiệp, sinh viên đặt sách gốc duy nhất tại trang này.

Dưới đây là “Lời giới thiệu” về cuốn sách của tác giả.

Lời giới thiệu

Dược lâm sàng là lĩnh vực thực hành ngày càng được chú trọng phát triển tại Bệnh viện vì đóng góp hiệu quả của nó trong việc tối ưu hiệu quả, an toàn và kinh tế trong sử dụng thuốc. Đây cũng là lĩnh vực mới mẻ của ngành Dược tại Việt Nam. Cuốn sách “Kỹ năng lâm sàng dành cho Dược sĩ” này với mục tiêu chính là cung cấp các thông tin về các kỹ năng cơ bản để dược sĩ triển khai các hoạt động dược lâm sàng lấy bệnh nhân làm trọng tâm (patient-focused pharmacy practice) tại bệnh viện. Để có thể thực hiện việc chăm sóc dược cho từng cá thể bệnh nhân, đòi hỏi dược sĩ phải hiểu rõ môi trường làm việc chính của mình là bệnh viện và các khoa lâm sàng. Trong đó, dược sĩ đòi hỏi phải tham gia đi bệnh phòng; hợp tác với bác sĩ, điều dưỡng; trao đổi trực tiếp với bệnh nhân. Để triển khai chăm sóc dược hoàn chỉnh cho một bệnh nhân, dược sĩ cần nắm rõ kỹ năng giao tiếp, khai thác tiền sử thuốc, điều soát thuốc cùng bác sĩ, có khả năng thu thập và diễn giải các kết quả lâm sàng và cận lâm sàng từ hồ sơ bệnh án để phân tích dược, có khả năng báo cáo ca lâm sàng để trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp. Một kỹ năng không thể thiếu là dược sĩ cần thông thạo trong việc tìm kiếm và cung cấp thông tin thuốc. Đồng thời dược sĩ cũng cần tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và thực hành nghề nghiệp khi triển khai chăm sóc dược. 
Cuốn sách này gồm có 12 bài: 

  1. Mô hình và các hoạt động Dược lâm sàng 
  2. Môi trường làm việc của dược sĩ lâm sàng
  3. Kỹ năng giao tiếp dành cho dược sĩ 
  4. Khai thác tiền sử dùng thuốc 
  5. Điều soát thuốc
  6. Kỹ năng đánh giá lâm sàng 
  7. Kỹ năng đánh giá cận lâm sàng
  8. Phân tích dược 
  9. Kỹ năng báo cáo ca lâm sàng
  10. Tư vấn sử dụng thuốc
  11. Kỹ năng tìm kiếm và cung cấp thông tin thuốc 
  12. Nguyên tắc đạo đức và thực hành nghề nghiệp trong chăm sóc dược

Dưới đây tóm tắt nội dung chính của mỗi bài.

Bài 1: Mô hình và các hoạt động Dược lâm sàng.
Bài này với mục tiêu giới thiệu cho Dược sĩ cái nhìn tổng quát về các hoạt động chính mình cần làm, nắm bắt xu hướng phát triển chính của DLS để đón đầu triển khai cũng như các năng lực chính mà dược sĩ lâm sàng cần phấn đấu. 
Nội dung bài 1 gồm: giới thiệu các mô hình và các hoạt động DLS trên thế giới, và đề xuất Mô hình DLS “Vuông Tròn” tại Việt Nam, cũng như miêu tả các xu hướng chính phát triển DLS hiện nay. Chương 1 còn điểm qua các vai trò chính và năng lực chính của một dược sĩ lâm sàng cần có để hoàn thành công việc chăm sóc dược của mình.

Bài 2: Môi trường làm việc của dược sĩ lâm sàng 
Bài này với mục tiêu giới thiệu các thông tin chính về môi trường làm việc tại bệnh viện mà một dược sĩ lâm sàng cần nắm. 
Nội dung bài 2 gồm: giới thiệu ngắn gọn các loại cơ sở khám, chữa bệnh theo tuyến mà dược sĩ có thể làm việc, cách chi trả bảo hiểm y tế cho bệnh nhân, đặc điểm chính về nhóm chăm sóc y tế mà dược sĩ là một thành viên trong đó, đặc điểm của môi trường bệnh nhân nội trú, và bệnh nhân ngoại trú.

Bài 3. Kỹ năng giao tiếp dành cho dược sĩ
Một kỹ năng quan trọng của dược sĩ lâm sàng là kỹ năng giao tiếp, với nhân viên y tế và với bệnh nhân. 
Nội dung bài 3 gồm: giới thiệu một số kỹ năng trong giao tiếp quan trọng, mô tả được một số rào cản trong giao tiếp và cách khắc phục, phân tích được một số khó khăn và biện pháp khắc phục trong một số tình huống giao tiếp đặc biệt (như bệnh nhân nhi, cao tuổi, bệnh nhân từ các nền văn hóa khác nhau), cũng như mô tả các tình huống giao tiếp giữa dược sĩ với nhân viên y tế.

Bài 4. Khai thác tiền sử thuốc
Bước đầu tiên khi chăm sóc dược cho bệnh nhân là dược sĩ trực tiếp phỏng vấn bệnh nhân để khai thác tiền sử thuốc. 
Nội dung bài 4 gồm: mô tả được các bước của quy trình phỏng vấn tiền sử thuốc, liệt kê các loại thông tin thu thập được trong khi phỏng vấn tiền sử thuốc, giới thiệu các cách ghi chép tiền sử thuốc dùng biểu mẫu chuẩn, định dạng SOAP và định dạng tự do.

Bài 5. Điều soát thuốc
Điều soát thuốc (medication reconciliation) là một quá trình nhằm thu thập thông tin dùng thuốc của bệnh nhân trước khi nhập viện và so sánh chúng với đơn thuốc hiện tại tại bệnh viện để phát hiện ra những sự khác biệt và xử lý.
Nội dung bài 5 gồm: Liệt kê các đối tượng và thời điểm điều soát thuốc, Mô tả các bước của quy trình điều soát thuốc, Liệt kê các bước để tiến hành một tiền sử thuốc tốt nhất, Mô tả mô hình điều soát thuốc tiến cứu và hồi cứu. Bài này còn cung cấp các biểu mẫu phục vụ cho hoạt động điều soát thuốc. 

Bài 6: Kỹ năng đánh giá lâm sàng
Khi phân tích một ca lâm sàng, dược sĩ cần có kỹ năng diễn giải được các kết quả khám lâm sàng của bác sĩ. 
Nội dung bài 6 gồm: Trình bày 4 kỹ năng khám lâm sàng cơ bản: nhìn, nghe, gõ, sờ; Giới thiệu một số dụng cụ khám lâm sàng cơ bản; Kỹ năng đánh giá và diễn giải 4 dấu hiệu sinh tồn; Diễn giải kết quả khám lâm sàng của các hệ cơ quan: da, đầu, mắt, tai mũi họng, hô hấp, tim mạch, bụng, sinh dục-tiết niệu, cơ xương khớp, thần kinh.

Bài 7: Kỹ năng đánh giá cận lâm sàng
Khi phân tích một ca lâm sàng, dược sĩ cần có kỹ năng diễn giải được các kết quả cận lâm sàng của bệnh nhân. 
Nội dung bài 7 gồm: Trình bày được nguyên tắc của một số xét nghiệm/thủ thuật cận lâm sàng: sinh thiết, siêu âm, nội soi, X quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp động mạch, chọc dò.; Trình bày ý nghĩa của một số xét nghiệm/thủ thuật cân lâm sàng đánh giá các hệ cơ quan: Tim mạch, Nội tiết, Tiêu hóa, Hô hấp, Thận, Thần kinh, Huyết học, Miễn dịch, Nhiễm khuẩn, Dinh dưỡng và các Dấu ấn sinh học.

Bài 8: Phân tích dược
Dược sĩ cần có kỹ năng phân tích một ca lâm sàng để phát hiện các vấn đề liên quan thuốc, đề xuất can thiệp dược và triển khai kế hoạch chăm sóc dược.
Nội dung bài này gồm: trình bày các bước phân tích dược, giới thiệu 3 mức độ phân tích dược tùy theo lượng thông tin thu thập được, cung cấp các yếu tố nguy cơ gặp vấn đề liên quan thuốc để tập trung phân tích dược ở các đối tượng nguy cơ cao, phân tích các loại vấn đề liên quan thuốc và can thiệp dược chính, hướng dẫn cách ghi chép can thiệp dược trong hồ sơ bệnh án theo SOAP và ghi chép theo mẫu lưu tại Khoa Dược. Cuối bài có giới thiệu các công cụ giúp hỗ trợ phân tích dược và rà soát vấn đề liên quan thuốc (đặc biệt cho nhi khoa và lão khoa).

Bài 9: Kỹ năng báo cáo ca lâm sàng
Trong nhiều tình huống, dược sĩ được yêu cầu báo cáo ca lâm sàng miệng hoặc giấy để trao đổi chuyên môn với nhân viên y tế khác. 
Nội dung bài này gồm: giới thiệu cách đọc một cuốn hồ sơ bệnh án, trình tự các nội dung khi báo cáo ca lâm sàng, các nguyên tắc khi báo cáo ca lâm sàng miệng và giấy.

Bài 10: Tư vấn bệnh nhân về thuốc
Để tăng kiến thức, kỹ năng và tuân thủ điều trị cho bệnh nhân, dược sĩ có vai trò quan trọng là tư vấn bệnh nhân về thuốc. 
Nội dung bài này gồm: Trình bày được các đối tượng bệnh nhân cần tư vấn thuốc; Trình bày các bước tư vấn thuốc cho bệnh nhân; Giới thiệu các nội dung tư vấn thuốc cho bệnh nhân; và Phân tích 3 tình huống tư vấn chính: tư vấn thuốc theo đơn, tư vấn thuốc không theo đơn, và tư vấn để giải quyết vấn đề không tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

Bài 11: Kỹ năng tìm kiếm và cung cấp thông tin thuốc
Dược sĩ thường xuyên phải tìm kiếm và cung cấp thông tin thuốc cho nhân viên y tế cũng như bệnh nhân. 
Nội dung bài này gồm: Liệt kê các loại câu hỏi thông tin thuốc thường gặp trên lâm sàng; Trình bày các bước chính để trả lời một câu hỏi thông tin thuốc; Trình bày các chiến lược tìm kiếm thành công dữ liệu trong y văn; Phân biệt và đánh giá thông tin cấp 1, cấp 2 và cấp 3; Trình bày các tiêu chuẩn đánh giá nguồn thông tin từ một trang website; Trình bày các tiêu chuẩn đánh giá nguồn thông tin từ một bài báo nghiên cứu và một bài báo tổng quan; Mô tả cách trình bày để trả lời câu hỏi thông tin thuốc.

Bài 12: Nguyên tắc đạo đức và thực hành nghề nghiệp trong chăm sóc dược
Khi thực hành chăm sóc dược, trách nhiệm và vai trò của dược sĩ tăng lên cũng là lúc dược sĩ cần tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và thực hành nghề nghiệp.
Nội dung bài này gồm: giới thiệu các nguyên tắc đạo đức và thực hành nghề nghiệp trong chăm sóc dược. 
Hy vọng cuốn sách sẽ là một tài liệu đào tạo, thực hành, tham khảo hữu ích cho các dược sĩ bệnh viện, sinh viên dược đam mê dược lâm sàng trên cả nước. 
Tất cả vì sự phát triển của Dược lâm sàng Việt Nam!

TS.DS. Võ Thị Hà

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2 Comments

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.