Menu

Mối quan hệ giữa bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng

TS.DS. Võ Thị Hà

 

Ở góc nhìn vĩ mô, một hệ thống y tế trong đó các cơ quan, đơn vị phối hợp nhịp nhàng thì chất lượng chăm sóc y tế mới cải thiện nhanh chóng. Ở góc nhìn vi mô, việc làm việc nhóm ăn ý, tương hỗ nhau giữa các nhân viên y tế, đặc biệt là giữa 3 thành tố nòng cốt là bác sĩ – dược sĩ – điều dưỡng, đóng vai trò thiết yếu để có thể chăm sóc y tế cho bệnh nhân được tối ưu.

Bác sĩ là người chịu trách nhiệm cao nhất để đưa ra quyết định chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ là người có nền tảng kiến thức bao quát nhất (từ giải phẫu, sinh lý, bệnh lý, chẩn đoán, điều trị) chịu trách nhiệm thu thập tất cả các thông tin liên quan đến bệnh nhân để có thể đưa ra quyết định điều trị hợp lý nhất. Các thông tin thu thập đến từ trao đổi với bệnh nhân, thu thập từ đơn thuốc, bệnh án, cũng như trao đổi thông tin từ dược sĩ và điều dưỡng.

Dược sĩ là một chuyên gia được đào tạo chuyên sâu về thuốc, chịu trách nhiệm tìm hiểu sâu việc tối ưu dùng thuốc cho từng bệnh nhân cụ thể: như chọn thuốc, liều dùng, đường dùng, hướng dẫn cách dùng và theo dõi – kiểm soát tác dụng có hại của thuốc. Việc dùng thuốc đang ngày càng trở nên phức tạp do số lượng thuốc trên thị trường ngày càng phong phú về chủng loại, dạng bào chế; bệnh nhân thường phải dùng nhiều thuốc điều trị một lúc nên nguy cơ gặp tương tác giữa các thuốc rất cao; số lượng bệnh nhân mạn tính đòi hỏi dùng thuốc điều trị cả đời có xu hướng tăng nhanh trong khi việc sử dụng thuốc hợp lý ở đối tượng này còn rất nhiều sai sót. Vì vậy, vai trò của người dược sĩ trong việc hỗ trợ bác sĩ, điều dưỡng cũng như bệnh nhân trong việc tư vấn sử dụng thuốc hợp lý ngày càng được đề cao. Tại Mỹ, kể từ năm 1997, toàn bộ các Trường đại học dược Mỹ bắt buộc phải chuyển đổi từ hệ đào tạo cử nhân (hệ 5 năm) sang hệ đào tạo PharmD (hệ 6 năm) nếu muốn được cấp chứng chỉ hành nghề dược. Và trong chương đào tạo dược sỹ, các môn học lâm sàng và sử dụng thuốc được tăng cường tối đa. Các dược sĩ tại Mỹ sau khi tốt nghiệp đa số làm việc tại nhà thuốc, phần còn lại làm việc tại các bệnh viện.

Ở Việt Nam, chương trình đào tạo dược sĩ hiện tại vẫn duy trì đào tạo 5 năm. Thời gian học các môn lâm sàng và sử dụng thuốc cũng có xu hướng tăng lên giống như của thế giới, tuy có chậm hơn. Tuy nhiên, để bảo đảm đào tạo dược sĩ có năng lực lâm sàng và kiến thức về thuốc đủ vững để có thể làm việc nhóm với bác sĩ, điều dưỡng, và bệnh nhân, trong chương trình đào tạo dược sĩ cần phải: tăng hơn nữa thời gian dạy các môn lâm sàng và sử dụng thuốc, tăng thời gian đi thực tập tại nhà thuốc và bệnh viện, áp dụng các phương pháp học tích cực (thảo luận nhóm, học dựa theo tính huống – vấn đề).

Điều dưỡng là người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiều nhất, chịu trách nhiệm chăm sóc y tế, cho bệnh nhân dùng thuốc và tư vấn cho bệnh nhân. Khối lượng công việc của một điều dưỡng thường nặng nề, vất vả và áp lực. Do đó, điều dưỡng có lẽ là thành viên dễ bị tổn thương nhất trong nhóm nhân viên y tế. Vì vậy, người điều dưỡng rất cần sự hợp tác chặt chẽ của bác sĩ và dược sĩ để có thể hoàn thành tốt công việc của mình. Mặt khác, bác sĩ và dược sĩ cũng rất cần điều dưỡng vì điều dưỡng là người tiếp xúc bệnh nhân nhiều nhất, có thể cung cấp cho bác sĩ và dược sĩ nhiều thông tin quan trọng.

Nếu ví hệ thống y tế giống như lĩnh vực hàng không, để có thể lái chiếc máy bay đưa bệnh nhân từ nơi nguy hiểm tính mạng đến nơi an toàn (khỏi bệnh và không bị tác dụng có hại của thuốc), thì không thể thiếu sự hợp tác giữa bác sĩ đóng vai trò là một phi công trưởng, dược sĩ (phi công phụ lái) và các điều dưỡng (các nữ tiếp viên). Để có thể làm việc nhóm được nhịp nhàng, hiệu quả, thì mỗi thành viên của nhóm phải:

  • Hiểu được sứ mạnh chung của mỗi thành viên là sự an toàn và hiệu quả điều trị cho người bệnh.
  • Tôn trọng vai trò, năng lực và đóng góp của các thành viên khác nhau trong nhóm. Không phân biệt đối xử về vị trí công tác giữa các thành viên, giữa những người giỏi hoặc kém hơn mình.
  • Giao tiếp, trao đổi thông tin thường xuyên, cởi mở với nhau. Duy trì sự đối thoại tích cực trên tinh thần xây dựng trong công việc hàng ngày như hội chẩn, sinh hoạt chuyên môn khoa học, trao đổi những vấn đề liên quan người bệnh.
  • Có thiện chí giải quyết, hỗ trợ về mọi vấn đề trong quá trình làm việc.

Để có thể đạt được điều đó, trong chương trình đào tạo ở nhiều nước đã triển khai dạy chung một số môn cho cả sinh viên y, dược, điều dưỡng. Các bạn sinh viên được giao các bài tập nhóm để làm chung. Qua đó, các bạn sinh viên sớm làm quen với nhau, biết được vai trò – điểm mạnh – điểm yếu của nhau  cũng như tập các kĩ năng làm việc nhóm. Các nghiên cứu đều cho thấy với phương pháp đào tạo chung này đã có tác dụng tích cực nâng cao khả năng làm việc nhóm của các sinh viên này sau khi ra trường.

Trong nghề y, việc phối hợp giữa các nhân viên y tế, đặc biệt giữa bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng có ý nghĩa quan trọng nhằm cứu chữa người bệnh một cách kịp thời và có hiệu quả cao nhất. Là nhân viên y tế, dù ở bất kì lĩnh vực nào cũng mang trong mình mong muốn cao nhất và duy nhất là mỗi lần bệnh nhân sử dụng dịch vụ y tế, cũng giống như đi một chuyến máy bay đều có một chuyến bay an toàn và bình yên.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.