Menu

Tài liệu tham khảo trong hoạt động Dược lâm sàng – Thông tin thuốc

Ds. Phạm Công Khanh – BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng

Dược sĩ làm công tác dược lâm sàng tại bệnh viện, bên cạnh kiến thức được đào tạo trong nhà trường, đòi hỏi phải có khả năng tìm kiếm, chọn lọc và đọc nhiều tài liệu tham khảo khác, vừa để trau dồi cho bản thân, đồng thời để có thể giải đáp được nhiều câu hỏi phong phú của bác sĩ, điều dưỡng trong thực hành lâm sàng. Những câu hỏi thường gặp bao gồm: liều thuốc cho một đối tượng đặc biệt (trẻ em, PN mang thai và cho con bú, suy thận,…), tương tác thuốc, tương hợp – tương kỵ trong pha chế,…Trước thực tế nhiều đồng nghiệp tại các bệnh viện còn bỡ ngỡ trong việc lựa chọn một tài liệu tham khảo phù hợp, bằng kinh nghiệm thực hành dược lâm sàng những năm qua, chúng tôi mạnh dạn viết bài này để giới thiệu các tài liệu chúng tôi thường sử dụng khi cần tìm kiếm thông tin.

Một danh sách tài liệu kiểu như chúng tôi trình bày sau đây thực ra đã xuất hiện trong Thông tư 31/2012 về Hướng dẫn hoạt động dược lâm sàng trong bệnh viện, tuy nhiên, trong danh sách của Thông tư có những tài liệu mà chúng tôi cho rằng khó tiếp cận được, đặc biệt là với các đồng nghiệp công tác tại bệnh viện tuyến dưới. Do đó, trong danh sách mà chúng tôi lựa chọn để giới thiệu, tiêu chí ưu tiên hàng đầu là tính sẵn có của tài liệu, nghĩa là các đồng nghiệp có thể dễ dàng mua hoặc tìm được các tài liệu này được chia sẻ miễn phí ở đâu đó (mặc dù việc làm này là vi phạm bản quyền của tác giả).

  1. Tài liệu tra cứu thông tin tổng hợp về thuốc:

Đây là các tài liệu trình bày thông tin tổng hợp về các thuốc, được xếp theo thứ tự alphabet hoặc theo nhóm dược lý. Mỗi thuốc, hay còn gọi là mỗi chuyên luận, thường đi theo một bố cục thống nhất: tên hoạt chất, biệt dược (nếu có), tính chất dược lý (dược lực học, dược động học), chỉ định, chống chỉ định, liều lượng – cách dùng, tác dụng không mong muốn, sử dụng trên các đối tượng đặc biệt, tương tác thuốc, tương hợp – tương kỵ, quá liều và xử trí. Đây là các tài liệu thường được tham khảo đầu tiên khi dược sĩ có nhu cầu về thông tin thuốc. Tuy nhiên, điểm hạn chế là các tài liệu này thường không đầy đủ khi cần đào sâu một thông tin cụ thể. Một danh sách các tài liệu nhóm này được trình bày trong Bảng 1.

2. Dược lý học:

Tài liệu về dược lý học thì không trực tiếp phục vụ cho hoạt động dược lâm sàng hàng ngày, nhưng sẽ hữu ích trong công tác đào tạo liên tục của Khoa Dược và Bệnh viện. Các tài liệu nước ngoài được giới thiệu trong phần này đều là các sách dược lý uy tín hàng đầu, được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

3. Dược lâm sàng, dược điều trị, y học nói chung:

Đây là sẽ các tài liệu quan trọng hàng đầu trong hoạt động dược lâm sàng, khi cần tham gia hội chẩn, tư vấn lựa chọn thuốc, giám sát – theo dõi việc điều trị cũng như đào tạo liên tục, tự trau dồi kiến thức cho Tổ DLS.

4. Sử dụng kháng sinh:

Quản lý sử dụng kháng sinh là trọng tâm trong công tác dược lâm sàng tại nhiều bệnh viện theo xu hướng chung hiện nay, đặc biệt là sau quyết định 772/QĐ-BYT của Bộ Y tế và khi tiêu chí C9.7 được triển khai để đánh giá chất lượng bệnh viện; trong đó, dược sĩ lâm sàng đóng một vai trò quan trọng nhất định. Cùng với đó, nhu cầu các tài liệu về kháng sinh cũng sẽ trở nên rất cần thiết. Một số tài liệu về kháng sinh được giới thiệu trong Bảng 4.

5. Tương tác thuốc:

Giám sát và phát hiện tương tác thuốc là một lĩnh vực chuyên biệt của người dược sĩ lâm sàng. Bên cạnh một số trang web kiểm tra tương tác thuốc miễn phí như Drugs.com, Medscape, cũng có một số sách điện tử để các dược sĩ tham khảo. Hơi đáng tiếc cho các dược sĩ, một nguồn tham khảo tin cậy là Micromedex Drug Interaction lại yêu cầu đóng phí để sử dụng.

6. Sử dụng thuốc cho trẻ em:

Trẻ em là một nhóm đối tượng phức tạp trong việc sử dụng thuốc, khi hiệu quả và an toàn của thuốc thường thiếu các nghiên cứu chứng minh, liều lượng cho trẻ em thì lại thường thay đổi theo độ tuổi và cân nặng. Và nhiều bác sĩ không phải chuyên khoa Nhi cũng thường lúng túng khi phải kê toa ở các bệnh nhân này. Vì vậy, chuẩn bị một số nguồn tài liệu để tham khảo khi tư vấn sử dụng thuốc trên trẻ em là cần thiết cho dược sĩ lâm sàng.

7. Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú là một vấn đề “nhạy cảm”, và cũng là một nội dung bác sĩ thường tham khảo ý kiến của dược sĩ trước khi quyết định kê đơn. Khi gặp những tình huống như vậy, thường đòi hỏi dược sĩ phải tham khảo, đối chiếu nhiều tài liệu khác nhau trước khi đưa ra câu trả lời. Một số tài liệu về hướng dẫn sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai được trình bày trong Bảng 7.

8. Sử dụng thuốc cho người cao tuổi:

Lão khoa nói chung, bao gồm cả việc sử dụng thuốc, chưa thực sự phát triển và chỉ mới được quan tâm ở Việt Nam gần đây, nên tài liệu về lĩnh vực này chưa nhiều. Điều may mắn là hiện đã có một số tài liệu nước ngoài đề cập đến việc sử dụng thuốc cho người cao tuổi mà các dược sĩ có thể tham khảo khi cần tham gia tư vấn sử dụng thuốc cho nhóm đối tượng này.

9. Sử dụng thuốc cho người suy thận – suy gan:

Hiệu chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận – suy gan là một trong các nội dung của hoạt động dược lâm sàng được quy định trong Thông tư 31/2012, góp phần đảm bảo hiệu quả và an toàn của thuốc ở những bệnh nhân mà khả năng đào thải thuốc của cơ thể đã suy giảm, tránh quá liều và ngộ độc thuốc có thể xảy ra. Điều khó khăn khi xem xét điều chỉnh liều cho các bệnh nhân này là đôi khi mỗi tài liệu lại có những hướng dẫn khác nhau, khiến bác sĩ, dược sĩ phải đọc và đối chiếu để lựa chọn được cách điều chỉnh liều phù hợp nhất cho người bệnh.

10. Phản ứng có hại của thuốc – Dị ứng thuốc – Ngộ độc thuốc:

Đây là các tài liệu mà dược sĩ cần khi muốn tìm hiểu sâu hơn về một tác dụng không mong muốn nào đó và cách để quản lý các tác dụng đó. Bên cạnh đó là các biểu hiện, triệu chứng và cách xử trí khi quá liều hay ngộ độc một thuốc/nhóm thuốc đặc biệt, rất hữu ích cho dược sĩ khi cần tư vấn cho bác sĩ ở khoa cấp cứu – hồi sức và chống độc.

11. Dược động học – Theo dõi thuốc điều trị:

Theo dõi thuốc điều trị (Therapeutic Drug Monitoring – TDM) là một nội dung chuyên sâu của công tác dược lâm sàng và còn rất mới mẻ, chỉ được triển khai ở một số ít bệnh viện tại Việt Nam, nên tài liệu tiếng Việt viết về vấn đề này cũng còn rất hạn chế. Các thuốc cần thực hiện TDM là các thuốc có cửa sổ điều trị hẹp, dễ gây độc tính cao khi dùng quá liều, ví dụ các kháng sinh vancomycin, aminoglycoside, thuốc tim mạch như digoxin, thuốc chống co giật như phenytoin, carbamazepine, phenobarbital, acid valproic,…Một số tài liệu về dược động học và theo dõi thuốc điều trị được trình bày trong Bảng 11.

12. Nghiệp vụ thông tin thuốc:

Thông tin thuốc là một trong những nội dung bước đầu khi triển khai Dược lâm sàng tại bệnh viện và có được đề cập trong giáo trình Dược lâm sàng tại các trường y dược. Điều đáng mừng là, trong năm 2016, các giảng viên Bộ môn Dược lâm sàng – Khoa Dược (ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh) đã lần đầu biên soạn cuốn sách “Thông tin thuốc”, giới thiệu một cách tương đối hoàn chỉnh về hoạt động thông tin thuốc và những vấn đề liên quan đến các dược sĩ.

13. Tương hợp – tương kỵ thuốc tiêm truyền:

Các câu hỏi về tính tương hợp – tương kỵ trong sử dụng các thuốc tiêm truyền cũng là những câu hỏi mà dược sĩ lâm sàng thường nhận được từ bác sĩ, điều dưỡng. Bên cạnh một nguồn tra cứu của Pháp đã được Việt hóa là Stabilis, thì cũng có một số tài liệu mà các dược sĩ cần có để tra cứu các thông tin kiểu như vậy, được giới thiệu trong Bảng 13.

14. Tài liệu về sử dụng thuốc theo từng chuyên khoa:

Bên cạnh những cuốn sách chung về dược lý – dược điều trị, trong từng lĩnh vực, chúng ta lại có những cuốn sách chuyên sâu về vấn đề sử dụng thuốc của lĩnh vực đó. Đây là một nguồn tài liệu tham khảo quý giá cho những dược sĩ công tác tại các bệnh viện chuyên khoa, vì những cuốn sách chuyên khảo này sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn so với các sách giáo khoa chung về dược lý hay dược lâm sàng. Những cuốn sách theo chủ đề này là rất nhiều, trong bài viết này chúng tôi chỉ giới thiệu một số cuốn tiêu biểu trong Bảng 14.

Lời kết: Xây dựng một cơ sở dữ liệu tài liệu tham khảo cho đơn vị Dược lâm sàng – Thông tin thuốc là một công việc quan trọng khi bắt đầu triển khai hoạt động Dược lâm sàng tại bệnh viện. Với bài viết trên đây, chúng tôi mong muốn giới thiệu đến các đồng nghiệp một số tài liệu tham khảo mà các dược sĩ có thể tiếp cận được, bằng bản giấy in hoặc bản điện tử, để hỗ trợ thêm cho công tác dược lâm sàng hàng ngày, và để người dược sĩ có thể trở thành một cộng sự đắc lực cho bác sĩ và điều dưỡng trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.