Menu

TÔI ĐI LÀM DƯỢC LÂM SÀNG…

TÔI ĐI LÀM DƯỢC LÂM SÀNG…

27/2/2015

Gần 30 năm tuổi đời, 5 năm tuổi nghề…Tự thấy mình vẫn là cô dược sĩ “non trẻ” trong khu rừng DLS này. Trong chừng đó thời gian “vật vã” với công việc, nghĩ lại hóa ra mình cũng thu nhập được không ít những kinh nghiệm cả vui lẫn buồn.

Như rất nhiều dược sĩ trẻ khác, với những gì được học từ lúc còn ở giảng đường, được nghe nói về lĩnh vực DLS, được nghe các anh chị đi trước chia sẻ, mình cũng rất hăm hở khi nghe nói sẽ được làm công việc này. Thế nhưng thực tế không bao giờ là dễ dàng…

Sau bao ngày chăm chỉ làm “file đính kèm” mỗi lần có anh chị dược sĩ nào đó trong khoa đi hội chẩn, mình vô cùng háo hức khi được giao tự giải quyết một case. Đó là một bệnh nhân nữ mang thai tháng thứ 5, được chẩn đoán là viêm phúc mạc khu trú do ruột thừa vỡ mủ. Đã có kết quả kháng sinh đồ, vì là phụ nữ có thai nên mời thêm DLS phối hợp lựa chọn kháng sinh. Sau một hồi mướt mồ hôi tham khảo ý kiến, kiểm tra phân loại thuốc thai kì này nọ, mình đã quyết định sẽ đề xuất dùng ceftazidime cho bệnh nhân này. Sau 2 ngày, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân vẫn không cải thiện, khoa phòng báo lại và trưởng khoa đã phải điều một chị dược sĩ khác có kinh nghiệm lên điều chỉnh thuốc và tình trạng bệnh đã cải thiện. Bệnh nhân mang thai tháng thứ 5, thêm vào đó viêm phúc mạc là một tình trạng nhiễm trùng nặng nếu không được kiểm soát bằng kháng sinh phù hợp. Đó thực sự là một ám ảnh,một bài học mình không bao giờ quên được, nó khiến mình trở nên cẩn thận hơn mỗi khi được mời hội chẩn DLS về sau này. Đó cũng chính là bài học thôi thúc khiến mình luôn tìm đọc thật kỹ những thông tin về bệnh lý và phác đồ điều trị mỗi khi gặp một trường hợp bệnh mới gặp lần đầu. Thậm chí có những trường hợp, mình phải xin phép về kiểm tra lại thông tin thật cụ thể, chắc chắn rồi mới lên tiếp tục hội chẩn.

Có buồn, rồi cũng có vui, mình nhớ một lần được mời hội chẩn để lựa chọn kháng sinh cho một bệnh nhân nhi, chẩn đoán viêm màng não nhưng có ghi nhận dị ứng thuốc với vancomycin và ceftriaxon ở tuyến điều trị trước đó. Với phác đồ điều trị viêm màng não ở bệnh nhân này, việc lựa chọn kháng sinh thay thế gần như rất khó. Khi khai thác tiền sử với bệnh nhân, điều mâu thuẫn là mặc dù đã được ngưng kháng sinh đó vài ngày nhưng hiện tại tình trạng dị ứng vẫn tiến triển và hình thái ban dị ứng lại không phù hợp với dạng mình thường gặp khi dị ứng với 2 kháng sinh trên, người nhà cũng nói là hai ngày này không dùng thêm thuốc gì. Với nghi ngờ, mình quyết định hỏi kỹ lại người nhà một lần nữa, sau một vài gợi ý, phân tích rõ tình trạng hiện tại, cuối cùng thì mẹ bệnh nhân cũng thừa nhận là đang uống một loại thuốc được kê từ trước đó, nhưng sợ không dám nói. Loại thuốc này có hình thái dị ứng khá phù hợp với thực tế, để xác nhận lại, mình đã tìm cách liên lạc với bác sĩ điều trị ở tuyến trước đó và được thông báo là thời điểm dị ứng cũng có sử dụng thuốc này và hình thái dị ứng tương tự như mình miêu tả. Với những ghi nhận như vậy, mình mạnh dạn đề xuất với bác sĩ tiếp tục sử dụng hai loại kháng sinh trên, và kết quả là không ghi nhận thấy dị ứng trong quá trình điều trị.

Rồi cả trong khi giao tiếp, trao đổi với bác sĩ trong những ngày đầu làm việc khi được mời hội chẩn cũng không phải tất cả đều thuận lợi: có người thì bảo chỉ cần em kí vào biên bản hội chẩn cho đủ thủ tục là được, chứ em thì biết gì về lâm sàng mà ý kiến; có người thì bảo giờ hỏi em một câu, nếu trả lời đúng thì tiếp tục hội chẩn, không thì mời người khác; có lúc còn bị gọi báo với trưởng khoa khi mình không khéo léo, cẩn thận trong giao tiếp khiến bác sĩ tự ái…

Đã có những thời điểm rơi vào tình trạng mất phương hướng về vai trò, vị trí của dược sĩ lâm sàng ở đâu trong công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân khi mà ý kiến của mình bị gạt đi liên tục, khi có những cuộc hội chẩn cảm thấy mình là “người thừa” vì chẳng đóng góp được ý kiến gì trong đó.

May mắn vào lúc đó, mình đã được tham gia một buổi đào tạo về DLS của Giáo sư, Dược sĩ Hoàng Thị Kim Huyền, là một trong những cây cổ thụ của DLS Việt Nam. Chỉ là một ngày học ngắn ngủi, từ những vấn đề liên quan đến những loại thuốc thông thường, cô đã giúp mình hiểu rõ được vai trò vị trí của một dược sĩ DLS, hiểu được cách tiếp cận DLS như thế nào cho đúng.

Sau 5 năm làm việc, dù con đường trở thành một dược sĩ DLS thực thụ vẫn còn đang rất xa, nhưng cũng đã có được những bài học bổ ích cho những ngày tháng đầu tiên này.

Theo mình, điều đầu tiên quan trọng nhất khi làm công việc này chính là xác định rõ vai trò, vị trí của dược sĩ DLS là một tư vấn viên trong các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc, nghĩa là nhiệm vụ của bạn là đề xuất ý kiến và thuyết phục, còn quyền quyết định nằm ở bác sĩ điều trị. Điều này sẽ khiến bạn đỡ thất vọng khi không thống nhất được ý kiến với bác sĩ điều trị hoặc từ đó cách tiếp cận sẽ mềm mỏng hơn, tránh gây cảm giác “lấn sân”, gây cảm giác không thoải mái với bác sĩ điều trị.

Thứ 2 là cách giao tiếp, trao đổi với bác sĩ và các nhân viên y tế khác trong quá trình làm việc. Trước hết hãy lắng nghe xem bác sĩ mời DLS hội chẩn với mục đích gì: lựa chọn thuốc, điều chỉnh liều, tìm thuốc thay thế khi bị dị ứng, hay chỉ đơn giản là kí vào biên bản hội chẩn… Khi đã xác định xong, tập trung giải quyết vấn đề theo yêu cầu, ngoài ra nếu có bất kì đề xuất nào khác, thì nên gợi ý ở dạng câu hỏi để xem mức độ quan tâm của người khác đối với vấn đề mình đề xuất.

Thứ 3 chính là phải mạnh dạn trao đổi, chia sẻ thông tin trong quá trình làm việc. Khi có bất kì một trường hợp nào còn vướng mắc, hãy chia sẻ ngay với các dược sĩ khác để xem ý kiến của họ trong trường hợp này. Khi có cơ hội hãy nói chuyện với các bác sĩ điều trị, với các chị điều dưỡng, hay cả những lĩnh vực khác như vi sinh, hóa sinh, huyết học…bạn sẽ thu hoạch được những thông tin bất ngờ.

Thứ 4 chính là nguồn tài liệu tham khảo. Có hai loại: một loại chi tiết đầy đủ nhưng cồng kềnh, không phải lúc nào cũng mang theo bên cạnh; một loại nhỏ gọn, tiện dụng nhưng thông tin lại khá ngắn gọn. Những tài liệu có tính tin cậy cao, uy tín, cập nhật thường đều đòi hỏi phải trả một chi phí khá lớn. Để có được những tài liệu này với thu nhập vô cùng “hạn chế” như mình thì cách duy nhất là mạnh dạn “xin xỏ”. Nghe chỗ nào có sách hay, có tài liệu tốt là mình xin ngay, bất kể là ai. Một kinh nghiệm nho nhỏ nữa là để hạn chế tối thiểu tình trạng “đứng hình” khi đi hội chẩn do gặp phải vấn đề mình chưa biết hoặc chưa có kinh nghiệm thì hành trang của một dược sĩ DLS nhất thiết phải có là: một điện thoại smartphone có đăng ký kết nối và cài đặt một số phần mềm miễn phí như: medscape… và nếu có điều kiện thì xin xỏ thêm được những quyển dạng bỏ túi, tra cứu nhanh như “The Sanford Guide to Antimicrobial Therapy”…

Kinh nghiệm thứ 5: Ở Việt nam hầu hết các DS đều hoạt động DLS kiêm nhiệm, nên không phải lúc nào cũng có mặt ở khoa lâm sàng. Nếu có điều kiện, hãy xem lại những bệnh nhân mà mình đã được mời hội chẩn vài ngày sau đó. Điều này sẽ giúp mình đánh giá được hiệu quả của tư vấn mình đưa ra trước đó. Có nhiều khi cùng một tình trạng bệnh nhưng đáp ứng điều trị ở người này mà lại không hiệu quả với người khác. Thêm vào đó, việc mình theo dõi bệnh cũng khiến cho bác sĩ có cái nhìn thiện cảm hơn và hợp tác với mình tốt hơn.

Và cuối cùng, dù trang bị đầy đủ tâm lý và kiến thức thế nào thì cũng sẽ có lúc thất bại hoặc hiệu quả công việc không đánh giá được một cách rõ ràng sẽ làm bạn nản lòng, vậy thì phương thuốc cuối cùng chính là sự kiên trì và nổ lực không ngừng. Mình vẫn còn nhớ một bác sĩ đã từng nói, hàng tháng đều chờ xem “Tập san thông tin thuốc” của tổ DLS, không phải vì mong chờ nội dung trong đó, mà là vì tò mò muốn xem thử tại sao hàng loạt tập san khác ra vài số rồi thôi còn cái tập san này nó tồn tại lâu đến thế. Mình luôn tâm niệm “Hạnh phúc là con đường đi đến chứ không phải là đích đến” nên luôn tự nhủ nổ lực hàng ngày, tiếp tục cố gắng và tin tưởng vào một tương lai khởi sắc hơn của DLS.

DS. Nguyễn Thị Quỳnh Trang, BV Đa Khoa Đà Nẵng

Bài sẽ được đăng trong Tập san “Nhịp cầu Dược lâm sàng” số 2 tới. 

 

2 Comments

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.