Menu

Buồn nôn/nôn và những điều cần biết

Trích từ cuốn sách “Sổ tay tư vấn dành cho dược sĩ nhà thuốc – 30 triệu chứng thông thường” của TS.DS. Võ Thị Hà

Giới thiệu ·         Buồn nôn là một thuật ngữ chung mô tả cảm giác muốn nôn ở dạ dày, có hoặc không kèm theo nôn. Buồn nôn thường xảy ra trước khi nôn.

·         Buồn nôn không phải một bệnh, mà là một triệu chứng của nhiều rối loạn khác nhau ở 3 phần sau của cơ thể: Cơ quan ở bụng và vùng chậu, não và dịch não tủy, trung tâm cân bằng ở tai trong.

·         Nguyên nhân gây buồn nôn:

–  buồn nôn trong thai kì ở phụ nữ,

–  tác dụng phụ của thuốc như hóa trị liệu ung thư, một số kháng sinh nhóm fluoroquinolone, cotrimoxazol, aspirin, NSAID, oestrogen, các thuốc có dẫn xuất steroid, opioid, quá liều digoxin

–  đường máu thấp, ngộ độc thức ăn, say tàu xe, căng thẳng, ăn quá no, u não, loét dạ dày…

Các câu hỏi dành cho bệnh nhân ·         Buồn nôn từ khi nào ?

·         Có kèm nôn ?

·         Có đang dùng thuốc gì không ?

·         Việc ăn uống có gì bất thường không ?

·         Có triệu chứng gì bất thường khác ?

Triệu chứng bệnh ·         Khó mô tả triệu chứng bệnh nhưng có cảm giác không thoải mái, không đau đớn nhưng có cảm giác buồn nôn ở vùng mặt sau cổ họng, ngực hoặc vùng bụng trên. Cảm giác có thể kèm chán ăn và sự thôi thúc nôn.
Trường hợp cần đi khám bác sĩ ·         Trẻ < 2 tuổi bị nôn (có nguy cơ mất nước nguy hiểm).

·         Người trưởng thành nôn ≥ 2 ngày hoặc nôn kèm tiêu chảy hơn 1 ngày.

·         Nôn mãn tính (có thể là dấu hiệu loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày).

·         Dịch nôn có mùi phân (vì có thể đường tiêu hóa bị tắc nghẽn).

·         Nôn ra máu

·         Nôn kèm bất kỳ triệu chứng sau: sốt, tiêu chảy, đau đầu nặng hoặc cứng cổ, đau bụng, thay đổi hành vi

·         Thở nhanh hay mạch nhanh

·         Nghi ngờ có thai hay ngộ độc

·         Chấn thương gần đây

Điều trị

·         Bệnh nhân bị nôn nên được đưa tới khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống nôn nếu cần thiết.

·         Các cần nhắc khi chọn thuốc OTC phòng và trị buồn nôn/nôn bao gồm tuổi, bệnh nhân có thai hay cho con bú, các tình trạng bệnh lý khác, các thuốc hiện tại đang dùng.

·         Bù dịch: Dược sĩ có thể bắt đầu bằng liệu pháp bù dịch trong thời gian chờ đợi. Dấu hiệu mất dịch bao gồm khát nước hơn so với bình thường và tiểu ít hơn so với bình thường, khô miệng và lưỡi, mắt sũng, nhịp tim nhanh, sức căng da giảm. Trẻ em và người già là những đối tượng có nguy cơ cao nhât bị mất nước do hậu quả của nôn.

·         Các thuốc kháng acid, kháng H2, bismuth subsalicylate và dung dịch carbohydate phosphat: Trong một số tình huống, các thuốc kháng acid, kháng H2, bismuth subsalicylate và dung dịch carbohydate phosphat có thể dùng để giảm triệu chứng nôn liên quan đến ăn quá nhiều.

–  Bismuth subsalicylate: giúp tạo lớp bao dạ dày; có thể làm phân, miệng đen; vì bismuth subsalicylate có chứa salicylate nên không sử dụng cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng aspirin, không sử dụng cho trẻ em bị nhiễm virus như cúm, thuỷ đậu vì nguy cơ gặp hội chứng Reye.

–  Dung dịch Carbohydate phosphat còn dùng để giảm buồn nôn/nôn liên quan đến rối loạn dạ dày gây bởi viêm dạ dày-ruột do virus hay say do tàu xe. Bệnh nhân nên được khuyên dùng mỗi 15 phút cho đến khi triệu chứng thuyên giảm, không quá 1h hoặc quá 5 liều. Để tăng hiệu quả, không nên pha loãng dung dịch này. Bởi vì lượng fructose và glucose cao, bệnh nhân không dung nạp với fructose và đái tháo đường không nên dùng dung dịch carbohydare phosphat.

·         Một số kháng histaminH1: Dimenhydrinat, Diphenhydramine, Meclizine, Cyclizine, Prochlorperazine, cinnarizine có thể giúp phòng buồn nôn và nôn gây bởi vấn đề ở tai hay say tàu xe.Thuốc kháng histamin có tác dụng làm dịu đi cảm giác chuyển động của tai trong. Không nên dùng kháng histamin cho trẻ ≤ 2 tuổi như dimenhydinate và diphennhydramine. Cyclizine không nên dùng cho trẻ dưới 6 tuổi; meclizine và bismuth subsalicylate không nên dùng cho trẻ dưới 12 tuổi. Bệnh nhân nên dùng ít nhất 30-60 phút trước trước khi đi tàu xe.

·         Hyoscine: một thuốc kháng acetylcholine có tác dụng chống co thắt đường tiêu hóa, trị nôn tốt gây ra bởi vấn đề ở tai hay say tàu xe. Có dạng đơn thành phần hoặc phối hợp với Meclizin. Thuốc OTC đòi hỏi hàm lượng ≤ 20mg/đơn vị.

·         Ngậm kẹo bạc hà hoặc nhai kẹo cao su bạc hà hay gừng: bạc hà có thể làm giãn sự co thắt dạ dày.Gừng đã được chứng minh là có hiệu quả trong thử nghiệm nghiên cứu chống buồn nôn và nôn khi mang thai.

·         Thuốc kê đơn trị nôn: ondansetronmetoclopramide, prochlorperazine, domperidone

Dược liệu ·         Uống nước chanh: Vắt chanh vào cốc nước và uống ngụm nhỏ (đối vơi người không bị đau, loét dạ dày).

·         Nước gừng (đặc biệt nôn do say tàu xe): Băm nhỏ gừng và đổ vào bình nước. Có thể cho thêm lá bạc hà để có kết quả tốt hơn. Nên uống lạnh. Hoặc có thể uống 2-3 cốc trà gừng trong ngày.

Các lời khuyên ·         Acid khi nôn có thể làm hủy men rằng, nên súc miệng hoặc đánh răng sau khi nôn.

·         Ăn lượng nhỏ thức ăn và chia làm nhiều lần trong ngày để tránh no quá mức.

·         Tránh dùng rượu, café, trà.

·         Tránh những mùi hay gây nôn như mùi thức ăn, nước hoa, khói thuốc lá…

·         Dùng các thức ăn dễ tiêu hóa như súp gà, chuối, bánh quy…

Tài liệu tham khảo 1.      Blenkinsopp A et al (2014). Symptoms in the Pharmacy – A Guide to management of common illnesses 7th.

2.      George FL (2017). Approach to the adult with nausea and vomiting. Uptodate.

3.      Yvette CT (2010). Self-Treatment with OTC Antiemetics. Pharmacy Times.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.