Menu

Các rào cản trong tư vấn bệnh nhân rối loạn tâm thần

Nguồn: “Barriers to Counseling Patients With Mental Health Disorders” – US Pharm. 2016;41(11):30-33.

Link: https://www.uspharmacist.com/article/barriers-to-counseling-patients-with-mental-health-disorders

Người dịch: DS. Vũ Thị Hương – K62 Đại học Dược Hà Nội

Hiệu đính: DS. Lê Thị Liên – HV Cao học 21 – ĐH Dược Hà Nội

 

Tóm tắt: Các rối loạn sức khỏe tâm thần là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn trên thế giới. Cùng với việc gia tăng sử dụng các thuốc hướng thần và các điều trị nâng cao khác, các dược sĩ đóng một vai trò quan trọng trong đội ngũ đa ngành chăm sóc các bệnh nhân có các bệnh về tâm thần. Một trong những vai trò chính của người dược sĩ trong lĩnh vực này là tư vấn bệnh nhân đầy đủ và chi tiết về thuốc nhằm cải thiện tuân thủ điều trị và hiệu quả điều trị. Một loạt các rào cản có thể cản trở các dược sĩ trong việc tư vấn bệnh nhân rối loạn tâm thần, bao gồm bản thân người dược sĩ, bệnh nhân, hệ thống y tế, và các yếu tố văn hóa hoặc xã hội. Các can thiệp nhằm cải thiện hiệu quả điều trị bệnh nhân tâm thần nên tập trung vào việc tăng cường giao tiếp và giáo dục.

Các rối loạn sức khỏe tâm thần là một vấn đề sức khỏe lớn trên toàn thế giới, ước tính xảy ra ở khoảng 450 triệu người.1 Theo Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về các chứng rối loạn tâm thần, tái bản lần thứ 5 (DSM-5) của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, rối loạn tâm thần là một nhóm các rối loạn thường được miêu tả bằng các rối loạn điều hòa tâm trạng, suy nghĩ, và/hoặc hành vi. 2 Tại Mỹ, xấp xỉ 1/5 số người trưởng thành trải qua chứng rối loạn tâm thần trong 1 năm. 3 Mặc dù tỷ lệ cao như vậy, nhưng các rối loạn sức khỏe tâm thần vẫn chưa được nhận biết và điều trị đúng mức.4

Tư vấn thuốc

Các nhóm đa ngành, với các kỹ năng của các nhà tâm thần học, tâm lý học, y tá, dược sĩ, và các nhân viên công tác xã hội, được sử dụng trong nỗ lực cải thiện chất lượng điều trị các bệnh về tâm thần. Mặc dù sự hợp tác của các chuyên viên y tế là có hiệu quả tốt, nhưng vẫn chưa có một sự phối hợp hợp lý. Các thuốc hướng thần đóng vai trò ngày càng quan trọng trong điều trị các bệnh tâm thần. Khi việc sử dụng các thuốc phức tạp hơn tăng lên, yêu cầu đối với người dược sĩ cũng tăng lên nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả của thuốc để có hiệu quả điều trị tối ưu.5

Các dược sĩ có thể hỗ trợ các bệnh nhân nhờ hiểu rõ về bệnh và thuốc của họ, kiểm soát các tác dụng phụ và tương tác thuốc, tăng cường tuân thủ điều trị, và gợi ý cho bác sĩ về bất kỳ thay đổi điều trị nào.6 Như vậy, các dược sĩ có thể có ảnh hưởng tích cực lên hiệu quả về mặt kinh tế, hành vi, và lâm sàng liên quan tới điều trị bệnh tâm thần bằng thuốc.7

Các nghiên cứu khác nhau chỉ ra rằng các can thiệp về tư vấn sử dụng thuốc tại cộng đồng làm tăng tuân thủ điều trị với các thuốc chống trầm cảm và các thuốc chống loạn thần.8,9 Để đạt được lợi ích tối đa từ liệu pháp điều trị, tuân thủ điều trị của bệnh nhân là điều tối cần thiết.10 Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy các bệnh nhân có các bệnh về tâm thần ít được tư vấn hơn những bệnh nhân có các bệnh khác. Một nghiên cứu tiến hành ở Phần Lan kết luận rằng các dược sĩ cộng đồng ít hướng dẫn sử dụng các thuốc chống loạn thần hơn 8 nhóm thuốc điều trị khác được nghiên cứu.11 Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng sự sẵn sàng của người dược sĩ giảm xuống khi chăm sóc bệnh nhân có rối loạn tâm thần so với các bệnh về thể chất (ví dụ: bệnh hen).6 Bài báo này thảo luận một số lý do và cố gắng đưa ra một số gợi ý để cải thiện tình trạng này.

 

Bảng 1. Các rào cản đối với việc tư vấn hiệu quả cho các bệnh nhân có rối loạn tâm thần

 

Các yêu tố liên quan tới dược sĩ

  • Thiếu hiểu biết về bệnh
  • Thông tin về bệnh nhân không đầy đủ
  • Thiếu tự tin hoặc kỹ năng
  • Thái độ và niềm tin của người dược sĩ
  • Không thoải mái khi thảo luận các vấn đề về rối loạn tâm thần
  • Các kỳ vọng về vai trò chuyên môn hoặc công việc của dược sĩ
  • Động cơ kinh tế của người dược sĩ
  • Không chắc chắn/ Sự nghi ngờ về thực hiện tư vấn cho người nhà và người chăm sóc bệnh nhân
  • Nhu cầu cung cấp tư vấn chỉ dành cho các thành viên gia đình và người chăm sóc bệnh nhân
  • Thiếu hiểu biết về các mục tiêu giao tiếp
  • Kỳ vọng của dược sĩ về sự tuân thủ của bệnh nhân đối với các lời khuyên về sức khỏe hoặc hiệu quả điều trị
  • Nỗi sợ của cá nhân người dược sĩ về trách nhiệm trước pháp luật hoặc kiện tụng

Các yếu tố liên quan tới bệnh nhân

  • Bệnh nhân không muốn giao tiếp
  • Nhận thức của bệnh nhân về vai trò của dược sĩ
  • Không quan tâm tới việc nhận được tư vấn thuốc
  • Các triệu chứng của bệnh khiến bệnh nhân không thể hiểu thông tin được tư vấn
  • Các tác dụng phụ của thuốc khiến bệnh nhân không thể hiểu thông tin được tư vấn
  • Bệnh nhân đã quen thuộc với thuốc

Các yếu tố liên quan tới hệ thống y tế

 

  • Thiếu tính riêng tư tại các nhà thuốc cộng đồng
  • Thiếu thời gian
  • Vai trò của bác sĩ trong cung cấp thông tin thuốc
  • Các dược sĩ không được tiếp cận đầy đủ tiền sử bệnh của bệnh nhân
  • Ít trao đổi thông tin giữa bác sĩ và dược sĩ
  • Ít trao đổi thông tin giữa bác sĩ và bệnh nhân
  • Giá thuốc kê đơn cao

Các yếu tố văn hóa hoặc xã hội

 

  • Kỳ thị đối với các rối loạn tâm thần
  • Rào cản ngôn ngữ
  • Rào cản văn hóa

Nguồn: Tài liệu tham khảo 7,12

 

Các rào cản đối với tư vấn thuốc

Các yếu tố liên quan tới dược sĩ: Các yếu tố liên quan tới dược sĩ thường gặp nhất dường như là sự thiếu hiểu biết về bệnh cũng như thông tin hạn chế về bệnh nhân.13 Các nghiên cứu chỉ ra rằng các dược sĩ có nhu cầu được đào tạo về các kỹ năng cơ bản trong giao tiếp về mặt tâm lý xã hội cũng như các lựa chọn điều trị không dùng thuốc cho các rối loạn tâm thần.

Cụ thể, các dược sĩ có nhu cầu biết thêm các thông tin liên quan tới nguyên nhân của các bệnh tâm thần và các lựa chọn điều trị sẵn có cũng như các triệu chứng mà bệnh nhân có thể gặp và làm thế nào để nhận ra các triệu chứng này. Liên quan tới điều trị bằng thuốc, các dược sĩ có nhu cầu có thêm các thông tin về tác dụng và các phản ứng có hại của thuốc sử dụng trong điều trị các rối loạn tâm thần như trầm cảm.13 Thật không may là, có rất ít các chương trình giáo dục về sức khỏe tâm thần cho các dược sĩ được thiết kế để giải quyết khó khăn này.14,15

Một số dược sĩ có thể ngần ngại hơn khi tư vấn cho một bệnh nhân mà họ không biết rõ. Tệ hơn nữa, họ có thể giả định rằng bệnh nhân có thể cảm thấy xấu hổ khi nói về bệnh của mình và tránh hỏi quá nhiều câu hỏi. Thông tin ít ỏi về tiền sử dùng thuốc và hoàn cảnh của bệnh nhân cũng khiến các dược sĩ cảm thấy băn khoăn về việc tư vấn cho người nhà hoặc người chăm sóc bệnh nhân.

Thái độ và niềm tin của các dược sĩ cũng đóng vai trò quan trọng trong cách một dược sĩ tư vấn cho bệnh nhân. Trong khi một số nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều dược sĩ có thái độ tích cực đối với các bệnh nhân rối loạn tâm thần, điều này không phải lúc nào cũng thể hiện ra khi họ thực hành. Các nghiên cứu khác chỉ ra một thái độ tiêu cực của dược sĩ đối với nhóm bệnh nhân này. Một số ví dụ về quan điểm tiêu cực bao gồm các suy nghĩ cho rằng bệnh nhân thiếu thông minh, khó đoán và nguy hiểm.6 Hơn nữa, có sự khác nhau trong thái độ đối với các loại bệnh rối loạn tâm thần khác nhau. Trong một nghiên cứu tại Mỹ, có bằng chứng cho thấy các dược sĩ tại cộng đồng có thái độ đối với các bệnh nhân tâm thần phân liệt tiêu cực hơn đáng kể so với thái độ đối với bệnh nhân trầm cảm.6

Một số dược sĩ cho biết rằng họ không biết chắc rằng nhóm bệnh nhân rối loạn tâm thần mong muốn được họ tư vấn những gì về mặt chuyên môn. Một nghiên cứu về thái độ của các dược sĩ Hà Lan đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt cho thấy các dược sĩ không ý thức được rằng họ có vai trò rõ ràng trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Mặt khác, trên 60% bệnh nhân và người chăm sóc trong nghiên cứu này cho thấy họ muốn được cung cấp thêm thông tin về các thuốc được kê trong đơn.16

Các yếu tố khác liên quan tới dược sĩ có thể cản trở việc tư vấn hiệu quả cho các bệnh nhân rối loạn tâm thần bao gồm sự thiếu hiểu biết về mục đích của giao tiếp, mong đợi của dược sĩ đối với tuân thủ điều trị của bệnh nhân và nỗi sợ trách nhiệm trước pháp luật hoặc kiện tụng.12

Các yếu tố liên quan tới bệnh nhân: Các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân hỏi nhiều câu hỏi hơn sẽ có khả năng được tư vấn cao hơn.11 Do đó, khi bệnh nhân không muốn giao tiếp thì sẽ có khả năng không được tư vấn. Việc ngại giao tiếp của bệnh nhân có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm những kỳ thị đối với bệnh của họ, hoặc cảm giác rằng có thể câu hỏi của họ có vẻ như thiếu hiểu biết. Một số bệnh nhân có thể cảm thấy vai trò của dược sĩ chỉ là cấp phát thuốc chứ không phải đưa ra bất kỳ lời khuyên nào. Một số khác có thể không quan tâm tới việc có thêm thông tin, hoặc không nhận ra lợi ích của việc được tư vấn về thuốc với dược sĩ.7 Thêm nữa, một số bệnh nhân có thể dùng thuốc lâu ngày và do đó cảm thấy không cần thảo luận thêm về bất cứ vấn đề nào với dược sĩ khi lấy thuốc. Từ góc độ người dược sĩ, họ có xu hướng ít tư vấn hơn đối với những bệnh nhân sử dụng thuốc lâu ngày so với các bệnh nhân mới dùng thuốc.7

Vì một số rối loạn tâm thần có thể làm giảm khả năng nhận thức của bệnh nhân, nên bệnh nhân có thể không có khả năng hiểu thông tin được tư vấn. Nếu dược sĩ không thể nói chuyện với người nhà bệnh nhân hoặc người chăm sóc bệnh nhân, những bệnh này sẽ không nhận được các thông tin cần thiết để sử dụng thuốc của họ hợp lý. Một trường hợp tương tự có thể xảy ra khi các phản ứng có hại của thuốc có thể khiến bệnh nhân không hiểu rõ được thông tin mà họ nhận được.7

Các yếu tố liên quan tới hệ thống y tế: Các yếu tố liên quan tới hệ thống y tế thường gặp nhất là thiếu tính riêng tư khi tư vấn và thiếu thời gian.7,14 Các vấn đề khác bao gồm thiếu khả năng tiếp cận tiền sử bệnh và do đó không có một bức tranh toàn cảnh về tình hình bệnh tật của bệnh nhân. Nghiên cứu chỉ ra rằng trường hợp này thường gặp. Mặc dù các dược sĩ được thừa nhận như các thành viên năng động của hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, họ không phải luôn thực sự được gắn chặt với đội ngũ này.7,13,19 Giao tiếp kém giữa các thành viên trong đội ngũ này (ví dụ: dược sĩ và bác sĩ) hoặc giữa các thành viên khác của đội ngũ này với bệnh nhân có thể dẫn tới thông tin đưa tới bệnh nhân không đầy đủ. Giá thuốc cao cũng có thể khiến một số bệnh nhân không tuân thủ điều trị (ví dụ, họ có thể bỏ một liều để có thể dùng thuốc được dài ngày hơn). Nếu dược sĩ có thể phát hiện được các bệnh nhân này, họ có thể hỗ trợ bệnh nhân bằng cách đưa ra các gợi ý sử dụng các thuốc gốc, các thuốc giảm giá, hoặc các thuốc khác cùng nhóm nhưng có thể được thanh toán theo gói bảo hiểm của bệnh nhân.

Các yếu tố văn hóa hoặc xã hội: Có những kỳ thị xung quanh các rối loạn tâm thần. Điều này có thể khiến các dược sĩ cảm thấy không thoải mái khi thảo luận về bệnh với bệnh nhân, người nhà hoặc người chăm sóc bệnh nhân. Thêm nữa, các bệnh nhân có thể cảm thấy xấu hổ khi nói về bệnh của mình với dược sĩ. Một nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ có khoảng một nửa số bệnh nhân tham gia khảo sát cho rằng lạm dụng chất gây nghiện là một rối loạn tâm thần. Điều này có thể do bệnh nhân tin rằng trạng thái này là một dấu hiệu của việc tự kiểm soát bản thân kém hoặc một vấn đề mà họ tự gây ra cho bản thân hơn là một tình trạng bệnh lý.14

Các rào cản ngôn ngữ cũng được xem là một cản trở, đặc biệt khi tư vấn cho các bệnh nhân nước ngoài, như được chỉ ra trong một nghiên cứu tiến hành ở Thụy Sĩ.20 Điều này cũng có thể áp dụng với các dược sĩ tư vấn cho các bệnh nhân đến từ các nền văn hóa khác nhau. Một số nền văn hóa không chấp nhận (không cởi mở đối với) các bệnh rối loạn tâm thần và do đó bệnh nhân đến từ các nền văn hóa này có thể sẽ ít thảo luận với dược sĩ về bệnh tình của họ. Các cách giải thích văn hóa và xã hội về nguyên nhân và chẩn đoán các bệnh về tâm thần sẽ ảnh hưởng cách mà bệnh nhân tiếp cận dược sĩ và cách mà họ hiểu thông tin họ được cung cấp.

Các can thiệp trong tương lai

Các kết quả được mô tả ở đây cho thấy rõ ràng có nhu cầu về các can thiệp bởi dược sĩ nhằm cải thiện điều trị bệnh nhân rối loạn tâm thần. Vì sự thiếu hiểu biết và kỹ năng được chỉ ra trong nhiều nghiên cứu, rõ ràng cần có đào tạo mục tiêu. Điều này có thể tiến hành theo nhiều cách, bao gồm17:

  • Các chương trình đào tạo liên tục
  • Các học phần trong chương trình đại học (một nghiên cứu chỉ ra rằng đào tạo cấp cứu về sức khỏe tâm tần cho sinh viên dược giúp nâng cao tự tin của họ trong việc cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân rối loạn tâm thần);21
  • Đào tạo tại các buổi họp chuyên môn; và
  • Các buổi thảo luận nhóm nhỏ.

Các gợi ý khác bao gồm cải thiện giao tiếp giữa các thành viên trong đội ngũ y tế và phát triển các công cụ giao tiếp cho bệnh nhân nước ngoài.20

Kết luận

Dược sĩ đóng vai trò quan trọng trong tư vấn các bệnh nhân rối loạn tâm thần nhờ thảo luận về hiệu quả điều trị mong muốn và các phản ứng có hại của thuốc cũng như xác định các tương tác thuốc tiềm ẩn. Hơn nữa, họ có thể hỗ trợ lựa chọn thuốc và liều dùng hợp lý nhằm đảm bảo tuân thủ điều trị. Do nhiều rào cản khác nhau được chỉ ra trong bài báo này, các dược sĩ chưa thể đảm nhận vai trò này một cách hiệu quả. Việc áp dụng nhiều biện pháp can thiệp khác nhau để vượt qua các rào cản này được khuyến cáo nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ mà bệnh nhân rối loạn tâm thần nhận được từ dược sĩ.

REFERENCES

1. World Health Organization (WHO). Investing in Mental Health. Geneva, Switzerland: WHO; 2003. www.who.int/mental_health/en/investing_in_mnh_final.pdf. Accessed September 1, 2016.
2. American Psychiatric Association. Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition (DSM-5). Arlington, VA: American Psychiatric Publishing; 2013.
3. National Alliance on Mental Illness. Mental health by the numbers. www.nami.org/Learn-More/Mental-Health-By-the-Numbers. Accessed October 10, 2016.
4. Ormel J, Petukhova M, Chatterji S, et al. Disability and treatment of specific mental and physical disorders across the world. Br J Psychiatry. 2008;192(5):368-375.
5. Finley PR, Crismon ML, Rush AJ. Evaluating the impact of pharmacists in mental health: a systematic review. Pharmacotherapy. 2003;23(12):1634-1644.
6. Rickles NM, Dube GL, McCarter A, Olshan JS. Relationship between attitudes toward mental illness and provision of pharmacy services. J Am Pharm Assoc. 2010;50(6):704-713.
7. Aaltonen SE, Laine NP, Volmer D, et al. Barriers to medication counselling for people with mental health disorders: a six country study. Pharm Pract (Granada). 2010;8(2):122-131.
8. Brook OH, van Hout H, Stalman W, et al. A pharmacy-based coaching program to improve adherence to antidepressant treatment among primary care patients. Psychiatr Serv. 2005;56(4):487-489.
9. Valenstein M, Kavanagh J, Lee T, et al. Using a pharmacy-based intervention to improve anti-psychotic adherence among patients with serious mental illness. Schizophr Bull. 2011;37(4):727-736.
10. Chang E, Daly J, Bell P, et al. A continuing educational initiative to develop nurses’ mental health knowledge and skills in rural and remote areas. Nurse Educ Today. 2002;22(7):542-551.
11. Vainio KK, Airaksinen MS, Hyykky TT, Enlund KH. Effect of therapeutic class on counseling in community pharmacies. Ann Pharmacother. 2002;36(5):781-786.
12. Paluck EC, Green LW, Frankish CJ, et al. Assessment of communication barriers in community pharmacies. Eval Health Prof. 2003;26(4):380-403.
13. Liekens S, Smits T, Laekeman G, Foulon V. Pharmaceutical care for people with depression: Belgian pharmacists’ attitudes and perceived barriers. Int J Clin Pharm. 2012;34(3):452-459.
14. Phokeo V, Sproule B, Raman-Wilms L. Community pharmacists’ attitudes toward and professional interactions with users of psychiatric medication. Psychiatr Serv. 2004;55(12):1434-1436.
15. Maslen CL, Rees L, Redfern PH. Role of the community pharmacist in the care of patients with chronic schizophrenia in the community. Int J Pharm Pract. 1996;4(4):187-195.
16. Rijcken CA, van der Veur H, de Jong-van den Berg LT, Knegtering H. Schizophrenia care and the Dutch community pharmacy: the unmet needs. Int J Pharm Pract. 2003;11(2):97-104.
17. Rubio-Valera M, Chen TF, O’Reilly CL. New roles for pharmacists in community mental health care: a narrative review. Int Environ Res Public Health. 2014;11(10):10967-10990.
18. Raisch DW. Patient counseling in community pharmacy and its relationship with prescription payment methods and practice settings. Ann Pharmacother. 1993;27(10):1173-1179.
19. WHO. Improving Access and Use of Psychotropic Medicines. Geneva, Switzerland: WHO; 2005. www.who.int/mental_health/policy/services/10_improving%20access_WEB_07.pdf. Accessed September 1, 2016.
20. Schwappach DL, Meyer Massetti C, Gehring K. Communication barriers in counselling foreign-language patients in public pharmacies: threats to patient safety? Int J Clin Pharm. 2012;34(5):765-772.
21. O’Reilly CL, Bell JS, Kelly PJ, Chen TF. Exploring the relationship between mental health stigma, knowledge and provision of pharmacy services for consumers with schizophrenia. Res Social Adm Pharm. 2015;11(3):e101-e109.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.