Menu

Chiến lược cải thiện Tuân thủ điều trị

Các chiến lược thiết thực nhằm cải thiện sự tuân thủ của bệnh nhân đối với phác đồ điều trị

Nguồn: Imran Aslam, Steven R. Feldman. Practical Strategies to Improve Patient Adherence to Treatment Regimens. South Med J. 2015;108(6):325-331. 
Dịch: DS. Đào Thu Trang

 

Giới thiệu chung

Tuân thủ điều trị tức là dùng thuốc đúng liều và đúng khoảng cách giữa các lần dùng thuốc được kê. Việc không tuân thủ điều trị là rất phổ biến và có thể gây hậu quả đáng kể như tình trạng bệnh nặng lên, biến chứng, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết.

Tuân thủ điều trị có 3 giai đoạn: Bắt đầu dùng thuốc liều đầu tiên, tiếp tục dùng thuốc theo phác đồ và ngừng dùng thuốc khi kết thúc phác đồ. Tương tự, việc không tuân thủ điều trị có thể chia làm 3 loại: Bệnh nhân không bắt đầu dùng thuốc, bệnh nhân dùng thuốc không đúng cách và ngừng dùng thuốc khi chưa kết thúc phác đồ.

Việc tuân thủ điều trị chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: Đặc điểm bệnh nhân, giá thuốc, số thuốc dùng đồng thời, loại hình điều trị (dùng thuốc hay các biện pháp can thiệp khác), các yếu tố tâm lý và xã hội. Đã có nhiều phương pháp được đưa ra nhằm cải thiện sự tuân thủ điều trị. Nhằm hệ thống các phương pháp đó, bài báo này đưa ra mô hình tuân thủ hành vi (adherence behavior model) và niềm tin vào sức khỏe (health belief model).

Mô hình niềm tin vào sức khỏe giải thích nguyên do của các hành vi liên quan đến sức khỏe. Mô hình này đề xuất rằng các hành vi liên quan đến sức khỏe dựa trên 5 yếu tố sau: Độ nhạy cảm của bệnh nhân/độ nghiêm trọng của bệnh, những lợi ích thấy được khi thực hiện hành vi được khuyến cáo (nguy cơ mắc bệnh giảm), niềm tin của bệnh nhân về khả năng có thể thực hiện hành vi được khuyến cáo, những khó khăn khi thực hiện hành vi (tốn thời gian và tiền bạc), những dấu hiệu nhắc nhở bệnh nhân thực hiện hành vi được khuyến cáo. Đây là 5 yếu tố chính điều khiển các hành vi liên quan đến sức khỏe. Để giải quyết hiệu quả vấn đề tuân thủ điều trị, cần phải tập trung giải quyết khó khăn của từng yếu tố. Chúng tôi tìm kiếm trên Pubmed với từ khóa “patient adherence” để tìm các biện pháp cải thiện tuân thủ điều trị rồi sắp xếp các biện pháp này theo nguyên tắc của mô hình niềm tin vào sức khỏe.

Bảng 1: Mô hình niềm tin vào sức khỏe

Yếu tố 1: Độ nhạy cảm của bệnh nhân/độ nghiêm trọng của bệnh

Giáo dục bệnh nhân về bệnh

Yếu tố 2: Lợi ích thấy được

Giáo dục bệnh nhân về tầm quan trọng của điều trị

Khẳng định bệnh nhân hiểu về phương pháp điều trị

Mối quan hệ giữa cán bộ y tế – Bệnh nhân

Kế hoạch thực hiện được viết ra

Yếu tố 3: Niềm tin của bệnh nhân

Lập thời gian biểu bệnh nhân đến gặp cán bộ y tế

Trao đổi để tạo động lực cho bệnh nhân

Yếu tố 4: Khó khăn khi điều trị (thời gian, tiền bạc)

Lựa chọn liệu pháp bệnh nhân có thể chi trả được, giảm chi phí

Đơn giản hóa phác đồ điều trị

Yếu tố 5: Dấu hiệu nhắc nhở

Gọi điện thoại, nhắn tin nhắc nhở bệnh nhân đến gặp cán bộ y tế

Phần mềm nhắc nhở trên điện thoại thông minh

Gói nhắc nhở

Chiến lược giúp ghi nhớ

 

Các giải pháp thiết thực nhằm cải thiện tuân thủ điều trị

Yếu tố 1 và 2: Độ nghiêm trọng thấy được của bệnh và lợi ích thấy được của điều trị

Nhận thức của bệnh nhân về độ nghiêm trọng của bệnh và lợi ích của điều trị có ảnh hưởng lớn đến tuân thủ điều trị. Nhận thức của bệnh nhân có liên quan trực tiếp đến hiểu biết của họ về tiến trình của bệnh, và đôi khi hiểu biết của họ chưa đầy đủ. Ví dụ, bệnh nhân bị suy tim sung huyết có thể không giải thích được nguyên nhân của bệnh, ảnh hưởng của lối sống và hậu quả của bệnh tiến triển. Tăng cường giáo dục bệnh nhân giúp cải thiện hiểu biết của bệnh nhân về bệnh, lợi ích của điều trị cũng như hậu quả của việc không điều trị và nhờ đó giúp cải thiện tuân thủ điều trị. Ví dụ trong một nghiên cứu về bệnh ngưng thở khi ngủ – một bệnh mạn tính thường được điều trị bằng máy áp lực đường thở dương liên tục (CPAP) – 50% bệnh nhân tuân thủ điều trị kém với máy CPAP, 20% đến 30% bệnh nhân ngừng điều trị trong vòng 2 tuần sử dụng đầu tiên. Để giải quyết vấn đề này, bệnh nhân được cung cấp 1 tài liệu, 1 CD hướng dẫn và một buổi học 4 giờ về bệnh ngưng thở khi ngủ và máy CPAP. Tuân thủ điều chỉ đã được cải thiện so với ban đầu (12). Mặc dù việc xây dựng một bộ phận riêng chuyên đảm nhiệm giáo dục bệnh nhân là không khả thi, bệnh nhân vẫn có thể được cung cấp thông tin bằng cách cán bộ y tế giới thiệu các trang web và kênh youtobe hữu ích cũng như các buổi học về bệnh được tổ chức trong cộng đồng.

Một nghiên cứu khác cũng đã cho thấy hiệu quả của tài liệu hướng dẫn trong giáo dục bệnh nhân được cấy ghép thận về nguy cơ mắc ung thư da và cách phát hiện tổn thương sớm. Tài liệu này giải thích tại sao thuốc chống đào thải là yếu tố nguy cơ của ung thư tế bào vảy, tầm quan trọng của việc phát hiện sớm để hạn chế phải phẫu thuật và cách phát hiện các dấu hiệu sớm của ung thư tế bào vảy. Những bệnh nhân nhận được tài liệu này hiểu hơn về nguy cơ ung thư da và cải thiện tuân thủ một cách rõ rệt việc tự kiểm tra da và đến gặp bác sỹ da liễu khi phát hiện các tổn thương liên quan (13).

Để bệnh nhân hiểu được độ nghiêm trọng của bệnh và tầm quan trọng của điều trị cần phải có mối quan hệ chặt chẽ giữa cán bộ y tế và bệnh nhân. Cải thiện mối quan hệ này giúp cải thiện tuân thủ điều trị, bắt đầu bằng tạo ấn tượng đầu tiên tốt, từ khu vực tiếp tân đến phòng khám không gian phải sạch sẽ, đội ngũ nhân viên thân thiện, ân cần. Khi trò truyện, cán bộ y tế kiên nhẫn nghe bệnh nhân trình bày, tránh ngắt lời, duy trì giao tiếp bằng mắt để tạo sự gắn kết, đặt câu hỏi để hiểu rõ tình trạng bệnh nhân, giải thích chẩn đoán và kế hoạch điều trị một cách dễ hiểu, chậm rãi. Ngoài ra, cán bộ y tế nên khuyến khích bệnh nhân bày tỏ quan điểm liên quan đến tình trạng bệnh. Sự áp đặt của bác sỹ đối với bệnh nhân đã không còn phù hợp, việc tôn trọng ý kiến bệnh nhân cho thấy hiệu quả hơn và tạo thuận lợi để hợp tác điều trị.

Sự ra đời của hồ sơ y tế điện tử tạo thuận lợi cho việc cung cấp tài liệu y tế, thông tin tình trạng bệnh và đặc biệt là kế hoạch điều trị tới bệnh nhân. Sau khi phác đồ điều trị đã được lựa chọn, văn bản kế hoạch điều trị bao gồm thời gian biểu thăm khám và đơn thuốc có thể được in ra. Đây là một chiến lược rất tốt để cải thiện tuân thủ điều trị vì giúp làm giảm khó khăn trong việc ghi nhớ hướng dẫn, bao gồm tên của nhiều loại thuốc, thời điểm dùng và tác dụng của từng loại thuốc. Ví dụ đối với bệnh hen phế quản, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến cáo cung cấp cho bệnh nhân văn bản kế hoạch điều trị hướng dẫn chi tiết cách điều trị duy trì hen phế quản, cắt cơn hen cấp và xử trí các tình huống khẩn cấp (16).

Yếu tố 3: Niềm tin của bệnh nhân

Niềm tin của bệnh nhân về khả năng có thể thực hiện theo một phác đồ điều trị cũng ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị. Phác đồ điều trị lâu dài đối với bệnh mạn tính có thể khiến bệnh nhân nản chí, giảm niềm tin vào khả năng tuân thủ điều trị. Để tăng niềm tin cho bệnh nhân, có thể lên lịch thăm khám tiếp theo một vài ngày sau lần thăm khám đầu tiên. Khoảng cách ngắn hơn giữa các lần thăm khám có thể dẫn đến kết quả tốt hơn trong điều trị bệnh mạn tính, kết quả tốt nhất được ghi nhận khi khoảng cách này không quá 2 tuần (19). Ví dụ sau khi được kê một thuốc mới để điều trị bệnh mạn tính, được yêu cầu bắt đầu dùng thuốc và tái khám trong vòng 8 đến 12 tuần, ban đầu bệnh nhân có thể thấy khó có thể tuân thủ. Quay lại phòng khám sau 3 đến 7 ngày sẽ dễ thực hiện hơn, dễ tạo niềm tin cho bệnh nhân vào việc tuân thủ điều trị, làm cho bệnh nhân cảm thấy được bác sỹ quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ, tránh việc bệnh nhân từ bỏ điều trị ngay từ đầu.

Trao đổi để tạo động lực (MI) là một phương pháp khác giúp tăng niềm tin cho bệnh nhân. Đây là phương pháp tư vấn nhằm tạo nên những thay đổi trong hành vi và đã có nhiều ứng dụng thực tế trên lâm sàng, đặc biệt trên bệnh nhân không tuân thủ điều trị. Mặc dù MI là một kỹ năng đòi hỏi được đào tạo, cán bộ y tế có thể bắt đầu bằng cách học các nguyên tắc cơ bản và ứng dụng vào thực tiễn. Bảng 2 chỉ ra 4 nguyên tắc của MI, bao gồm: bày tỏ sự cảm thông, làm rõ sự không nhất quán và sự chống đối của bệnh nhân, tăng cường niềm tin cho bệnh nhân. Bày tỏ sự cảm thông bằng cách lắng nghe mà không ngắt lời bệnh nhân, thỉnh thoảng tóm tắt lại lời của bệnh nhân để cho thấy sự chú tâm. Để tạo sự thay đổi trong hành vi, đầu tiên cán bộ y tế phải giúp bệnh nhân thấy rõ sự không nhất quán giữa hành vi của họ và kết quả mong muốn. Ví dụ hành vi không tuân thủ điều trị đi ngược lại với kết quả mong muốn là cảm thấy khỏe hơn. Nếu ban đầu bệnh nhân có xu hướng chống đối, thay vì phản ứng, cán bộ y tế nên nhắc lại ý của bệnh nhân để làm rõ lý do chống đối. Việc chống đối cũng là một cơ hội để bệnh nhân tham gia vào quá trình tìm ra giải pháp cho sự tuân thủ điều trị. Một khi bệnh nhân đã tự nhận thấy rằng mình cần thay đổi, bác sỹ có thể củng cố niềm tin cho bệnh nhân bằng cách khẳng định khả năng thực hiện thay đổi và khen ngợi họ khi tình trạng bệnh cải thiện.

Bảng 2: 4 nguyên tắc của trao đổi để tạo động lực

Nguyên tắc

Mô tả

Bày tỏ sự cảm thông

Bày tỏ sự quan tâm đối với tình trạng của bệnh nhân, lắng nghe mà không ngắt lời, thỉnh thoảng tóm tắt lại lời của bệnh nhân

Làm rõ sự không nhất quán

Giúp bệnh nhân nhận ra rằng việc không tuân thủ điều trị đi ngược lại với mục đích của bệnh nhân là cảm thấy khỏe hơn

Làm rõ sự chống đối

Nhắc lại ý của bệnh nhân để làm rõ lý do chống đối, trao đổi để tìm ra giải pháp

Tăng cường niềm tin

Khẳng định khả năng thực hiện thay đổi của bệnh nhân và khen ngợi họ khi tình trạng bệnh cải thiện

 

Phương pháp trao đổi tạo động lực đã cho thấy tác dụng cải thiện tuân thủ điều trị trong nhiều nghiên cứu trên bệnh nhân dùng thuốc chống virus gây suy giảm miễn dịch, thuốc tâm thần, giúp cải thiện thói quen ăn uống và tập thể dục (22-25).  

Yếu tố 4: Những khó khăn trong điều trị

Liệu pháp điều trị nên có giá cả hợp lý. Thuốc phiên bản (generic) nên được cân nhắc sử dụng nếu có. Nếu thuốc quá đắt, bệnh nhân có thể không mua thuốc. Do sự ra tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giá cả chắc chắn là một yếu tố mà bệnh nhân cân nhắc khi quyết định điều trị. Trong một nghiên cứu, tăng chi phí ngoài bảo hiểm đi đôi với giảm tuân thủ điều trị trên bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi. Họ không dùng thuốc vì không có khả năng chi trả và đối mặt với nguy cơ biến chứng (26). Cán bộ y tế nên tìm hiểu hoàn cảnh của bệnh nhân và giới thiệu những chương trình hỗ trợ mua thuốc cho những bệnh nhân khó khăn.

Đơn giản hóa phác đồ điều trị là một nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt khi bệnh nhân có nhiều bệnh mặc kèm và phải dùng nhiều thuốc. Thuốc chứa nhiều hoạt chất là một giải pháp tiềm năng, giúp làm giảm nguy cơ không tuân thủ và được khuyến cáo dùng cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. Ví dụ thuốc dạng hít trong điều trị hen phế quản là kết hợp của nhiều hoạt chất. Một phương pháp khác là chọn thuốc dùng một lần một ngày thay vì nhiều lần một ngày. Số lần dùng thuốc càng tăng bệnh nhân càng dễ quên.

Những khó khăn khác trong điều trị bao gồm tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân không hiểu rõ hướng dẫn sử dụng, động lực và lối sống của bệnh nhân, mối quan hệ bác sỹ – bệnh nhân, thông tin liên lạc kém. Cán bộ y tế nên tìm hiểu các rào cản này và lập một kế hoạch điều trị hợp lý.

Yếu tố 5: Dấu hiệu nhắc nhở

Dấu hiệu nhắc nhở giúp bệnh nhân nhớ việc dùng thuốc. Dấu hiệu nhắc nhở đa dạng, bao gồm tin nhắn, cuộc gọi điện thoại, phần mềm nhắc nhở trên điện thoại thông minh, gói nhắc nhở, chiến lược giúp ghi nhớ (xem bảng 3). Tin nhắn và cuộc gọi điện thoại đã được sử dụng để nhắc nhở bệnh nhân về các lần thăm khám và đã cho thấy tác dụng cải thiện sự có mặt của bệnh nhân (31). Nhiều nghiên cứu sử dụng tin nhắn nhắc nhở bệnh nhân dùng thuốc cũng đã cho thấy hiệu quả cải thiện tuân thủ điều trị (32) (33). Tuy nhiên, những nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng tin nhắn nhắc nhở hàng ngày thực ra làm giảm tuân thủ điều trị có thể bởi vì khiến bệnh nhân cảm thấy phiền phức (34). Đối với từng bệnh nhân, khi cán bộ y tế cảm thấy lợi ích từ việc nhắc nhở hàng ngày, có thể dùng ứng dụng nhắc nhở dùng thuốc trên điện thoại thông minh, hộp hoặc bìa chia sẵn liều thuốc trong 7 ngày. Những phương pháp này đặc biệt có tác dụng khi bệnh nhân phải dùng đồng thời nhiều thuốc (35). Ngoài ra, bệnh nhân nên để thuốc cố định ở vị trí dễ nhìn thấy như bàn đặt đầu giường, bàn ăn, hoặc ở vị trí đặc hiệu như ở tất đối với thuốc chống nấm da chân.

Bảng 3: Dấu hiệu nhắc nhở

Nhắc nhở

Gọi điện thoại, nhắn tin nhắc nhở bệnh nhân về buổi thăm khám

 

Ứng dụng nhắc nhở dùng thuốc trên điện thoại thông minh

Chia sẵn liều

Hộp hoặc bìa chia sẵn liều thuốc trong 7 ngày

Ví trí dễ nhớ

Để thuốc cố định ở vị trí dễ nhìn thấy như bàn đặt đầu giường, bàn ăn

 

Để thuốc ở vị trí đặc hiệu như ở tất đối với thuốc chống nấm da chân

 

Bàn luận

Mô hình niềm tin vào sức khỏe là công cụ hữu ích giúp cải thiện tuân thủ điều trị. Tuy nhiên, hạn chế của mô hình này là không nhấn mạnh vai trò của các yếu tố bên ngoài như nghề nghiệp của gia đình, khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, địa vị kinh tế xã hội. Những yếu tố này khó xác định, đòi hỏi mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa cán bộ y tế – bệnh nhân và nằm ngoài khuôn khổ của bài báo này.

Thiếu thời gian để gặp gỡ bệnh nhân cũng là một thử thách mà cán bộ y tế cần đối mặt, gây khó khăn trong việc phát hiện các vấn đề về tuân thủ điều trị. Hầu hết các phương pháp được thảo luận trong bài báo này đều không tốn thời gian, tuy vẫn cần một khoảng thời gian ban đầu để tổ chức thực hiện. Ví dụ giáo dục bệnh nhân là một chiến lược quan trọng giúp cải thiện tuân thủ điều trị, được thực hiện bằng cách sử dụng các tài liệu thông tin bổ sung, các trang web giáo dục và kênh youtobe hữu ích. Việc chọn lựa và thu thập tài liệu phù hợp đòi hỏi một khoảng thời gian ban đầu và nỗ lực của cán bộ y tế, tuy nhiên một khi đã hoàn thành, tài liệu giáo dục bệnh nhân có thể được phân phát một cách hiệu quả và dễ dàng. Một chiến lược khác là cung cấp cho bệnh nhân văn bản hướng dẫn tóm tắt kế hoạch điều trị. Hồ sơ y tế điện tử đã đơn giản hóa nhiệm vụ này nhờ việc tạo ra danh sách các hướng dẫn điều trị được đánh máy trước khiến việc in ra và đưa cho bệnh nhân diễn ra nhanh hơn. Rút ngắn khoảng thời gian giữa các lần thăm khám là một chiến lược khác. Bằng việc gặp bệnh nhân sớm hơn trong liệu trình điều trị, cán bộ y tế có thể cải thiện tuân thủ điều trị cho bệnh nhân, giảm số lần thăm khám bổ sung và về lâu dài sẽ tiết kiệm thời gian.

Bài báo này tập trung vào vai trò của cán bộ y tế trong cải thiện tuân thủ điều trị. Tuy nhiên, ngoài cán bộ y tế, nhiều bên liên quan khác có quan tâm đến cải thiện tuân thủ điều trị, bao gồm y tá, chuyên gia dinh dưỡng, công ty bảo hiểm y tế, bên sử dụng lao động, công ty dược phẩm, dược sỹ. Thông thường, y tá dành nhiều thời gian nhất với bệnh nhân nên đóng vai trò quan trọng trong giáo dục bệnh nhân và giải đáp thắc mắc của bệnh nhân. Chuyên gia dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân cần giảm cân bằng cách thiết kế một chế độ ăn phù hợp và dễ dàng tuân thủ cho từng bệnh nhân.

Bảng 4: Chiến lược cho các bên liên quan để cải thiện tuân thủ điều trị

Y tá và chuyên gia dinh dưỡng

Giáo dục bệnh nhân

Công ty bảo hiểm y tế

Giảm chi phí ngoài bảo hiểm

 

Khen thưởng việc tuân thủ điều trị

Bên sử dụng lao động

Hướng dẫn y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ điều trị

 

Khuyến khích cải thiện huyết áp, cân nặng, mức cholesterol máu

 

Khuyến khích thăm khám định kỳ

Công ty dược phẩm

Phát triển các loại thuốc ít tác dụng không mong muốn hơn

 

Thuốc có giá cả hợp lý

 

Thuốc chứa nhiều hoạt chất

Dược sỹ

Đơn giản hóa chế độ liều

 

Giới thiệu chương trình hỗ trợ mua thuốc

 

Giáo dục bệnh nhân

 

Kê đơn thuận lợi cho bệnh nhân đến mua các loại thuốc vào cùng một ngày

 

Chi phí ước tính của việc không tuân thủ điều trị là khá lớn nên đây là một vấn đề mà công ty bảo hiểm y tế và bên sử dụng lao động quan tâm. Xu hướng trong chăm sóc sức khỏe là khuyến khích cải thiện các hành vi liên quan đến sức khỏe, như không hút thuốc lá và giảm cân, và có thể được áp dụng để cải thiện tuân thủ điều trị. Xu hướng này gắn thù lao cho cán bộ y tế với sự cải thiện của bệnh nhân và có thể khiến cán bộ y tế quan tâm hơn đến sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

Một vài bên sử dụng lao động đã bắt đầu thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc nhằm nâng cao ý thức về cải thiện sức khỏe. Những chương trình này rất đa dạng, có thể bao gồm huấn luyện viên sức khỏe cá nhân, giảm chi phí cho giảm cân và hạ huyết áp, hoặc tăng hình phạt đối với hút thuốc lá và tăng chỉ số cơ thể (BMI). Việc nâng cao ý thức về sức khỏe ở nơi làm việc và khuyến khích cải thiện huyết áp, đường huyết, cholesterol máu có thể giúp cải thiện tuân thủ điều trị cho bệnh nhân.

Các công ty dược phẩm cũng rất quan tâm đến cải thiện tuân thủ điều trị. Doanh thu của họ gắn liền với việc bệnh nhân mua thuốc đầy đủ theo đơn. Ngoài ra, để đánh giá sản phẩm mới, bộ phận nghiên cứu phát triển sản phẩm của các công ty này thực hiện các thử nghiệm lâm sàng đòi hỏi sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Nhà thuốc hợp tác với các công ty dược phẩm để khuyến khích bệnh nhân tuân thủ điều trị, dược sỹ và bác sỹ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nên đóng vai trò quan trọng trong cải thiện tuân thủ điều trị bằng cách tìm hiểu nỗi lo của bệnh nhân, giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc dùng thuốc. Dược sỹ có thể đơn giản hóa chế độ liều, tìm hiểu về tác dụng không mong muốn, sử dụng thuốc chứa nhiều hoạt chất khi thích hợp, giáo dục bệnh nhân về tiến trình của bệnh cũng như việc thay đổi lối sống, giới thiệu chương trình hỗ trợ mua thuốc và kê đơn thuận lợi cho bệnh nhân đến mua các loại thuốc vào cùng một ngày.

Kết luận

Cải thiện tuân thủ điều trị là một vấn đề quan trọng đối với tất cả các bên liên quan đến chăm sóc sức khỏe, từ bệnh nhân đến công ty bảo hiểm y tế, công ty dược phẩm và cán bộ y tế. Với việc chăm sóc sức khỏe lấy bệnh nhân làm trung tâm và tăng cường đánh giá sự cải thiện của bệnh nhân, việc khuyến khích tuân thủ điều trị sẽ càng được quan tâm. Vấn đề tuân thủ điều trị được đề cập chưa đầy đủ trong đào tạo y tế, cần thay đổi chương trình giảng dạy, cung cấp các khóa đào tạo chính thức về cải thiện tuân thủ điều trị cho cán bộ y tế. Bài báo này đã thảo luận nhiều chiến lược thiết thực để cải thiện tuân thủ điều trị như giáo dục bệnh nhân, cung cấp văn bản kế hoạch điều trị, rút ngắn khoảng cách giữa các lần thăm khám, đơn giản hóa phác đồ điều trị, sử dụng các chiến lược giúp ghi nhớ. Mục tiêu của cán bộ y tế là giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe một cách tối ưu nên việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tuân thủ điều trị là cần thiết.

Tài liệu tham khảo

12. Wang W, He G, Wang M, et al. Effects of patient education and progressive muscle relaxation alone or combined on adherence to continuous positive airway pressure treatment in obstructive sleep apnea patients. Sleep Breath2012;16:1049–1057.

13. Robinson JK, Turrisi R, Mallett KA, et al. Efficacy of an educational intervention with kidney transplant recipients to promote skin self-examination for squamous cell carcinoma detection. Arch Dermatol 2011;147:689–695.

16. Asthma Action Plan. http://www.cdc.gov/asthma/actionplan.html. Published 2009. Accessed May 8, 2015.

19. Miller WR, Rollnick S. Motivational Interviewing: Helping People Change. 3rd ed. New York, Guilford Press, 2013.

  1. Kemp R, Kirov G, Everitt B, et al. Randomised controlled trial of compliance therapy. 18-month follow-up. Br J Psychiatry 1998;172:413–419.
  2. Berg-Smith SM, Stevens VJ, Brown KM, et al. A brief motivational intervention to improve dietary adherence in adolescents. The Dietary Intervention Study in Children (DISC) Research Group. Health Educ Res 1999;14:399–410.
  3. Young DR, King AC, Sheehan M, et al. Stage of motivational readiness: predictive ability for exercise behavior. Am J Health Behav 2002;26:331–341.
  4. Kessler RC, Cantrell CR, Berglund P, et al. The effects of copayments on medication adherence during the first two years of prescription drug treatment. J Occup Environ Med 2007;49:597–609.
  5. Piette JD, Heisler M, Wagner TH. Problems paying out-of-pocket medication costs among older adults with diabetes. Diabetes Care 2004;27:384–391.

31. Foreman KF, Stockl KM, Le LB, et al. Impact of a text messaging pilot program on patient medication adherence. Clin Ther 2012;34:1084–1091.

  1. Tran N, Coffman JM, Sumino K, et al. Patient reminder systems and asthma medication adherence: a systematic review. J Asthma 2014;51:536–543.
  2. Yentzer BA, Gosnell AL, Clark AR, et al. A randomized controlled pilot study of strategies to increase adherence in teenagers with acne vulgaris. J Am Acad Dermatol 2011;64:793–795.
  3. Boeni F, Spinatsch E, Suter K, et al. Effect of drug reminder packaging on medication adherence: a systematic review revealing research gaps. Syst Rev 2014;3:29.
  4. Boron JB, Rogers WA, Fisk AD. Everyday memory strategies for medication adherence. Geriatr Nurs2013;34:395–401.

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.