Menu

COVID-19 và bệnh mãn tính

SVD. Huỳnh Thị Hồng Lộc, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Hiệu chỉnh: TS.DS. Võ Thị Hà – ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, BV Nguyễn Tri Phương

Một số bệnh mãn tính và COVID-19

Dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp với nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng. Vì vậy, mỗi người dân cần chủ động và nâng cao tinh thần phòng chống dịch bệnh. Điều này càng cần thiết hơn đối với những người có sẵn yếu tố bệnh tật như bệnh mãn tính, người cao tuổi, người có sức đề kháng kém vì những bệnh nhân này có thể dễ bị COVID-19 hơn, thậm chí có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng từ loại vi-rút này. Do đó, những người mắc các bệnh sau đây cần hết sức cẩn trọng:

Béo phì

Béo phì làm tăng nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19. Trong một nghiên cứu ở Pháp, tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 tiến triển nghiêm trọng cao gấp 7 lần ở bệnh nhân béo phì.

Hút thuốc

Trong một phân tích tổng hợp, những người hút thuốc có nguy cơ bị biến chứng nặng gấp 1.5 lần và có tỷ lệ tử vong cao hơn.

Nghiện rượu bia

Rượu làm suy giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng của cơ thể như COVID-19. Ngay cả khi trong một lần uống nhiều rượu bia cũng có thể làm giảm khả năng miễn dịch một cách đáng kể. Say rượu cũng có thể cản trở việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sự nhiễm trùng.

Tiểu đường

Một đánh giá có hệ thống chỉ ra rằng những người mắc bệnh tiểu đường khả năng bị các triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong do COVID-19 cao gấp 3 lần và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn đối với những người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát được.

Bệnh tim mạch

Một phân tích tổng hợp cho thấy rằng tăng huyết áp, bệnh tim mạch và bệnh mạch máu não làm tăng tỷ lệ mắc COVID-19 nghiêm trọng lần lượt là 2.3 2.9 3.9 lần. Một phân tích tổng hợp khác lại chỉ ra rằng tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do COVID-19 lên 3.5 lần.

Bệnh hô hấp

Trong một phân tích tổng hợp, bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) làm tăng nguy cơ biến chứng nặng hoặc tử vong do COVID-19. Một nghiên cứu ở Vương quốc Anh sự hiện diện của bệnh hô hấp bao gồm cả bệnh hen suyễn làm tăng nguy cơ tử vong do COVID-19.

Bệnh gan

Việc mắc bệnh gan mãn tính, chẳng hạn như bệnh gan liên quan đến rượu bia, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia và đặc biệt là bệnh xơ gan hay mô sẹo ở gan có thể làm tăng khả năng mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19.

Ung thư

Bệnh nhân bị ung thư có nhiều khả năng bị COVID-19 nghiêm trọng. Một nghiên cứu ở Vũ Hán, Trung Quốc cho thấy tỷ lệ tử vong do COVID-19 tăng đáng kể ở bệnh nhân ung thư đặc biệt là bệnh nhân bị ung thư máu.

Hội chứng Down

Việc mắc hội chứng Down có thể làm tăng khả năng mắc bệnh nghiêm trọng do

COVID-19.

Nhiễm HIV

Nhiễm HIV (Vi-rút gây suy giảm miễn dịch ở người) có thể làm tăng khả năng mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19.

Lời khuyên cho bệnh nhân mắc bệnh mãn tính

Nhìn chung, tuổi tác càng lớn thì quý vị càng mắc nhiều bệnh hơn và bệnh càng trầm trọng thì tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa COVID-19 như đeo khẩu trang, vệ sinh tay và khử khuẩn, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người kháckhai báo y tế lại càng lớn. Tiêm vắc-xin COVID-19 ngay khi có thể. Nếu quý vị đang bị bệnh mãn tính thì sau đây là một số lời khuyên mà quý vị có thể thực hiện dựa trên tình trạng bệnh của mình và các yếu tố rủi ro khác:

  • Tiếp tục dùng thuốc và tuân thủ các hướng dẫn y tế
  • Đảm bảo nguồn cung cấp thuốc trong một tháng hoặc lâu hơn nếu có thể
  • Chuẩn bị sẵn các thực phẩm để được lâu giúp đáp ứng nhu cầu về chế độ ăn dựa trên tình trạng bệnh của quý vị (ví dụ như chế độ ăn cho người bênh thận, chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường).
  • Nắm được các yếu tố kích thích bệnh của quý vị và tránh gặp phải khi có thể (ví dụ như tránh tác nhân phát tán bệnh hen bằng cách nhờ người thân vệ sinh và khử trùng nhà cửa).
  • Không trì hoãn việc tìm sự chăm sóc cấp cứu cho tình trạng của quý vị do COVID-19. Các khoa cấp cứu có kế hoạch phòng ngừa lây nhiễm để bảo vệ quý vị tránh nhiễm bệnh COVID-19 nếu quý vị cần được chăm sóc.
  • Gọi cho bác sĩ hoặc đi khám càng sớm càng tốt nếu quý vị có bất kỳ lo ngại nàovề bệnh trạng của mình hoặc nếu quý vị mắc bệnh và cho rằng mình có thể mắc COVID-19.
  • Giữ khoảng cách ít nhất một mét với những người bị ho, cảm lạnh hoặc cảm cúm
  • Bỏ thói quen hút thuốc lá và tránh áp dụng các liệu pháp liên quan đến cồn hoặc ma túy
  • Tìm hiểu về căng thẳng và cách đối phó để bảo vệ sức khỏe tinh thần. Quý vị có thể cảm thấy căng thẳng hơn trong khi diễn ra đại dịch này. Sự sợ hãi và lo lắng có thể lấn át tâm trí và gây ra cảm xúc mạnh

Một lối sống lành mạnh sẽ làm cho tất cả các chức năng của cơ thể hoạt động tốt hơn, kể cả khả năng miễn dịch. Chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả, duy trì hoạt động thể chất, bỏ hút thuốc, hạn chế hoặc tránh sử dụng rượu bia và ngủ đủ giấc là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh.

 

Tài liệu tham khảo

  1. World Health Organization and the United Nations Development Programme, 2020. COVID-19 and NCD rick factors. https://www.who.int/docs/default-source/ncds/un-interagency-task-force-on-ncds/uniatf-policy-brief-ncds-and-covid-030920-poster.pdf?ua=1
  2. World Health Organization, 2020. Information note on COVID-19 and NCDs. URL: https://www.who.int/publications/m/item/covid-19-and-ncds
  3. Centers for Disease Control and Prevention, 2021. Medical Conditions https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/need-extra-precautions/people-with-medical-conditions.html

 

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.