Menu

Điều soát thuốc

TS.DS. Võ Thị Hà

(Trích từ cuốn sách “Sổ tay dược sĩ bệnh viện – Dược lâm sàng” của tác giả sắp phát hành)

 

Mục tiêu :

– Liệt kê được đối tượng và thời điểm điều soát thuốc.

– Mô tả được các bước của quy trình điều soát thuốc

– Liệt kê các các bước để tiến hành một tiền sử thuốc tốt nhất (TSTTN)

– Thảo luận ưu điểm và nhược điểm của mô hình điều soát thuốc tiến cứu và hồi cứu.

  1. Định nghĩa

Điều soát thuốc (medication reconciliation – ĐST) là một quá trình nhằm thu thập thông tin về những thuốc mà bệnh nhân đang dùng một cách đầy đủ nhất bao gồm tên thuốc, liều dùng, tần suất dùng và đường dùng. Sau đó so sánh chúng với đơn thuốc hiện tại mà bệnh nhân được chỉ định để phát hiện ra những sự khác biệt, dẫn chứng cho những thay đổi trong việc dùng thuốc của bệnh nhân. Cuối cùng là đưa ra những chỉ định hợp lý nhất để thực hiện trên bệnh nhân.

Điều soát thuốc đòi hỏi các nhân viên y tế làm việc với bệnh nhân để bảo đảm thông tin về thuốc được trao đổi thống nhất khi có sự chuyển đổi chăm sóc. Điều soát thuốc là một phần quan trọng giúp bác sĩ đưa ra quyết định kê đơn hợp lý nhất cho bệnh nhân.

2. Tầm quan trọng của hoạt động

Các nghiên cứu cho thấy hơn một nửa các sai sót thuốc tại bệnh viện xảy ra khi có sự chuyển đổi chăm sóc của bệnh nhân như khi nhập viện, chuyển khoa điều trị/chuyển viện, xuất viện. Chính vì vậy, điều soát thuốc tập trung phát hiện và giải quyết các sai sót ở những giai đoạn chuyển tiếp điều trị này. Điều soát thuốc cung cấp những thông tin cần thiết, đầy đủ, cập nhật, đáng tin cậy về tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân, từ đó giúp bác sĩ kê đơn hợp lí hơn.

Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng của Kilcup và cộng sự tiến hành năm 2009 tại một bệnh viện ở Washington của Mỹ cho thấy hoạt động điều soát của dược sĩ làm giảm có ý nghĩa tỉ lệ tái nhập viện sau 7 và 14 ngày. Tỉ lệ tái nhập viện sau 7 ngày giảm từ 4,0% ở nhóm chứng là nhóm nhận được dịch vụ chăm sóc thông thường xuống 0,8% ở nhóm can thiệp là nhóm nhận được dịch vụ điều soát thuốc (p=0,01). Tỉ lệ tái nhập viện sau 14 ngày giảm từ 9,0% ở nhóm chứng xuống còn 5,0% ở nhóm can thiệp (p=0,04).

Điều soát thuốc được xuất hiện lần đầu tiên và trở thành một mục tiêu quốc gia về an toàn người bệnh tại Mỹ vào năm 2005. Điều soát thuốc cũng nằm trong dự án năm mục tiêu an toàn trong chăm sóc bệnh nhân “The High 5s” của WHO năm 2007.

3. Thời điểm và đối tượng bệnh nhân cần tiến hành điều soát thuốc

Điều soát thuốc nên được tiến hành bất cứ khi nào bệnh nhân có sự chuyển đổi trong việc điều trị, bệnh nhân thay đổi về nơi điều trị hoặc thay đổi giữa các lần điều trị, đồng thời khi có những chỉ định mới được thực hiện trên bệnh nhân .

Những đối tượng bệnh nhân cần tiến hành điều soát thuốc là:

  • bệnh nhân nhập viện
  • bệnh nhân được chuyển đến từ một bệnh viện khác hoặc một khoa điều trị khác
  • bệnh nhân xuất viện trở về với chăm sóc sức khỏe ban đầu (trạm y tế, tại nhà)
  • bệnh nhân ngoại trú.

Đây là những đối tượng mà tiền sử dùng thuốc trước đó của họ thường có những sự khác biệt so với chỉ định của bác sĩ.

Điều soát thuốc nên tập trung trên các bệnh nhân có nguy cơ cao gặp vấn đề liên quan đến thuốc như:

  • chế độ dùng thuốc tại nhà phức tạp
  • liệu trình điều trị kéo dài
  • người cao tuổi
  • bệnh mạn tính
  • bị đa bệnh lý

4. Quy trình điều soát thuốc

Quy trình điều soát thuốc có thể được tóm tắt bằng 3 bước cơ bản:

Bước 1: Tạo một Tiền sử thuốc tốt nhất có thể (Best Posible Medication History – TSTTN) về thuốc sử dụng của bệnh nhân bao gồm tên, liều, đường dùng, tần suất dùng.

Định nghĩa thuật ngữ:

Một “Tiền sử thuốc tốt nhất” (Best Posible Medication History – TSTTN) là một tiền sử thuốc được thực hiện bằng cách tiến hành:

  1. Một quy trình có tính hệ thống để phỏng vấn bệnh nhân và
  2. Xem xét ít nhất một nguồn thông tin tin cậy khác để thu thập và xác minh tất cả các thuốc sử dụng của bệnh nhân (thuốc cần đơn và không cần đơn).

Chất lượng của triển khai bước 1 này phụ thuộc lớn vào kỹ năng phỏng vấn của nhân viên y tế, khả năng hợp tác của bệnh nhân và khả năng truy cập các nguồn thông tin của bệnh nhân.

Thông tin liên quan thông tin gì cần thu thập, khi nào cần tiến hành và ai là người tiến hành xem bài Tiền sử thuốc. Kết quả của phần này là ghi chép “Tiền sử thuốc tốt nhất” của bệnh nhân, tóm tắt các thông tin liên quan đến thuốc sử dụng trước khi nhập viện của bệnh nhân.

TSTTN đầy đủ hơn Tiền sử thuốc sơ bộ. Bảng 1 so sánh giữa hai loại này.

Bảng 1 – So sánh Tiền sử thuốc thông thường và Tiền sử thuốc tốt nhất

Tiền sử thuốc sơ bộ Tiền sử thuốc tốt nhất (TSTTN)
Tạo một cách nhanh chóng danh sách thuốc dùng bởi bệnh nhân (ví dụ : để phân loại bệnh nhân) Thực hiện một quy trình có tính hệ thống để có tiền sử thuốc đầy đủ hơn (ví dụ : khi nhập viện)
Dùng chỉ một nguồn thông tin như chỉ phỏng vấn bệnh nhân, hoặc chỉ xem sổ khám bệnh Phỏng vấn bệnh nhân (khi có thể) và dùng ít nhất một nguồn thông tin tin cậy khác như hồ sơ bệnh án cũ, phiếu dùng thuốc, hồ sơ bệnh nhân tại nhà thuốc, sổ khám bệnh, mẫu thuốc của bệnh nhân.
Bỏ sót các thông tin quan trọng, điều này có thể gây sai sót trong kê đơn mới Một danh sách chính xác và đầy đủ các thuốc bệnh nhân dùng trước khi nhập viện

Bước 2: Đối chiếu thuốc: Dùng TSTTN để kê đơn mới hoặc so sánh TSTTN với đơn kê của bác sĩ khi nhập viện/chuyển viện hay xuất thuốc; xác định và giải quyết tất cả các khác biệt.

Các khác biệt này gồm 03 loại:

  • Khác biệt cố ý (Intentional Discrepancies): là một khác biệt trong đó bác sĩ đã cố ý lựa chọn thêm, thay đổi hay dừng một thuốc và sự lựa chọn này đã được ghi chép rõ ràng. Khác biệt này được xem là đã thực hành tốt điều soát thuốc.
  • Khác biệt cố ý không được ghi chép (Undocumented Intentional Discrepancies): là một khác biệt trong đó bác sĩ là cố ý lựa chọn thêm, thay đổi hay dừng một thuốc và lựa chọn này không được ghi chép rõ ràng. Khác biệt cố ý không được ghi chép là một thất bại trong việc ghi chép. Chúng không phải là sai sót thốc và thường không là một mối đe dọa nghiêm trọng an toàn bệnh nhân. Tuy nhiên, khác biệt cố ý không được ghi chép có thể dẫn đến nhầm lẫn, đòi hỏi tốn thêm thời gian để giải quyết và có thể dẫn đến sai sót thuốc. Chúng có thể được giảm bằng cách chuẩn hóa phương pháp ghi chép đơn thuốc khi nhập viện. Khác biệt này chiếm 25-75% tất cả các khác biệt.
  • Khác biệt vô ý (Unintentional Discrepancy): là một khác biệt trong đó bác sĩ thay đổi, thêm hay bỏ sót một cách vô ý một thuốc mà bệnh nhân đang dùng trước khi nhập viện. Khác biệt vô ý là một sai sót thuốc tiềm năng và có thể dẫn đến biến cố có hại của thuốc.

Bước 3: Ghi chép và trao đổi bất kỳ thay đổi nào trong đơn thuốc với bệnh nhân/người nhà và với nhân viên y tế chăm sóc tiếp theo.

Sơ đồ Quá trình điều soát thuốc khi nhập viện tại cơ sở y tế được trình bày trong Hình 2.

5. Mô hình điều soát thuốc

Có hai mô hình điều soát thuốc:

  • Điều soát thuốc tiến cứu: là khi TSTTN được thu thập và sử dụng để bác sĩ kê đơn thuốc đầu tiên khi nhập viện.

  • Điều soát thuốc hồi cứu: là khi TSTTN được thu thập sau khi bác sĩ đã kê đơn đầu tiên

Việc áp dụng điều soát thuốc tiến cứu hay hồi cứu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như đặc điểm bệnh nhân, nguồn nhân lực và số lượng bệnh nhân, cơ sở y tế.

Ví dụ:

  • ĐST chủ động có thể diễn ra các ngày trong tuần còn ĐST hồi cứu có thể dùng vào buổi tối và cuối tuần.
  • Những bệnh nhân cần điều trị cấp cứu như chấn thương thường sẽ tiến hành ĐST hồi cứu.
  • Cơ sở y tế ít bệnh nhân có thể ưu tiên ĐST tiến cứu hoặc cơ sở y tế có bộ phần tiếp đón trước khi khám bệnh là những nhân viên được đào tạo kỹ để thu thập TSTTN.
  • Cơ sở y tế có nhiều bệnh nhân nhập viện có thể chỉ có thể tiến hành ĐST hồi cứu

Kết luận

Sai sót thuốc được ghi nhận xảy ra phổ biến khi chuyển nơi điều trị của bệnh nhân. Điều soát thuốc giúp phát hiện và giải quyết các khác biệt trong kê đơn khi bệnh nhân chuyển nơi điều trị này. Đây là một hoạt động hiệu quả-kinh tế để giảm biến cố có hại của thuốc và đang là hoạt động dược lâm sàng được triển khai phổ biến ở các nước.

Với vai trò là các chuyên gia về thuốc, hoạt động điều soát thuốc mang lại cho dược sĩ các kiến thức, kỹ năng trong việc thu thập thông tin trên bệnh nhân, tăng cường khả năng giao tiếp giữa họ với bệnh nhân và với các nhân viên y tế khác. Qua việc đảm bảo tính liên tục trong chăm sóc bệnh nhân, điều soát thuốc cũng giúp nâng cao vai trò của dược sĩ trong thực hành chăm sóc dược và đảm bảo an toàn trong sử dụng thuốc đối với bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo:

  1. National Institute for Health and Care Excellence (2015). Medication optimisation: The safe and effective use of medicines to enable the best possible outcome.
  2. Canadian Patient Safety Institute/ISMP Canada (2017). Medication Reconciliation in Acute Care Getting Started Kit (Version 4).
  3. The Electronic Medication Reconciliation Group (2017). Paper to Electronic MedRec Implementation Toolkit, 2nd Edition. ISMP Canada and Canadian Patient Safety Institute.
  4. Phan Thị Hằng (2016). Ghi nhận một số vấn đề liên quan đến thuốc thông qua thử nghiệm hoạt động điều soát thuốc (medication reconciliation). Luận văn tốt nghiệp dược sĩ đại học. Đại học Dược Hà Nội.
  5. Hồ Quý Phương. Tầm quan trọng của đối chiếu sử dụng thuốc đối với bệnh nhân và bác sĩ. Link : http://yhct.danang.gov.vn/chi-tiet?articleId=645607

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.