Tháng Chín 27, 2016
Điều trị Hen (1)
ĐIỀU TRỊ
Phương pháp điều trị hen suyễn
CHIẾN LƯỢC ĐIỀU TRỊ
|
Hen suyễn là một bệnh mãn tính đòi hỏi phải kiểm soát môi trường sống cùng với điều trị hỗ trợ bằng thuốc. Kiến thức về dược lý của các thuốc điều trị hen suyễn là không thể thiếu trong việc hỗ trợ bệnh nhân và giảm thiểu các sai sót về tuân thủ trong sử dụng thuốc.
Ø Mục tiêu của điều trị là nhằm kiểm soát tốt cơn hen và đảm bảo chất lượng cuộc sống tối ưu (phòng ngừa các cơn hen nghiêm trọng, giảm các triệu chứng mãn tính giữa các cơn hen và duy trì cuộc sống thường ngày).
Ø Việc điều trị chủ yếu dựa trên phổ biến kiến thức về điều trị cho bệnh nhân, hạn chế các yếu tố thúc đẩy cơn hen và điều trị bằng thuốc nếu cơn hen suyễn trở nên nghiêm trọng.
Điều trị không dùng thuốc
Bất kể bệnh hen ở mức độ nào, việc điều trị chủ yếu vẫn dựa trên việc loại bỏ các yếu tố gây dị ứng (động vật, thảm lông, ve, nấm mốc), cai nghiện thuốc lá và các thuốc dễ gây ra cơn hen (thuốc chống viêm không steroid, tất cả các dạng thuốc chẹn beta, các dẫn chất của prostaglandin, thuốc trị ho …).
Điều trị bằng thuốc
Khi các biện pháp không dùng thuốc không đủ để ngăn chặn các cơn hen suyễn, cần cân nhắc bắt đầu điều trị bằng thuốc và việc này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Cần phân biệt hai dạng điều trị cơn hen, đó là :
– Điều trị cắt cơn: nhằm giảm nhanh các triệu chứng bằng cách sử dụng các thuốc giãn phế quản, thuốc chủ vận beta 2 tác dụng nhanh
– Điều trị dự phòng (điều trị nền lâu dài): với mục tiêu giảm tần suất và cường độ của cơn hen
Việc chọn lựa phương thức điều trị phụ thuộc vào từng trường hợp.
Điều trị dự phòng chỉ được áp dụng trong những trường hợp hen dai dẳng (nhiều hơn 1 cơn hen mỗi tuần).
Các giai đoạn hen
Hen gián đoạn (cấp độ I)
Không cần thiết phải điều trị dự phòng trong trường hợp hen gián đoạn (ít hơn 1 cơn hen mỗi tuần).
Hen nhẹ dai dẳng (cấp độ II)
Ø Liệu pháp điều trị dự phòng cần thiết phải sử dụng trong trường hợp này với các thuốc corticoid dạng hít, ở dạng này các phân tử nhỏ dễ dàng đi vào đường dẫn khí do đó cho kết quả tốt.
Ø Thuốc ức chế leukotrien (như montelukast (biệt dược Singulair)) có thể được sử dụng cùng với corticoid dạng hít nếu điều trị dự phòng chưa đáp ứng đủ hoặc có thể sử dụng thay thế cho corticoide dạng hít ở những bệnh nhân không tuân thủ điều trị với thuốc này, các bệnh nhân chỉ bị hen suyễn nhẹ và chưa bị cơn hen suyễn nặng trước đó.
Ø Natri cromoglycate (biệt dược Lomudal) cũng có thể được dùng tuy nhiên dạng khí nén aerosol làm hạn chế việc sử dụng thuốc này.
Hen trung bình dai dẳng (cấp độ III)
Trường hợp này đòi hỏi điều trị nền kết hợp hai thuốc trong đó vẫn giữ một thuốc corticoid dạng hít liều cao cùng một thuốc giãn phế quản. Thuốc giãn phế quản có thể là một thuốc chủ vận beta 2 tác dụng kéo dài hoặc theophylin (hiếm).
Hen nặng dai dẳng (cấp độ IV)
Điều trị dự phòng đối với trường hợp này đòi hỏi kết hợp nhiều thuốc. Ở hầu hết các trường hợp, bệnh nhân dùng kết hợp một thuốc corticoid dạng hít và một thuốc chủ vận beta 2 tác dụng kéo dài. Ngoài ra, có thể kết hợp thêm một thuốc corticoid đường uống hoặc theophylline (hiếm).
Kiểm soát điều trị dự phòng
Ø Thông thường, trong trường hợp điều trị dự phòng cho phép kiểm soát bệnh trong nhiều tháng, khuyến cáo giảm dần liều lượng hoặc số lượng thuốc sử dụng.
Ø Ngược lại, nếu cơn hen không được kiểm soát, khuyến cáo tăng liều thuốc corticoid dạng hít hoặc thêm 1 thuốc vào liệu pháp điều trị.
Trường hợp cụ thể
Cắt cơn hen
Ø Để cắt cơn hen, các thuốc chủ vận beta 2 tác dụng ngắn là lựa chọn đầu tay, tiếp đến có thể kết hợp với thuốc kháng cholinergic dạng hít. Nếu vẫn không kiểm soát được cơn hen, cần dùng lặp lại thuốc chủ vận beta 2. Nếu vẫn thất bại thì cần hiểu đây có thể là một cơn hen cấp tính nghiêm trọng.
Ø Trong trường hợp cơn hen nặng cấp tính (khó nói, ho, vã mồ hôi, thở nhanh, nhịp tim nhanh, lưu lượng thở ra đỉnh PEF < 30% so với PEF tiên lượng, thuốc chủ vận beta 2 tác dụng ngắn không có hiệu quả) cần đưa bệnh nhân nhập viện khẩn cấp kèm theo thở oxy cao dòng (6-8l/phút), sử dụng thuốc chủ vận beta 2 tác dụng ngắn dạng phun khí dung hoặc tiêm dưới da và corticoid tiêm đường tĩnh mạch.
Điều trị bệnh hen suyễn dị ứng nghiêm trọng
Đối với bệnh nhân hen suyễn dị ứng dai dẳng nghiêm trọng, cần áp dụng các liệu pháp điều trị sử dụng cho hen cấp độ III và IV. Nếu không có hiệu quả, cân nhắc sử dụng omalizumab (kháng thể anti-IgE) ở một số bệnh nhân.
Điều trị dự phòng cơn hen do gắng sức
Ø Để dự phòng cơn hen do gắng sức, đầu tiên cần phổ biến kiến thức cho bệnh nhân làm sao khởi động đúng cách và tập luyện vừa phải.
Ø Nếu dự phòng không có hiệu quả, có thể cân nhắc kết hợp điều trị bằng thuốc. Theo đó, thuốc chủ vận beta 2 tác dụng ngắn hoặc kéo dài được dùng trước khi tập luyện từ 15 đến 30 phút (với những bệnh nhân hoạt động thể thao trên 60 phút mỗi ngày).
Ø Chế phẩm kết hợp một thuốc chủ vận beta 2 và một thuốc kháng cholinergic được lưu hành trên thị trường dưới tên biệt dược Bronchodual cũng được sử dụng để điều trị dự phòng cơn hen do gắng sức.
Ø Montelukastvà natri cromoglicate cũng được sử dụng để dự phòng trong trường hợp này.
THÔNG TIN CẬP NHẬT
Các thuốc rút khỏi thị trường Pháp
Các thuốc Beclone (beclometason), Buventol hít (salbutamol), Maxair tự động (pirbuterol), Ventodisk (salbutamol) không còn được lưu hành trên thị trường.
Riêng với Pulmicort (budesonid) chỉ dạng hỗn dịch (100 và 200 μg) bị rút khỏi thị trường. Tất cả các dạng chế phẩm bột (Turbuhaler 100, 200, 400 μg) vẫn tiếp tục được lưu hành.
Các thuốc mới lưu hành
– Từ ngày 22/03/2011, Xolair (omalizumab) được chi trả bởi bảo hiểm cho tất cả các chỉ định đã được cấp phép với bất kì nồng độ Ig E nào của bệnh nhân đo được.
– Ngoài ra, liều tối đa theo khuyến cáo đã được xem xét lại và nâng từ 375mg lên 600mg mỗi 2 tuần.
CÁC THUỐC SỬ DỤNG TRONG ĐIỀU TRỊ
Cắt cơn hen
Các thuốc chủ vận beta thời gian tác dụng ngắn
– Đây là liệu pháp điều trị đầu tay nhằm cắt cơn hen. Các thuốc này làm giãn phế quản sau vài phút và tác dụng có thể kéo dài đến 4 giờ.
– Các thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn là những hoạt chất được dung nạp tốt, các tác dụng phụ thường gặp là tăng nhịp tim, đặc biệt nếu dùng lặp lại nhiều lần hoặc run chi.
Các thuốc kháng cholinergic dạng hít
– Ipratropium dạng hít được sử dụng để điều trị triệu chứng của các cơn hen trầm trọng hoặc hết hợp với thuốc chủ vận beta 2 tác dụng nhanh dạng hít. Trong đợt kịch phát nghiêm trọng hoặc cơn hen cấp tính nặng, ipratropium có thể được sử dụng qua máy khí dung để hạn chế các vấn đề về hô hấp, đặc biệt là với bệnh nhi.
– Ipratropium là một chất đối kháng thụ thể cholinergic tác dụng ở khí quản, tác dụng làm giãn khí quản kém hơn so với thuốc chủ vận beta 2. Tác dụng của thuốc này khá nhanh và có thể kéo dài từ 4 đến 6 giờ đồng hồ.
– Các tác dụng phụ có thể gặp là các tác dụng tương tự atropin (bí tiểu, táo bón, các rối loạn về mắt). Tuy nhiên, tác dụng tại chỗ mới là phổ biến nhất và thường là khô miệng họng. Một số trường hợp bị co thắt phế quản đã được báo cáo. Trong trường hợp để thuốc dính vào mắt, có thể xảy ra phản ứng giãn đồng tử và glaucoma góc đóng.
Điều trị dự phòng
Các thuốc corticoid dạng hít
Ø Tác dụng của các thuốc corticoide dạng hít đã được khẳng định qua nhiều thử nghiệm có mức độ bằng chứng cao. Thuốc này được sử dụng trong điều trị dự phòng ở các bệnh nhân hen dai dẳng.
Ø Các thuốc corticoid dạng hít đòi hỏi sử dụng hàng ngày. Thuốc có tác dụng cải thiện triệu chứng, khả năng hô hấp và tần suất cơn hen ở những bệnh nhân đang được chữa trị bằng một thuốc chống viêm ở phế quản. Thời gian kéo dài tác dụng có thể kéo dài từ một vài ngày đến vài tuần.
– Về cơ bản, các thuốc corticoid dạng hít được dung nạp tốt, tác dụng phụ chủ yếu thường gặp tại chỗ (nấm candida họng, khàn giọng, đau họng) và các tác dụng này sẽ được ngăn chặn bằng cách súc miệng sau khi sử dụng thuốc.
Các thuốc chủ vận beta 2 tác dụng kéo dài
– Các thuốc này có tác dụng làm giãn phế quản kéo dài trong 12h.
– Được dùng hàng ngày dưới dạng hít hoặc uống (Bricanyl LP, Oxeol). Tuy nhiên, dạng viên nén uống có tỷ lệ lợi ích/nguy cơ thấp hơn dạng hít do đó ít được kê đơn. Tuy nhiên, các thuốc dạng này lại có lợi thế nhất định ở bệnh nhân cao tuổi có những vấn đề về phối hợp tay và miệng.
– Các hoạt chất này không bao giờ được sử dụng đơn độc để điều trị dự phòng bệnh hen vì các thuốc này nếu dùng đơn độc làm tăng nguy cơ nhập viện và tỷ lệ tử vong so với dùng giả dược. Khi được kết hợp với một thuốc corticoid dạng hít, các thuốc này có thể tăng chức năng phổi của bệnh nhân và giảm số lần xảy ra các cơn kịch phát của bệnh. Dạng kết hợp này cũng được khuyến cáo khi corticoid dạng hít không đủ để đáp ứng. Các chế phẩm kết hợp một corticoid và một thuốc chủ vận beta 2 tác dụng kéo dài do đó cũng được lưu hành trên thị trường. Các thuốc này cải thiện đáng kể sự tuân thủ của bệnh nhân do giảm số lần sử dụng trong ngày.
– Các tác dụng phụ thường gặp nhất là tăng nhịp tim, run rẩy chi, chuột rút, hạ kali máu và/hoặc rối loạn đường huyết nếu sử dụng liều cao.
Các montelukast
– Montelukast(biệt dược Singulair) là hợp chất ức chế leukotrien dùng đường uống làm giảm viêm phế quản. Hiệu quả của thuốc này thấp hơn corticoide dạng hít và không được khuyến cáo sử dụng như một đơn trị liệu ở bệnh nhân hen dai dẳng mức độ trung bình.
– Tác dụng phụ rất hiếm gặp thường là đau đầu hoặc rối loạn tiêu hoá nhẹ. Tuy nhiên, vào tháng 6/2011, một trung tâm cảnh giác dược ở Tây Ban Nha đã cảnh báo các rối loạn tâm lý tiềm tàng mà montelukast có thể gây ra (bồn chồn, mất ngủ, thường xuyên gặp ác mộng, ảo giác và thích gây hấn).
Các cromone
Natri cromoglycate (biệt dược Lomudal) có hiệu quả điều trị dự phòng hen khá tốt. Thuốc này ức chế giải phóng của tế bào mast và các chất trung gian gây viêm – kết quả thu được tương tự như các thuốc corticosteroid dạng hít. Natri cromolyn được chỉ định trong điều trị kéo dài bệnh hen dai dẳng dạng nhẹ. Tuy nhiên, thuốc này ít được sử dụng vì được lưu hành trên thị trường dưới hình thức thuốc xịt khí nén.
Các phản ứng có hại hiếm gặp ở một số trường hợp là bí tiểu hoặc phản ứng dị ứng trên da đã được báo cáo.
Theophylline
Đây là một lựa chọn bổ sung trong điều trị dự phòng bằng corticoid. Theophylline (Dilatrane, Theostat…) là một thuốc giãn phế quản dạng uống cho phép cải thiện chức năng của phổi và các triệu chứng.
Tuy nhiên, do khoảng điều trị hẹp nên việc sử dụng thuốc này bị hạn chế vì các tác dụng bất lợi và các tương tác thuốc có thể xảy ra. Các tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc là rối loạn giấc ngủ, chán ăn, hưng phấn, tăng nhịp tim, nếu dùng quá liều có thể gây ra co giật.
Omalizumab
– Omalizumablà một kháng thể đơn dòng gắn với IgE trong huyết thanh, yếu tố quan trọng của một số triệu chứng dị ứng thường xuất hiện ở một số bệnh nhân
– Omalizumabđược chỉ định để điều trị hen suyễn dị ứng nghiêm trọng ở bệnh nhân từ 6 tuổi trở lên bằng đường tiêm dưới da. Liều lượng và tần suất tiêm (mỗi 2-4 tuần) được xác định dựa trên cân nặng của bệnh nhân và nồng độ IgE.
– Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm: sốt, phản ứng tại chỗ tiêm, phát ban. Một số tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng khác cũng được báo cáo, đó là: giảm tiểu cầu nặng, sốc phản vệ hoặc thiếu máu cục bộ cơ tim.
Triển vọng mới trong điều trị
Các nghiên cứu về điều trị hen suyễn rất được quan tâm.
– Rất nhiều kháng thể đơn dòng kháng trung gian gây viêm hiện đang được đánh giá để điều trị dự phòng bệnh hen nặng, ví dụ : MEDI-527(kháng interleukin-9) và mepolizumab (kháng interleukin-5).
CÁC THUỐC ĐIỀU TRỊ HEN DẠNG HÍT (KHÔNG PHẢI DẠNG XÔNG**)
|
|||
Hợp chất
|
Tên/Dạng/Nồng độ
|
Liều lượng
|
Lưu ý
|
Thuốc chủ vận beta 2 tác dụng ngắn
|
|||
Salbutamol
|
Airomir Autohaler 100 μg dung dịch hít
Asmasal Clickhaler 90 μg bột hít
Ventilastin Novolizer 100 μg bột hít
Ventoline 100 μg dung dịch hít
|
từ 1 đến 2 nhát xịt để cắt cơn hen, lặp lại nếu cần thiết
|
– Ưu tiên dạng Autohaler, Turbuhaler ở những bệnh nhân phối hợp tay miệng kém (trẻ em, người già…)
– Được coi như một loại thuốc dopping ở vận động viên
|
Terbutaline
|
Bricanyl Turbuhaler 500 μg bột hít
|
1 nhát xịt để cắt cơn hen và lặp lại
|
– Được coi như một loại thuốc dopping ở vận động viên
|
Thuốc chủ vận beta 2 tác dụng kéo dài
|
|||
Formoterol
|
Asmelor Novolizer 12 μg bột hít.
Atimos 12 μg dung dịch hít
Foradil 12 μg bột hít
Formoair 12 μg dung dịch hít.
|
Người lớn và trẻ em > 12 tuổi: 24 đến 48 μg/ngày, chia 2 lần
|
– Có thể bệnh nhân không cảm nhận được sự khác biệt ngay khi sử dụng thuốc, cần thống báo điểm này để bệnh nhân không lặp lại dẫn đến quá liều
|
Salmeterol
|
Serevent 25 μg hỗn dịch hít
Serevent Diskus 50 μg bột hít
|
Người lớn và trẻ em > 4 tuổi: 50 μg sáng và tối
|
– Ưu tiên dạng Diskus ở những bệnh nhân phối hợp tay miệng kém (trẻ em, người già)
|
Corticoid
|
|||
Beclometason
|
Asmabec 100 hoặc 250 μg bột hít
Beclojet 250 μg hỗn dịch hít
Beclospray 50 hoặc 250 μg dung dịch hít
Bécotide 250 μg dung dịch hít
Bemedrex Easyhaler 200 μg bột hít
Ecobec 250 μg dung dịch hít
Miflasone 100, 200 hoặc 400 μg bột hít
Qvar Autohaler 100 μg dung dịch
Qvar Spray Nexxair 100 μg dung dịch hít.
|
– Người lớn : 200 đến 2.000 μg/ngày, chia 2-4 lần tuỳ loại
– Trẻ em : 100 đến 1.000 μg/ngày, chia 2-4 lần tuỳ loại
|
– Cần súc miệng sau mỗi lần dùng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của nấm miệng họng
– Sử dụng 1 buồng hít* để làm giảm sự xuất hiện của nấm
|
Budesonide
|
Miflonil 200 và 400 μg bột hít
Novopulmon Novolizer 200 hoặc 400 μg bột hít
Pulmicort Turbuhaler 100, 200 hoặc 400 μg bột hít
|
– Người lớn : 400 à 1.600 μg 2-3 lần mỗi ngày
– Trẻ em : 200 đến 800 μg 2-3 lần mỗi ngày
|
– Cần súc miệng sau mỗi lần dùng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của nấm miệng họng
– Sử dụng 1 buồng hít* để làm giảm sự xuất hiện của nấm
|
Fluticasone
|
Flixotide 50, 125 hoặc 250 μg hỗn dịch
Flixotide Diskus 100, 250 hoặc 500 μg bột hít
|
– Người lớn : 200 đến 2.000 μg 2 lần mỗi ngày
– Trẻ trên 4 tuổi : 100 đến 400 μg 2 lần mỗi ngày
– Trẻ từ 1-4 tuổi : 100 đến 200 μg 2 lần mỗi ngày
|
– Cần súc miệng sau mỗi lần dùng thuốc để ngăn chặn sự phát triển của nấm miệng họng
– Sử dụng 1 buồng hít* để làm giảm sự xuất hiện của nấm
|
Corticoid + thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài
|
|||
Beclometasone + formoterol
|
Formodual 100/6 μg dung dịch hít
Innovair 100/6 μg dung dịch hít
|
Người lớn : mỗi lần xịt 1-2 nhát, 2 lần/ngày
|
– Innovair không được khuyến cáo ở trẻ em
– Súc miệng sau mỗi lần sử dụng
– Sử dụng 1 buồng hít* để giảm sự xuất hiện của nấm
– Bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2-8° C trước khi mở nắp
– Bảo quản trong tối đa 5 tháng sau khi mở nắp ở nhiệt độ < 25° C
|
Budesonide + formoterol
|
Symbicort Turbuhaler 100/6, 200/6 hoặc 400/12 μg bột hít
|
– Người lớn và trẻ em > 12 tuổi :
400/12 μg đến 1.600/48 μg mỗi ngày, chia 2 lần
– Trẻ từ 6-12 tuổi :
400/24 μg, chia 2 lần
|
– Súc miệng sau mỗi lần sử dụng
– Sử dụng 1 buồng hít* để giảm sự xuất hiện của nấm
– Với trẻ từ 6-12 tuổi, chỉ sử dụng nồng độ 100/6μg
|
Fluticason + Salmeterol
|
Seretide 50/25, 125/25 ou 250/25 μg
hỗn dịch hít
Seretide Diskus 100/50, 250/50 hoặc
500/50 μg bột hít
|
– Người lớn và trẻ em > 12 tuổi :
200/100 μg đến 1.000/100 μg, chia 2 lần/ngày
– Trẻ từ 4-12 tuổi :
200/100 μg, chia 2 lần/ngày
|
– Súc miệng sau mỗi lần sử dụng
– Sử dụng một buồng hít* làm giảm sự xuất hiện của nấm
– Với trẻ từ 4-12 tuổi, chỉ sử dụng dạng Seretide 50/25μg
|
Thuốc kháng cholinergic
|
|||
Ipratropium
|
Atrovent :
Dung dịch hít 20 μg mỗi liều
|
từ 1 đến 2 nhát xịt để cắt cơn hen, lặp lại nếu cần thiết
|
– Không sử dụng như liệu pháp đầu tay để cắt cơn hen
– Sử dụng kết hợp với thuốc chủ vận beta 2 tác dụng nhanh
– Gây thương tổn mắt nếu bị văng vào mắt
|
Thuốc kháng cholinergic + thuốc chủ vận beta 2 tác dụng ngắn
|
|||
Ipratropium + fenoterol
|
Bronchodual :
– Dung dịch hít 50 μg/20 μg
– Bột hít 100 μg/40 μg
|
Người lớn :
– 1-2 nhát xịt để cắt cơn hen
– 1 viên nang để cắt cơn hen
|
– Không sử dụng như liệu pháp đầu tay để cắt cơn hen
– Nhấn mạnh là dạng viên nang được sử dụng theo đường hít chứ không phải dạng uống
– 1 viên nang tương đương với 2 nhát xịt dạng dung dịch
|
* Buồng hít: thiết bị trung gian giữa bình xịt thuốc và miệng.
CƠ CHẾ TÁC DỤNG CỦA CÁC THUỐC ĐIỀU TRỊ HEN SUYỄN
Corticosteroid
Các chất này xâm nhập vào các tế bào phế quản và kích hoạt thụ thể của glucocorticoid và ức chế sự tổng hợp của các phân tử gây viêm (interleukin, TNF-alpha, cytokine, leukotrienes …). Do đó, corticosteroid có tác dụng giảm viêm đường hô hấp.
Omalizumab
Thuốc liên kết với IgE, do đó làm giảm nồng độ IgE tự do vốn có thể kích hoạt một phản ứng dị ứng.
Các cromone
Các chất này ức chế sự giải phóng của tế bào mast và các chất trung gian gây viêm. Do đó các chất này có tác dụng kháng viêm.
Montelukast
Đây là một chất đối kháng thụ thể leukotrien nang-LT1. Montelukast có tác dụng ức chế co thắt phế quản, viêm phế quản và tăng tiết dịch gây ra bởi leukotrien.
Các chất chủ vận beta 2
Đây là các chất chủ vận trực tiếp và chọn lọc các thụ thể β adrenergic phế quản. Kích thích các thụ thể trong chu trình tổng hợp AMP vòng và làm giảm nồng độ nội bào của canxi do đó gây giãn cơ trơn phế quản và giãn phế quản.
Theophylline
Làm giãn cơ trơn phế quản do đó làm giãn phế quản.
Thuốc kháng cholinergic
Các thuốc này chặn thụ thể cholinergic trên cơ trơn phế quản do đó có tác dụng giãn phế quản
GIÁM SÁT
Một vài chống chỉ định liên quan đến thuốc giãn phế quản dạng uống đã được biết, đó là :
– Theophylin : trẻ dưới 30 tháng
– Bambuteroldạng uống : trẻ dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai, cho con bú
– Terbutaline dạng uống : trẻ dưới 5 tuổi
HỖ TRỢ BỆNH NHÂN
Cô C. là mẹ của T. (nam, 16 tuổi) bị bệnh hen suyễn
« Con tôi bắt đầu bị viêm phế quản và sau đó là hen suyễn. Vào năm 8 tuổi, cháu đã bị lên cơn hen do dị ứng phấn hoa. Các cơn hen thường xảy ra vào ban đêm nên tôi rất lo lắng. Cháu thường cảm thấy khó thở và cảm giác như lửa đốt trong phổi. Khi cơn hen xảy ra, Ventolin hoàn toàn không có tác dụng. Tôi đã phải đưa T. đi cấp cứu và cháu phải nằm viện 5 ngày. Tôi thực sự cảm thấy sợ vì tình trạng của cháu không được cải thiện nhanh chóng. Tôi luôn theo dõi cảnh báo về các đợt phấn hoa để phòng ngừa việc lên cơn hen của cháu. Đến nay, con tôi chỉ phải điều trị trong thời gian có tiếp xúc với phấn hoa. Cháu cũng có thể bị lên cơn hen khi quá gắng sức nhưng cháu biết điều này »
Bệnh hen suyễn dưới góc độ của bệnh nhân
Tác động về thể chất
Bệnh hen khó kiểm soát có thể làm hạn chế các hoạt động thể lực do đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Tác động về tâm lý
Bệnh hen nặng có thể gây lo lắng cho bệnh nhân và người thân. Các bệnh nhân thường phải hạn chế đi du lịch do sợ làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn của họ.
Tác động về mặt xã hội
Bệnh hen có thể khiến bệnh nhân phải sử dụng thường xuyên thuốc và đặc biệt là khi cơn hen xảy ra. Điều này ảnh hưởng đến hình ảnh của họ với người khác. Bệnh nhân thường có xu hướng tự nghỉ việc. Bệnh hen khó kiểm soát có thể là lý do của việc nghỉ học và nghỉ việc của người bệnh.
Tư vấn cho bệnh nhân
Về bệnh hen
– Để kiểm soát tốt bệnh hen, bệnh nhân cần phải biết và hiểu các mục tiêu điều trị do bác sĩ đề ra và có thể nhận biết khi các dấu hiệu xấu đi (tăng tần số xuất hiện của các triệu chứng về đêm, phải tăng liều thuốc chủ vận beta tác dụng nhanh, có dâu hiệu khò khè …)
– Một cơn hen cần phải dùng quá 6 nhát xịt thuốc chủ vận beta tác dụng nhanh có thể là cơn hen cấp nghiêm trọng cần phải đưa đi cấp cứu.
– Đề nghị bệnh nhân mua máy đo có thể sử dụng để tự kiểm tra thường xuyên chức năng hô hấp hoặc trong giai đoạn cấp của bệnh (như máy đo lưu lượng thở ra đỉnh) .
– Thông báo cho bố mẹ của trẻ có thể thông báo với trường học về tình trạng của trẻ để có chế độ sinh hoạt tại trường phù hợp cho trẻ bị hen.
Về điều trị
– Giải thích cho bệnh nhân sự khác biệt giữa việc điều trị cắt cơn và điều trị dự phòng.
– Giải thích rằng bệnh hen không thể chữa khỏi nhưng điều trị có thể làm giảm tần suất xảy ra cơn hen và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
– Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ trong sử dụng thuốc (không gián đoạn) và việc theo dõi thường xuyên.
– Kiểm tra hiệu quả của điều trị sau một vài tuần.
– Trấn án bệnh nhân về các tác dụng phụ của corticoide dạng hít, tác dụng toàn thân rất hiếm gặp do chỉ một lượng nhỏ thuốc đi vào vòng tuần hoàn máu. Các tác dụng phụ chủ yếu của thuốc này thường ở tại chỗ (nhiễm nấm candida hầu họng, khó nói, ho) có thể được ngăn ngừa bằng cách súc miệng hoặc đánh răng sau khi dùng thuốc.
– Hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng đúng các thiết bị hô hấp. Yêu cầu bệnh nhân làm thực tế để xác định các lỗi có thể xảy ra và giải thích một lần nữa vào lần sau đó. Có thể yêu cầu các công ty dược phẩm cung cấp các mẫu sản phẩm giả để thực hành. Sử dụng phòng hít để hạn chế sự tiếp xúc của tay và miệng, đặc biệt là ở trẻ dưới 6 tuổi và ở người già. Việc này cải thiện hiệu quả của thuốc và giảm nguy cơ lắng đọng tế bào nấm trong họng. Tháo rời các bộ phận và rửa sạch bằng nước và dung dịch tẩy rửa hàng tuần. Rửa thật sạch và để khô để hạn chế tích điện. Khi các van không còn hoạt động tốt hoặc bị cứng lại, cần thiết phải thay thể buồng hít.
– Việc sử dụng thuốc dạng xông có thể có ích ở các đối tượng bệnh nhân phụ thuộc (trẻ sơ sinh hay người già) hoặc ở bệnh nhân hen nặng, do đó cần giải thích cách sử dụng cho người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.
Phòng tránh cơn hen
– Khuyến cáo bệnh nhân luôn mang theo các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh theo mình
– Khuyên bên nhân nên tránh tiếp xúc với khói thuốc lá và nếu họ đang hút thuốc thì cần cai thuốc.
– Thực hiện các biện pháp xử lý môi trường sống: giữ cho nhiệt độ phòng từ 18-20 ° C, khô ráo, làm sạch chăn màn, thảm. Sử dụng bộ lọc không khí để duy trì độ ẩm, tránh sử dụng thảm hoặc đồ đạc làm từ lông vũ.
– Khi thời tiết lạnh, tránh tiếp xúc với phấn hoa, che mũi và miệng bằng khăn khi ở ngoài trời
– Hạn chế sử dụng các sản phẩm dạng xịt (bình xịt khử bụi, khử mùi, bình xịt tẩy rửa) vì có thể thúc đẩy co thắt phế quản.
– Điều trị các bệnh có thể làm nặng thêm bệnh hen suyễn (trào ngược dạ dày thực quản, viêm mũi dị ứng).
– Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa virus cúm và phế cầu khuẩn ở người lớn.
– Thuốc chống viêm không steroide hoặc aspirin có thể kích hoạt cơn hen.
Câu hỏi của bệnh nhân : Con trai tôi bị hen thì cháu có thể hoạt động thể thao không ?
Có, để kiếm soát bệnh hen, cậu ấy có thể tập luyện một số môn thể thao được khuyến cáo, kể cả bơi. Môn lặn với bình dưỡng khí bị cấm tuyệt đối còn môn cưỡi ngựa không được khuyến cáo (do có nguy cơ tiếp xúc với các chất gây dị ứng).
Câu hỏi của bệnh nhân : khi mang thai, có thể dừng việc điều trị bệnh hen hay không ?
Tất nhiên là không, việc dừng điều trị không những khiến người mẹ có nguy cơ gặp phải cơn hen nặng mà thai nhi cũng bị ảnh hưởng (nguy cơ tiền sản giật, sinh non, chậm phát triển). Một số liệu pháp điều trị nền (theophylline, kháng leukotrien và corticoide dạng hít) có thể phải đánh giá lại lợi ích/nguy cơ trong thai kì nhưng việc sử dụng thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn và nhanh không hề gây hại.
Nguồn: Le moniteur des pharmacies. Cahier 2 du 2928 du 7 avril 2012
Dịch: DS. Trịnh Hồng Nhung
Hiệu đính: DS. Võ Thị Hà, ĐH Y Dược Huế