Menu

Chia sẻ về công việc của một Dược sĩ lâm sàng bệnh viện

Người thực hiện: SVD. Lê Ngọc Quỳnh Như, Châu Hoàng Long, Đặng Việt Cường – Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Nếu trước đây, người Dược sĩ chỉ nghiên cứu những vấn đề xoay quanh viên thuốc thì ngày nay, người Dược sĩ làm công tác Dược lâm sàng không chỉ am hiểu về kiến thức chuyên môn, mà họ còn đảm nhiệm việc thông tin, tư vấn đầy đủ và chính xác cho bác sĩ, điều dưỡng, và bệnh nhân. Đây là một ngành nghề đang và hứa hẹn sẽ mang đến nhiều triển vọng cho ngành Dược nước ta. Để mọi người biết rõ hơn về ngành Dược lâm sàng, vào ngày 20 tháng 04 năm 2019, nhóm Nhịp cầu Dược lâm sàng quyết định mời ThS. DS. Nguyễn Hồng Thắm, hiện đang công tác Dược lâm sàng tại bệnh viện nhân dân Gia Định, tham gia buổi phỏng vấn để chia sẻ vài điều về công việc của chị nói riêng và của một Dược sĩ Dược lâm sàng tại Việt Nam nói chung. Sau đây là bài phỏng vấn DS. Thắm:

 

Câu hỏi: Theo chị, những năng lực và kĩ năng một Dược sĩ Dược lâm sàng cần có là gì ạ?

Trả lời: Đối với một dược sĩ công tác trong lĩnh vực Dược lâm sàng, mình cần có những yêu cầu tối thiểu về năng lực. Đầu tiên, đó là năng lực chuyên môn. Ví dụ như tụi em sẽ có những kiến thức nền về Dược, về thuốc và về bệnh, cũng như là những thứ liên quan về thuốc thì bắt buộc Dược sĩ mình phải biết rồi!

Và bên cạnh kiến thức về chuyên môn thì tụi em cũng cần phải có những kĩ năng riêng nữa. Thí dụ như em phải có những kĩ năng về giao tiếp, bởi vì em sẽ là người giao tiếp với bác sĩ, điều dưỡng và bệnh nhân. Ở mỗi đối tượng khác nhau, mình cần có kĩ năng phù hợp với từng đối tượng đó. Hoặc kĩ năng về đàm phán và thuyết phục chẳng hạn khi em có vấn đề gì đó cần trao đổi với bác sĩ, và kĩ năng tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân nữa v.v…

Câu hỏi: Chị có thể cho biết một ngày làm việc cụ thể của một Dược sĩ Dược lâm sàng không ạ?

Trả lời: Cái mô hình Dược lâm sàng ở Việt Nam mình hiện nay thật ra chưa có một mô hình nào chuẩn hết. Tuy nhiên theo kinh nghiệm chị làm việc ở bệnh viện, đối với một Dược sĩ lâm sàng thì công việc của họ sẽ dành nhiều thời gian để gắn liền với bệnh nhân. Có 2 mảng: Một là Dược sĩ lâm sàng phụ trách đối tượng bệnh nhân nội trú và hai là phụ trách bệnh nhân ngoại trú.

Chị sẽ nói về công việc của Dược sĩ phụ trách bên mảng nội trú nhé! Công việc này sẽ theo những việc vừa là thường quy (routine), vừa là phát sinh trong ngày. Một công việc thường ngày nhất là dược sĩ mình sẽ đi thăm khám (“đi buồng”) cùng với bác sĩ ở một khoa nào đó mà mình đã được phân công. Rồi sau khi “đi buồng” xong, bọn em sẽ cùng với bác sĩ ngồi xuống, bác sĩ kê đơn, mình rà soát lại xem đó là ca bệnh mới hay cũ. Nếu đó là ca bệnh cũ thì mình xem có thay đổi gì so với ngày hôm qua, còn nếu như có ca bệnh mới thì mình phải thu thập thông tin từ đầu xem ca đó mình cần thêm gì và can thiệp những gì. Việc “đi buồng” này chiếm khoảng 2 tiếng vào buổi sáng (7g-9g sáng), sau đó các em sẽ cùng ngồi với bác sĩ cỡ 2 tiếng nữa (9g-11g), khoảng thời gian buổi chiều các em sẽ coi lại những ca mình đã can thiệp và tra cứu tài liệu, thông tin.

ThS. DS. Nguyễn Hồng Thắm – BV Nhân dân Gia Định

Câu hỏi: Trong quá trình làm việc dược sĩ có thể sẽ gặp khó khăn gì không? Và hướng giải quyết vấn đề thường ra sao ạ?

Trả lời: Nói chung công việc nào cũng vậy, cũng sẽ có những khó khăn về mặt khách quan và chủ quan. Ví dụ như khi tụi em có một vấn đề gì đó mà trao đổi với bác sĩ không được sự đồng thuận, tụi em phải tìm ra nguyên nhân, tìm ra cách để giải quyết triệt để. Về mặt khách quan, ví dụ như áp lực, chẳng hạn nhân lực dược sĩ mình còn thiếu mà bệnh nhân thì nhiều. Tuy nhiên, những vấn đề đó mình phải tìm cách giải quyết từ từ thôi, chứ mình không thể giải quyết một lần được. Khi đó, mình sẽ chọn ra vấn đề ưu tiên cần giải quyết trước.

Câu hỏi: Chị có thể kể về một kỉ niệm đáng nhớ sau nhiều năm đảm nhiệm công việc Dược sĩ Dược lâm sàng không ạ?

Trả lời: Trời ơi nhiều! cười Kỉ niệm đáng nhớ thì nhiều lắm em! Chị có nhớ gần đây nhất là trường hợp một bệnh nhân rất trẻ tuổi nhưng lại mắc một bệnh rất nặng. Các em biết đấy, Dược sĩ lâm sàng sẽ tiếp xúc nhiều đối tượng, vừa có bệnh nhân mà vừa có thân nhân nữa. Do đó khi mình tiếp xúc trao đổi với thân nhân về ca nặng đó, mình cảm thấy là mình rất cần phải làm sao cho bệnh nhân hồi phục tốt. Cuối cùng, sau sự can thiệp của cả dược sĩ và bác sĩ, khoảng 1 tháng sau bệnh nhân đó xuất viện. Người nhà bệnh nhân cảm kích lắm. Họ bày tỏ viết thư gửi làm mình cảm thấy càng thêm yêu thích công việc Dược sĩ Dược lâm sàng này!

Câu hỏi: Một vài lời khuyên chị muốn gửi gắm tới các bạn sinh viên Dược đang còn ngồi trên ghế giảng đường ạ?
Trả lời: Đối với sinh viên của nước mình thì hiện nay có 2 mảng: Quản lý – Cung ứng và Sản xuất – Bào chế. Chị thì chủ yếu bên mảng Quản lý – Cung ứng, đó là tiếp xúc với bệnh nhân. Tụi em có thể làm Dược sĩ cộng đồng hoặc Dược sĩ bệnh viện. Nhưng điều quan trọng nhất là, khi tụi em làm một việc gì đó, cần phải có niềm đam mê. Mình phải tập trung vào việc mình làm và trên tinh thần yêu thích, thì công việc của mình sẽ luôn phát triển theo đúng định hướng cá nhân mình đặt ra!
CTV: Em xin chân thành cảm ơn những lời chia sẻ đầy tâm huyết và bổ ích của chị. Chúc chị luôn thành công trong công việc và tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với Dược lâm sàng! Mong rằng sẽ được gặp lại chị ở những chuyên mục tiếp theo của Nhịp cầu dược lâm sàng ạ!

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.