Menu

Kinh nghiệm đào tạo thực hành cho sinh viên dược tại Pháp

TS.DS. Võ Thị Hà

 

Tại Pháp, các dược sĩ (DS) thực hành với chức năng, nhiệm vụ rất khác nhau. Các chương trình đào tạo được thiết lập để đáp ứng với tiêu chuẩn nghề nghiệp khác nhau của DS. Vì vậy, mục tiêu của đào tạo là giúp DS đạt:

  • Các kiến thức cơ bản trong lĩnh vực khoa học chính xác và khoa học sinh học;
  • Kiến thức chuyên ngành của các lĩnh vực cần thiết về nghiên cứu thuốc và các sản phẩm y tế khác;
  • Các năng lực cần thiết để sử dụng tốt các kiến thức đó
  • Lĩnh hội kiến thức y và dược; các kiến thức liên quan đến lĩnh vực khoa học ứng dụng với thuốc và các sản phẩm y tế khác, của khoa học sinh học, của bệnh học, y tế công cộng và điều trị.
  • Lĩnh hội kiến thức thực hành: thực tập và đào tạo ứng dụng vào thực hành nghề nghiệp
  • Lĩnh hội các năng lực cho phép bảo đảm vai trò biết lắng nghe và hỗ trợ bệnh nhân
  • Đào tạo về phương pháp tiếp cận khoa học
  • Học cách làm việc nhóm, lĩnh hội các kĩ thuật giao tiếp, những kĩ năng không thể thiếu khi thực hành nghề nghiệp

Tổ chức các đợt thực tập trong chương trình đào tạo dược tại Pháp:

  • Pháp là một trong những nước hiếm hoi của châu Âu chỉ phát bằng Dược sau khi sinh viên hoàn thành 6 năm học, trong đó có năm học đầu tiên sinh viên dược học chung với sinh viên y, nha, nữ hộ sinh. Cuối năm một s có một kì thi tuyển chọn để có thể trở thành sinh viên dược.
  • Việc giảng dạy bao gồm giảng dạy lý thuyết, thực hành và thực tập. Thực hành chia làm 2 hình thức chính là: Thực hành ứng dụng (travail pratique) và Thực hành theo hướng dẫn (travaux dirigé) chiếm từ 25% đến 75% chương trình. Thực hành ứng dụng tương tự như thực hành trong labo thí nghiệm của Việt Nam. Thực hành theo hướng dẫn thì tương tự như dạy theo nhóm nhỏ tại Việt Nam, đây là một hình thức giáo dục cho phép sinh viên áp dụng các kiến thức đã học trong các bài giảng lý thuyết trước đó. Sinh viên làm việc cá nhân các bài tập ứng dụng với sự hiện diện của các giảng viên, người s can thiệp để giúp đỡ và sửa các bài tập. Các hướng dẫn được tiến hành theo các nhóm nhỏ để giảng viên giúp học sinh dễ dàng hơn. Tỷ phần của phương pháp dạy học thực hành này tăng dần theo các năm của bậc đại học.
  • Các đợt đi thực tập là một phần quan trọng của chương trình đào tạo của sinh viên. Một đợt thực tập bắt buộc kéo dài 2 tuần đến 6 tháng tùy theo năm học của sinh viên. Các đợt thực tập bắt buộc diễn ra tại các cơ sở như quầy thuốc, bệnh viện và tự chọn tùy vào hướng lựa chọn chuyên ngành của sinh viên mà có thể thực tập tại các cơ sở nghiên cứu hoặc công nghiệp dược hoặc sức khỏe. Trong 6 năm đào tạo dành cho sinh viên dược, sinh viên có thời gian thực tập tổng cộng tương đương một năm thực tập trọn vẹn, thời gian thực tập được rải đều qua các năm từ năm 2 đến năm 6.

+ Năm 2: 6 tuần tại quầy thuốc

+ Năm 3 và 4: 3 tuần tách riêng của đợt thực tập ứng dụng liên quan đến các chủ đề giảng dạy phối hợp (Phương pháp giảng dạy phối hợp sẽ được trình bày chi tiết trong một bài khác)

+ Năm 5: Tại Pháp, đợt thực tập vào năm 5 tại bệnh viện được tiến hành từ năm 1985, kéo dài 12 tháng bán thời gian [tức tất cả các buổi sáng sinh viên đi thực tập tại BV] hoặc 6 tháng toàn thời gian tùy theo từng lựa chọn chuyên ngành và trường dược, phân bổ đi Dược bệnh viện, Sinh y học [xét nghiệm sinh hóa], và các dịch vụ dược lâm sàng.

+ Năm 6: 6 tháng thực tập tại địa điểm thực hành được lựa chọn bởi sinh viên (quầy thuốc, công ty dược, nghiên cứu). Các sinh viên thi đậu kì thi dược nội trú thì thực hiện thực tập năm thứ 6 tại BV.

  • Đào tạo chuyên ngành dược được tổ chức tại Pháp kể từ học kì II năm thứ 4 đại học thành 4 hướng: quầy thuốc, công nghiệp dược, nghiên cứu và dược bệnh viện. Hai chuyên ngành cuối tương ứng với việc chuẩn bị thi kì thi nội trú. Việc chọn chuyên ngành nội trú (4 chuyên ngành nội trú) dựa theo xếp hạng của đợt thi nội trú: – hoặc là sinh học y khoa (dược nội trú này có phép mở một phòng xét nghiệm sinh học sau khi tốt nghiệp), – hoặc DS bệnh viện (sau khi hoàn thành sinh viên dược nội trú có thể xin vào làm trợ lý cho một DS bệnh viện tại BV, rồi sau đó vài năm thì thi kì thi để trở thành DS thực hành BV) – hoặc công nghiệp dược, – hoặc nghiên cứu (dược chuyên khoa). Dù là lựa chọn chuyên ngành nội trú dược nào, các nội trú dược vẫn phải thực tập tại BV và đảm nhận các công việc hàng ngày tại BV trong vòng 4 năm (chia làm 8 kì, mỗi kì 6 tháng) trong các khoa lâm sàng bệnh viện (lâm sàng và dược) song song đó sinh viên theo học các khóa học lý thuyết để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai. Tại Pháp, nội trú dược là điều kiện để tuyển dụng làm DSBV. Điều này là bắt buộc kể cả các cơ sở tư nhân.
  • Sau đó, còn có các chuyên ngành sâu hơn trong mỗi chuyên ngành trên tùy theo khoa dược của mỗi trường và nước Pháp có tổng 24 khoa dược, mỗi khoa có thể có những chương trình đạo tạo chuyên ngành khác nhau. Với chuyên ngành công nghiệp dược, phần lớn sinh viên theo học thêm khóa đào tạo bổ sung (thạc sĩ nghề nghiệp hoặc nghiên cứu) tùy theo lựa chọn của mình (marketing, quản lý, sản xuất, kinh doanh…)
  • Các đợt thực tập được bố trí luân phiên, xen k với đào tạo lý thuyết và các đợt thực tập cho phép sinh viên tiếp xúc với các nhóm nghề nghiệp thực hành khác nhau như quầy thuốc hay cộng đồng, bệnh viện, công nghiệp dược, các cơ sở quản lý nhà nước (địa phương, vùng, quốc gia). Điều quan trọng của các đợt thực tập là có thể cho phép các sinh viên làm quen với các bệnh nhận, chăm sóc bệnh nhân cũng như làm quen với vai trò của các cán bộ y tế khác (bác sĩ, điều dưỡng….) và làm thế nào DS có thể tham gia hợp tác, làm việc nhóm bằng các hoạt động chuyên môn của mình như (1) sản xuất, bào chế một số loại thuốc, (2) tổ chức cung ứng thuốc cho bệnh nhân, (3) hiểu về cơ chế hoạt động của thuốc, (4) sử dụng tốt thuốc.

Các yêu cầu tổ chức đợt thực tập

  • Các mục tiêu của mỗi đợt thực tập và cách thức để đạt được các mục tiêu này được xác định rõ ràng, được biên soạn bởi nhà trường phối hợp với các đồng nghiệp.
  • Điều quan trọng là phát triển mối quan hệ trường-bệnh viện để sinh viên trong quá trình học, được đào tạo làm quen với bác sĩ để hiểu về mối quan hệ cán bộ y tế/bệnh nhân (liên quan đến xét nghiệp sinh học, giáo dục điều trị-thuốc cho BN, quản lý thuốc) và các yếu tố khác quyết định đến việc kê đơn (các hướng dẫn điều trị khoa học).
  • Việc tiếp cận với BN là thiết yếu để các cán bộ y tế học cách nhận biết nhu cầu, và điều chỉnh điều trị phù hợp với nhóm đối tượng BN (người lớn tuổi, trẻ em) và các các bệnh đặc biệt (các bệnh hiếm).
  • Điều quan trọng là cần xác định rõ các mục tiêu giáo dục, cách thức hướng dẫn sinh viên, các nhiệm vụ/công việc mà sinh viên phải thực hiện, các lợi ích mang lại của các công việc này của sinh viên với BN và với các cán bộ y tế khác.
  • Có đợt ngắn để đào tạo sinh viên ngay trước khi đợt thực tập bắt đầu để chuẩn bị cho sinh viện các kiến thức – kĩ năng để có thể thực hành tốt tại BV.

Đội ngũ giảng viên

DLS là lĩnh vực thiết yếu cần được đào tạo cho DS với điều kiện là có một bộ phận giảng viên DLS tham gia thực hành tại BV hay quầy thuốc.

Thực vậy, cần phải có các giảng viên vừa tham gia giảng dạy ở trường, vừa thực hành tại BV và có các DS tại quầy thuốc làm hướng dẫn thực tập tại quầy thuốc cho SV. Các DS là giảng viên có thể đào tạo thực hành cho sinh viên dược thông qua các đợt thực tập của SV tại quầy thuốc và BV (trong khoa dược, các khoa lâm sàng), cần xác định chính xác các nhiệm vụ, công việc cần phải làm bởi sinh viên khi đi thực tập trong chương trình đào tạo dược.

Đội ngũ giảng viên giảng dạy và hướng dẫn thực tập cho sinh viên gồm: giảng viên chính thức của trường, giảng viên vừa tham gia thực hành tại bệnh viện, giảng viên thỉnh giảng, các dược sĩ tại quầy thuốc.

Tại Pháp, các cán bộ y tế đều có cùng một chức danh (statut) [Các statut này quyết định mức lương của mỗi cán bộ y tế, vì statut của ngành dược và y trong BV là giống nhau, nên lương của DS và BS cũng bằng nhau trong BV. Không giống với một số nước châu Âu khác là lương BS cao hơn lương DS.] Từ năm 1988, DS và BS làm việc tại bệnh viện có cùng một statut, gọi là nhà thực hành tại BV (praticien hospitalier – PH). Tương tự, statut “hospitalo-universitaire” (người vừa thực hành tại BV, vừa giảng dạy tại trường) cũng giống nhau giữa BS và DS từ năm 2006. Có quá trình tuyển dụng đặc biệt để có thể đạt được statut “hospitalo-univeritaire”, yêu cầu tối thiểu là hoàn thành chương trình nội trú dược (4 năm).

Các DS nhận hướng dẫn sinh viên thực tập được đào tạo ngắn hạn để có thể hướng dẫn tốt sinh viên khi đi thực tập và các địa điểm nhận sinh viên thực tập được thẩm định chất lượng trước khi được phép nhận sinh viên. Tại Pháp, các đồng nghiệp DS tại quầy thuốc nhận hướng dẫn thực tập cho sinh viên tham gia vào việc theo dõi giảng dạy sinh viên cùng với Khoa Dược trường. Có một trường cung cấp khóa đào tạo gắn giành cho dược sĩ muốn hướng dẫn thực tập cho sinh viên tại quầy thuốc: http://cpcms.fr/

Trường dược cũng tuyển dụng các giảng viên “thỉnh giảng” là những DS hành nghề được mời làm giảng viên của khoa/trường. Những hợp đồng được kí giữa trường với các cá nhân chuyên môn để tiếp nhận sinh viên thực tập.

Ngoài ra, chương trình thực tập còn bố trí sự hướng dẫn theo phân cấp, cấp cao hơn chịu trách nhiệm hướng dẫn cho cấp thấp hơn. Ví dụ, trong một khoa lâm sàng có sinh viên dược 5, sinh viên dược nội trú, và dược sĩ thì dược sĩ sẽ hướng dẫn và giám sát chính cho sinh viên dược nội trú, tiếp đó sinh viên dược nội trú lại chịu trách nhiệm hướng dẫn cho sinh viên dược 5.

Sinh viên khi đi thực tập được yêu cầu tiến hành thu thập bệnh án, phân tích bệnh án và báo cáo trong các buổi học nhóm của lớp hoặc các buổi trao đổi chuyên môn của các dược sĩ thuộc khoa lâm sàng (thường 1 lần/tuần) giúp cho sinh viên tiếp cận các vấn đề thực tế và học cách giải quyết chúng.

Sinh viên cũng được khuyến khích lựa chọn và tiến hành các đề tài nghiên cứu, đề tài tốt nghiệp là các chủ đề hữu ích trong thực hành dược, liên quan mật thiết đến kinh nghiệm đi thực tập.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.