Menu

Men vi sinh có hiệu quả trong phòng ngừa tiêu chảy do kháng sinh hay không?

Lược dịch: DS. Nguyễn Thị Hiền – Cựu sinh viên Trường ĐHYD Huế

 

Tiêu chảy là tác dụng phụ phổ biến khi sử dụng liệu pháp kháng sinh. Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh (Antibiotic-associated diarrhea – AAD) xảy ra trên 5% – 39% bệnh nhân và có thể xảy ra từ khi khởi đầu điều trị đến 2 tháng sau khi kết thúc đợt điều trị với kháng sinh. [1] Mức độ tiêu chảy có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng. Trong đó, tiêu chảy nghiêm trọng thường gây ra bởi vi khuẩn Clostridium difficile. Bất kì kháng sinh nào cũng có thể gây AAD. Trong đó, aminopenicillin, cephalosporin, và clindamycin là các nhóm kháng sinh/kháng sinh có nguy cơ cao nhất gây AAD. [2]

Men vi sinh (probiotic) được định nghĩa là các vi sinh vật sống, men vi sinh khi được sử dụng với một lượng cần thiết có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe của con người. [3] Ở các bệnh nhân gặp rối loạn tiêu hóa, men vi sinh được cho là có khả năng hỗ trợ và làm cân bằng lại hệ vi sinh đường tiêu hóa. Một số cơ chế được đưa ra để giải thích cho lợi ích của men vi sinh trên hệ tiêu hóa như: kích thích hệ miễn dịch, ức chế sự bám dính và xâm nhập của mầm bệnh vào biểu mô niêm mạc ruột và sản xuất các chất kháng khuẩn. [4]

Đã có nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng và phân tích tổng hợp được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả dự phòng tiêu chảy do kháng sinh của men vi sinh. Gần đây nhất là phân tích tổng hợp gồm 23 cuộc thử nghiệm lâm sàng với tổng số 3938 bệnh nhân là trẻ em từ 0 – 18 tuổi. [5] Một phân tích tổng hợp khác trên 17 cuộc thử nghiệm lâm sàng với 3631 bệnh nhân ngoại trú gồm tất cả các lứa tuổi. [6] Sau đây là tóm tắt kết quả thu được từ hai phân tích trên.

Hiệu quả:

  • Cả 2 phân tích đều cho thấy men vi sinh có hiệu quả trong phòng ngừa AAD ở trên các đối tượng (mức độ bằng chứng trung bình). Tỷ lệ xảy ra AAD trong nhóm trẻ em sử dụng dụng men vi sinh là 8% so với 19% trong nhóm chứng. Trên bệnh nhân ngoại trú, men vi sinh có thể làm giảm 51% nguy cơ AAD.
  • Lactobacillus rhamnosus GGSaccharomyces boulardii là 2 chủng vi sinh vật hiệu quả nhất trong phòng ngừa AAD. Không có bằng chứng cho thấy sử dụng hơn một chủng vi sinh làm tăng hiệu quả phòng ngừa AAD.
  • Nghiên cứu trên bệnh nhân ngoại trú còn cho thấy có thể có mối liên quan giữa liều lượng men vi sinh và hiệu quả phòng ngừa AAD. Cụ thể, liều cao hơn ít liên quan đến nguy cơ gây AAD hơn (tỷ lệ AAD ở liều > 5 × 10^9 CFU là 3.6% so với ở liều < 5 × 10^9 CFU là 8.9%, p < 0.02). Tuy nhiên, nghiên cứu trên trẻ em không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa chế độ liều cao và liều thấp của men vi sinh.

Độ an toàn:

  • Cả 2 phân tích đều cho thấy men vi sinh an toàn khi sử dụng, không có tác dụng có hại nghiêm trọng nào được báo cáo liên quan đến men vi sinh.
  • Tuy nhiên, tác dụng có hại nghiêm trọng được báo cáo trên trẻ em bị suy nhược nặng hoặc trẻ em suy giảm miễn dịch có nhiều yếu tố nguy cơ tiềm ẩn như: sử dụng catheter đường tĩnh mạch trung tâm và các rối loạn liên quan đến sự chuyển vị vi khuẩn/nấm. Cho đến khi có nghiên cứu thêm được thực hiện, men vi sinh nên tránh sử dụng trên những bệnh nhi có nguy cơ cao gặp tác dụng có hại.

Như vậy, kết quả từ hai phân tích tổng hợp đều cho thấy sử dụng men vi sinh cùng với liệu pháp kháng sinh mang lại lợi ích trong dự phòng tiêu chảy liên quan đến kháng sinh. Đồng thời, men vi sinh là an toàn khi sử dụng. Men vi sinh nên được sử dụng cho các đối tượng có nguy cơ gặp AAD cao như: trẻ em (< 6 tuổi), người cao tuổi (> 65 tuổi), tình trạng bệnh nặng, các bệnh đường ruột mạn tính, người suy giảm miễn dịch, tiền sử AAD hoặc phơi nhiễm với AAD trong quá trình nằm viện gần đây (phẫu thuật, sử dụng ống thông dạ dày). [8] Đồng thời, việc sử dụng kháng sinh phổ rộng, phối hợp 2 hoặc nhiều kháng sinh, thời gian sử dụng kháng sinh kéo dài và thời gian nằm viện kéo dài là các yếu tố nguy cơ gây AAD. [9] Bởi vì kháng sinh có thể làm giảm hiệu quả của men vi sinh, do vậy men vi sinh nên được uống cách xa kháng sinh ít nhất 2 giờ.

Tài liệu tham khảo

  1. McFarland L.V. Epidemiology, risk factors and treatments for antibiotic-associated diarrhea. Dig. Dis. (Basel Switz.) 1998;16:292–307. doi: 10.1159/000016879.
  2. Wistrom J., Norrby S.R., Myhre E.B., et al. Frequency of antibiotic-associated diarrhoea in 2462 antibiotic-treated hospitalized patients: A prospective study. J. Antimicrob. Chemother. 2001;47:43–50. doi: 10.1093/jac/47.1.43.
  3. Food and Agriculture Organization of the United Nation/World Health Organization. Report of a Joint FAO/WHO Working Group on Drafting Guidelines for the Evaluation of Probiotics in Food. FAO/WHO; London, ON, Canada: 2002.
  4. Rolfe R.D. The role of probiotic cultures in the control of gastrointestinal health. J. Nutr. 2000;130:396s–402s.
  5. Goldenberg JZ1, Lytvyn L, Steurich J, Parkin P, Mahant S, Johnston BC. Probiotics for the prevention of pediatric antibiotic-associated diarrhea. Cochrane Database Syst Rev. 2015 Dec 22;(12):CD004827. doi: 10.1002/14651858.CD004827.pub4.
  6. Sara Blaabjerg, Daniel Maribo Artzi, and Rune Aabenhus. Probiotics for the Prevention of Antibiotic-Associated Diarrhea in Outpatients—A Systematic Review and Meta-Analysis. Antibiotics (Basel). 2017 Dec; 6(4): 21. doi: 10.3390/antibiotics6040021
  7. McFarland LV. Risk factor for antibiotic-associated diarrhea. A review of the literature. Ann Med Interne (Paris). 1998 Sep;149(5):261-6.
  8. Guo Litao, Sun Jingjing,Liu Yu, Zhang Lei, He Xiaona, Zhu Zhijing. Risk Factors for Antibiotic-Associated Diarrhea in Critically Ill Patients. Med Sci Monit. 2018; 24: 5000–5007.
2 Comments

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.