Menu

Metronidazol – nhầm lẫn thuốc có thể gây chết người

Case: metronidazol – nhầm lẫn thuốc có thể gây chết người

Dịch. DS. Nguyễn Thị Phương Dung

Hiệu đính: DS. Trần Thị Thùy Trang, BV Đa Khoa Kiên Giang

Nguồn: https://primeinc.org/casestudies/pharmacist/study/879/Metronidazole_by_Any_Other_Name_Could_Be_Deadly

 

Ca lâm sàng

Bệnh nhân A, nữ, 47 tuổi, đến khám bác sỹ với các triệu chứng: ho dai dẳng, khó thở, đau ngực, ớn lạnh, đổ mồ hôi và sốt 38,90C. Nghe phổi: có tiếng ran bất thường.

Từ kết quả chụp Xquang phổi, bác sỹ chẩn đoán xác định bệnh nhân A bị viêm phổi.

Điều trị: metronidazol 500mg, 1 viên x 4 lần/ngày và khuyên bệnh nhân nghỉ ngơi.

Ngày tiếp theo, sau khi đi làm về, chồng A phát hiện cô ấy nằm trên giường với tình trạng lơ mơ và hơi thở yếu. Đội cấp cứu được gọi đến và trong quá trình sơ cứu ban đầu họ phát hiện một lọ thuốc metformin bên cạnh giường ngủ nhưng chồng A phủ nhận việc cô ấy bị tiểu đường. Nồng độ glucose máu đo được là 35mg/dL

Xử trí: truyền 25 mg dextrose 50% và chuyển ngay đến khoa cấp cứu bệnh viện.

Trường hợp của bệnh nhân A được xác định là do dược sỹ đưa nhầm metformin thay vì metronidazole như đã kê toa cho A. Hậu quả của sai sót trong sử dụng thuốc (medication error)  ở trường hợp này là bệnh nhân A bị hạ đường huyết nghiêm trọng.

Bàn luận

Một sai sót trong sử dụng thuốc (medication error – ME) được hiểu là bất kỳ sai sót có khả năng ngăn ngừa được xảy ra do kê đơn hoặc dùng thuốc không hợp lý. Những tổn thương mắc phải do ME được gọi là các biến cố bất lợi của thuốc (adverse drug events-ADEs). Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hàng năm có hơn 700,000 ca cấp cứu và 120,000 ca nhập viện có liên quan đến ADEs. Trong nỗ lực giảm thiểu sự xuất hiện các ME, các tổ chức đảm bảo an toàn bệnh nhân bao gồm Viện thực hành an toàn thuốc Hoa Kỳ (Institute of safe medication practices-ISMP) và Ủy ban liên hợp (The Joint Commission) đã phát triển các công cụ và phương pháp phòng tránh ME cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

ADEs có thể gây ra bởi nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Các thuốc “nhìn giống nhau, đọc giống nhau “(look-alike/sound-alike -LASA)
  • Chữ viết tay của bác sỹ khó đọc, lỗi sao chép tên thuốc, lỗi nhập máy tính
  • Những hiểu lầm của bệnh nhân liên quan đến cách sử dụng thuốc.

Trong trường hợp bệnh nhân trên, ADEs xảy ra do nhầm lẫn giữa hai thuốc LASA là metronidazolmetformin. Chiếm  tỷ lệ lớn trong ADEs, có tới hơn 26,000 trường hợp sai sót trong sử dụng thuốc có liên quan đến các cặp thuốc LASA đã được báo cáo lên hội đồng dược điển Mỹ (USP) từ năm 2003 cho đến 2006. Trong thời kỳ bùng nổ dân số như hiện nay và ngày càng có nhiều hơn các loại thuốc được FDA phê chuẩn hàng năm thì tỷ lệ ME liên quan đến các thuốc LASA dự kiến sẽ tăng. Do đó, sự nỗ lực hết sức của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để giảm thiểu sự xuất hiện của những sai sót này hiện nay càng cấp thiết.

Bước đầu tiên để ngăn ngừa ME liên quan đến các thuốc LASA là cần nhận diện và xác định các cặp thuốc LASA. Cả ISMP và FDA đã xây dựng danh sách các thuốc thường dẫn đến ME. Đồng thời, Ủy ban liên hợp (The Joint Commission) cũng yêu cầu các tổ chức có nhiệm vụ xây dựng danh sách thuốc LASA cần phải xem xét và cập nhật hàng năm. Ngoài ra USP cũng phát triển công cụ tìm kiếm lỗi dùng thuốc (The drug error finder) – là một công cụ miễn phí giúp tìm kiếm dữ liệu, cung cấp thông tin về các loại thuốc; bao gồm các thuốc LASA và các sai sót nghiêm trọng liên quan đến chúng.

Để giảm nguy cơ các ME liên quan đến các thuốc LASA đòi hỏi những phương pháp chủ động ngăn ngừa trước, bao gồm:

  • Áp dụng công nghệ thông tin như kê đơn điện tử (E-prescribing) hoặc bệnh án điện tử (electronic medical records-EMRs) cho các trường hợp nhập viện.
  • Sắp xếp, phân loại các sản phẩm có tên tương tự nhau trên các giá/tủ hoặc ở các khu vực khác nhau trong nhà thuốc để tránh nhầm lẫn.
  • Tạo ra danh mục các loại thuốc LASA thường gây ra ME và phổ biến chúng cho các nhân viên y tế.

Để chủ động ngăn ngừa ME, người kê đơn nên:

1.  Giáo dục bệnh nhân về các thuốc điều trị của họ, bao gồm giải thích công dụng của từng loại thuốc.

2.   Viết cụ thể cách sử dụng cho từng loại thuốc vào đơn.

3.   Nhắc lại y lệnh khi kê đơn bằng lời nói.

Để có một giải pháp mang tính toàn cầu hơn trong việc giải quyết các sai sót liên quan đến LASA, một số tổ chức an toàn thuốc -bao gồm ISMP, FDA, và Ủy ban liên hợp (The Joint Commission) đã thúc đẩy việc sử dụng chữ TALL-man trong nhãn thuốc và đơn thuốc. Chữ TALL-man là cách sử dụng cả chữ thường và chữ IN HOA để tạo sự chú ý vào phần không giống nhau trong tên thuốc. Ví dụ như, theo ý kiến của ISMP thì sai sót sử dụng thuốc trong case trên có thể tránh khỏi nếu nhãn thuốc được viết là metroNIDAZOLEmetFORMIN. Thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra sử dụng chữ TALL-man có thể giúp các thuốc LASA ít bị nhầm lẫn hơn.

Mặc dù ME vẫn đang là vấn đề trọng tâm của các chương trình an toàn người bệnh ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới, vẫn cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để nâng cao nhận thức về ME và phát triển các phương pháp hiệu quả để giảm tần suất mắc phải và gánh nặng của ADEs. Các tổ chức ISMP, FDA, Ủy ban liên hợp (The Joint Commission) đã phát triển dữ liệu và công cụ để hỗ trợ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe xác định và ngăn ngừa các ME trước khi biến cố xảy ra. Cuối cùng, để ngăn ngừa ME, các dược sỹ nên giữ vai trò chủ động trong việc đảm bảo rằng các sai sót liên quan đến LASA được xác định và ngăn chặn kịp thời trước khi gây tổn hại cho bệnh nhân. Như vậy, dược sỹ nên thường xuyên cập nhật danh sách các thuốc LASA và liên hệ ngay với bác sỹ kê đơn khi một đơn thuốc có nguy cơ gặp sai sót liên quan đến các thuốc LASA.

REFERENCES

1. Kohn LT, et al. To Err Is Human: Building a Safer Health System. Washington, DC; National Academies Press: 2000.

2. CDC. Medication Safety Program. http://www.cdc.gov/MedicationSafety/Adult_ AdverseDrugEvents.html. Accessed 05/17/2011.

3. Kaufman MB. Formulary. 2009. http://formularyjournal.modernmedicine.com/ formulary/Modern+Medicine+Now/Preventable-medication-errors-Look-alikesound-alik/ArticleStandard/Article/detail/579387. Accessed 5/20/2011. 

4. Hicks RW, et al. MEDMARX data report. A report on the relationship of drug names and medication errors in response to the Institute of Medicine’s call to action. Rockville, MD: Center for the Advancement of Patient Safety, US Pharmacopoeia; 2008.

5. Institute for Safe Medication Practices. ISMP’s List of Confused Drug Names. http://www.ismp.org/tools/confuseddrugnames.pdf. Accessed 05/20/2011.

6. The Joint Commission. Accreditation Program: Hospital. http://www.canainc.org/ compendium/pdfs/D%201.%20JC%20Standards%202010.pdf. Accessed 05/20/2011. 

7. USP’s Drug Error Finder. http://www.usp.org/hqi/similarProducts/drugErrorFinder Tool.html. Accessed 5/20/2011.

8. FDA and ISMP Lists of Look-Alike Drug Names with Recommended Tall Man Letters. http://www.ismp.org/tools/tallmanletters.pdf. Accessed 5/20/2011.

9. Filik R, et al. Labeling of medicines and patient safety: Evaluating methods of reducing drug name confusion. Human Factors. 2006;48(1):39-47.

 

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.