Menu

Thận trọng trong tương tác thuốc kháng sinh với các nhóm thuốc khác

SVD. Lâm Hồng Châu, Phan Thị Ngọc Ánh, Trịnh Ngọc Như Ý, Nguyễn Duy Khang

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

 

Thuốc kháng sinh là những chất được chiết từ sinh vật hoặc tổng hợp hóa học, với liều rất nhỏ và có tác dụng ức chế hoặc giết chết sinh vật, không độc hoặc ít độc cho cơ thể.[1]

Thuốc kháng sinh được coi là một giải pháp hiệu quả trong điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn, nhờ có thuốc mà chúng ta có thể kiểm soát được nhiều dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam thuốc kháng sinh được sử dụng chưa hợp lý và có hiện tượng lạm dụng thuốc quá mức. Tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh ngày càng tăng theo cấp số nhân làm tăng khả năng bệnh nhân gặp phải các tương tác thuốc có hại. Để đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân khi điều trị nhiễm trùng, các bác sĩ và dược sĩ cần lưu ý về các tương tác thuốc có ý nghĩa lâm sàng. Bài viết này nhằm mục đích liệt kê các tương tác có thể xảy ra giữa nhóm thuốc kháng sinh với các thuốc khác và được tóm tắt trong BẢNG TƯƠNG TÁC THUỐC KHÁNG SINH.

  1. Các thuốc có nguy cơ tương tác cao với thuốc kháng sinh cần lưu ý:

1.1  Warfarin

Hầu như tất cả các thuốc kháng sinh đều có thể làm tăng tác dụng của Warfarin bằng cách loại bỏ các vi khuẩn đường ruột có chức năng sản xuất vitamin K. Nhóm Fluoroquinolone, MacrolideSulfonamide cũng có thể ức chế chuyển hóa warfarin, làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương và gây chảy máu. Các bác sĩ cũng như dược sĩ lâm sàng nên tránh phối hợp các nhóm thuốc kháng sinh này ở bệnh nhân đang dùng Warfarin bằng cách dùng các thuốc thay thế khác. Nếu buộc phải kết hợp với thuốc kháng sinh, bác sĩ lâm sàng cần kiểm soát INR chặt chẽ. [2]

1.2 Chế phẩm chứa ion dương hóa trị hai và ba

Nhóm Fluoroquinolone (FQ) rất hiệu quả trong điều trị nhiều loại nhiễm trùng. Tuy nhiên, sử dụng đồng thời FQ với các ion dương hóa trị hai (canxi và magiê) ion dương hóa trị ba (nhôm và sắt) sẽ làm giảm đáng kể sự hấp thu của FQ (giảm 60%-75%), do các ion dương này có thể tạo thành các phức chất không hòa tan trong ruột, từ đó gây thất bại điều trị. Những ion dương dạng này thường có trong thực phẩm chức năng bổ sung hoặc thuốc kháng acid. Sucralfate (Carafate), một loại thuốc chống loét, cũng có chứa nhôm.[2][4] Các tương tác này cũng xảy ra với nhóm Tetracycline, ngoài ra còn có tương tác giữa nhóm Cephalosporinkẽm.[3]

Cần báo cáo với bác sĩ các loại thuốc sử dụng trong khoảng thời gian điều trị. Bệnh nhân nên ngừng dùng các sản phẩm có chứa các ion dương này cho đến khi hoàn thành liệu pháp kháng sinh . Nếu buộc phải phối hợp, các kháng sinh và ion đã được đề cập trên nên được dùng cách nhau từ 2 đến 3 giờ trở lên. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần tránh các sản phẩm từ sữa.[3]

1.3 Thuốc tránh thai đường uống (OCP – Oral Contraceptive Pill)

Rifampicin là loại kháng sinh duy nhất cho đến nay được báo cáo là có khả năng làm giảm nồng độ estrogen trong huyết tương. Còn các nhóm kháng sinh khác hiện nay vẫn chưa có đủ bằng chứng cho sự tương tác thuốc này. Tuy nhiên, rất khó để tách riêng bất kỳ ảnh hưởng của thuốc kháng sinh nào khi chỉ dựa trên tỉ lệ thất bại dự kiến của thuốc tránh thai đường uống (1 thai phụ trên 100 phụ nữ mỗi năm).[2]

Các bác sĩ lâm sàng nên khuyến khích bệnh nhân cân nhắc sử dụng phương pháp tránh thai khác trong khi đang dùng Rifampicin cũng như các thuốc kháng sinh khác để tránh tăng nguy cơ thụ thai. Điều trị ngắn hạn: Phụ nữ đang sử dụng kháng sinh nên sử dụng biện pháp tránh thai khác ngoài OCP như bao cao su, đặt vòng, tiêm thuốc,.. Chỉ được sử dụng OCP từ ngày thứ 28 sau ngày sử dụng liều kháng sinh cuối cùng. Điều trị lâu dài: ở phụ nữ điều trị lâu dài bằng các hoạt chất gây men gan, các biện pháp tránh thai đáng tin cậy, không có nội tiết tố được khuyến cáo.[2][3]

  1. Tương tác thuốc với các nhóm kháng sinh thông dụng khác:
BẢNG TƯƠNG TÁC THUỐC KHÁNG SINH
Nhóm kháng sinh Thuốc tương tác Cơ chế Hậu quả Giải pháp
Nhóm Penicillin

Ví dụ:

– Penicillin G, V

– Aminopenicillin

– Oxacillin

– Carboxypenicillin

 

Warfarin Loại bỏ vi khuẩn đường ruột sản xuất vitamin K. Tăng nồng độ Warfarin trong huyết tương, tăng chất chống đông máu, có nguy cơ gây chảy máu. Cần kiểm soát INRchặt chẽ.
Methotrexate[3] Penicilline gây ức chế sự bài tiết  Methotrexate ở ống thận theo cơ chế canh tranh.

 

Làm tăng độc tính của Methotrexate và tăng nguy cơ ngộ độc thuốc. Theo dõi cẩn thận các dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc  Methotrexate (độc tính về huyết học và đường tiêu hóa), đặc biệt ở bệnh nhân suy thận và người già.
Nhóm Tetracycline

Ví dụ:

– Doxycycline

– Lymecycline

– Minocycline

Warfarin Loại bỏ vi khuẩn đường ruột sản xuất vitamin K. Tăng nồng độ Warfarin trong huyết tương, tăng chất chống đông máu, có nguy cơ gây chảy máu. Cần kiểm soát INR chặt chẽ.
Chế phẩm chứa ion dương hóa trị hai và ba Tạo thành các phức chất không hòa tan trong ruột. Có thể làm giảm sinh khả dụng và hiệu quả của thuốc. Bệnh nhân nên ngừng dùng các sản phẩm có chứa các cation này cho đến khi hoàn thành liệu pháp kháng sinh. Nếu buộc phải phối hợp, sử dụng cách nhau từ 2 đến 3 giờ trở lên
Methotrexate[5]

 

 

 

Gây ức chế hệ vi khuẩn đường ruột giúp chuyển hóa Methotrexate. Tetracylin có thể làm thay đổi nồng độ  Methotrexate trong huyết thanh, giảm sự hấp thu của  Methotrexate. Dẫn đến các triệu chứng giống như cúm, các dấu hiệu nhiễm trùng, da nhợt nhạt, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu, tiêu chảy hoặc lở miệng. Nếu buộc phải kết hợp các loại thuốc trên, cần theo dõi chặt chẽ về độc tính nghiêm trọng của Methotrexate. Nên sử dụng kháng sinh khác để thay thế.
Nhóm Retinoid[6] Tetracycline có thể can thiệp trực tiếp vào cân bằng nội môi RA có liên quan đến con đường chuyển hóa Retinoid. Làm tăng nguy cơ mắc một bệnh hiếm gặp gọi là tăng huyết áp nội sọ, tăng áp lực của dịch não. Chống chỉ định. Các thuốc kháng sinh khác như Erythromycin, CephalosporinPenicillin có thể được sử dụng thay thế cho Tetracycline ở những bệnh nhân cần điều trị đồng thời.
Nhóm Cephalosporin

Ví dụ:

– Cefaclor

–  Cefixime

–  Cephalexin

–  Cefuroxime

Warfarin Loại bỏ vi khuẩn đường ruột sản xuất vitamin K. Tăng nồng độ Warfarin trong huyết tương, tăng chất chống đông máu, có nguy cơ gây chảy máu Kiểm soát INR chặt chẽ
Kẽm[3] Tạo thành phức chất không hòa tan trong đường ruột. Làm giảm sinh khả dụng và hiệu quả của thuốc. Sử dụng cách liều từ 2 đến 3 giờ trở lên.
Probenecid [2]

 

Tương tác theo cơ chế dược động học gây giảm bài tiết Cephalosporin qua ống thận Tăng hàm lượng Cephalosporin trong huyết thanh và tăng chu kì thải của kháng sinh. Xác định mục tiêu điều trị và lưu ý đến tương tác này, đồng thời nên tránh phối hợp. Ở liều bình thường, với một vài Cephalosporin, có nguy cơ gây độc với thận.
Nhóm Fluoroquinolone (FQ)

Ví dụ :

–  Ciprofloxacin

–  Levofloxacin

–  Moxifloxacin

–  Ofloxacin

Chế phẩm chứa ion dương hóa trị hai và ba Tạo thành các phức chất không hòa tan trong ruột nếu  dùng đồng thời các ion dương này với FQ. Có thể làm giảm đáng kể sự hấp thu của FQ, do đó gây ra thất bại điều trị. Bệnh nhân nên ngừng dùng các sản phẩm có chứa các ion dương này này cho đến khi hoàn thành liệu pháp kháng sinh. Nếu buộc phải phối hợp, sử dụng cách nhau từ 2 đến 3 giờ trở lên.
Warfarin Loại bỏ vi khuẩn đường ruột sản xuất vitamin K. Tăng nồng độ Warfarin trong huyết tương, tăng chất chống đông máu, có nguy cơ gây chảy máu Kiểm soát INR chặt chẽ.
Nhóm Macrolide[2]

 

Gây tương tác theo cơ chế hiệp đồng.

 

Hậu quả nghiêm trọng của tương tác thuốc có thể xảy ra là kéo dài khoảng QT và tăng nguy cơ rối loạn nhịp thất bao gồm cả xoắn đỉnh và tử vong đột ngột. Nên lựa chọn thay thế các thuốc kháng sinh khác không tương tác.

 

Tizanidine[3] Ciprofloxacin gây tăng nồng độ Tizanidine trong huyết thanh Liên quan đến hạ huyết áp và an thần. Không khuyến khích phối hợp hai loại thuốc này. Bác sĩ có thể quyết định không điều trị bằng Tizanidine hoặc thay thế bằng loại thuốc kháng sinh khác.
Theophyllin[3] Ciprofloxacin gây ức chế enzym chuyển hóa Theophyllin, do đó gây tăng nồng độ chất này trong huyết thanh đến hơn 100%.

 

Dẫn đến các tác dụng phụ hiếm gặp của Theophylline, gây đe dọa tính mạng và thậm chí tử vong.

 

Cần tránh kết hợp hoặc nếu cần thiết sử dụng cả hai thuốc, bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận và điều chỉnh liều thích hợp.
Nhóm Macrolide

Ví dụ:

–  Azithromycin

–  Clarithromycin

–  Erythromycin

Warfarin Loại bỏ vi khuẩn đường ruột sản xuất vitamin K. Tăng nồng độ Warfarin trong huyết tương, tăng chất chống đông máu, có nguy cơ gây chảy máu Kiểm soát INR chặt chẽ.
Nhóm Fluoroquinolone Tương tác theo cơ chế hiệp đồng.

 

Gây kéo dài khoảng QT và tăng nguy cơ rối loạn nhịp thất bao gồm cả xoắn đỉnh và tử vong đột ngột. Nên lựa chọn thay thế các thuốc kháng sinh khác không tương tác.

 

Amiodarone[5] Làm  ức chế đáng kể sự trao đổi chất của Amiodarone. Làm kéo dài khoảng QT gây tăng nguy cơ loạn nhịp thất bao gồm xoắn đỉnh và có thể dẫn đến tử vong. Thận trọng khi phối hợp. Bệnh nhân nên được đưa đến trung tâm y tế nếu họ gặp các triệu chứng của xoắn đỉnh như chóng mặt, chóng mặt, ngất, nhịp tim không đều, khó thở hoặc ngất.
Nhóm Statin[3][5]

(Simvastatin Atorvastatin)

Làm tăng đáng kể nồng độ nhóm Statin trong máu. Gây tác dụng phụ như tổn thương gan và một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng gọi là tiêu cơ vân liên quan đến sự phá vỡ các mô cơ xương có thể gây tổn thương thận và thậm chí tử vong.

 

Cân nhắc thay thế bằng kháng sinh Macrolid khác không gây ức chế enzym gan như Azithromycin. Nếu buộc phải kết hợp thì tránh dùng thuốc cùng một thời điểm thuốc có thể giảm thiểu rủi ro xảy ra các tương tác, đưa ra những liều thuốc cách nhau 12h sẽ ngăn ngừa nồng độ thuốc đạt đỉnh cùng lúc.
Colchicine[3][7] Gây ức chế chuyển hóa Colchicine từ đó làm tăng độc tố của Colchicine trong cơ thể.

 

Rối loạn tiêu hóa thường là dấu hiệu ngộ độc đầu tiên của ngộ độc Colchicin. Các biểu hiện tiếp theo của ngộ độc bao gồm thở nhanh, rối loạn điện giải, giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn huyết học, loạn nhịp, suy thận và tổn thương gan. Tử vong thường do suy đa tạng tiến triển và nhiễm trùng. Nhóm Macrolide được khuyến cáo không nên phối hợp với Colchicine để tránh ngộ độc.
Digoxin[3][8] Tăng cường sinh khả dụng đường uống của Digoxin bằng cách thay thế hệ thực vật đường tiêu hóa chuyển hóa Digoxin bằng các chất chuyển hóa dihydro kém hoạt động hơn. Tăng nồng độ Digoxin trong huyết thanh và gây ngô độc Digoxin ở các bệnh nhân đang điều trị ổn định bằng thuốc này. Theo dõi nồng độ Digoxin và các dấu hiệu ngộ độc Digoxin (như chậm nhịp tim) trong quá trình điều trị.
Theophyllin[13]

 

Erythromycin gây ức chế enzym gan làm cho Theophyllin khó chuyển hóa qua gan. Gây kéo dài tác dụng, tăng nồng độ và độc tính của  Theophyllin (biểu hiện: nôn, buồn nôn, đánh trống ngực, co giật)

 

Nên giảm liều Theophyllin và theo dõi chặt chẽ các biểu hiện ngộ độc. Trường hợp phải dùng Macrolid cùng một số thuốc chuyển hóa qua gan nhiều và có độc tính cao nên dùng Azithromycin.
Rifampicin Warfarin Loại bỏ vi khuẩn đường ruột sản xuất vitamin K. Tăng nồng độ warfarin trong huyết tương, tăng chất chống đông máu, có nguy cơ gây chảy máu. Kiểm soát INR chặt chẽ.
Thuốc tránh thai đường uống Giàm sinh khả dụng và hiệu quả của thuốc. Làm giảm nồng độ estrogen trong huyết tương, gây thất baị điều trị. Nên khuyến khích bệnh nhân cân nhắc sử dụng phương pháp tránh thai khác trong khi đang dùng Rifampicin cũng như các thuốc kháng sinh khác để tránh tăng nguy cơ thụ thai.
Nhóm Sulfonylurea

[9] [10]

Rifampicin sẽ tác động mạnh đến các enzim chuyển hóa thuốc dẫn đến làm tăng tốc độ chuyển hóa thuốc sử dụng chung. Làm giảm điều trị thuốc đó. Nồng độ glucose trong máu có thể tăng. Theo dõi nồng độ glucose trong máu. Có thể yêu cầu tăng liều  Sulfonylureas.
Linezolid (uống) Rifampin-isoniazid (uống) [11]

 

Làm tăng ảnh hưởng đến mức serotonin trong máu. Quá nhiều serotonin  có khả năng đe dọa tính mạng. Các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng bao gồm huyết áp cao và nhịp tim tăng dẫn đến sốc. Có thể bắt đầu dùng lại thuốc khác sau 24 giờ sau liều Linezolid cuối cùng hoặc phải ngừng một trong hai thuốc và theo dõi về độc tính của hệ thần kinh trung ương (CNS)
Gentamicin Furosemid[12] Làm cho độ thanh thải trong huyết tương của Gentamicin giảm. Có thể gây độc tính cho tai. Thay thế các loại thuốc có chức năng như Gentamicin. Nếu cả hai loại thuốc này được dùng cùng nhau, bệnh nhân cần được điều chỉnh liều hoặc theo dõi độc tính thận và độc tai.Cần chú  trọng đến người lớn tuổi hoặc những người có vấn đề về thận từ trước và mất nước.
Itraconazol/ Ketonazol

 

Colchicin[13] làm giảm chuyển hóa Colchicin ở gan.

 

Làm tăng nồng độ Colchicin trong máu và tăng độc tính của Colchicin  tử vong của Colchicin có thể xảy ra ở bệnh nhân suy thận  hoặc suy gan). Thay thế Itraconazol/ Ketonazol bằng Microzanol hoặc dừng Itraconazol/ Ketonazol ít nhất 2 tuần trước khi sưr dụng Colchicin.

 

*TỔNG KẾT

Thuốc kháng sinh có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác, bao gồm thuốc kê đơn, OTC và các sản phẩm tự nhiên. Tốt nhất, nên có danh sách đầy đủ các thuốc hiện tại bệnh nhân dùng trước khi kê toa thuốc kháng sinh mới. Người kê đơn nên lưu ý về các tương tác thuốc nghiêm trọng chính đối với các nhóm thuốc kháng sinh thông dụng.[2]

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ môn Vi Sinh (2018-1019). Sách Đại cương vi sinh. Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
  2. Meghan Gagnon, PharmD (2017). Identifying Important Antibiotic Drug Interactions. Contemporary Clinic. Link
  3. Drug Interactions Table (2018). Antimicrobial Drug Interactions. HSE Antibiotic prescribing. Link

 

  1. Paul W. Ament, Pharm.D., John G. Bertolino, M.D., M.S.P.H., and James L. Liszewski, M.D. (2000). Clinically Significant Drug Interactions. American Family Physician. Link
  2. Drugs.com. Link:https://www.drugs.com/
  3. Regen F, Hildebrand M, Le Bret N, Herzog I, Heuser I, Hellmann-Regen J. (2015). Inhibition of retinoic acid catabolism by minocycline: evidence for a novel mode of action?. PubMed.gov. Link
  4. Đoàn Thị Phương Thảo, Lương Anh Tùng (2010). Kê đơn an toàn: Colchicin – Độc tính nghiêm trọng khi quá liều. Trung tâm DI và ADR Quốc gia. Link
  5. Bizjak ED, Mauro VF (1997). Digoxin-Macrolide drug interaction. NCBI. Link
  6. Jeannette Y.Wick, RPh, MBA, FASCP. Pharmacy Times. Người dịch: DS Phan Thị Xuân Hương (2016). Tương tác thuốc cần tránh trong điều trị đái tháo đường. Link
  7. CLB DƯỢC LÂM SÀNG-Trường đại học Y Dược Huế. Thuốc tăng tiết Insulin. Link
  8. RxList, Inc. (2019). Drug interactions with linezolid oral and rifampin-isoniazid oral. RxList. Link
  9. Drug Information Center.(2014).FUROSEMIDE ± GENTAMICIN?. Link
  10. DS. Ninh Mai Hường (2017). Tương tác thuốc. Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên – Khoa Dược. Link

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.