Menu

Thuốc kháng acid và thuốc làm giảm tiết acid

Nguồn: http://www.webmd.com/digestive-disorders/tc/nonprescription-medications-and-products-antacids-and-acid-reducers#1

Dịch: Nguyễn Thị Thanh Thúy. Email: loveparadise2287@gmail.com

Hiệu đính: DS. Dương Hà Minh Khuê

Thuốc kháng acid được dùng để làm giảm các chứng ợ nóng hoặc khó tiêu do thừa acid trong dạ dày. Có nhiều loại thuốc kháng acid. Cần tìm hiểu kĩ các thành phần trong mỗi loại để tránh các tác dụng không mong muốn.

  • Các Natri bicarbonat (như Alka-Selter® và Bromo Selter®) chứa Natri. Không dùng những thuốc kháng acid này cho những người bị cao huyết áp hoặc những người đang ăn kiêng muối. Alka- Selter® có chứa aspirin (bên cạnh Natri bicarbonat và acid citric) – có nguy cơ gây hội chứng Reye, là một bệnh hiếm gặp nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ em.
  • Các Canxi carbonat (như Tums®) đôi khi được sử dụng như là thực phẩm chức năng bổ sung canxi. Những chế phẩm này có thể gây táo bón.
  • Thuốc kháng acid  có chứa Nhôm oxit (như Amphojel®) hay nhôm phosphate (Phospholugel®) có hiệu lực thấp hơn và tác dụng chậm hơn so với các chế phẩm khác. Các thuốc này cũng có thể gây táo bón.  Một số thuốc có thể làm mất canxi nên không sử dụng cho phụ nữ mãn kinh. Đối với bệnh nhân có vấn đề về thận, cần đến bác sĩ kiểm tra trước khi sử dụng thuốc kháng acid có chứa Nhôm oxid.
  • Hợp chất chứa Magie có thể gây tiêu chảy.
  • Kết hợp thuốc kháng acid có chứa Nhôm-Magie sẽ ít gây táo bón hoặc tiêu chảy hơn khi chỉ dùng thuốc kháng acid chỉ chứa Nhôm hay chỉ chứa Magie. Ví dụ như Trimafort®, Maalox®. Nhiều loại thuốc kháng acid có chứa thêm simethicone như Trimafort® sẽ giúp phá vỡ các bọt khí trong dạ dày.
  • Thuốc kháng acid chứa acid alginic (như Gaviscon) chứa một tác nhân tạo bọt nổi lên trên  các chất trong dạ dày. Lớp gel này giúp ngăn ngừa trào ngược dịch dạ dày lên thực quản.

Thuốc làm giảm tiết acid làm giảm lượng acid tiết ra trong dạ dày, giúp làm giảm chứng ợ nóng. Có một số loại thuốc làm giảm tiết acid là thuốc bán không cần kê đơn (OTC) trên thị trường như: thuốc ức chế thụ thể H2 (như famotidine ranitidine) và thuốc ức chế bơm proton (như lansoprazoleomeprazole). Mỗi loại có những chú ý nhỏ khác nhau khi sử dụng. Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Thận trọng trong việc sử dụng thuốc kháng acid và thuốc làm giảm tiết acid

  • Cố gắng loại bỏ nguyên nhân gây ra chứng ợ nóng thay vì uống thuốc kháng acid thường xuyên. Tìm hiểu thêm về chứng ợ nóng để biết thêm thông tin.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc kháng acid nếu đang sử dụng các thuốc khác. Thuốc kháng acid có thể gây cản trở sự hấp thu và tác dụng  của các thuốc khác. Ngoài ra phải tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có vết loét tiêu hóa hoặc các vấn đề về thận.
  • Không sử dụng thuốc kháng acid  quá 2  tuần trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu bạn có vấn đề về chức năng thận hoặc gan, nên cẩn thận khi sử dụng thuốc kháng acid. Tất cả các thuốc bị thải trừ khỏi cơ thể bởi gan và thận. Nếu thận có vấn đề, có thể gây tích tụ thuốc trong cơ thể.
  • Nếu bạn đang có chế độ ăn kiêng muối, phải báo với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi chọn thuốc kháng acid. Vì có một số thuốc kháng acid có rất nhiều muối (natri)
  • Không được sử dụng thuốc kháng acid có chứa natri bicarbonate (như Alka- Selter®) cho phụ nữ có thai.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.