Menu

Tự điều trị bằng sản phẩm chống nôn không kê đơn

Người dịch: Trần Thị Hoài Thương – ĐH Dược Hà Nội

Hiệu đính: Vũ tiến Đạt – Công Ty cổ phần tập đoàn MERAP Hưng Yên

 

13 tháng 7 năm 2010

Yvette C. Terrie, Cử nhân Dược; Dược sĩ nội trú

Buồn nôn và nôn không thường xuyên có thể được phòng ngừa và điều trị bằng các liệu pháp OTC. Link

 

Đối với các bệnh nhân đang buồn nôn và nôn, ưu tiên hàng đầu là giảm triệu chứng ngay lập tức. Các thuốc OTC trong điều trị buồn nôn và nôn bao gồm các thuốc kháng histamine, bismuth subsalicylate, thuốc kháng acid, kháng thụ thể histamine2 (H2) và dung dịch carbohydrat bổ sung photpho*.

Các sản phẩm không phải là thuốc khác, như băng cổ tay Sea-Band và BioBands, sử dụng nguyên lý bấm huyệt cũng có sẵn trên thị trường để điều trị buồn nôn và nôn. Băng cổ tay bấm huyệt được chỉ định để giảm buồn nôn, nôn, say tàu xe và ăn quá mức.1 Ngoài ra, một loạt các sản phẩm bổ sung  hoặc thay thế như gừng, bạc hà, cúc La Mã và các sản phẩm từ thực vật khác cũng thường được sử dụng để điều trị buồn nôn và nôn.1

Các sản phẩm OTC chỉ nên được sử dụng để phòng ngừa hoặc điều trị các triệu chứng của các đợt buồn nôn và nôn nhẹ, không thường xuyên và có thể tự điều trị. Các bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn và nôn nghiêm trọng nên được chỉ dẫn để được đánh giá y khoa sâu hơn. Các yếu tố cần xem xét khi lựa chọn một sản phẩm OTC bao gồm tuổi, bệnh nhân có đang có thai hay cho con bú không, các tình trạng y khoa khác và lịch sử dùng thuốc hiện tại của bệnh nhân.

 

LIỆU PHÁP DƯỢC LÝ

Các thuốc kháng histamine OTC được chỉ định để phòng ngừa và điều trị buồn nôn, nôn và chóng mặt liên quan đến say tàu xe bao gồm meclizine, cyclizine, dimenhydrinate, và diphenhydramine (Bảng 1). Khuyến cáo bệnh nhân dùng thuốc ít nhất 30 đến 60 phút trước khi lên tàu, xe để thuốc có đủ thời gian khởi phát tác dụng. Trong khi tư vấn, phải làm cho bệnh nhân nhận thức được khả năng xuất hiện các tác dụng không mong muốn khi dùng các thuốc này như buồn ngủ, nhìn mờ, khô miệng và bí tiểu. Tư vấn cho các bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh như hen phế quản, tăng nhãn áp góc hẹp, hoặc phì đại tiền liệt tuyến lành tính không sử dụng các thuốc này trừ khi được chỉ định bởi bác sĩ điều trị.1 Bệnh nhân phải được cảnh báo về việc tăng tác dụng an thần – tình trạng có thể xảy ra khi các thuốc kháng histamine được sử dụng kết hợp với chất ức chế hệ thần kinh trung ương, như rượu, thuốc an thần,và thuốc ngủ. Sử dụng các thuốc kháng histamine có thể gây kích thích ngược và kích động ở bệnh nhi, cũng như gây tình trạng lẫn ở các bệnh nhân lão khoa.1

 

Bảng 1: Ví dụ các sản phẩm chống nôn OTC

Biệt dược Hoạt chất, hàm lượng
Bonine (dạng viên nén) Meclizine HCl 25 mg
Bonine (dạng viên nén cho trẻ em) Cyclizine HCl 25 mg
Dramamine (dạng viên nén có thể nhai) Dimenhydrinate 50 mg
Dramamine (dạng viên nén có công thức ít gây buồn ngủ) Meclizine HCl 25 mg
Emetrol (Dạng lỏng hương cherry) Mỗi 5 mL: phosphoric acid 21,5 mg, dextrose 1,87 g, fructose 1,87 g
Marezine (Dạng viên nén dùng chống say tàu xe) Cyclizine 50 mg
Nauzene (Dạng lỏng) Mỗi 15 mL: dextrose 4,35 g, levulose 4,17 g, sodium citrate dihydrate 0,921 g

Triptone (Dùng chống say tàu xe)

Dimenhydrinate 50 mg

 

Ở một số trường hợp, buồn nôn và nôn có thể do tiêu thụ quá mức thức ăn hoặc đồ uống hoặc do tiêu thụ đồ ăn thức uống không hợp. Các sản phẩm thường dùng như thuốc kháng acid, kháng thụ thể H2, bismuth subsalicylate, và dung dịch carbohydrat bổ sung photpho có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng buồn nôn liên quan đến việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm.1 Dung dịch carbohydrat bổ sung phospho cũng có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng buồn nôn và nôn liên quan đến dạ dày gây ra bởi viêm dạ dày- ruột do virus và say tàu xe.1 Hướng dẫn bệnh nhân dùng liều khuyến cáo với tần suất 15 phút cho đến khi các triệu chứng giảm dần, không quá 1 giờ hoặc quá 5 liều. Để tối đa hóa hiệu quả của thuốc, không được pha loãng thuốc.1,2 Do chứa lượng fructose và glucose cao, bệnh nhân không dung nạp fructose di truyền và bệnh nhân tiểu đường không được sử dụng dung dịch carbohydrat đã photphat hóa.1,2

 

CÁC ĐIỂM TƯ VẤN CHÍNH

Mặc dù nhiều ca bệnh nhẹ và có thể tự điều trị, buồn nôn và nôn thỉnh thoảng có thể là một triệu chứng hoặc dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn, như tắc ruột, viêm ruột thừa hoặc đau nửa đầu. 1,3 Những người mắc bệnh mạn tính nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để xử lý tình trạng buồn nôn và nôn. Do đó, trước khi khuyến cáo bất kỳ sản phẩm OTC nào, dược sĩ bắt buộc phải xác định bệnh nhân có phù hợp tự điều trị được hay không. Dược sĩ cần đảm bảo bệnh nhân hiểu rõ việc sử dụng đúng cách các sản phẩm OTC này và yêu cầu chăm sóc y tế ngay nếu triệu chứng buồn nôn và nôn kéo dài (dài hơn 24 – 48 giờ) hoặc nếu các triệu chứng xấu đi. Khi thích hợp, dược sĩ nên khuyến khích bệnh nhân uống các chất lỏng sạch, như dung dịch bù điện giải, và duy trì đủ lượng nước tiêu thụ để tránh khả năng mất nước. Phụ nữ có thai hoặc cho con bú có triệu chứng buồn nôn và nôn luôn luôn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ thuốc nào.

Dược sĩ cũng là người duy nhất giúp lựa chọn thuốc cho bệnh nhi, do trẻ nhỏ hơn hoặc bằng 2 tuổi không nên sử dụng các thuốc kháng histamine, như dimenhydrinatediphenhydramine. Cyclizine không được dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi, và meclizinebismuth subsalicylate không được dùng cho trẻ nhỏ hơn 12 tuổi.1

Trước khi khuyến cáo bất kỳ sản phẩm nào, dược sĩ cần sàng lọc các chống chỉ định và tương thác thuốc có thể gặp ở các bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh khác và những người đang dùng bất kỳ thuốc nào khác. Những bệnh nhân này nên được khuyến khích tham vấn ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng các thuốc này. Do khả năng mất nước và mất cân bằng điện giải là mối quan tâm phổ biến trong các đợt nôn, đặc biệt là ở bệnh nhi, bệnh nhân cần nhận thức được các dấu hiệu mất nước và được khuyến khích yêu cầu trợ giúp y tế khi xuất hiện các triệu chứng này.

Bảng 2: Ví dụ các trường hợp không được tự điều trị buồn nôn và nôn

  • Có dấu hiệu đau bụng hoặc chướng bụng
  • Bất kỳ dấu hiệu mất nước, như hôn mê hoặc giảm lượng nước tiểu
  • Có máu trong bãi nôn
  • Thay đổi mức độ tỉnh táo, sáng suốt trí tuệ, hoặc hành vi
  • Khó thở hoặc xuất hiện các đợt nhịp tim nhanh
  • Buồn nôn và nôn có liên quan đến liệu pháp hóa trị / xạ trị hoặc các rối loạn chuyển hóa khác
  • Nôn kéo dài hơn 24 giờ, đặc biệt là ở trẻ em
  • Gần đây có chấn thương đầu
  • Nghi ngờ ngộ độc
  • Nghi ngờ mang thai
  • Nôn đi kèm với bất kỳ triệu chứng nào sau đây: sốt, tiêu chảy, đau đầu dữ dội, cứng cổ
Được tổng hợp từ tài liệu tham khảo 1 và 2.

 

 

Bảng 3: Dấu hiệu mất nước ở trẻ em

·                     Không có hoặc giảm sản xuất nước mắt khi khóc
·                     Nước tiểu cô đặc
·                     Giảm tỉnh táo hoặc có dấu hiệu hôn mê
·                     Giảm đàn hồi da
·                     Giảm lượng nước tiểu
·                     Miệng và lưỡi khô
·                     Khát quá mức
·                     Nhịp tim nhanh
·                     Mắt trũng
Được tổng hợp từ tài liệu tham khảo 1 và 2

 

Ms. Terrie là một cây viết dược lâm sàng ở Haymarket, Virginia.

 

(*) Chú thích của người dịch: Dung dịch carbohydrat bổ sung photpho: Phosphorated carbohydrate solution: Tên gọi chung cho một nhóm chế phẩm OTC dạng dung dịch tại Hoa Kỳ được sử dụng cho các trường hợp buồn nôn liên quan đến dạ dày do cảm cúm, thức ăn hoặc đồ uống. Sản phẩm gốc là Emetrol; thành phần cho 5 ml: Glucose 1,87g; Fructose 1,87 g; Phosphoric acid 21,5 mg; tá dược: Glycerin, methylparaben, màu và mùi thực phẩm, nước tinh khiết vừa đủ. Các sản phẩm cùng nhóm bao gồm: Emetrol, Cherry; Emetrol, Lemon-Mint; Nausea Relief Medicine; Nausea Control; Emechek Anti-Nauseant; Kalmz; Anti-Nausea; Little Tummys Nausea Relief. Lưu ý: FDA không phê duyệt hướng dẫn sử dụng cho các chế phẩm này.

 

Tài liệu tham khảo

  1. McWhorter, Laura Shane, and Oderda Lynda. Nausea and Vomiting. . In: Berardi R, Newton G, McDermott JH, et al, eds. Handbook of Nonprescription Drugs. 16th ed. Washington, DC: American Pharmacists Association: 2009:335-353.
  2. Emetrol Product Information. WellSpring Pharmaceutical Web site. www.emetrol.com/directions.html. Accessed May 8, 2010.
  3. Nausea and Vomiting, Medline Plus ( Service of United States National Library of Medicine and the National Institutes of Health Web site.www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003117.htm. Accessed May 7, 2010.

 

 

 

 

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.