Tháng Chín 27, 2016
Tư vấn tại quầy thuốc – Đau bụng kinh
Dịch: SVD5. Vũ Thị Trà, ĐH Dược Hà Nội
Hiệu đính: ThS.DS. Võ Thị Hà, ĐH Y Dược Huế
Nguồn: Alison Blenkinsopp, Paul Paxton and John Blenkinsopp (2014). Symptoms in the Pharmacy – A Guide to management of common illnesses 7th.
Ước tính cứ 2 người phụ nữ thì có 1 người bị đau bụng kinh (thống kinh – dysmenorrhoea). Trong số đó khoảng 10% có những triệu chứng nặng ảnh hưởng đến học tập hoặc công việc. Nhiều phụ nữ trong số này tự dùng thuốc và chỉ tìm đến bác sỹ khi những biện pháp đó không hiệu quả. Dược sỹ nên lưu ý rằng bệnh nhân có thể sẽ xấu hổ khi trao đổi những vấn đề về kinh nguyệt, do đó nên cố gắng tạo không khí trao đổi riêng tư.
Những thông tin dược sĩ cần biết
|
Tuổi
Tiền sử
Mức độ thường xuyên và thời gian của chu kỳ kinh nguyệt
Thời gian và mức độ đau
Mối quan hệ với quá trình hành kinh
Các triệu chứng khác
– Đau đầu, đau lưng
– Buồn nôn, nôn, táo bón
– Choáng, chóng mặt, mệt mỏi
– Các hội chứng tiền kinh nguyệt
Thuốc
|
1. Tầm quan trọng của các thông tin thu thập
1.1. Tuổi
Phần lớn đau bụng kinh xảy ra ở phụ nữ độ tuổi từ 17 đến 25. Đau bụng kinh nguyên phát là những cơn đau khi không có bệnh vùng xương chậu, trong khi đó đau bụng kinh thứ phát là những cơn đau có thể do các bệnh khác sinh ra. Đau bụng kinh thứ phát thường phổ biến ở những phụ nữ trên 30 tuổi và hiếm gặp với phụ nữ dưới 25 tuổi. Những nguyên nhân thông thường của đau bụng kinh thứ phát bao gồm lạc nội mạc tử cung hoặc bệnh viêm vùng chậu.Đau bụng kinh nguyên phát hiếm gặp sau khi đã có con.
1.2. Tiền sử
Đau bụng kinh thường không xảy ra khi bắt đầu có kinh nguyệt. Đó là do trong những tháng đầu (đôi khi là những năm đầu) hành kinh chưa xảy ra sự rụng trứng. Những chu kỳ không rụng trứng này xảy ra thường xuyên nhưng không phải là luôn luôn, bệnh nhân không đau và do đó đôi khi bệnh nhân mô tả chỉ đau sau nhiều tháng hoặc nhiều năm hành kinh không đau. Dược sỹ nên xác nhận xem chu kỳ kinh nguyệt của bệnh nhân có đều không và độ dài của mỗi chu kỳ. Sau đó nên tập trung hỏi thời gian đau liên quan đến quá trình hành kinh.
1.3. Thời gian và đặc điểm cơn đau
Đau bụng kinh nguyên phát
Đau bụng kinh nguyên phát cổ điển biểu hiện bằng những cơn đau vùng bụng dưới thường xuất hiện trước khi chảy máu một ngày. Cơn đau giảm dần khi bắt đầu hành kinh và thường hết trước cuối ngày đầu tiên của hành kinh.
Đau bụng giữa kỳ kinh: Đau bụng giữa kỳ kinh là những cơn đau do rụng trứng xảy ra ở giữa chu kỳ, vào thời điểm rụng trứng. Cơn đau vùng bụng dưới thường kéo dài khoảng vài giờ, nhưng cũng có thể kéo dài nhiều ngày và có thể kèm theo chảy máu.
Đau bụng kinh thứ phát
Những cơn đau của đau bụng kinh thứ phát có thể xảy ra trong suốt những giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt và có thể giảm hoặc tăng do quá trình hành kinh. Những cơn đau như vậy thường âm ỉ, nhức nhối chứ ít khi đau dữ dội, co thắt. Thường xảy ra trước khi hành kinh một tuần, cơn đau có thể nặng hơn khi bắt đầu chảy máu. Cơn đau có thể xảy ra khi quan hệ tình dục. Đau bụng kinh thứ phát thường gặp hơn ở phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt những phụ nữ đã có con. Trong nhiễm khuẩn vùng chậu, việc chảy mủ âm đạo có thể là biểu hiện đi kèm với những cơn đau này. Nếu sau khi hỏi bệnh và nghi ngờ đau bụng kinh thứ phát, dược sỹ nên khuyên bệnh nhân đến thăm khám bác sỹ để có những can thiệp sâu hơn.
Lạc nội mạc tử cung
Bệnh lạc nội mạc tử cung thường xảy ra ở những phụ nữ độ tuổi từ 30 đến 45, nhưng cũng có thể ở độ tuổi 20. Tử cung (dạ con) có một lớp bề mặt đặc biệt (nội mạc tử cung). Trong bệnh lạc nội mạc tử cung, nhiều phần của lớp nội mạc này được tìm thấy ở ngoài tử cung. Những phần tách ra của nội mạc tử cung có thể nằm ở ngoài tử cung hoặc buồng trứng, hoặc bất kỳ đâu trong vùng chậu. Mỗi phần của nội mạc tử cung đều nhạy cảm với sự thay đổi hormon trong chu kỳ kinh nguyệt, chúng dày lên, bong ra, và chảy máu hàng tháng. Điều này gây ra những cơn đau ở những nơi tìm thấy tế bào nội mạc tử cung. Cơn đau thường bắt đầu một tuần trước khi hành kinh và ở cả bụng dưới và lưng dưới, có thể không theo chu kỳ và có thể xảy ra khi quan hệ tình dục (đau khi giao hợp). Lạc nội mạc tử cung có thể gây ra chứng khô vùng kín. Có thể chẩn đoán xác nhận bằng kỹ thuật soi bụng.
Bệnh viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu có thể xảy ra và có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Cần biết bệnh nhân có sử dụng các dụng cụ tránh thai đặt bên trong âm đạo hay không (đặt vòng). Vòng tránh thai có thể gây ra cảm giác khó chịu,làm cho hành kinh nhiều hơn và có thể gây nhiễm trùng. Nhiễm trùng vùng chậu cấp tính xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập phát triển trong ống dẫn trứng, khi đó thường gây đau nặng, sốt và chảy mủ âm đạo. Những cơn đau này thường ở vùng bụng dưới và không liên quan đến quá trình hành kinh, có thể dễ nhầm lẫn với đau ruột thừa.
Bệnh viêm vùng chậu ác tính có thể bắt nguồn từ một nhiễm trùng cấp tính. Những cơn đau ít nghiêm trọng hơn, liên quan đến các chu kỳ và có thể xuất hiện trong khi quan hệ tình dục. Có ý kiến cho rằng sự bám dính phát triển xung quanh ống sau khi nhiễm trùng có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng trên ở một số phụ nữ. Tuy nhiên, những ý kiến khác cho rằng không tìm thấy sự bất thường nào và cho rằng sự sung huyết vùng chậu là nguyên nhân. Trong trường hợp này, các yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng.
1.4. Các triệu chứng khác
Những phụ nữ bị đau bụng kinh thường miêu tả các triệu chứng liên quan bao gồm buồn nôn, nôn, các bệnh đường tiêu hóa thông thường, táo bón, nhức đầu, đau lưng, mệt mỏi, chóng mặt.
Hội chứng tiền kinh nguyệt
Thuật ngữ hội chứng tiền kinh nguyệt (HCTMK) miêu tả một nhóm triệu chứng về thể chất và tâm lý liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng diễn ra theo chu kỳ, thường từ 2 đến 14 ngày trước khi bắt đầu hành kinh và giảm bớt khi bắt đầu chảy máu kinh nguyệt. Đặc điểm xuất hiện có tính chu kỳ, thời gian tiến triển và sự giảm bớt các triệu chứng khi bắt đầu hành kinh đều là chỉ điểm quan trọng trong việc chẩn đoán xác định HCTMK. Một số phụ nữ có những triệu chứng nặng gây ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống gia đình.
Những người có hội chứng này thường phàn nàn chướng bụng, tăng cân, sưng mắt cá chân và ngón chân, đau ngực, đau đầu. Các triệu chứng về tâm lý bao gồm một vài hoặc tất cả các triệu chứng kích thích, căng thẳng, trầm cảm, khó tập trung và mệt mỏi.
Nếu nghi ngờ có hội chứng tiền kinh nguyệt, khuyên bệnh nhân nên ghi chép những triệu chứng khi chúng xuất hiện và khi giảm bớt, đặc biệt thông tin này sẽ rất hữu ích nếu dược sỹ quyết định khuyên bệnh nhân đi khám bác sỹ.
Việc điều trị những triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi và bệnh nhân có đáp ứng cao với giả dược, giúp giảm các triệu chứng như thay đổi tâm trạng, tức ngực, đau đầu khi placebo được sử dụng 2 tuần trước khi bắt đầu hoặc trong suốt chu kỳ hành kinh. Có một vài bằng chứng cho thấy pyridoxine có thể làm giảm các triệu chứng nhưng các thử nghiệm lâm sàng còn nghèo nàn và do đó chưa thể khẳng định. Cơ chế hoạt động của pyridoxine trong HCTMK chưa được biết. Tuy nhiên, nên khuyên phụ nữ dùng liều được khuyến cáo vì liều pyridoxine cao hơn đã được ghi nhận có thể dẫn đến các bệnh về thần kinh. Theo Dược thư Anh “British National formulary“, việc sử dụng pyridoxine với liều 10mg hàng ngày được coi là an toàn, tuy nhiên việc sử dụng kéo dài liều 200mg hoặc hơn hàng ngày có liên quan đến các vấn đề thần kinh. Không đảm bảo an toàn nếu sử dụng pyridoxine với liều hơn 10mg hàng ngày.
Tinh dầu hoa anh thảo (Evening primrose oil) đã được sử dụng để điều trị chứng tức ngực liên quan đến HCTMK. Tuy nhiên, chưa có thử nghiệm lâm sàng được thiết kế tốt cho thấy tác dụng của nó và do đó hiệu quả trị bệnh này chưa được kiểm chứng. Cơ chế hoạt động của tinh dầu hoa anh thảo trong những trường hợp này được cho là liên quan đến tác dụng trên các prostaglandin, đặc biệt trong việc làm gia tăng nồng độ prostaglandin E, có tác dụng làm tan máu ở một số phụ nữ bị HCTMK. Thành phần có tác dụng của tinh dầu hoa anh thảo là acid gamma-linolenic (gamolenic), được cho là làm giảm tỷ lệ acid béo bão hòa thành acid béo không bão hòa. Acid gamma linolenic dường như làm giảm đáp ứng với các hormon và prolactin.
1.5. Thuốc
Đau bụng kinh được cho là có liên quan tới việc gia tăng hoạt động của prostaglandin, và nồng độ prostaglandin tăng được ghi nhận trong kinh nguyệt và máu lưu thông của phụ nữ bị đau bụng kinh. Do đó, việc sử dụng thuốc giảm đau ngăn chặn sự tổng hợp prostaglandin là hợp lý. Tuy nhiên, dược sỹ cần đảm bảo rằng bệnh nhân đã không sử dụng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID).
Những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai đường uống nhận thấy các triệu chứng của đau bụng kinh đồng thời giảm bớt hoặc được giới hạn, do đó những phụ nữ có những triệu chứng đau bụng kinh và đang uống thuốc tránh thai đường uống tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sỹ để có những đánh giá sâu hơn.
Trường hợp nào nên khuyên bệnh nhân khám bác sỹ
|
Xuất hiện dịch tiết âm đạo bất thường
– Chảy máu bất thường
– Các triệu chứng gợi ý đến đau bụng kinh thứ phát
– Đau nặng giữa kỳ kinh và chảy máu
– Không đáp ứng các liệu pháp chữa trị
– Đau giai đoạn muộn (có thể là chửa ngoài dạ con)
– Sốt
|
2. Tiến trình điều trị
Nếu những cơn đau do đau bụng kinh nguyên phát không cải thiện sau hai chu kỳ điều trị, nên tham khảo ý kiến bác sỹ.
3. Quản lý bệnh
Cần giải thích đơn giản giúp bệnh nhân hiểu tại sao những cơn đau xuất hiện theo chu kỳ, đồng thời thể hiện sự cảm thông và giúp bệnh nhân yên tâm hơn. Thuốc giảm đau thông thường thường rất hiệu quả trong đau bụng kinh.
3.1. NSAIDS (Ibuprofen, diclofenac, naproxen)-xem thêm bài Đau đầu
NSAID có thể được xem là sự lựa chọn cho điều trị đau bụng kinh miễn là nó phù hợp với bệnh nhân (ví dụ dược sỹ đã hỏi bệnh nhân về việc sử dụng aspirin trước đó, có gặp những rối loạn đường tiêu hóa hay bị hen khi sử dụng hay không). NSAID ngăn chặn sự tổng hợp prostaglandin, do đó việc sử dụng là có cơ sở hợp lý. Phần lớn các thử nghiệm đã nghiên cứu việc sử dụng NSAID vào giai đoạn đầu cơn đau. Một nghiên cứu nhỏ so sánh việc điều trị bắt đầu vào thời điểm tiền kinh nguyệt với việc điều trị khi bắt đầu xuất hiện những cơn đau cho thấy cả hai trường hợp cho hiệu quả như nhau. Cũng có thể sử dụng các dạng giải phóng kéo dài của ibuprofen.
Liều dùng cho ibuprofen và diclofenac ở bài Đau đầu. Diclofenac chống chỉ định với những bệnh nhân có bệnh tim mạch. Khi được yêu cầu bán diclofenac đường uống không kê đơn hoặc xem xét việc kê diclofenac, dược sỹ và nhân viên quầy thuốc cần đặt ra những câu hỏi thích hợp để xác định xem bệnh nhân có bệnh tim mạch hay không. Naproxen 250mg có thể sử dụng cho phụ nữ độ tuổi 15 đến 50 chỉ với đau bụng kinh nguyên phát. Ban đầu dùng 2 viên, sau 6-8 h dùng thêm 1 viên nếu cần. Liều tối đa là 750mg/ngày và dùng tối đa trong 3 ngày.
Chống chỉ định
NSAID có thể gây ra kích ứng đường tiêu hóa và không nên sử dụng cho những bệnh nhân đang hoặc đã bị loét đường tiêu hóa, do đó khi sử dụng cần hết sức lưu ý. Tất cả các bệnh nhân nên dùng NSAID trong hoặc sau bữa ăn để giảm thiểu các vấn đề trên đường tiêu hóa (xem thêm bài Đau đầu).
NSAIDs không nên sử dụng cho những ai nhạy cảm với aspirin và nên chú ý khi sử dụng cho những ai bị hen, bởi những bệnh nhân này thường nhạy cảm với NSAID. Đối với một người bị hen đã từng sử dụng NSAID trước đó, nếu họ dùng nhưng không gặp vấn đề gì thì có thể tiếp tục sử dụng.
3.2. Aspirin
Aspirincũng ngăn chặn sự tổng hợp của prostaglandin nhưng ít có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng của đau bụng kinh so với ibuprofen. Một tổng quan y khoa cho thấy số bệnh nhân cần điều trị (number needed to treat*) đối với aspirin là 10 trong khi ibuprofenlà 2.4. Aspirin có thể gây rối loạn đường tiêu hóa và kích thích dạ dày hơn NSAID. Với những triệu chứng đã gặp như buồn nôn, nôn trong đau bụng kinh, tốt nhất nên tránh sử dụng aspirin. Dạng hòa tan của aspirin có tác dụng nhanh hơn dạng viên truyền thống và ít gây ra các vấn đề dạ dày. Khuyến cáo bệnh nhân sử dụng aspirin trong hoặc sau bữa ăn. Dược sỹ nên xác minh xem bệnh nhân có tiền sử nhạy cảm với aspirin hay không trước khi khuyên dùng.
3.3. Paracetamol
Paracetamolkhông hoặc ít ảnh hưởng đến nồng độ prostaglandin vốn liên quan đến đau và viêm do đó theo lý thuyết, có ít hiệu quả trong việc điều trị đau bụng kinh so với NSAID hoặc aspirin. Tuy nhiên, paracetamollà một lựa chọn hiệu quả khi bệnh nhân không thể sử dụng NSAID hoặc aspirin do những tác dụng phụ trên dạ dày hoặc bị kích ứng. Paracetamol cũng có hữu ích khi bệnh nhân buồn nôn, nôn, đau vì nó không kích ứng dạ dày. Dược sỹ nên nhấn mạnh vớibệnh nhân thông tin về liều dùng tối đa.
3.4. Hyoscine
Hyoscine, một thuốc giãn cơ trơn, được bán trên thị trường để điều trị đau bụng kinh trên cơ sở lý thuyết là tác dụng chống co thắt sẽ làm giảm những cơn quặn thắt của đau bụng kinh. Trên thực tế, liều dùng quá thấp (0.1mg hyoscine) khó gây ra tác dụng như vậy. Hyoscine có tác dụng kháng cholinergic, có nghĩa là nó bị chống chỉ định cho những phụ nữ có glaucoma góc hẹp. Thêm vào đó, tác dụng kháng cholinergic (khô miệng, táo bón, giảm tầm nhìn) có nghĩa là nên tránh sử dụng hyoscine nếu như bệnh nhân đang sử dụng các thuốc có tính kháng cholinergic khác.
3.5. Caffein
Có một vài bằng chứng (từ một thử nghiệm so sánh giữa kết hợp ibuprofen với cafein và ibuprofen riêng lẻ và cafein riêng lẻ) cho thấy cafein có thể làm tăng tác dụng giảm đau. Các sản phầm thuốc không kê đơn (OTC) chứa 15-65 mg cafein trên 1 viên. Khi uống trà, café hoặc cola cũng tác dụng tương tự. Một cốc café hòa tan thường chứa khoảng 80 mg cafein, 1 cốc café pha nguyên chất chứa khoảng 130 mg; một cốc trà chứa 50 mg và 1 lon cola chứa khoảng 40-60 mg.
3.6. Điều trị không dùng thuốc
Một tổng quan y văn hệ thống các bằng chứng cho thấy điện trị liệu kích thích tần số cao qua da (high-frequency transcutaneous electrical nerve stimulation (TENS)) có thể có tác dụng. Cơ chế hoạt động có thể là thay đổi khả năng nhận hoặc cảm nhận các tín hiệu đau. Điện trị liệu tần số cao có xung khoảng 50-120 Hz ở cường độ thấp và khi so sánh với giả dược ở 7 thử nghiệm ngẫu nhiên nhỏ, đã cho thấy tác dụng giảm đau trong đau bụng kinh nguyên phát. Điện trị liệu tần số thấp cũng có thể giảm đau và có xung khoảng 1-4 Hz ở cường độ cao. Mặc dù điện trị liệu tần số thấp tốt hơn giả dược, các bằng chứng ít thuyết phục hơn so với tần số cao.
Thuật châm cứu có thể hữu ích và một thiết kế nhỏ nhưng được thiết kế hợp lý đã chỉ ra rằng châm cứu tốt hơn giả dược tương đương của nó (thuật châm cứu giả, trong đó các kim châm nằm xa vị trí châm cứu thật). Liệu pháp này được thực hiện 1 lần/mỗi tuần, 3 tuần/1 tháng trong 3 tháng. Những phụ nữ thực hiện châm cứu thật cho thấy tác dụng giảm đau đáng kể. Trong khi chờ những nghiên cứu sâu hơn để xác nhận tác dụng, nhiều phụ nữ muốn thử liệu pháp này.
Dùng hơi nóng mức độ thấp tại chỗ có thể giúp giảm đau. Các kết quả từ một nghiên cứu cho thấy kết hợp ibuprofen và đốt nóng từng vùng giúp rút ngắn đáng kể thời gian để đạt mức giảm đau so với khi dùng đơn độc ibuprofen.
Dầu cá (acid béo omega-3) được so sánh với giả dược trong một nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng tác dụng giúp giảm đau hơn ở nhóm điều trị. Có nhiều tác dụng phụ khi điều trị bằng dầu cá, nhưng không nghiêm trọng.
Pyridoxine khi sử dụng riêng và khi kết hợp với magie cho thấy một số lợi ích giúp giảm đau khi so sánh với giả dược.
4. Lưu ý thực hành
a. Luyện tập thể dục trong khi điều trị không gây hại mà còn có tác dụng tốt do làm tăng nồng độ endorphin, giảm đau và làm gia tăng cảm giác thoải mái. Có một số bằng chứng cho thấy những bài tập aerobic vừa phải giúp cải thiện các triệu chứng của HCTMK.
b. Có một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn ít béo, nhiều carbohydrat giúp giảm đau và tức ngực.
c. Một số lời khuyên cho những phụ nữ sử dụng thuốc giảm đau trong đau bụng kinh:
(i). Dùng liều đầu tiên ngay khi cảm thấy đau hoặc ngay khi bắt đầu chảy máu, tùy theo cái nào xảy ra trước. Một số bác sỹ khuyến cáo bắt đầu uống những viên đầu tiên vào ngày trước khi bắt đầu chu kỳ, nhờ đó có thể giúp ngăn chặn cơn đau hình thành.
(ii). Uống thuốc thường xuyên, mỗi giai đoạn 2-3 ngày, hơn là đợi cơn đau tích tụ lại rồi mới uống thuốc.
(iii). Dùng liều mạnh vừa đủ. Nếu cơn đau không giảm, hỏi ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ xem liều đang dùng đã là liều tối đa chưa. Có thể bạn chỉ cần tăng liều thuốc là được.
(iv). Thường ít gặp tác dụng phụ nếu chỉ dùng thuốc chống viêm vài ngày một lần, trong mỗi chu kỳ, nhưng hãy đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết được đầy đủ các tác dụng phụ có thể gặp phải.
5. Các trường hợp đau bụng kinh trong thực hành
Ca 1
Chị B. là một phụ nữ trẻ khoảng 26 tuổi, xin lời khuyên của bạn vì bị đau trong chu kỳ kinh. Sau khi hỏi, được biết chị B. bị đau vùng bụng dưới, đôi khi đau lưng, bắt đầu nhiều ngày trước khi bắt đầu chu kỳ. Chu kỳ kinh nguyệt của chị trước đây rất ổn định nhưng hiện nay hay thất thường, nhiều khi mỗi chu kỳ rút ngắn còn 3 tuần. Cơn đau kéo dài trong suốt chu kỳ kinh nguyệt và khá nặng. Chị đã thử uống aspirin nhưng không đỡ nhiều.
Ý kiến của dược sỹ
Chị B. dường như đang bị đau bụng kinh thứ phát. Cơn đau bắt đầu trước khi hành kinh và tiếp tục kéo dài trong khi hành kinh. Chu kỳ của chị trước đây ổn định nhưng hiện nay thì không và tuy đã thử dùng aspirin nhưng không giảm được đau. Chị nên đi khám bác sỹ.
Ý kiến của bác sỹ
Việc đi khám bác sĩ trong trường hợp này là cần thiết. Cần thu thập thêm thông tin từ tiền sử bệnh(những cơn đau kéo dài bao lâu và như thế nào, ảnh hưởng đến đời sống, việc có thai, có sử dụng thuốc tránh thai hay không, bệnh sử nhiễm trùng vùng chậu nếu có, mối quan tâm-lo lắng và những ý kiến của chị B. về bệnh của mình, mong đợi của bệnh nhân…), kiểm tra sơ bộ và xét nghiệm. Có khả năng bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung và cần tham khảo ý kiến bác sỹ phụ khoa. Việc chẩn đoán lạc nội mạc tử cung có thể xác nhận bằng cách soi ổ bụng. Các lựa chọn điều trị bao gồm các NSAID khác, liệu pháp hormon và phẫu thuật. Liệu pháp hormon có thể sử dụng là progestogen, antiprogestogen, kết hợp thuốc tránh thai đường uống và thuốc tương tự hormon giải phóng (GnRH). Các chế phẩm GnRH ví dụ như goserelin hoạt động bằng cách kìm nén hormon để gây ra mãn kinh nhân tạo. Có thể sử dụng đến 6 tháng (không lặp lại) và có thể phải sử dụng liệu pháp hormon thay thế để điều trị các triệu chứng tương tự mãn kinh.
Ca 2
Một cô gái trẻ A. khoảng 18 tuổi, có vẻ khá ngượng ngùng khi hỏi bạn nên làm gì nếu bị đau bụng kinh. Cô A. cho biết bắt đầu hành kinh khoảng 5 năm trước và chưa từng bị đau bụng kinh cho tới gần đây. Các chu kỳ của A. đều đặn- khoảng 4 tuần, gần đây không dày hơn nhưng có những cơn đau xuất hiện khoảng vài tiếng trước khi hành kinh, đến cuối ngày đầu tiên của chu kỳ thì hết và không đau trong suốt khoảng thời gian còn lại của chu kỳ. Cô A. cho biết chưa từng dùng loại thuốc nào, hiện tại không dùng thuốc nào từ bác sỹ và thường uống aspirin mà không gặp vấn đề gì.
Ý kiến của dược sỹ
Sau khi hỏi han cho thấy cô A. đang bị đau bụng kinh nguyên phát. Có thể khuyên cô A. dùng NSAID. Nên khuyên bệnh nhân tuân thủ liệu trình điều trị trong 2 tháng, sau đó quay lại kiểm tra xem phương pháp điều trị có hiệu quả hay không.
Ý kiến của bác sỹ
Những cơn đau của chị A. phần lớn do đau bụng kinh nguyên phát. Nên giải thích điều này để bệnh nhân có thể yên tâm. Liệu pháp điều trị dược sỹ đưa ra là hợp lý. Nếu NSAID không có tác dụng, chị A. nên trao đổi thêm với bác sỹ điều trị của mình. Đôi khi việc dùng thuốc tránh thai đường uống dạng phối hợp có thể có tác dụng giảm đau bụng kinh.
Chú thích của người hiệu đính: *Số bệnh nhân cần điều trị (number needed to treat (NNT)) là một chỉ số dịch tễ học được dùng để chỉ hiệu quả của một can thiệp y tế, điển hình là điều trị bằng thuốc. Số bệnh nhân cần điều trị là số bệnh nhân trung bình cần được điều trị để phòng một sứ cố xấu (ví dụ số bệnh nhân cần được điều trị để có một bệnh nhân được khỏi bệnh so với nhóm chứng không điều trị trong một thử nghiệm lâm sàng).