Menu

Tư vấn tại quầy thuốc – Hăm tã

Dịch: Nhóm dịch sách NCDLS

Nguồn: Alison Blenkinsopp, Paul Paxton and John Blenkinsopp (2014). Symptoms in the Pharmacy – A Guide to management of common illnesses 7th

 

Phần lớn trẻ đều bị hăm tã ở vài giai đoạn trong suốt thời ấu thơ. Yếu tố nguy cơ bao gồm sự tiếp xúc giữa nước tiểu và phân với da trẻ, sự kích ứng gây ra bởi xà phòng, nước tẩy rửa, chất tạo bọt tắm, da ẩm ướt do không được thay tã thường xuyên và chăm sóc da không hợp lý. Nên hỏi ý kiến dược sĩ trong việc chữa trị và phòng ngừa hăm tã tái phát.

Bạn cần biết:

•   Bản chất và vị trí hãm

•   Mức độ nghiêm trọng

•   Phần da bị tổn thương

•   Dấu hiệu nhiễm trùng

•   Thời gian mắc bệnh

•   Tiền sử bệnh

•   Các triệu chứng khác

•   Tác nhân thúc đẩy

•   Tình trạng chăm sóc và vệ sinh da

•   Thuốc

Bản chất và vị trí hăm

Hăm tã, đôi khi được gọi là viêm da vùng tã, là một vùng phát ban hồng ở vùng mông trẻ. Các khu vực khác của cơ thể không bị ảnh hưởng, trái ngược với viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh, nơi da đầu cũng có thể bị ảnh hưởng (cứt trâu). Ở chứng eczema sơ sinh, các bộ phân khác cũng thường bị ảnh hưởng. Việc điều trị hăm tã ban đầu là giống nhau trong mỗi trường hợp.

Mức độ nghiêm trọng

Nói chung, nếu da không có vết thương hở và không có dấu hiệu nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn, nên xem xét có cần điều trị không. Sự hiện diện của nhiễm trùng do vi khuẩn có thể biểu hiện bằng sự rỉ nước hoặc vảy vàng. Nhiễm nấm thứ cấp phổ biến ở bệnh viêm da vùng tã và sự hiện diện của các nốt sần vệ tinh (những tổn thương nhỏ màu đỏ ở xung quanh vùng bị ảnh hưởng) là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn, hãy đến gặp bác sĩ, việc dùng kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân có thể là cần thiết. Nhiễm nấm thứ cấp có thể được điều trị bằng một trong các thuốc bôi nhóm azol chống nấm do các dược sĩ tư vấn.

Thời gian mắc bệnh

Nếu tình trạng này đã kéo dài hơn 2 tuần, các dược sĩ có thể quyết định giới thiệu đến bác sĩ là lựa chọn tốt nhất, tuỳ theo bản chất và mức độ nghiêm trọng của phát ban.

Tiền sử bệnh

Các dược sĩ nên hỏi xem các triệu chứng này đã xảy ra trước đó chưa, nếu có, thì đã từng can thiệp gì, ví dụ, điều trị bằng các sản phẩm OTC.

Các triệu chứng khác

Viêm da vùng tã đôi khi xảy ra trong hoặc sau khi bị tiêu chảy, khi da quanh hậu môn trở nên đỏ và đau. Do đó các dược sĩ nên hỏi về tình trạng tiêu chảy hiện tại hoặc gần đây. Tiêu chảy có thể xảy ra như là một tác dụng phụ của điều trị kháng sinh và điều này có thể là nguyên nhân. Đôi khi bệnh nấm ở khu vực tã có thể liên quan đến nấm miệng gây ra đau mồm hoặc cổ họng (xem trang 323). Nếu nghi ngờ, nên giới thiệu đến bác sĩ.

Tác nhân thúc đẩy

Chăm sóc da và vệ sinh

Xưa kia viêm da vùng tã được cho là một bệnh viêm da kích ứng đơn giản do amoniac, là một sản phẩm phân hủy của nước tiểu trong tã lót bẩn. Tuy nhiên, các yếu tố khác đang được biết đến cũng đóng góp một phần. Chúng bao gồm các chất kích ứng trong phân và nước tiểu, phản ứng nhạy cảm với xà phòng và chất tẩy rửa và khử trùng còn lại trong tã tái sử dụng sau khi giặt không sạch và phản ứng nhạy cảm với các thành phần trong một số chế phẩm dùng tại chỗ, ví dụ, trong khăn lau em bé. Các yếu tố chính được cho là ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc hăm tã là da bị ướt liên tục và tái ngấm khi da tiếp xúc với tã lót bẩn. Da bị thấm ướt làm tăng khả năng xâm nhập của các chất kích thích qua da và gây tổn thương da. Mặc quần làm bằng chất dẻo kín làm trầm trọng thêm tình trạng này. Cần thiết phải thường xuyên thay tã và vệ sinh (xem “Lưu ý” dưới đây).

Thuốc

Việc lựa chọn và tính hiệu quả của bất kỳ chế phẩm nào sử dụng cho tình trạng hiện tại hoặc bất kỳ tình trạng trước đó, hoặc là kê đơn hoặc OTC, cần được xác định bởi các dược sĩ.

Các dược sĩ cần xem xét khả năng xuất hiện phản ứng nhạy cảm với một thành phần trong sản phẩm bôi, đặc biệt là nếu hăm tã trở nên nặng hơn.

 

     Khi nào cần đi khám
 •  Da bị vết thương hở, phát ban nặng

 •  Các khu vực khác của cơ thể bị ảnh hưởng

 •  Các dấu hiệu của nhiễm trùng

Khoảng thời gian điều trị

Một bệnh nhi bị hăm tã mà không mà không đáp ứng với việc chăm sóc da và các sản phẩm OTC trong vòng 1 tuần cần được đi khám bác sĩ.

Điều trị

Điều trị và phòng ngừa các đợt hăm tã có thể đạt được bằng cách kết hợp điều trị bằng các sản phẩm OTC và tư vấn chăm sóc da khu vực tã.

Chế phẩm làm mềm da

Chế phẩm làm mềm da là phương pháp điều trị chính. Việc dùng một chất không thấm nước như dimethicon là hữu ích trên lý thuyết nhưng không có bằng chứng thuyết phục rằng các sản phẩm này có hiệu quả. Lựa chọn sản phẩm đôi khi có thể phụ thuộc vào sở thích của khách hàng và nhiều chế phẩm có hiệu quả như nhau. Hầu hết các dược sĩ sẽ có một sản

phẩm yêu thích đặc biệt mà họ thường khuyên. Một số thành phần có trong chế phẩm cho việc điều trị và phòng ngừa hăm tã được mô tả dưới đây.

Kẽm

Kẽm có tác dụng làm dịu.

Lanolin

Lanolin giữ ẩm cho da. Nó đôi khi có thể gây ra phản ứng nhạy cảm, mặc dù lanolin tinh chế chất lượng cao được sử dụng trong nhiều sản phẩm hiện nay có thể làm giảm vấn đề này.

Dầu thầu dầu/dầu gan cá tuyết

Dầu thầu dầu và dầu gan cá tuyết tạo ra một lớp chống thấm nước trên da.

Chất kháng khuẩn (ví dụ clorhexidin gluconat)

Có thể hữu ích trong việc giảm số lượng vi khuẩn trên da. Một số chất kháng khuẩn đã được báo cáo rằng gây ra phản ứng nhạy cảm.

Chất kháng nấm

Nhiễm trùng thứ cấp với Candida phổ biến ở bệnh viêm da vùng tã và các thuốc kháng nấm nhóm azol sẽ có hiệu quả. Các dược sĩ có thể tư vấn dùng miconazol hoặc clotrimazol bôi hai lần mỗi ngày và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu vết hăm không được cải thiện trong vòng 5 ngày. Nếu dùng kem kháng nấm, tiếp tục điều trị cho tới 4 hoặc 5 ngày sau khi các triệu chứng đã hết hoàn toàn. Một loại kem làm mềm hoặc thuốc mỡ vẫn có thể dùng cùng các sản phẩm kháng nấm.

LƯU Ý

  1. Tã nên được thay thường xuyên khi cần thiết. Trẻ cho đến 3 tháng tuổi có thể đi tiểu nhiều đến12 lần một ngày.
  2. Nên tháo tã ra bất cứ khi nào có thể để không khí có thể lưu thông vào da, giúp chỗ da bị tổn thương hồi phục và khô ráo. Đặt em bé trên tã bông hoặc khăn bông với một tấm chống thấm nước bên dưới để tránh làm bẩn đồ đạc hoặc giường.
  3. Mỗi khi thay tã, nên rửa sạch da bằng nước ấm hoặc sử dụng kem dưỡng da đặc hiệu hoặc khăn lau. Cần chăm sóc da cẩn thận và làm khô hoàn toàn. Việc sử dụng bột talc có thể hữu ích, nhưng bột gây bít da đôi khi có thể gây kích thích hơn nữa. Bột Talc luôn luôn bôi trên da khô và cần được rắc nhẹ trên vùng tã. Việc thường xuyên sử dụng các loại kem làm mềm da hoặc thuốc mỡ, dùng làm da khô sạch, có thể giúp bảo vệ da chống lại các chất kích thích.

Hăm tã trong thực tế

Ca 1

Jane Simmonds, một người mẹ trẻ, yêu cầu bạn giới thiệu một loại kem tốt cho tình trạng hăm tã của con gái cô. Em bé (Sarah) 3 tháng tuổi và bà Simmonds nói với bạn rằng mông em bé bị nổi mẩn đỏ. Da bé không bị vết thương hở và không bị rỉ nước hay vảy vàng. Khi hỏi thêm, bạn thấy rằng ban cũng xuất hiện trên lưng và cổ và có dấu hiệu xuất hiện quanh cổ tay. Các vết ban có vẻ gây ngứa, vì Sarah luôn cố gắng gãi vào vùng đó. Bà Simmonds sử dụng tã lót dùng một lần, cô thường xuyên thay tã, và cô bôi kem chứa kẽm và dầu thầu dầu mỗi khi thay tã, sau khi làm sạch da. Em bé không có triệu chứng gì khác và không dùng bất cứ loại thuốc nào khác.

Quan điểm của dược sĩ

Bà Simmonds thay tã và chăm sóc da thường xuyên có vẻ đầy đủ, nhưng em bé bị hăm tã và ban ảnh hưởng đến các vùng khác của cơ thể. Có thể Sarah đã bị eczema sơ sinh và việc giới thiệu đến khám bác sĩ sẽ là hành động hợp lý nhất.

Quan điểm của bác sĩ

Có khả năng Sarah bị eczema, mà đó có thể là nguyên nhân gây ra hăm tã. Nó cũng có thể là một dạng ban eczema thể phức tạp do một nhiễm trùng thứ cấp. Giới thiệu đến các bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để đánh giá thêm sẽ là khôn ngoan. Vấn đề về da như vậy có thể làm người mẹ buồn phiền và điều quan trọng là bà Simmonds cần được tạo cơ hội để bộc lộ sự hiểu biết và mối quan tâm của cô ấy về các vấn đề và ngược lại, bác sĩ nên giải thích một cách phù hợp. Việc điều trị bao gồm tất cả các điểm lưu ý bên trên và có thể kê đơn một steroid tại chỗ yếu, chẳng hạn hydrocortison 1%, kèm theo hoặc không có chất kháng nấm hoặc kháng khuẩn.

Ca 2

Cô Lesley Tibbs lo lắng về tình trạng hăm tã ở con trai nhỏ của mình, cô ấy nói với bạn rằng dường như tình trạng đó đã xuất hiện trong vài ngày qua. Da hơi đỏ và trông đau và cô ấy đã được sử dụng một loại kem đặc hiệu, nhưng vết hăm thậm chí còn tồi tệ hơn. Em bé khoảng 5 tháng tuổi và chưa bao giờ bị hăm tã trước đó . Bà Tibbs sử dụng tã tái sử dụng và gần đây đã thay đổi loại bột giặt, theo đề nghị của một người bạn. Các ban chỉ ảnh hưởng đến khu vực tã và em bé không có các triệu chứng khác.

Quan điểm của dược sĩ

Tiền sử cho hai manh mối về nguyên nhân của vấn đề. Em bé này không bị hăm tã trước đó và lần bị này trùng với sự thay đổi chất tẩy rửa, vì vậy nó có thể là một phản ứng nhạy cảm do dư lượng chất tẩy rửa trong tã lót sau khi giặt. Yếu tố thứ hai là kem mà bà Tibbs đã được sử dụng để điều trị, nhưng không thành công. Các thành phần của sản phẩm phải được xem xét kỹ lưỡng bởi các dược sĩ để xem nếu có khả năng gây nhạy cảm.

Tư vấn ban đầu cho bà Tibbs là dùng lại chất tẩy rửa trước đó và sử dụng phương pháp điều trị khác. Tư vấn về thói quen thay tã có thể được đưa ra và nếu hăm tã không hết trong vòng 1 tuần, hoặc trở nên tồi tệ hơn, nên giới thiệu đến các bác sĩ.

Quan điểm của bác sĩ

Những lời khuyên được đưa ra bởi dược sĩ đã làm sáng tỏ vấn đề. Nó khá hợp lý khi giới thiệu bà Tibbs và em bé đến gặp các chuyên gia sức khỏe để được tư vấn thêm nếu tình trạng hăm không cải thiện.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.