Tháng Chín 27, 2016
Tư vấn tại quầy thuốc: Hen phế quản
Bài 20 : Hen phế quản
Nguồn: La médication officinale – Conseils et médicaments délivres par le pharmacien à l’officine – Caquet R.
Người dịch: DS. Dương Khánh Linh.
Người dịch: DS. Dương Khánh Linh.
Hiệu đính: ThS Ds Nguyễn Hoàng Phương Khanh
Dược sỹ đóng một vai trò quan trọng trong quản lý bệnh hen phế quản thông qua
– Giúp đỡ bệnh nhân trong điều trị nền (duy trì) và các cơn hen kịch phát;
– Giải thích cho bệnh nhân các thao tác sử dụng các loại bình xịt khác nhau.
Một số đặc điểm lâm sàng
Hen phế quản và một bệnh lý có tỷ lệ xuất hiện ngày càng cao tại các nước phát triển, có thể quan sát thấy điều này tại nhà thuốc.
Đây là một bệnh lý đi kèm với co thắt phế quản, viêm niêm mạc phế quản và tăng tiết dịch phế quản. Điều đó là do của sự giảm diện tích lòng phế quản khiến cho bệnh nhân hít thở khó khăn, đặc biệt khi thở ra.
Hen phế quản là một phản ứng của cơ quan hô hấp trước một số tác nhân môi trường hoặc một số tình trạng khác nhau. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là dị ứng nhưng thường không phải là nguyên nhân duy nhất. Hen cũng có thể gây ra do khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, virus, thay đổi thời tiết, vv. Đây là một bệnh lý mạn tính có thể tiến triển cấp tính (thành cơn hen cấp) với các đặc tính của một cơn kịch phát. Về lâu dài, chức năng hô hấp của bệnh nhân có thể thay đổi.
Dược sỹ có thể dễ dàng nhận biết bệnh nhân đang có cơn hen kịch phát bằng cách làm rõ các đặc điểm sau để khẳng định chắc chắn về hen phế quản :
– Cơn kịch phát được khởi phát bởi một yếu tố đã biết đối với bệnh nhân: phấn hoa, lông vũ, lông động vật, môi trường sống ẩm tạo điều kiện xuất hiện các ký sinh trùng, vv.;
– Tần số hô hấp không nhanh: nhịp thở vào khoảng 18 đến 30 lần/phút;
– Tiếng thở to, thở rít và có tiếng rít mạnh khi thở ra;
– Lưu lượng thở đỉnh giảm.
Ghi nhớ:
Khuyến khích bệnh nhân mua lưu lượng kế để theo dõi lưu lượng thở đỉnh (DEP) như một biện pháp hữu hiệu nhất để đánh giá mức độ nặng của cơn hen kịch phát.
DEP có thể thay đổi từ mức bình thường 850 L/phút đến mức cần phải cấp cứu là 50 L/phút. Các loại lưu lượng kế thường gặp bao gồm: Mini-Wright®, Vitalograph®, Débimètre Assess® ou DHS®, Peak Flow®, Eslys® (một số dòng máy có lưu lượng < 300L/phút).
Việc sử dụng máy này rất đơn giản. Đặt con trỏ ở mức dưới cùng của thang đo, đặt đầu ống vào miệng mà không làm phồng má, thổi thật mạnh thông qua ống hút.
DEP đạt 80-100% mức DEP lý thuyết là bình thường. Mức cảnh báo là từ 50 đến 80% DEP lý thuyết. Bệnh nhân cần nhập viện nếu DEP <50% giá trị lý thuyết hoặc giá trị cao nhất trên người hen phế quản.
Lời khuyên
Cơn hen kịch phát
Một cơn hen kịch phát được xử trí bằng các thuốc giãn phế quản, đây là các thuốc dạng hít có tác dụng beta-2 nằm trong danh sách I (Ventoline®, Bricanyl®, Bérotec®, Buventol®, Easyhalers®…). Mỗi lần hít 1-2 nhát có thể lặp lại tối đa 6 lần/ngày.
Nếu bệnh nhân hen vẫn cảm thấy khó chịu khi tăng số lần sử dụng thuốc giãn phế quản và bệnh nhân hít đúng cách, bệnh lý hen của bệnh nhân đã nặng thêm. Khi này, bệnh nhân cần được đến khám bác sỹ đa khoa.
Giữa các cơn hen
Đặc biệt dược sỹ cần có các kỹ năng trong hỗ trợ bệnh nhân hen quản lý tốt tình trạng bệnh lý này.
Cần hướng dẫn bệnh nhân phòng tránh các yếu tố nguy cơ có thể gây khởi phát cơn hen:
– Các tác nhân gây dị ứng: động vật nuôi, ngựa, hoa, lông vũ;
– Thuốc lá;
– Điều kiện thời tiết;
– Các môn thể thao cần gắng sức và ngắn (bệnh nhân nên chuyển sang các môn về sức bền)
Tại nơi ở của bệnh nhân:
– Sử dụng nệm và gối, chăn bông từ sợi tổng hợp, không sử dụng lông vũ hoặc lông tơ;
– Làm thoáng ga mỗi buổi sáng;
– Thay sang loại thảm sàn có thể giặt;
– Thường xuyên giặt giũ rèm cửa.
Kiểm tra tính chính xác trong thao tác xịt thuốc của bệnh nhân:
– Khoảng 80% số người mắc bệnh hen không hít thuốc đúng cách. Cần hướng dẫn bệnh nhân sử dụng bình phun thích hợp và có thể tư vấn sử dụng bình hít đệm;
– Những lỗi phổ biến nhất là hít vào sau khi ấn bình hít định liều, không nín thở sau khi hít vào hoặc nín thở trong thời gian quá ngắn, mở miệng khi sử dụng bình khí dung.
Cách sử dụng bình hít định liều
Tháo nắp và lắc bình. Ngậm chặt môi xung quanh miệng hít của bình. Thở ra hoàn toàn để làm rỗng phổi. Bắt đầu hít một hơi thật sâu và đồng thời ấn bình hít định liều trong khi tiếp tục hít vào. Giữ hơi và nín thở trong ít nhất 10 giây. Thở ra.
Xác định việc bệnh nhân không nhầm lẫn giữa điều trị nền và điều trị cắt cơn; điều này rất dễ gặp ở bệnh nhân hen.
– Điều trị nền của hen phế quản, một bệnh lý viêm là điều trị bằng corticoid. Thuốc được dùng dưới dạng xịt vì đây là đường dùng tại chỗ, các tác dụng phụ sẽ giảm đi so với đường dùng toàn thân;
– Điền trị cắt cơn cũng là các thuốc dùng dưới dạng xịt, nhưng khác với điều trị nền bằng corticoid, các thuốc trị cắt cơn là các thuốc giãn phế quản kích thích beta-2, bao gồm: Ventoline®, Bricanyl®, Bérotec®, vv.
– Nhắc nhở bệnh nhân đếm số lần hít thuốc mỗi ngày: số lần hít này rất quan trọng vì nhiều bệnh nhân hen không nhận thức được tình trạng bệnh xấu đi;
– Yêu cầu bệnh nhân có sổ theo dõi các kết quả lưu lượng thở đỉnh đo được.
Cấp cứu:
Nếu một bệnh nhân hen đến gặp dược sỹ do cơn hen không thuyên giảm sau khi hít thuốc kích thích beta-2 (Ventoline®, Bricanyl®…) và bệnh nhân đã tăng liều, trên 6 lần hít mỗi ngày, bệnh nhân đã có cơn kịch phát nghiêm trọng cần được xử trí y tế. Cần gọi cho bác sỹ trực hoặc bác sỹ cấp cứu.
Các chỉ tiêu cho thấy bệnh nhân (người lớn) cần thiết nhập viện ngay lập tức:
– Khó thở khi nghỉ ngơi không do một cơn đột quỵ;
– Nhịp tim 110 lần/phút, nhịp thở > 25 lần/phút;
– DEP < 50% giá trị bình thường.