Menu

Vi khuẩn kị khí – Clostridia – ABCs

SVY6. Hoàng Thị Thu Trang, Học viên Y Dược học cổ truyền Việt Nam

Hiệu đính: DS. Võ Thị Hà

Tựa những chiến binh Trung Cổ sử dụng máy bắn đá và các vũ khí đột kích để công phá phòng tuyến của tòa thành địch, rất nhiều vi khuẩn kị khí làm tổn thương cơ thể của chúng ta bằng việc tiết ra các độc tố mạnh. Vài độc tố trong số đó, ví dụ những loại do các chủng thuộc họ Clostridia sản sinh ra, là những độc tố mạnh nhất vi khuẩn từng được biết đến.

Vi khuẩn kị khí là những vi khuẩn không thể sinh trưởng trong môi trường có oxy. Nhiều chủng trong số chúng bình thường cư trú trong khoang miệng, bộ máy tiêu hóa, bộ phận sinh dục nữ. Nhiễm khuẩn thường diễn ra sau khi bề mặt nhu mô nơi tập trung nhiều vi khuẩn bị tổn thương. Bacteroides, Porphyromonas, và Prevotella spp. là những trực khuẩn gram-âm kị khí thường gặp trong bệnh cảnh này. Những vi khuẩn kị khí khác được tìm thấy ngoài tự nhiên và gây nhiễm trùng khi tình cờ xâm nhập vào cơ thể chúng ta. Clostridium spp., họ vi khuẩn gây các bệnh uốn ván, ngộ độc thịt và hoại thư sinh hơi, là ví dụ xác đáng cho trường hợp này. Trong chương này, chúng ta sẽ thảo luận về những sinh vật đã kể trên, đặc biệt nhấn mạnh vào hiệu quả của liệu pháp kháng sinh sử dụng để điều trị những nhiễm khuẩn do chúng gây ra.

Clostridia

Clostridia spp. là họ vi khuẩn Gram-dương, kị khí, sinh nha bào. Chúng gây nên nhiều bệnh phổ biến và nguy hiểm ở người, như uốn ván, ngộ độc thịt và hoại thư sinh hơi. Thêm vào đó, một chủng của họ này, Clostridium difficile, là nguyên nhân quan trọng gây nhiễm khuẩn tiêu hóa gây ra bởi dùng thuốc (iatrogenic gastrointestinal infections). Mặc dù tương đối khác nhau nhưng các bệnh kể trên đều có điểm chung là gây nên bởi độc tố và độc tố mạnh.

Clostridium tetani là tác nhân gây Uốn ván (Hình 12-1). Bệnh này đặc trưng bởi trạng thái co cứng cơ liên tục, thường bao gồm cứng cơ nhai (cứng hàm) và các cơ thân mình. Các triệu chứng xuất hiện sau nhiễm nha bào uốn ván qua các vết thương sâu. Mô hoại tử tạo môi trường kị khí thuận lợi cho sự phát triển của nha bào và giải phóng độc tố uốn ván. Độc tố này được vận chuyển đến não và tủy sống thông qua các sợi trục thần kinh và gây nên co cứng cơ toàn thân và rối loạn thần kinh thực vật. Hướng điều trị bệnh uốn ván bao gồm chăm sóc hỗ trợ tích cực, chú trọng vào hệ hô hấp và thần kinh cơ. Sử dụng thuốc kháng độc tố để trung hòa độc tố uốn ván. Metronidazolepenicilin là hai thuốc kháng sinh đầu tay. Vài số liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng Metronidazole đem lại kết quả tốt hơn (Bảng 12-1).

Theo kinh điển, bệnh nhân bị ngộ độc thịt khi ăn phải thức ăn có nhiễm nha bào Clostridium botalinum, mặc dù nha bào cũng có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương. C.botalinum, cũng như C.tetani, sản sinh độc tố hướng thần kinh gây các tác dụng toàn thân. Tuy nhiên độc tố ngộ độc thịt dẫn đến các bệnh lý thần kinh sọ não và suy nhược hơn là co cứng cơ. Vì thế, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ngộ độc thịt khác biệt đáng kể với uốn ván. Bệnh nhân bị Ngộ độc thịt cần được chăm sóc hỗ trợ tích cực và sử dụng kháng độc tố. Penicilin là thuốc đầu tay và metronidazole là thuốc thay thế hữu ích (Bảng 12-1).

 

Clostridium perfringensis là nguyên nhân gây hoại thư sinh hơi, một nhiễm khuẩn nguy hiểm, tiến triển nhanh xảy ra trên mô mềm, cơ, các tổ chức sâu (Hình 12-1). Hướng điều trị bao gồm can thiệp ngoại khoa cắt bỏ tổ chức cùng với liệu pháp kháng sinh. Penicilin phối hợp với một trong các thuốc sau: clindamycin, tetracylin hoặc metronidazole thường được sử dụng (Bảng 12-1).

 

Không như những loài còn lại trong họ Clostridia, bệnh lý do C. difficile gây ra không liên quan đến chấn thương hay mắc phải do ăn uống mà liên quan đến sử dụng kháng sinh. Bình thường, hệ vi khuẩn chí tồn tại trong đại tràng với số lượng đủ để ngăn cản sự xâm lấn của C. difficile. Tuy nhiên sau khi sử dụng kháng sinh, nhiều thành phần của hệ này bị tiêu diệt tạo điều kiện cho sự sinh trưởng rầm rộ của C. difficile. Clindamycin là một trong những kháng sinh dường như là vấn đề gây ra bệnh lý do C. difficile. Nhiễm khuẩn do C. difcile sẽ dẫn tới nhiều hình thái bệnh khác nhau từ tiêu chảy thể nhẹ tới viêm đại tràng giả mạc cấp tính và đe dọa tính mạng. Hướng điều trị bao gồm: (nếu có thể) dừng kháng sinh là căn nguyên của bệnh và sử dụng kháng sinh kháng Clostridium. Metronidazole đường uống là lựa chọn cho thể nhẹ đến vừa. Vancomycin đường uống không bị hấp thu đáng kể vào máu, do đó đạt được nồng độ cao ở đường tiêu hóa nên được khuyến cáo sử dụng với thể nặng (Bảng 12-1).

 

ĐIỂM QUAN TRỌNG

Sự tiến triển các bệnh gây ra bởi C. diffucile chủ yếu liên quan đến clindamycin, ampicillin và cephalosphrin. Trong khi ampicillin và cephalosphorin, hai loại kháng sinh thường xuyên được chỉ định, là nguyên nhân lí giải cho tỉ lệ lớn các bệnh do C. difficile, thì mối quan hệ giữa những bệnh cảnh này với clindamycin dường như đặc thù hơn. Như những chủng kỵ khí khác, C. difficile về cơ bản nhạy cảm với clindamycin. Tuy nhiên những dòng C. difficile gây dịch tiêu chảy bệnh viện có xu hướng kháng kháng sinh này. Bởi vậy, bên cạnh việc ức chế hệ vi khuẩn chí, clindamycin còn khiến C. diffucile nhân lên và gây hại cho đại tràng.

CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ

  1. Clostridium spp là trực khuẩn                         , sinh                , gram              .
  2. Trong phần lớn các nhiễm khuẩn do Clostridium spp, thuốc đầu tay được sử dụng là                                  và                         .          
  3. Viêm đại tràng do C. difficile được điều trị bằng                     đường uống và                         đường uống.

THAM KHẢO

Ahmadsyah I, Salim A. Treatment of tetanus: an open study to compare the effi cacy of procaine penicillin and metronidazole. Br Med J (Clin Res Ed). 1985;291:648–650.

Alexander CJ, Citron DM, Brazier JS, et al. Identifi cation and antimicrobial resistance patterns of clinical isolates of Clostridium clostridioforme, Clostridium innocuum, and Clostridium ramosum compared with those of clinical isolates of Clostridium perfringens. J Clin Microbiol. 1995;33:3209–3215.

Cohen SH, Gerding DN, Johnson S, et al. Clinical practice guidelines for Clostridium difficile infections in adults: 2010 update by the Society for Healthcare Epidemiology of America (SHEA) and the Infectious Diseases Society of America (IDSA). Infect Control Hosp Epidemiol. 2010;31:431–455.

Darke SG, King AM, Slack WK. Gas gangrene and related infection: classification, clinical features and aetiology, management and mortality. A report of 88 cases. Br J Surg. 1977;64:104–112.

Sobel J. Botulism. Clin Infect Dis. 2005;41:1167–1173.

Johnson S, Samore MH, Farrow KA, et al. Epidemics of diarrhea caused by a clindamycin-resistant strain of Clostridium diffi cile in four hospitals. N Engl J Med. 1999;341:1645–1651.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.