Menu

Blog: Làm thế nào sống chung với COVID?

TS. BS Phạm Hùng Vân – giảng viên môn vi sinh, Khoa Y, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Chủ tịch Hội Vi sinh lâm sàng TP. HCM

Giải pháp để sống chung được với dịch là phải làm sao biến COVID-19 thành một bệnh cảm cúm thông thường để không còn hay chỉ còn rất ít người mắc COVID-19 bị nặng phải vào bệnh viện. Muốn được như vậy thì phải có càng nhiều người được chích vaccine càng tốt vì tất cả các nghiên cứu hiện nay trên dịch gây ra bởi biến thể delta đều cho thấy dù vaccine không giúp ngừa được nhiễm bệnh nhưng trên 99% giúp ngừa được bệnh trở nặng.

Nếu chúng ta không có thể có đủ vaccine trong thời gian này (mặc dù vẫn có thể nhờ nanocovax nhưng hiện vẫn chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp có điều kiện) thì để giảm thiểu được số bệnh nhân F0 trở nặng thì chúng ta phải có thuốc kháng virus để điều trị cho F0 bằng đường uống ngay trong những ngày đầu phát hiện bệnh.

MOLNUPIRAVIR mà hiện nay BYT đang cho phép thử nghiệm là một trong các thuốc đó với cơ chế là làm cho virus nhân bản RNA của nó bị sai lầm vì Enzyme giúp virus nhân bản RNA là RdRp (RNA depedent RNA polymerase) đã sử dụng nhầm dạng hoạt động của molnupiravir là NHC (beta-D-N4-hydroxycytidine) triphosphate do vậy mà khi tổng hợp RNA của virus thì các vị trí C bị thay bằng U và G bị thay bằng A. Vì sự sai lầm này nên SARS-COV-2 không nhân bản được trong tế bào bị nhiễm và virus sẽ dừng xâm nhập vào các tế bào khác nhờ vậy mà bệnh không thể diễn tiến được và bị đẩy lui. MOLNUPIRAVIR được đại học Emory (DRIVE, là công ty phát triển thuốc mới của nhà trường) phát triển ra và sau này thuộc bản quyền của Ridgeback Biotherapeutic (Mỹ) liên kết với Merck hoàn thiện. Đây là thuốc kháng virus được sử dụng thử nghiệm trong điều trị cúm. Tháng 4 năm 2020, Merck dự định nghiên cứu điều trị COVID-19 và đã vào phase cuối thử nghiệm lâm sàng từ tháng 9/2020.

Một kháng virus nữa cũng có hoạt động ức chế SARS-COV-2 ngay trong những ngày đẩu của bệnh và ngăn chận bệnh diễn tiến xấu đi, đó là FAVIPIRAVIR. Thuốc này có cơ chế là ức chế Enzyme RdRp và cũng làm cho virus không thể nhân bản được RNA của nó và kết quả là virus sau khi xâm nhập vào tế bào cũng sẽ không tiếp tục tăng sinh thành nhiều virus mới để xâm nhập vào các tế bào khác. Thuốc FAVIPIRAVIR được Toyama Chemical Co. Ltd tìm ra và được dùng để điều trị cúm trong giai đoạn sớm của bệnh tại Nhật từ năm 2014. Các nghiên cứu trên điều trị COVID-19 cho thấy FAVIPIRAVIR giúp cải thiện lâm sàng và X quang. Tại Việt Nam nhiều BS từng cho FAVIPIRAVIR cho các bệnh nhân F0 ngay sau khi mắc bệnh đều ghi nhận sự cải thiện lâm sàng rất sớm. Tuy nhiên FAVIPIRAVIR bị chống chỉ định trên phụ nữ có thai do nguy cơ gây dị tật cho thai nhi và cả quái thai.

Nói tóm lại ai cũng biết là không thể loại trừ SARS-COV-2 để chúng ta sẽ có một thế giới sạch SARS-COV-2. Những quốc gia như Úc hay New-Zealand cứ tưởng chung quanh chỉ có biển thì sẽ có thể sống không có SARS-COV-2 nhờ phong toả chặt thì nay Úc phải thừa nhận phải sống chung với SARS-COV-2 nhưng với điều kiện 80% dân số được chích ngừa đủ hai mũi (bang NSW). New-Zealand có lẽ cũng sẽ nối bước. Nói chung các nước có đủ vaccin thì họ đều nêu lên tiêu chí để có thể sống chung với COVID-19 chứ không chỉ khẩu hiệu chung chung vì nếu không có tiêu chí phải đạt được thì sống chung với COVID-19 sẽ chẳng khác gì giao trứng cho ác.

Một vấn đề nữa là trước đây nhiều nhà khoa học cứ nghĩ là nếu tỷ lệ chích ngừa đạt 70% là đạt được miễn dịch cộng đồng vì họ cho là nếu đã chích ngừa đủ hai mũi thì sẽ không bị nhiễm virus nữa hay tỷ lệ bị nhiễm virus sẽ thấp đi rất đáng kể (theo các nghiên cứu về hiệu quả bảo vệ của AZ, Pfizer và Moderna trước đó) và với 70% được chích ngừa sẽ tạo được một quần thể sạch nhiễm để đủ sức bảo vệ 30% còn lại không chích ngừa. Tuy nhiên với biến thể Delta thì thế trận đã thay đổi hoàn toàn. Người được chích ngừa đầy đủ vẫn bị nhiễm như thường và tải lượng virus trong hầu họng vẫn cao như thường. Kết quả ghi nhận tại một số bv đối với nhân viên y tế đã chủng ngừa đủ 2 mũi cho thấy tải lượng virus của họ vẫn cao như thường. Chỉ có điều là không ai có triệu chứng nặng cả. Chính vì vậy khái niệm về miễn dịch cộng đồng là gần như phá sản. Có nghĩa là vaccine sẽ không giúp chúng ta sống không có COVID-19 mà sẽ giúp chúng ta sống chung được với COVID-19 vì sẽ có rất it cas nặng để làm quá tải hệ thống y tế như hiện nay.

Tuy nhiên đó là nói về các quốc gia có nguồn vaccine dồi dào. Còn với chúng ta thì ngoài việc phải cố gắng có nguồn vaccine, việc cung cấp thuốc kháng virus ngay cho các bệnh nhân F0 trong những ngày đầu của bệnh dù chưa có triệu chứng hay chỉ có những triệu chứng nhẹ cũng sẽ giúp giảm tải hệ thống y tế và giúp chúng ta dần dần sống chung được với Cô Vy xinh đẹp nhưng ác tâm này.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.