Menu

Các thuốc không kê đơn trong điều trị dị ứng

SVD4. Lương Minh Nhật, ĐH Y Dược Huế

Nguồn: Yvette C. Terrie, BSPharm, RPh. OTC Treatments for Allergies. Link

 

Nhận biết các triệu chứng dị ứng và mức độ nghiêm trọng của chúng là một yếu tố quan trọng trong việc xác định đúng thuốc OTC điều trị cho bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng.

Xác định đúng các triệu chứng dị ứng để lựa chọn thuốc OTC điều trị hiệu quả.

Hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ngứa và chảy nước mắt là những triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến viêm mũi dị ứng (allergic rhintitis – AR). Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng này là khác nhau đối với từng bệnh nhân và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, làm suy giảm hoạt động hàng ngày, mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ.1 Tại Hoa Kỳ, ước tính AR ảnh hưởng đến 60 triệu người, chiếm khoảng 10% đến 30% người lớn và khoảng 40% bệnh nhân nhi; tỷ lệ hiện mắc tăng lên mỗi năm1-3. Các triệu chứng điển hình thường gặp liên quan đến viêm mũi dị ứng thường xuất hiện ở bệnh nhân trên 2 tuổi3. AR là tình trạng phổ biến ở bệnh nhân nhi khoa và bệnh nhân từ 18 đến 64 tuổi.

Các loại viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng có thể được chia thành viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm3,4. Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng theo mùa xảy ra vào mùa xuân, mùa hè và/hoặc đầu mùa thu, nguyên nhân là do dị ứng với phấn hoa từ cây, cỏ, cỏ dại, hoặc bào tử nấm mốc trong không khí3,4. Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng quanh năm (PAR) xuất hiện quanh năm và do dị ứng với mạt bụi nhà, bọ chét gia súc, gián và/hoặc bào tử nấm mốc1,3,4. Bệnh nhân có thể gặp phải một hoặc nhiều triệu chứng, bao gồm các đợt hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, chảy dịch mũi sau, nghẹt mũi, mất khứu giác, đau đầu, đau tai, chảy nhiều nước mắt, mắt ngứa đỏ, sưng mắt, mệt mỏi, lơ mơ và khó chịu3,5.

Một số người có thể gặp cả hai loại viêm mũi. Bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng có thể biểu hiện các triệu chứng nặng hơn trong mùa phấn hoa đặc trưng. Viêm mũi dị ứng có thể dẫn đến các biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, ho lâu dài, đau họng tái phát, ho, đau đầu, thay đổi thói quen ngủ, ngưng thở khi ngủ, trầm cảm, mệt mỏi, lo lắng, dễ bị kích thích, hiệu suất học tập kém, và suy giảm chức năng nhận thức4-6. Ngoài ra, một số trẻ có thể phát sinh tình trạng chậm nói, sự phát triển khuôn mặt bị biến đổi, và các vấn đề nha khoa4-6.

Theo Viện Nghiên cứu dị ứng, hen và miễn dịch học Hoa Kỳ, ước tính cứ 3 bệnh nhân viêm mũi thì có 1 người bị viêm mũi không phải do dị ứng7. Nguyên nhân của viêm mũi không do dị ứng có thể bao gồm các hormon (ví dụ như trong thời kỳ mang thai, tuổi dậy thì, bệnh tuyến giáp), các khiếm khuyết về cấu trúc (ví dụ như lệch vách ngăn, phì đại hạch khẩu cái), các thương tổn (như polyps mũi và khối u) và sử dụng các thuốc như chẹn beta, thuốc tránh thai đường uống, clonidine, thuốc ức chế men chuyển, aspirin và NSAIDs, hoặc lạm dụng các thuốc có tác dụng thông mũi tại chỗ.

Điều trị bằng thuốc

Mặc dù cách điều trị tốt nhất trong kiểm soát viêm mũi dị ứng là tránh các tác nhân gây dị ứng, tuy nhiên, một số tác nhân gây dị ứng là không thể tránh khỏi. Trong trường hợp này, AR cần phải được quản lý bằng việc dùng thuốc để làm giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng. Thông thường, AR được điều trị theo 3 bước: áp dụng các biện pháp kiểm soát môi trường và tránh xa các dị nguyên, điều trị bằng thuốc, cuối cùng là sử dụng liệu pháp miễn dịch3,5. Nhiều bệnh nhân có thể phải thử một vài phương pháp điều trị khác nhau trước khi tìm ra phương pháp điều trị tối ưu.

 

Bảng 1. Các ví dụ về các chế phẩm kháng histamine toàn thân
Biệt dược Thành phần có hoạt tính
Alavert Allergy Loratadine
Allegra Allergy Fexofenadine HCl
Benadryl Diphenhydramine HCl
Chlor-Trimeton Allergy Chlorpheniramine maleate
Claritin Loratadine
Tavist Allergy Clemastine fumurate
Zyrtec Cetirizine HCl

Các yếu tố cần được xem xét khi lựa chọn liệu pháp bao gồm bệnh sử và tiền sử dùng thuốc, các triệu chứng đặc trưng và mức độ nghiêm trọng của chúng, chi phí và tần suất điều trị. Các thuốc không kê đơn bán trên thị trường giúp làm giảm và kiểm soát các triệu chứng viêm mũi dị ứng bao gồm thuốc kháng histamin đường uống hoặc chế phẩm kháng histamine dùng cho mắt; các chất trị nghẹt mũi đường uống, tại mũi và dùng cho mắt; và các chất ổn định tế bào mast tác dụng tại chỗ.

Các kháng histamine đường uống

Thuốc kháng histamine được coi là liệu pháp điều trị chuẩn để làm giảm triệu chứng của AR (Bảng 1). Chúng được chỉ định để làm giảm các triệu chứng ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi. Các thuốc kháng histamin thế hệ thứ nhất (kháng histamin gây buồn ngủ) liên quan đến tình trạng lơ mơ/buồn ngủ, giảm tỉnh táo, và tác dụng kháng cholinergic2. Thuốc kháng histamin không kê đơn thế hệ hai (kháng histamin không gây buồn ngủ), bao gồm loratadine và cetirizine, thường không gây ra triệu chứng buồn ngủ đáng kể nào3. Tháng 1/2011, FDA chấp thuận việc chuyển đổi thuốc fexofenadine (allegra) – một thuốc kháng histamin thế hệ hai từ thuốc kê đơn thành thuốc không kê đơn. Fexofenadine có các dạng bào chế dành cho người lớn và trẻ em.

Một triệu chứng gây phiền toái phổ biến khác đối với nhiều bệnh nhân dị ứng là nghẹt mũi, một số bệnh nhân có thể lựa chọn sử dụng một thuốc có tác dụng thông mũi nếu xảy ra tình trạng này3. Các thuốc thông mũi được chỉ định để giảm tạm thời tình trạng nghẹt mũi và vòi nhĩ, và ho liên quan đến chảy dịch mũi sau3. Các tác dụng phụ thường gặp liên quan đến sử dụng thuốc thông mũi đường uống bao gồm mất ngủ, căng thẳng và nhịp tim nhanh. Các bệnh nhân nên được khuyên rằng việc sử dụng thuốc thông mũi cũng có thể làm trầm trọng hơn các bệnh nhạy cảm với sự kích thích adrenergic (như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh động mạch vành, phì đại tuyến tiền liệt và tăng áp lực nội nhãn)3. Cũng nên nhắc nhắc nhở bệnh nhân về nguy cơ mắc chứng viêm mũi do dùng thuốc (nghẹt mũi ngược) khi sử dụng các thuốc có tác dụng thông mũi tại chỗ trong 3 đến 5 ngày3.

 

Bảng 2. Ví dụ về các chế phẩm OTC tác dụng toàn thân phối hợp kháng histamine và chất gây thông mũi
Biệt dược Thành phần có hoạt tính
Actifed Cold & Allergy Chlorpheniramine maleate, phenylepherine HCl
Advil Allergy Sinus Chlorpheniramine maleate, pseudoephedrine HCl, ibuprofen
Allerest PE Chlorpheniramine maleate, phenylepherine HCl
Allegra – D Fexofenadine HCl, pseudoephedrine HC
Benadryl Allergy Plus Cold Acetaminophen, diphenhydramine HCl, phenylephrine HCl
Benadryl D Allergy Plus Sinus diphenhydramine HCl, phenylepherine HCl
Children’s Dimetapp Brompheniramine maleate, phenylepherine HCl
Claritin D Loratadine, pseudoephedrine sulfate
Sudafed PE Sinus & Allergy Chlorpheniramine maleate, phenylepherine HCl
Triaminic Cold and Allergy Liquid phenylepherine HCl; Chlorpheniramine maleate
Tylenol Severe Allergy Acetaminophen, diphenhydramine HCl
Tylenol Allergy Multi-Symptom Acetaminophen, Chlorpheniramine maleate, phenylepherine HCl
Tylenol Allergy Multi-Symptom Nighttime Acetaminophen, diphenhydramine HCl, phenylepherine HCl
Zyrtec-D Cetirizine HCl, pseudoephedrine  HCl

 

Nhiều chế phẩm trên thị trường chứa hỗn hợp kháng histamin và chất thông mũi (bảng 2). Nên khuyên bệnh nhân chỉ sử dụng các chế phẩm phối hợp khi được phép và không sử dụng thuốc khi không cần thiết. Bởi vì các kháng histamine và chất thông mũi tương tác với một vài thuốc và chống chỉ định trên nhiều đối tượng, dược sĩ là chìa khóa để nhận biết nguy cơ xảy ra tương tác thuốc – thuốc và các trường hợp chống chỉ định.

Natri Cromolyn

Một lựa chọn khác đối với tình trạng dị ứng là thuốc xịt mũi natri cromolyn, được chỉ định để ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng liên quan đến viêm mũi dị ứng. Những chỉ định này của Natri cromolyn được chấp thuận ở bệnh nhân từ 5 tuổi trở lên. Bệnh nhân nên được hướng dẫn xịt 1 lần cho 1 lỗ mũi và 3-6 lần/ngày và điều trị nên được khởi đầu điều trị ít nhất 1 tuần trước khi các triệu chứng theo  mùa xảy ra. Các tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm cảm giác nóng rát và nhức nhối tại vùng xịt3,8. Hiện chưa biết rõ các tương tác thuốc bên trong mũi liên quan đến cromolyn.

Các kháng histamine dùng cho mắt

Một vài bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng gặp phải tình trạng ngứa và chảy nước mắt có thể lựa chọn sử dụng một chế phẩm kháng histamine dùng cho mắt. Các thuốc kháng histamine không kê đơn dưới dạng thuốc nhỏ mắt bao gồm pheniramine maleate và antazoline phosphate. Những chất này thường được kết hợp với chất có tác dụng thông mũi naphazoline. Tác dụng phụ phổ biến nhất liên quan đến các thuốc nhỏ mắt kháng histamine bao gồm nóng rát, nhức và khó chịu khi nhỏ mắt6.

Ketotifen 0.025% là thuốc kháng histamin nhỏ mắt không kê đơn duy nhất trên thị trường làm giảm ngứa mắt mà không sử dụng chất thông mũi. Ketotifen được xếp vào nhóm chất đối vận receptor H1 không cạnh tranh và là chất ổn định tế bào mast do ức chế phóng thích các chất trung gian từ các tế bào liên quan trong phản ứng quá mẫn6,9,10. Nó được chỉ định đối với bệnh nhân từ 3 tuổi trở lên và được phân loại C đối với phụ nữ có thai9,10. Ketotifen được chỉ định để làm giảm tạm thời ngứa mắt do tiếp xúc với cỏ phấn hương, phấn hoa, cỏ, lông động vật và bọ chét. Liều khuyến cáo là 1 giọt vào mắt bị dị ứng mỗi 8 đến 12 giờ, nhưng không quá 2 lần mỗi ngày6,9,10.

Các phản ứng phụ thường gặp bao gồm đau đầu, khô mắt, và viêm mũi6,9,10. Ketotifen không được chỉ định để điều trị chứng viêm liên quan đến kính áp tròng. Bệnh nhân đeo kính áp tròng nên được hướng dẫn để chờ ít nhất 10 phút sau khi nhỏ ketotifen trước khi đeo kính vào.

Quan điểm cuối

Trước khi khuyến cáo bất cứ một sản phẩm OTC nào để điều trị AR, Dược Sĩ nên đánh gía hồ sơ dùng thuốc và tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân về nguy cơ gặp phải các tương tác thuốc – thuốc cũng như chống chỉ định, bao gồm nhạy cảm dị ứng, và xem xét những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng để có những đánh giá sâu hơn. Trong khi tư vấn, bệnh nhân nên luôn luôn được khuyên tuân theo chỉ dẫn của nhà sản xuất và thận trọng với các tác dụng phụ có thể gặp phải.

Dược Sĩ cũng có thể đưa ra đề nghị sử dụng dung dịch nước muối ở mũi để làm giảm sự kích thích và khô mũi. Nên khuyến khích bệnh nhân tránh xa các dị nguyên khi có thể.

Những khuyến cáo khác để làm giảm vấn đề dị ứng bao gồm giặt chăn ga gối đệm bằng nước nóng mỗi tuần, hút bụi cho thảm và nệm bọc ghế thường xuyên; sử dụng tấm bọc chống dị ứng với gối và nệm; giảm độ ẩm trong nhà để hạn chế nấm mốc phát triển, luôn đóng xe ô tô và cửa sổ, đặc biệt là khi mật độ phấn hoa và nấm mốc cao; và kiểm tra số lượng phấn hoa và nấm mốc trong khu vực một cách thường xuyên3,11,12.

Những lời khuyên tư vấn cho bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng
Bệnh nhân đang mắc bệnh (ie, cao huyết áp, đái tháo đường, tăng áp lực nội nhãn, viêm phế quản mạn tính, phì đại tuyến tiền liệt hoặc những người đang uống những thuốc khác (eg, MAOIs, thuốc giảm đau tác động thần kinh TW) nên tìm đến lời khuyên của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe ban đầu để sử dụng bất kỳ chế phẩm thuốc thuốc không kê đơn nào.
Phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú nên hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng bất cứ chế phẩm thuốc không kê đơn nào.
Bệnh nhân nên được nhắc nhở rằng sự tuân thủ với các thuốc dị ứng rất là cần thiết trong việc kiểm soát các triệu chứng và không vượt quá liều khuyến cáo.
Luôn luôn thận trọng khi sử dụng các thuốc kháng histamines do nguy cơ gây ra tác dụng buồn ngủ ngoại ý
Tránh sử dụng cồn cùng với các thuốc kháng histamine không kê đơn
Những bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc không kê đơn hoặc triệu chứng trở nên trầm trọng hơn cần được xem xét để có những đánh giá nội khoa sâu hơn
Bởi vì phấn hoa được tạo ra nhiều nhất từ 5 sáng đến 10 tối, nên nhắc nhở bệnh nhân có các hoạt động ngoài trời ở ngoài khoảng thời gian này nếu có thể
AR = viêm mũi dị ứng, CNS = hệ thần kinh trung ương, MAOIs: chất ức chế enzyme monoamine oxidase

 

Tài liệu tham khảo

  1. Lambert M. Practice parameters for managing allergic rhinitis. Am Fam Physician. 2009;80(1):79-85.
  2. Allergy statistics. America Academy of Allergy Asthma & Immunology Web site. www.aaaai.org/media/statistics/allergy-statistics.asp. Accessed March 9, 2011.
  3. Scolaro K. Disorders related to colds and allergy. In: Berardi R, Newton G, McDermott JH, et al, eds. Handbook of Nonprescription Drugs. 16th ed.Washington, DC: American Pharmacists Association; 2009:189-200.
  4. Rhinitis. The American Academy of Allergy, Asthma and Immunology Web site. www.acaai.org/public/advice/rhin.htm. Accessed March 11, 2011.
  5. Sheikh J, Najib U. Rhinitis, allergic. eMedicine Web site. http://emedicine.medscape.com/article/134825-overview. Accessed March 12, 2011.
  6. Fiscella R, Jensen M. Ophthalmic disorders. In: Berardi R, Newton G, McDermott JH, et al, eds. Handbook of Nonprescription Drugs. 16th ed. Washington, DC: American Pharmacists Association; 2009:526-528.
  7. Spring and allergic rhinitis. The American Academy of Allergy Asthma & Immunology Web site. www.aaaai.org/patients/topicofthemonth/0307/. Accessed March 12, 2011.
  8. NasalCrom product information. Blacksmith Brands Web site. http://nasalcrom.com. Accessed March 12, 2011.
  9. Zaditor product information. Novartis Web site. www.zaditor.com/info/about/zaditor-eye-drops.jsp. Accessed March 12, 2011.
  10. Alaway Product Information. Bausch and Lomb Web site. www.alaway.com/product-information. Accessed March 12, 2011.
  11. Outdoor allergy tips. Schering Plough Claritin Healthcare Products Web site. www.claritin.com/claritin/allergies/spring. Accessed March 12, 2011.

 

 

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.