Menu

Hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường

GIÁO DỤC BỆNH NHÂN : HẠ ĐƯỜNG HUYẾT Ở BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Tác giả: ThS. David K. McCulloch

Chịu trách nhiệm biên tập: ThS. David M Nathan và ThS. Jean E. Mulder

Bài được lược dịch từ UpToDate, lần cuối cập nhật vào 06 tháng 01 năm 2016

Dịch: SVD5. Nguyễn Thị Hà, ĐH Dược HN

Hiệu đính: ThS.DS. Nguyễn Quốc Hòa

1-Tóm tắt về hạ đường huyết (tụt đường huyết): Tụt đường huyết xảy ra khi nồng độ glucose (đường) trong máu quá thấp. Tụt đường huyết thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường sử dụng insulin và một vài thuốc điều trị đái tháo đường

đường uống.

2-Tại sao bị tụt đường huyết: Tụt đường huyết xảy ra khi bệnh nhân đái tháo

 đường thực hiện một hoặc nhiều hơn các việc sau:

  • Dùng quá nhiều Insulin (hoặc các thuốc điều trị đái tháo đường đường uống kích thích cơ thể bài tiết insulin).
  • Không ăn đủ lượng thức ăn.
  • Tập luyện mạnh mà trước đó không có bữa ăn nhẹ hoặc không giảm liều insulin.
  • Khoảng cách giữa các bữa ăn quá dài.
  • Uống quá nhiều rượu mặc dù sử dụng rượu mức độ trung bình cũng làm tăng nguy cơ tụt đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường loại 1.

3-Triệu chứng của tụt đường huyết: Các triệu chứng của tụt đường huyết khác nhau giữa các bệnh nhân và có thể thay đổi theo thời gian. Trong giai đoạn sớm của tụt

đường huyết, bạn có thể:

  • Đổ mồ hôi.
  • Run tay chân.
  • Cảm thấy đói.
  • Cảm thấy lo lắng.

Nếu không được điều trị, triệu chứng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn và bao gồm:

  • Đi lại khó khăn.
  • Mệt mỏi.
  • Nhìn mờ.
  • Cư xử kì lạ và thay đổi tính cách.
  • Thay đổi nhận thức.
  • Hôn mê hoặc co giật.

Nếu có thể, bạn nên xác định tình trạng tụt đường huyết bằng cách đo nồng độ đường trong máu, Tụt đường huyết là khi nồng độ đường trong máu ≤ 60 mg/ dl (3‚3

 mmol/ l). Một vài bệnh nhân đái tháo đường có các dấu hiệu tụt đường huyết ở nồng độ đường huyết cao hơn. Nếu nồng độ đường huyết của bạn cao trong khoảng thời gian dài thì bạn cũng có thể có các triệu chứng và cảm thấy mệt mỏi khi đường huyết khoảng 100 mg/ dl (5‚6 mmol/ l).

4-Không nhận thức được tụt đường huyết – Không nhận thức được tụt đường huyết xảy ra khi bạn không có các triệu chứng sớm của tụt đường huyết. Như vậy‚ bạn không thể khắc phục sớm và dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng của tụt đường huyết như hôn mê hoặc co giật thường xảy ra hơn. Việc không nhận thức được tụt đường huyết là điều xảy ra thường xuyên đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 từ 5-10 năm.

Tụt đường huyết và không nhận thức được tụt đường huyết xảy ra thường xuyên hơn ở những bệnh nhân kiểm soát đường huyết nghiêm ngặt với insulin (điều trị tích

cực).

Những người mà uống quá nhiều rượu hoặc những bệnh nhân đang dùng một thuốc chẹn beta (thường dùng trong điều trị cao huyết áp) có thể không chú ý đến các triệu chứng tụt đường huyết của họ hoặc có thể không nhận ra các triệu chứng do tụt

đường huyết. 

Không nhận thức được tụt đường huyết có thể xảy ra ở những bệnh nhân sử dụng một thuốc đái tháo đường đường uống (ví dụ : Gluburid [Biệt dược: Micronase] )‚ đặc biệt ở người già có các bệnh tim và bệnh  thận.

5-Tụt đường huyết ban đêm: Tụt đường huyết xảy ra khi bạn đang ngủ có thể làm bạn thức giấc nhưng thường không được nhận ra. Tụt đường huyết ban đêm là một dạng của không nhận thức được tụt đường huyết. Bởi vậy‚ nếu bị tụt đường huyết ban đêm, bạn có thể  ít gặp các triệu chứng cảnh báo trước . Tụt dường huyết ban đêm khó chẩn đoán và tăng nguy cơ không nhận thức tụt đường huyết trong 48-72 giờ tiếp theo.

6-Ngăn ngừa tụt đường huyết: Cách tốt nhất để ngăn ngừa tụt đường huyết là đo đường huyết của bạn thường xuyên và sẵn sàng điều trị nhanh chóng mọi lúc nếu xảy ra. Bạn và những người bạn thân của bạn cần học về các triệu chứng của tụt đường huyết và bạn nên luôn luôn mang theo các viên đường glucose‚ kẹo cứng và các nguồn khác có chứa cacbonhydrat tác dụng nhanh.

Viên đường glucose được khuyến cáo vì chúng có vị dịu nhưng bạn không thể ăn chúng trừ khi tụt đường huyết. Kẹo có thể ăn ngay cả khi đường huyết bình thường‚ đặc biệt ở trẻ bị đái tháo đường.

Tụt đường huyết có thể khủng khiếp và khó chịu và nó thường là nỗi sợ hãi cho các lần xuất hiện tiếp theo trong tương lai. Điều này khiến bạn muốn giữ mức đường huyết cao và có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài.

Sẽ rất hữu ích khi bạn thảo luận nỗi sợ tụt đường huyết cùng với các nhân viên chăm sóc sức khỏe cũng như yêu cầu giáo dục về nhận biết tụt đường huyết. Giáo dục nhận thức tụt đường huyết có thể cải thiện khả năng nhận biết tụt đường huyết sớm hơn.

7-Điều trị tụt đường huyết:

Khi bạn cảm thấy tụt đường huyết, bạn nên kiểm tra nồng độ đường huyết nếu có thể. Tuy nhiên‚ bạn phải tự điều trị tụt đường huyết ngay nếu không có sẵn các thiết bị đo đường huyết (máy đo đường huyết‚ que thử‚ lancet). Cần phải can thiệp nhanh chóng, đặc biệt khi đường huyết của bạn dưới 40 mg/dl( 2‚2 mmol/ l).

  • Nếu đường huyết của bạn từ 51-70 mg/dl (2‚8-3‚9 mmol/l):  Ăn 10-15 g cacbonhydrat tác dụng nhanh (1/2 cốc nước ép trái cây‚ 6-8 viên kẹo cứng‚ 3-4 viên đường glucose) .
  • Nếu đường huyết dưới 50 mg/dl (2‚8 mmol/l): Ăn 20-30 g cacbonhydrat tác dụng nhanh.

Lượng thức ăn này đủ để nâng đường huyết lên khoảng an toàn mà không làm đường huyết tăng cao. Tránh thức ăn chứa chất béo (thanh kẹo) và protein (pho mát) vì chúng làm chậm hấp thu glucose.

Kiểm tra lại sau 15 phút và lặp lại điều trị nếu cần thiết. Nếu bữa ăn tiếp theo còn cách hơn một giờ thì bạn nên dùng thêm 15 g cacbonhydrat và khoảng 30g  protein. Ví dụ: bánh bit-quy cùng với pho mát, hoặc 1/2 sandwich cùng với bơ đậu phộng. Quan trọng là không ăn quá nhiều vì gây tăng đường huyết vượt quá đường huyết mục tiêu và dẫn đến tăng cân trong thời gian dài.

Glucagon : Nếu tụt đường huyết nghiêm trọng bạn có thể bất tỉnh hoặc trở nên mất phương hướng đến mức không thể ăn. Bạn thân hoặc người thân của bạn nên được hướng dẫn để nhận biết các dấu hiệu của tụt đường huyết nghiêm trọng và điều trị nhanh chóng. Việc hỗ trợ người thân bị tái nhợt‚ đổ mồ hôi‚ hành động khác thường, bất tỉnh hoặc co giật có thể đáng sợ. Tiêm glucagon có thể ngừng các triệu chứng này nhanh chóng.

Glucagon là hormone làm tăng đường huyết. Glucagon là sẵn có trong các bộ kit cấp cứu và có thể được mua cùng với đơn ở nhà thuốc. Hướng dẫn sử dụng có trong mỗi bộ kit. Bạn cùng phòng‚ cha mẹ‚ vợ chồng nên học cách sử dụng thuốc tiêm này trước khi xảy ra cấp cứu.

Quan trọng là bộ kit glucagon phải để ở nơi dễ tìm thấy, không bị hết hạn sử dụng và bạn bè người thân có thể giữ được bình tĩnh. Bạn nên bỏ bộ kit đã hết hạn sử dụng mặc dù sử dụng bộ kit này không gây hại.

Quy trình: Glucagon nên được tiêm ở vùng đùi hoặc vùng bụng. Vị trí tiêm và kĩ thuật tiêm tương tự tiêm insulin.

  • Bỏ nắp bảo vệ kim tiêm và tiêm toàn bộ lượng dung dịch chứa trong ống vào lọ chứa bột glucagon. Không vứt bỏ kẹp nhựa của ống tiêm. Nhấc kim tiêm ra khỏi lọ.
  • Lắc hỗn hợp nhẹ nhàng cho đến khi bột tan hết. Dung dịch thu được phải trong suốt. Không sử dụng nếu dung dịch có màu.
  • Dốc ngược lọ xuống và rút phần dịch chứa trong lọ vào ống tiêm (vạch 1 mg trên  ống tiêm cho người lớn và trẻ em trên 20 kg). Trẻ em dưới 20 kg cần dùng 1/2 liều và chỉ lấy 1/2 lượng dung dịch (vạch 0‚5 mg được đánh dấu trên ống tiêm).
  • Chọn vị trí tiêm ở bụng hoặc đùi.
  • Đưa mũi kim tiêm vào trong da.
  • Ấn xuống để tiêm glucagon.
  • Loại bỏ kim tiêm và thay ống tiêm mới vào hộp bảo quản ( Không sử dụng lại kim tiêm). Ấn nhẹ ở vị trí tiêm.
  • Để người bệnh nằm nghiêng một phía để tránh nghẹt thở nếu họ nôn.

Triệu chứng được giải quyết trong vòng 10-15 phút‚ mặc dù nôn và buồn nôn có thể xảy ra sau đó 60-90 phút. Ngay khi bệnh nhân tỉnh và có thể nuốt được thì cho bệnh nhân dùng cacbonhydrat tác dụng nhanh như viên kẹo glucose hoặc nước ép trái cây. Sau khi bệnh nhân cảm thấy tốt hơn thì bệnh nhân nên dùng một bữa ăn nhanh có protein như phomat‚ bánh bít quy hoặc sanwich bơ đậu phộng.

Nếu bệnh nhân không tỉnh trong 10 phút thì tiêm tiếp một mũi glucagon nếu bộ kit thứ hai sẵn có. Và nên gọi cấp cứu ngay lập tức.

8-Chăm sóc sau khi tụt đường huyết : Sau khi đường huyết trở về bình thường và các triệu chứng biến mất‚ bạn có thể tiếp tục các hoạt động bình thường. Nếu bạn phải dùng đến glucagon thì hãy gọi cho nhân viên chăm sóc sức khỏe của bạn. Họ có thể giúp bạn xác định các triệu chứng nghiêm trọng của tụt đường huyết diễn ra như thế nào và tại sao và đưa ra các điều chỉnh để ngăn ngừa các triệu chứng này trong tương lai. Trong 48-72 giờ đầu sau cơn tụt đường huyết‚ bạn khó có thể nhận ra các triệu chứng của tụt đường huyết. Thêm vào đó khả năng cơ thể bạn đáp ứng với tình trạng tụt đường huyết bị giảm. Hãy kiểm tra mức đường huyết của bạn trước khi bạn ăn, tập luyện và lái xe để tránh cơn tụt đường huyết khác xảy ra.

9-Khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ: Thành viên trong gia đình hoặc bạn bè nên đưa bạn đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn:

  • Vẫn bất tỉnh trong 15 phút sau khi đã tiêm glucagon.
  • Mất nhận thức hoặc gần mất nhận thức và không có sẵn glucagon.
  • Đường huyết tiếp tục giảm‚ mặc dù đã dùng đủ lượng cacbonhydrat tác dụng nhanh hoặc dùng glucagon.

Khi ở bệnh viện hoặc trong xe cấp cứu‚ bạn sẽ được nhận điều trị qua đường tĩnh mạch (IV) để làm tăng đường huyết ngay lập tức. Khi chăm sóc cấp cứu, bạn sẽ được theo dõi ở phòng cấp cứu vài giờ sau đó mới xuất viện. Bạn bè hoặc người thân nên đưa bạn về nhà.

 

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.