Menu

Tổng quan về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Dịch: DS. Nguyễn Thị Phú

Hiệu đính: Trần Đình Hậu, Bệnh viện Quận Thủ Đức

 

COPD, là tình trạng đường dẫn khí ở phổi bị phá hủy, gây khó khăn cho sự di chuyển của khí ra vào phổi.

Hai nguyên nhân tổn thương chính có thể là nguyên nhân gây ra COPD:

  • Đường dẫn khí ở phổi có sẹo và hẹp;
  • Túi khí trong phổi (nơi xảy ra sự trao đổi CO2 và O2) bị phá hủy.

Thêm vào đó, COPD thường liên quan đến tình trạng viêm đường dẫn khí gây ho và gây tạo đàm.

Khi sự phá hủy trở nên nghiêm trọng sẽ dẫn đến máu không lấy đủ oxy và không thải trừ hết CO2, điều này gây ra triệu chứng thở ngắn và các triệu chứng khác.

Triệu chứng của COPD thường không được điều trị hết hoàn toàn và thường diễn biến xấu hơn theo thời gian. Tuy nhiên, việc điều trị có thể kiểm soát triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh.

Tài liệu này thảo luận về những lựa chọn điều trị cho bệnh nhân COPD. Việc điều trị triệu chứng diễn tiến nặng một cách đột ngột không được thảo luận ở đây vì lúc đó thường yêu cầu nhập viện.

Thuốc điều trị COPD

  1. Thuốc dãn phế quản

Thuốc dãn phế quản giúp giãn nở đường dẫn khí, đây là thuốc chính điều trị COPD. Thuốc giãn phế quản làm cho đường dẫn khí mở ra và có thể làm giảm sự bài tiết các chất.

Thuốc giãn phế quản thường được dùng dạng hít bằng ống hít phân liều (MDI – metered dose inhaler), ống hít bột khô (DPI – dry powder inhaler) hoặc ống phun (nebulizer). Việc sử dụng thuốc hít đúng cách đóng vai trò quan trọng vì giúp đưa đúng liều thuốc vào phổi. Nếu bạn sử dụng thuốc hít không đúng cách sẽ dẫn đến có ít hoặc không có thuốc vào đến phổi.

Thuốc giãn phế quản có thể dùng một mình hoặc phối hợp.

  • Thuốc chủ vận beta 2 tác dụng ngắn (còn gọi là ống hít cứu nguy) có thể làm giảm tình trạng khó thở một cách nhanh chóng và có thể được dùng khi cần thiết. Ví dụ: albuterol, levalbuterol.
  • Thuốc kháng cholinergic tác dụng ngắn: giúp cải thiện chức năng phổi và cải thiện triệu chứng. Nếu triệu chứng nhẹ và không thường xuyên, thuốc kháng cholinergic tác dụng ngắn chỉ được khuyến cáo dùng khi cần. Nếu triệu chứng nặng hoặc thường xuyên, thuốc kháng cholinergic tác dụng ngắn được khuyến cáo là thuốc điều trị nền thường xuyên, có thể dùng tới 4 lần/ngày.
  • Thuốc hít phối hợp tác dụng ngắn: gồm albuterol và ipratropium (ví dụ Combivent). Thuốc hít phối hợp được dùng khi cần hoặc dùng thường xuyên tùy thuộc vào tần suất và mức độ nặng của triệu chứng.

Việc điều trị bằng thuốc tác dụng dài có thể được khuyến cáo nếu triệu chứng không được kiểm soát đầy đủ bằng các biện pháp điều trị khác. Ví dụ: salmeterol, formoterol, arformoterol có thể dùng 2 lần/ngày; indacaterol được dùng 1 lần/ngày.

  • Thuốc kháng cholinergic tác dụng dài: giúp cải thiện chức năng phổi, làm giảm triệu chứng khó thở và cơn kịch phát COPD. Ví dụ tiotropium (Spiriva), umeclidinium (Incruse), glycopyrrolate (Seebri), aclidinium (Tudorza). Thuốc có thể dùng 1 lần/ngày hoặc 2 lần/ngày. Loại thuốc này được khuyến cáo dùng nếu triệu chứng không được kiểm soát đầy đủ bằng các biện pháp điều trị khác như thuốc dãn phế quản tác dụng ngắn.
  • Thuốc hít dạng phối hợp với thuốc dãn phế quản tác dụng dài: có thể phối hợp thuốc chủ vận beta tác dụng dài và thuốc kháng cholinergic tác dụng dài, ví dụ: dạng DPI umeclidinium/vilanterol (Anoro), glycopyrrolate/indacaterol (Utibron), aclidinium/formoterol (Duaklir); dạng thuốc hít sương mù tiotropium/olodaterol (Stiolto). Liều dùng thường 1-2 lần/ngày phụ thuộc vào dạng bào chế đặc biệt. Việc điều trị phối hợp thuốc giãn phế quản giúp cải thiện chức năng phổi hơn là dùng đơn độc thuốc dãn phế quản tác dụng dài hoặc thuốc kháng cholinergic tác dụng dài.
  1. Glucocorticoid

Glucocorticoid (nhóm steroid) các tác dụng chống viêm. Có dạng thuốc hít, thuốc viên, thuốc tiêm.

Glucocorticoid dạng viên hoặc tiêm thỉnh thoảng được dùng để điều trị ngắn hạn ( đợt cấp  COPD), nhóm thuốc này không khuyến cáo dùng lâu dài do tác dụng phụ.

Glucocorticoid dạng thuốc hít được khuyến cáo dùng chung với thuốc giãn phế quản tác động kéo dài khi triệu chứng không được kiểm soát hoàn toàn hoặc cơn COPD thường xuyên xảy ra. Vài dạng phối hợp hiện đang có như fluticason propionate/salmeterol (Advair); budesonide/formoterol (Symbicort), chúng thường được dùng 2 lần/ngày, còn fluticason furoate/vilanterol (Breo) được dùng 1  lần/ngày.

  1. Thuốc ho

Thuốc ho thường không được khuyến cáo thường quy cho bệnh nhân COPD vì chúng tỏ ra không cải thiện triệu chứng COPD. Mặc dù ho có thể là triệu chứng gây ra phiền phức nhưng thuốc ho nên tránh dùng vì chúng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

  1. Liệu pháp điều trị bổ sung

Ngưng hút thuốc: một trong những biện pháp quan nhất trọng trong điều trị COPD đối với người đang hút thuốc là ngưng hút thuốc. Những nghiên cứu trên bệnh nhân COPD chỉ ra rằng tình trạng bệnh tiến triển chậm hơn sau khi bệnh nhân ngưng hút thuốc. Hầu hết những bệnh nhân ngưng thuốc sau vài tháng sẽ giảm ho và giảm tiết đàm.

Oxygen: những bệnh nhân COPD nặng có thể bị giảm oxy trong máu (hypoxemia). Hypoxemia có thể xảy ra ngay cả khi bệnh nhân chưa cảm nhận thấy  khó thở hoặc những triệu chứng khác. Nồng độ oxy máu có thể đo được bằng dụng cụ thông qua đầu ngón tay (pulse oximeter) hoặc bằng việc xét nghiệm máu(khí máu động mạch). Những bệnh nhân có tình trạng giảm oxy máu có thể được điều trị bằng cung cấp oxy để cải thiện tỷ lệ sống và chất lượng cuộc sống.

Những bệnh nhân COPD đi du lịch bằng máy bay có xu hướng dễ bị hạ oxy máu do thay đổi áp suất trong máy bay. Nếu nhà lâm sàng xác định bạn thuộc đối tượng có nguy cơ hạ oxy máu trong chuyến bay, bạn có thể được chuẩn bị sẵn oxy trong suốt hành trình bay.

Việc bổ sung oxy không bao giờ được sử dụng cùng lúc với việc hút thuốc vì oxy là chất cháy nổ, nếu dùng chung sẽ gây bỏng nghiêm trọng. Vài trường hợp tử vong đã xảy ra khi bệnh nhân cố gắng hút thuốc trong khi thở oxy.

Dinh dưỡng: hơn 30% bệnh nhân COPD nặng không thể ăn uống đầy đủ vì triệu chứng của họ (khó thở, mệt mỏi). Sụt cân nặng không chủ ý do khó thở thường xảy ra với bệnh nhân có bệnh phổi tiến triển. Không ăn đầy đủ có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, điều này làm triệu chứng nặng hơn và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Biện pháp giúp tăng lượng năng lượng bạn ăn vào:

  • Ăn nhiều bữa nhỏ với thực phẩm nhiều dinh dưỡng (trứng)
  • Dùng bữa ăn có thể chuẩn bị nhanh (có thể dùng được lo vi sóng)
  • Thư giãn trước mỗi bữa ăn
  • Dùng multivitamin hàng ngày
  • Sản phẩm bổ sung dinh dưỡng (dạng lỏng hoặc dạng thỏi) là nguồn năng lượng tốt vì chúng dễ ăn và không cần phải chuẩn bị.

Nếu bạn vẫn bị giảm cân thì bạn sẽ được khuyến cáo nên dùng thuốc để kích thích cảm giác thèm ăn.

Phục hồi chức năng hô hấp : chương trình phục hồi chức năng phổi gồm giáo dục, huấn luyện, hỗ trợ từ cộng đồng, hướng dẫn kỹ thuật thở giúp xóa bỏ triệu chứng khó thở. Chương trình phục hồi chức năng phổi đã được chứng minh có tác động cải thiện khả năng vận động, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tần suất đợt cấp COPD. Ngay cả bệnh nhân có khó thở nặng cũng có thể có lợi từ chương trình phục hồi chức năng hô hấp .

Phẫu thuật: như phẫu thuật giảm thể tích phổi hoặc ghép phổi có thể giúp làm giảm triệu chứng cho bệnh nhân khí thũng.

Phẫu thuật giảm thể tích phổi là việc loại bỏ vùng phổi bất thường, từ đó giúp phổi giãn nở được và có chức năng bình thường.

Quy trình này có thể là một gợi ý cho bệnh nhân có triệu chứng nặng sau khi đã dùng mọi biện pháp, bao gồm cả chương trình phục hồi chức năng phổi. Không phải tất cả bệnh nhân đều có lợi ích từ việc phẫu thuật, thậm chí một số trường hợp còn trở nên nặng hơn. Kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh (CT scan) có thể được khuyến cáo thực hiện để xác định liệu việc phẫu thuật có đem lại lợi ích hay không.

Ghép phổi: việc ghép phổi có thể được xem xét trong trường hợp COPD nghiêm trọng. Nếu phẫu thuật thành công thì triệu chứng thường sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, việc ghép phổi chưa được chứng minh giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân COPD.

Các biện pháp khác: hỗ trợ thông khí không xâm lấn (sử dụng mặt nạ đặc biệt hoặc máy thở), thuốc giải lo âu hoặc chống trầm cảm, thuốc giống morphin để giảm triệu chứng  khó thở.

  1. Ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng trong bệnh COPD

Triệu chứng của bệnh nhân COPD có nguy cơ bị nặng hơn do nhiễm trùng. Phòng tránh nhiễm trùng và điều trị nhanh chóng khi xảy ra nhiễm trùng là mục tiêu quan trọng trong việc điều trị COPD.

Vaccine: mỗi bệnh nhân COPD cần được tiêm vaccin phòng phế cầu để ngăn ngừa viêm phổi.

Bệnh nhân COPD nên được tiêm phòng cúm hàng năm vào trước mùa cúm (cuối mùa thu hoặc đầu mùa đông). Những bệnh nhân mắc cúm cần được kê thuốc kháng virus.

Kháng sinh: kháng sinh có ích đối với bệnh nhân COPD có nhiễm khuẩn đường hô hấp. Tuy nhiên, hầu hết nhiễm khuẩn hô hấp thường do virus nên kháng sinh thường không có hiệu quả.

Sử dụng thường xuyên kháng sinh để phòng ngừa nhiễm khuẩn không được khuyến cáo. Tuy nhiên, có một kháng sinh là azithromycin được dùng lâu dài giúp làm giảm tần suất cơn bùng phát. Mặc dù việc sử dụng azithromycin chưa được chấp thuận nhưng azithromycin vẫn được bác sĩ kê toa.

Tiên lượng

Mặc dù COPD thường tiến triển nặng hơn theo thời gian nhưng khó để xác định tốc độ tiến triển. Những yếu tố nguy cơ đóng vai trò quan trọng bao gồm: hút thuốc lá, nhẹ cân, các bệnh lý kèm theo, chức năng phổi trong quá trình vận động. Những bệnh nhân COPD có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn thường không hút thuốc, cân nặng tương đối thường sống lâu hơn.

Nhà lâm sàng có thể sử dụng chỉ số dự báo (the BODE index) để dự đoán sự sống sót và hướng dẫn thời gian ghép phổi. Các chỉ số đó gồm chỉ số khối cơ thể (BMI-Body Mass Index), mức động nặng của sự tắc nghẽn thông qua phế dung kế, khó thở khi gắng sức, quãng đường đi bộ trong 6 phút.

Kết thúc cuộc sống ở người COPD

Mặc dù thảo luận về cái chết có thể gây khó chịu cho bệnh nhân, các thành viên trong gia đình, nhân viên chăm sóc y tế nhưng đây là vấn đề quan trọng đặc biệt đối với bệnh nhân bệnh mãn tính nặng. Không phải tất cả bệnh nhân COPD đều sẽ tử vong vì COPD. Tuy nhiên, vẫn nên thảo luận về điều bạn muốn tại thời điểm cuối cùng của cuộc sống trước khi bệnh trở nên nghiêm trọng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân COPD phải thở máy.

Những câu hỏi nghiêm trọng cần lưu ý:

  • Bạn muốn ai là người quyết định điều trị cho bạn nếu bạn không thể giao tiếp?
  • Có những biện pháp điều trị đặc hiệu mà tôi có thể làm hoặc không muốn làm tại thời điểm cuối cuộc đời không?

Tài liệu có tính pháp lý được dùng để trao đổi về quyền ưu tiên của bạn. Những tài liệu bạn cần phụ thuộc vào nơi bạn sống. Ở Mỹ, bạn có thể lấy tài liệu này từ internet (như trang www.caringinfo.org) và không cần luật sư.

***Nếu bạn cần thêm thông tin

Bác sĩ là nguồn thông tin tốt nhất cho những câu hỏi và lo lắng của bạn về vấn đề y khoa.

 

Nguồn: Patient education: Chronic obstructive pulmonary disease (COPD) treatments (Beyond the Basics). Uptodate – MeiLan King Han, MD, MS

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.