Menu

Hiểu rõ về mối quan hệ giữa thức ăn – thuốc

Dịch: Lê Thị Hiền-SVD3-Trường ĐHYD Huế

Hiệu đính: Phan Thị Thu – Khoa Y-Dược đại học Thành Đô

Link: http://www.pharmacytimes.com/publications/issue/2001/2001-12/2001-12-6822 

01/12/2001

Greta M. pelegrin, Pharma D

Chúng ta sử dụng thuốc để giảm đau, giảm huyết áp, hạ Cholesterol  máu hay cải thiện rối loạn tâm trạng. Các thuốc đó thường cho ta cảm giác dễ chịu hơn nhưng chúng cũng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ và thậm chí có thể gây tử vong. Tương tác bất lợi của thuốc là một trong những thách thức quan trọng nhất mà các dược sĩ phải đối mặt ngày hôm nay ngoài sức tưởng tượng của họ. Những tương tác này là mối quan tâm lớn đối với tất cả các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là dược sĩ, những người được coi là chuyên gia trong lĩnh vực này và phần lớn là những chuyên gia chăm sóc sức khoẻ có thể tiếp cận dễ nhất. Ngày nay, điều này rất khó để một bác sĩ có thể dành thời gian để theo dõi và nghiên cứu mọi tương tác thuốc có thể cho mỗi bệnh nhân và vì vậy mọi bệnh nhân thường dựa vào tư vấn  của dược sĩ. Về cơ bản, các tương tác thuốc rất phức tạp và liên quan đến dược động học, bao gồm sự hấp thu thuốc, sự phân bố, chuyển hóa và thải trừ.

Vai trò của Thực phẩm và Dinh dưỡng.

Có một mối quan hệ chặt chẽ giữa thức ăn và thuốc uống . Nhiều thực phẩm chúng ta ăn có thể gây trở ngại đáng kể đến các mục tiêu điều trị và dẫn đến các tương tác có thể làm thay đổi sự hấp thụ của thuốc vào trong máu, cũng như làm giảm tác dụng của thuốc. Tương tác thuốc và thực phẩm cũng có thể có tác dụng tích cực dẫn đến giảm kích ứng đường  tiêu hóa và tăng sự hấp thu thuốc.

Ví dụ, griseofulvin và saquinavir (thuốc chống nấm và thuốc kháng vi-rut) được hấp thụ tốt nhất khi dùng với thực phẩm có hàm lượng chất béo cao. Mặt khác, tetracycline  liên kết với canxi trong sữa để tạo thành một chất không hòa tan mà cơ thể không thể hấp thu.

Nói chung, một số loại thuốc và thức ăn không nên kết hợp. Thực tế, khi dùng cùng thời điểm, một số thực phẩm và thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng sử dụng thực phẩm hoặc thuốc , điều này giải thích tại sao một số loại thuốc được kê với thức ăn hay lúc dạ dày rỗng (dạ dày rỗng thường có nghĩa là 1h trước hoặc 2h sau bữa ăn). Nhiều thực phẩm có  thể giảm tác dụng của một số thuốc  bằng cách tác động vào quá trình  hấp thu. Các thuốc khác, chẳng hạn như aspirin và các thuốc chống viêm khác hấp thụ tốt nhất mà không có thức ăn nhưng  điều đó lại có thể  gây kích ứng dạ dày đến nỗi có thể gây đau, tiêu chảy và buồn nôn.

Ảnh hưởng của Rượu, Caffeine và Trà

Rượu, caffein và một số loại trà có thể làm tăng tác dụng của một số loại thuốc nhất định. Thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm, và thuốc chống lo âu được tăng hiệu quả hơn khi dùng với rượu nhưng lại có thể dẫn đến tăng tác dụng phụ trên thần kinh trung ương . Rượu cũng có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân dùng thuốc chẹn beta bằng cách làm giảm huyết áp mạnh. Khi kết hợp với thuốc hạ đường huyết, rượu có thể làm thay đổi lượng đường trong máu. Caffeine có thể tương tác với ciprofloxacin và theophylline làm tăng tác dụng kích thích

Thuốc chống đông máu

Thuốc chống đông máu (ví dụ, warfarin) giúp làm giảm sự hình thành cục máu đông. Vitamin K là yếu tố cần thiết cho việc sản sinh các yếu tố đông máu và do đó ngăn ngừa chảy máu. Thuốc chống đông kháng vitamin K trong sản xuất các yếu tố đông máu này. Chắc chắn, việc ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng vitamin K cao có thể gây phản tác dụng của các thuốc chống đông máu . Tuy nhiên, không nhất thiết phải tránh tất cả các loại thực phẩm có chứa vitamin K, mà là giữ chế độ ăn kiêng nhất quán để tránh sự biến động về nồng độ thuốc trong cơ thể.

Penicillin

Nhóm thuốc này được hấp thụ tốt nhất khi dạ dày rỗng, nhưng có thể dùng chung với thức ăn để giảm bớt khó chịu ở dạ dày . Chúng không nên được dùng cùng với các thực phẩm có tính acid, nước trái cây, cola, hoặc đồ uống có tính acid khác bởi vì acid dạ dày tăng lên có thể gây trở ngại cho sự hấp thụ của thuốc.

Cephalosporin

Hầu hết cephalosporin phải được uống vào lúc dạ dày rỗng  tức là 1h trước hoặc sau 2h sau bữa ăn, nhưng  cũng có thể dùng chung với thức ăn để giảm bớt khó chịu dạ dày. Cefuroxime (Ceftin) là một ngoại lệ, vì sự hấp thu thuốc tăng lên khi dùng cùng với thức ăn.Quinolones

Giống như một số chất kháng khuẩn khác, quinolone được hấp thu tốt khi dạ dày rỗng, nhưng có thể dùng chung với thức ăn để giảm bớt khó chịu ở dạ dày. Tuyệt đối tránh dùng cùng các sản phẩm có chứa hàm lượng canxi cao, chẳng hạn như sữa chua, sữa, vitamin hoặc khoáng chất chứa sắt hoặc thuốc trung hòa acid dịch vị vì chúng có thể làm giảm nồng độ thuốc trong cơ thể. Vì những thuốc thuộc nhóm Quinolon  có thể ảnh hưởng đến việc  bài tiết caffein khỏi cơ thể nên các sản phẩm có chứa caffein có thể làm tăng mức caffeine trong máu, gây căng thẳng quá mức.

Allopurinol

Đó là tác nhân chống lại bệnh gout, nó không làm giảm sự thải trừ acid uric mà nó ức chế xanthine oxidase, enzyme chịu trách nhiệm chuyển hóa acid uric. Các purine được chuyển hóa thành acid uric trong cơ thể. Allopurinol tác dụng lên sự dị hóa của purine, do đó làm giảm việc sản xuất acid uric. Một chế độ ăn kiêng cần xem xét bao gồm việc giảm lượng thực phẩm như gan, thận, đậu Hà Lan, đậu lăng, một lượng lớn thịt có màu đỏ và rượu.

Theophylline

Thuốc giãn phế quản này mở các đường dẫn không khí của phổi, được chỉ định để làm giảm hoặc phòng ngừa hen phế quản và co thắt phế quản liên quan đến khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính. Nồng độ trong máu được theo dõi thường xuyên để đạt được mức điều trị tối đa với độc tính thấp.

Các mức trên 35mcg / mL có thể gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng và nhịp tim nhanh. Chế độ ăn ít tinh bột và nhiều chất đạm , cũng như thịt bò nướng , làm tăng đào thải theophylline, dẫn đến giảm kiểm soát hen suyễn và các tình trang khác. Do đó, chế độ ăn giàu tinh bột, ít protein sẽ ngăn chặn việc đào thải theophylline, dẫn đến tối ưu hóa hiệu quả điều trị. Cả theophylline và caffein kích thích hệ thống thần kinh trung ương. Do đó, hiệu quả của theophylline có thể tăng lên bởi đồ uống chứa caffein, chẳng hạn như cola, cà phê, trà, và thậm chí một số loại thuốc giảm đau không cần kê đơn, làm tăng các tác dụng phụ.

Digoxin

Tác nhân này được chỉ định cho suy tim sung huyết và rung tâm nhĩ. Tỷ lệ hấp thụ sẽ bị giảm khi uống sau bữa ăn. Ngoài ra, các loại thực phẩm giàu chất xơ, như các sản phẩm bột mì nguyên chất, rau sống, ngũ cốc và trái cây, ức chế sự hấp thụ và giảm tác dụng của nó. Điều quan trọng là phải duy trì lượng magiê và kali bình thường khi dùng digoxin. Sự suy giảm magiê hoặc kali (có thể do thuốc thiazide và thuốc lợi tiểu quai gây ra) làm nhạy cảm cơ tim với digoxin, gây độc. Ngược lại, sự kết hợp của digoxin và thuốc lợi tiểu làm giảm kali có thể gây ra vấn đề.Dấu hiệu độc tính của digoxin bao gồm rối loạn thị giác, nhức đầu, mơ hồ và buồn nôn. Tránh sử dụng cam thảo bởi vì nó có thể tương tác với digoxin để tăng thải trừ kali.

Itraconazole/Ketoconazole 

Các thuốc chống nấm này cần đến acid dạ dày để hòa tan và hấp thụ. Bất kỳ loại thuốc nào ức chế sự bài tiết acid, như thuốc trung hòa acid dịch vị  hay thuốc kháng histamine, làm giảm tác dụng của chúng, trong khi thực phẩm có tính acid và các đồ uống, như cola, làm tăng hấp thu. Trên thực tế, một nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân achlorhydria cho thấy sự gia tăng sự hấp thu khi dùng itraconazole với nước giải khát cola. Các thuốc chống nấm này nên dùng cùng với thức ăn.

Alendronate / Risedronate

Những loại thuốc này được kê toa rộng rãi được sử dụng để dự phòng và điều trị loãng xương, nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp gãy xương ở người cao tuổi.  Để hấp thu đầy đủ alendronate và risedronate phải uống thuốc với lượng nước khoảng từ 600 đến 800ml nước trong nửa giờ trước khi ăn, nước giải khát (ví dụ như cà phê, trà, nước khoáng, nước trái cây) hoặc thuốc. Bệnh nhân không nên ăn bất kỳ thức ăn hoặc nước giải khát trong 30 phút để tránh sự giảm hấp thu. Tránh kích thích thực quản bằng cách giữ thẳng đứng trong 30 phút sau khi dùng thuốc.

Lưu ý: Tư vấn cho bệnh nhân rằng bổ sung canxi và vitamin D đầy đủ khi dùng các thuốc này vẫn rất cần thiết.

Thuốc ức chế Oxydase Monoamine (MAOIs)

Phenelzine và tranylcypromine là những ví dụ về những thuốc chống trầm cảm hiệu quả đã trở nên phổ biến vào những năm 1950 và 1960. Chúng đã dần dần được thay thế bằng các chất ức chế thu hồi serotonin có chọn lọc, có ít phản ứng phụ hơn. Một trong những tương tác thuốc cổ điển và quan trọng nhất xảy ra khi IMAO kết hợp với thực phẩm giàu chất tyramine. Tyramine là một chất kích thích hệ thống thần kinh trung ương được chuyển hóa bởi monoamine oxidase trước khi đi vào máu. Ở những bệnh nhân dùng IMAO, enzym bị suy yếu, có thể dẫn đến một việc tăng huyết áp biểu hiện bằng nhức đầu, sốt và hôn mê. Tyramine có nhiều trong các loại thực phẩm như gan gà, bơ, chuối, rượu Chianti, pho mát, cá trích, quả sung, cá, thịt chế biến, đậu hũ, đậu nành, cà phê, trứng cá muối và đậu lima.

Levodopa

Các thực phẩm giàu chất đạm, cũng như vitamin B6 (pyridoxine), có thể làm giảm sự hấp thu levodopa, do đó làm giảm mức dopamine và làm giảm các tác dụng chống lại chứng Parkinson. Protein trong một số thực phẩm nhất định có thể bị phân hủy thành các axit amin cạnh tranh với levodopa để vận chuyển đến não. Thay vì cắt giảm lượng chất đạm, bạn nên ăn trải ra trong ngày.

Thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu quai và các thuốc lợi tiểu thiazid được xem là thải kali  và có thể gây rối loạn điện giải. Mặt khác, Triamterene được coi là giữ kali bởi vì nó có thể làm giảm bài tiết kali của thận. Các loại thực phẩm giàu kali bao gồm sung, nước cam, và chuối. Cam thảo cũng có thể tương tác với những loại thuốc này và làm thải kali ra khỏi cơ thể. Cẩn trọng với các chất các chất thay thế muối (giàu kali) khi dùng các loại thuốc này.

Nước bưởi

Nước ép bưởi tương tác với nhiều loại thuốc vì nó ức chế sự chuyển hóa bởi cytochrome P450 (chủ yếu là 3A4) isoenzyme trong thành ruột hoặc gan. Sự ức chế này làm cho nồng độ thuốc cao hơn trong cơ thể và do đó làm tăng tác dụng phụ và / hoặc độc tính. Không nên dùng các loại thuốc sau đây với nước ép bưởi:

  • Thuốc chẹn kênh calci (nhóm dihydropyridin): amlodipine (Norvasc), felodipine (Plendil) và nifedipine (Adalat, Procardia)
  • Cyclosporine (Neoral, Sandimmune)
  • Midazolam (Versed): Lưu ý: Không có hiệu quả khi tiêm tĩnh mạch.
  • Buspirone (Buspar)
  • Triazolam (Halcion)
  • Carbamazepine (Tegretol)
  • Cilostazol (Pletal)
  • Các chất hạ cholesterol (statins): lovas-tatin (Mevacor), fluvastatin (Lescol), và atorvastatin (Lipitor). Lưu ý: Không có tương tác đáng kể với pravastatin (Pravachol).

Hướng dẫn Tư vấn Bệnh nhân

Dược sĩ ngày nay có một cơ hội tuyệt vời để tham gia vào một chương trình điều trị bằng thuốc của bệnh nhân, cũng như để tư vấn về sự phức tạp và tương tác thuốc. Một phương pháp tư vấn nên bao gồm những điều sau đây:

  • Vai trò của điều trị bằng thuốc và thời gian điều trị
  • Liều lượng và
  • cách dùng (với thức ăn, không ăn, buổi sáng và buổi tối …)
  • Ảnh hưởng của các chất dinh dưỡng đối với liệu pháp (ví dụ, warfarin với thực phẩm giàu vitamin K)
  • Tương tác của rượu với thuốc điều trị tâm thần, metronidazole, v.v …
  • Ảnh hưởng của caffeine, thuốc trung hòa acid dịch vị và natri
  • Sự hạn chế và thay đổi của một số chất dinh dưỡng nhất định (ví dụ như thực phẩm giàu tyramine, kali kết hợp với thuốc lợi tiểu, v.v)
  • Các tác động bất lợi tiềm ẩn và cách giảm thiểu chúng

Nói chung, các dược sĩ cần cố gắng hướng tới việc giáo dục bệnh nhân và đảm bảo rằng họ hiểu được cách trị liệu của họ. Điều đó sẽ dẫn đến sự tuân thủ của bệnh nhân và tối ưu kết qủa  với tác dụng phụ thấp

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.