Menu

Khi nào thì dung dịch thuốc tiêm còn thừa bị bỏ đi ?

Câu hỏi:

Tramadol 01 ống tiêm, dùng cho bệnh nhân chỉ 1/2 ống, vậy 1/2 ống còn lại có thể dùng cho bệnh nhân khác hay cho lần dùng khác được không ? Nếu có cần bảo quản thuốc như thế nào? Tại em thấy trong tờ hướng dẫn của nhà sản xuất khuyến cáo sau khi pha xong phải dùng ngay. Hay một số thuốc tiêm khác như kháng sinh chẳng hạn, lâu lâu điều dưỡng cũng hay hỏi như vậy. 

 

Trả lời:

Cần lưu ý là thuốc tiêm được chia làm 2 loại bào chế: loại đơn liều (a single dose vial) và loại đa liều (a multiple dose vial) [1,2].

Loại ĐƠN LIỀU có nghĩa là đơn vị thuốc đó thiết kế chỉ để dùng 1 lần duy nhất và cho 1 bệnh nhân, do đó trong thành phần thuốc không có chứa chất bảo quản diệt khuẩn, do đó, sau khi mở nắp dùng thì phải loại bỏ ngay phần còn thừa (không được giữ lại dùng cho lần khác).

Loại ĐA LIỀU có nghĩa là đơn vị thuốc đó được thiết kế cho nhiều lần dùng và do đó có chất bảo quản diệt khuẩn bên trong. Việc loại bỏ thuốc đa liều là cần thiết khi (1) vượt quá hạn sử dụng sau khi mở nắp được cung cấp bởi nhà sản xuất hoặc (2) khi liều thuốc đã được rút ra/pha chế trong khu vực dùng thuốc của bệnh nhân (tức không pha chế trong một khu vực sạch được thiết kế riêng cho việc pha thuốc tiêm), hoặc (3) bất kì khi nào mà cán bộ y tế nghi ngờ là điều kiện vô khuẩn của thuốc đã bị nhiễm bẩn. 

Như vậy, để biết liệu có thể dùng dung dịch thừa của một đơn vị thuốc tiêm (ở đây là ống thuốc tiêm 2ml tramadol 50mg/ml) cho lần khác được không cần trả lời câu hỏi quan trọng đầu tiên: dạng bào chế này là đơn liều hay đa liều. Theo thông tin của nhà sản xuất [3] thì không ghi rõ điều này, nhưng dựa vào thành phần của thuốc không có chứa chất bảo quản diệt khuẩn, cùng với thể tích nhỏ của chế phẩm 2ml, cho phép ta có thể khẳng định đây là thuốc ĐƠN LIỀU. Do đó, sau khi mở vỏ lần đầu tiên, phải loại bỏ dung dịch thừa và không thể sử dụng cho lần sau. 

“1 ống 2 ml dung dịch thuốc tiêm chứa 100 mg tramadol hydroclorid.

Tá dược khác: natri acetat.3H¬2O, nước cất pha tiêm, nitơ và argon (khí trơ).”

Đọc kĩ phần hướng dẫn của nhà sản xuất còn cung cấp thêm: “Tramadol sau khi pha loãng với dung dịch natri clorid 0,9% hay glucose 5% phải  được sử dụng ngay lập tức.”

Về các thuốc kháng sinh tiêm, đa số các đơn vị kháng sinh cũng thiết kế ĐƠN LIỀU, dùng 1 lần duy nhất, nên dù có thừa cũng không được sử dụng cho lần sau.

Còn với các chế phẩm ĐA LIỀU thuốc tiêm, thì cần lưu ý, nhà sản xuất thường cung cấp hạn dùng sau khi mở vỏ lần đầu tiên (ví dụ là 2 tuần), hạn này chỉ có ý nghĩa khi mà quá trình pha chế bảo đảm trong môi trường sạch. Tuy nhiên, trong thực tế pha chế thuốc tiêm ở nhiều BV Việt Nam thường pha chế trong môi trường không sạch, ngay tại phòng bệnh nhân nên cũng chỉ dùng 1 lần mà thôi. Để tránh sự lãng phí này, cần có box pha chế vô khuẩn cho thuốc ĐA LIỀU tiêm hoặc chỉ mua các thuốc ĐƠN LIỀU. 

Câu hỏi sâu hơn là: liệu có thể dùng đơn vị đơn liều cho nhiều bệnh nhân tại cùng một thời điểm đi tiêm được không ? (ví dụ ống tramadol ở trên, dùng 1/2 ống cho bệnh nhân A và 1/2 ống cho bệnh nhân B khi điều dưỡng đi tiêm buổi sáng).

Trả lời: Theo nguyên tắc [4], đơn vị đơn liều chỉ thiết kế cho 1 LẦN DÙNG và 1 BỆNH NHÂN, nên không thể dùng đồng thời cho 2 bệnh nhân. Việc sử dùng thuốc đơn liều cho nhân đã gây ra nhiều trường hợp nhiễm khuẩn chéo hay tạp nhiễm. Kể cả khi một đơn vị đơn liều quá thừa cho mỗi lần dùng, cũng không nên dùng phần thừa cho bệnh nhân khác hay dự trữ cho lần dùng sau này. Để tránh lãng phí khi dùng đơn vị đơn liều quá lớn, khoa dược nên đặt hàng các đơn vị đơn liều có thể tích nhỏ hơn. 

Câu hỏi 3: Thuốc đa liều có thể dùng cho nhiều bệnh nhân được không ?

Trả lời: Đối với thuốc tiêm đa liều [2], thì an toàn nhất là dùng cho 1 bệnh nhân. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn cho phép dùng cho nhiều bệnh nhân nếu kĩ thuật tiêm đảm bảo an toàn (dùng kim tiêm và syring riêng cho mỗi lần, kỷ thuật tiêm đảm bảo vô trùng) và thuốc phải được giữ ở phòng điều dưỡng/khoa lâm sàng, không được giữ ở phòng bệnh nhân. 

 

DS. Võ Thị Hà – BV ĐH Y Dược Huế

Tài liệu tham khảo: 

  1. http://www.oneandonlycampaign.org/single-dose-multi-dose-vial-infographic

2. https://www.cdc.gov/injectionsafety/providers/provider_faqs_multivials.html

3. http://www.bividvietnam.com/Product_Detail.aspx?id=236

4. https://www.cdc.gov/injectionsafety/providers/provider_faqs_singlevials.html

One Comment

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.