Menu

Liệu pháp xông tinh dầu trong điều trị COVID-19

Tổng hợp: SVD. Dương Minh Huy, trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

       Hiệu Đính: GV. Nguyễn Thị Liên, trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

COVID-19 xuất hiện gây nên mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe toàn cầu. Không may rằng,  có ít loại thuốc đã được chứng minh lâm sàng có hiệu quả chống lại vi rút SARC-CoV-2. Nhiều loại thuốc hiện đang được nghiên cứu nhằm tìm ra nhiều phương pháp điều trị hỗ trợ, thuốc từ dược liệu có hoạt tính sinh học và ít độc tính cũng là mối quan tâm, trong đó tinh dầu từ lâu đã được biết đến có đặc tính sát khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch, kháng vi rút qua nhiều nghiên cứu in vitro và in vivo và đang được đề xuất cũng có hoạt tính chống lại SARC-CoV-2.

Tinh dầu diệt khuẩn bằng cách nào?

Tinh dầu là một dạng chất lỏng chứa các hợp chất dễ bay hơi như monoterpen, sesquiterpenes và phenylpropanoid có tính chất diệt khuẩn, sát trùng, kháng viêm… được chiết xuất từ phương pháp chưng cất hơi nước, ép lạnh hoặc chiết xuất bằng dung môi. Do bản chất ưa lipid, tinh dầu có khả năng xen vào lớp vỏ virus làm tính lưu động của màng thay đổi và có thể phá vỡ màng. Tinh dầu có chứa nhiều chất phytochemical có thể tác động lên những giai đoạn nhân lên của virus và bên cạnh đó có những tác động tích cực đến hệ hô hấp như giãn phế quản và ly giải chất nhầy. Tinh dầu kháng vi rút theo nhiều cơ chế: tác động trực tiếp lên vi rút tự do, ức chế gắn, ngăn cản sự xâm nhập vào vật chủ, ức chế các enzym, ức chế sự sao chép trong nội bào và ngăn cản giải phóng khỏi tế bào chủ.

Tác dụng của việc xông?

Các vi rút được bao bọc bởi lớp vỏ như rhinovirus và coronavirus (bao gồm SARS-CoV và SAR-CoV-2) hoạt động mạnh nhất trong điều kiện khô, mát. Trong khi vi rút có vỏ bọc có thể hoạt động trong thời gian dài ở điều kiện lạnh, thì chúng sẽ bị phá hủy ở nhiệt độ cơ thể con người có thể chịu đựng. Nhiệt độ từ 55 đến 65°C trong 15 đến 30 phút cho thấy có thể vô hiệu hóa vi rút có vỏ bao, bao gồm cả coronavirus.

Tuyến phòng thủ đầu tiên của đường hô hấp là khoang mũi và xoang, với hàng rào niêm mạc, chất nhầy bảo vệ và mội vai trò quan trọng đó là điều hòa nhiệt độ. Khoang mũi và xoang liên tục trao đổi nhiệt với không khí hít vào thông qua đối lưu, dẫn truyền và bay hơi, giúp làm mát không khí hít vào vào mùa hè và làm ấm, ẩm không khí vào mùa đông. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy không khí nóng có thể hỗ trợ trong việc điều trị nhiễm trùng đường hô hấp, không khí ở nhiệt độ trên 43°C trong 20 – 30 phút làm giảm sự xâm nhập, phát tán của vi khuẩn, vi rút, giúp cải thiện các triệu chứng cảm lạnh. Bằng chứng dịch tễ học từ thời xưa đã cho thấy tắm, xông hơi có liên quan đến việc giảm nguy cơ viêm phổi và nhiễm trùng đường hô hấp.

Nếu nhiễm trùng đường hô hấp vượt qua tuyến phòng thủ đầu tiên, sốt được tạo ra như một phần của phản ứng giai đoạn cấp tính, hình thành tuyến phòng thủ thứ hai của hệ thống miễn dịch. Nhiệt độ khi sốt kích hoạt nhiều phản ứng tế bào bao gồm điều hòa tương hỗ phức tạp giữa kích hoạt hệ thống miễn dịch, viêm và con đường phản ứng sốc nhiệt. Liệu pháp xông hơi tạo nhiệt áp dụng cho toàn bộ cơ thể có thể hỗ trợ tuyến phòng thủ thứ hai của hệ thống miễn dịch bằng cách gây ra căng thẳng nhiệt mô phỏng tác động của cơn sốt và kích hoạt hệ thống phòng thủ miễn dịch bẩm sinh của cơ thể.

Như vậy, liệu pháp xông tinh dầu với các đặc tính sát khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch và kháng vi rút cùng với điều kiện nhiệt độ từ 45-65°C có thể là một liệu pháp hỗ trợ trong điều trị bệnh nhân Covid 19, với khả năng phá vỡ vi rút có màng bào SARC-CoV-2, vô hiệu hóa các vi rút ngay ở nơi trú ngụ đầu tiên, ức chế sự nhân lên, đồng thời kích thích hệ miễn dịch cơ thể hoạt động. Môi trường trong nhà với nhiệt độ, độ ẩm ấm lên cũng hỗ trợ ngăn ngừa khô niêm mạc mũi, tăng độ thanh thải niêm mạc, thông thoáng đường thở. Ngoài ra, tinh dầu từ lâu cũng được biết đến với tác dụng giải lo âu, giảm nhẹ thể chất và tâm lý, có thể hỗ trợ sức khỏe tinh thần và mang lại nhiều lợi ích về mặt tâm lý, tăng cường giấc ngủ, hỗ trợ chức năng miễn dịch.

Hiện nay, có 3 loại tinh dầu nổi trội được khuyến cáo hỗ trợ điều trị COVID-19, đó là tinh dầu tràm trà (tea tree oil), tinh dầu khuynh diệp (eucalyptus), tinh dầu sả chanh (lemongrass). Tuy nhiên hiện nay, các nghiên cứu về hiệu quả chống lại SARC-CoV-2 của tinh dầu còn khá sơ khai chủ yếu là thực hiện trong ống nghiệm và mô phỏng bằng kỹ thuật gắn kết phân tử.

Tràm trà là một trong hàng trăm loài thuộc chi Tràm (họ Myrtaceae) thường được trồng ở Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Tinh dầu tràm trà được sử dụng rộng rãi để làm thuốc, dầu tràm được sử dụng trong các sản phẩm dược liệu thảo mộc làm giảm các triệu chứng ho, cảm lạnh. Nhiều nghiên cứu dược lý đã chỉ ra rằng các thành phần chính của tinh dầu tràm 1,8 ‐ cineol và α ‐ terpineo l  có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm và chống ký sinh trùng, kháng vi rút, ức chế sự sao chép của vi rút cúm A / PR / 8 v I rút H1 N1 ở nồng độ không gây độc tế bào. Kết quả mô phỏng gắn kết chỉ ra các vị trí liên kết hoạt động của 10 ( TA1 ‐ TA5 , TA7 , TA10 , TA17 – TA19 ) trong số 24 hợp chất của tinh dầu tràm có khả năng ức chế ACE2 và kháng lại protease chính (Mpro / 6LU7) của SARS ‐ CoV ‐ 2, trong đó ACE2 tham gia vào quá trình xâm nhập của vi rút vào tế bào vật chủ, trong khi (Mpro / 6LU7)  tham gia chính vào quá trình nhân lên của vi rút. Ba chất Terpineol ( TA2 ), Guaiol ( TA5 ), và Linalool ( TA19) có tác dụng ức chế mạnh nhất đối với các protein ACE2 và PDB6LU7. Nghiên cứu này đưa ra khuyến nghị sử dụng tinh dầu tràm trong việc hỗ trợ điều trị và hạn chế sự lây lan của SARS ‐ CoV ‐ 2.

Tinh dầu thu được từ cây bạch đàn (Eucalyptus globulus ) theo truyền thống được sử dụng để điều trị các bệnh đường hô hấp khác nhau bao gồm viêm họng, viêm phế quản và viêm xoang. Dầu khuynh diệp với thành phần hoạt tính chính 1,8-cineole đã được chứng minh có tác dụng giảm các cơn co thắt cơ trơn của đường hô hấp do các tác nhân khác nhau gây ra, sát khuẩn, kháng vi rút, chống viêm bằng cách ngăn chặn giải phóng cytokine và giảm đau.

Các hợp chất anethole, cinnamaldehyde, carvacrol, geraniol, cinnamyl acetate, L-4-terpineol, thymol và pulegone, Eugenol, carvacrol,…tìm thấy trong nhiều loại dược liệu như sả chanh, bạc hà, lá bưởi, lá chanh,… cũng được biết đến với những công dụng giúp giảm triệu chứng nghẹt mũi do viêm mũi, cảm giác khó thở, sát khuẩn, chống viêm, giảm đáng kể hoạt động của các cytokine gây viêm và điều hòa miễn dịch. Bằng những nghiên cứu gắn kết phân tử, cho thấy các hoạt chất cũng có hoạt lực ức chế tiểu đơn vị S1 – vùng liên kết với thụ thể ACE2 của vật chủ của vi rút, điều này mở ra tiềm năng có thể hỗ trợ điều trị vi rút SARC-CoV-2.

Ngoài ra còn có tinh dầu tỏi rất thông dụng ở Việt Nam được sử dụng như một loại dược liệu điều trị cảm lạnh thông thường, cúm và các loại nhiễm trùng khác trong nhiều thế kỷ. Từ việc phân tích dữ liệu gắn kết cho thấy 17 hợp chất (chiếm 99,4% thành phần) trong số 18 hợp chất của tinh dầu tỏi có khả năng ức chế ACE2. Sự tương tác hiệp đồng của 17 hợp chất trong tinh dầu tỏi thể hiện sự ức chế protein ACE2 và protein PDB6LU7 của vi rút. Nghiên cứu này cũng cho thấy tinh dầu tỏi có tiềm năng lớn hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19.

Liệu pháp xông tinh dầu là một phương pháp điều trị có chi phí thấp, tiện lợi và dễ tiếp cận với lịch sử truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, thông tin hiện có về tác dụng điều trị Covid 19 của các loại tinh dầu này còn rất sơ khai và phần lớn các dữ liệu đều thu được từ các nghiên cứu sơ bộ trong ống nghiệm và kỹ thuật mô phỏng gắn kết phân tử trong phòng thí nghiệm

Việc kết hợp các hình thức điều trị truyền thống cùng với những phương pháp tây y hiện đại với mong muốn hỗ trợ bệnh nhân Covid trong khi không có nhiều sự lựa chọn trong điều trị. Hi vọng trong tương lại sẽ có nhiều nghiên cứu khoa học với những chứng cứ lâm sàng về việc sử dụng liệu pháp xông hơi tinh dầu cũng như sử dụng y học cổ truyền trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh nhân Covid-19.

Một số lưu ý khi xông tinh dầu:

  • Không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.

  • Phản ứng quá mẫn, ngộ độc tinh dầu khi xông với liều lượng lớn trong phòng kín.

  • Không xông khi đã sử dụng thức uống có cồn.

  • Lựa chọn tinh dầu đảm bảo chất lượng.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bui Thi Phuong Thuy et al, Investigation into SARS-CoV-2 Resistance of Compounds in Garlic Essential Oil. ACS Omega, 2020 Apr 14; 5(14): 8312–8320.
  2. Chan KH, Peiris JS, Lam SY, et al. The Effects of Temperature and Relative Humidity on the Viability of the SARS Coronavirus. Adv Virol, 2011;2011:734690.
  3. Tran Thi Ai My et al, Evaluation of the Inhibitory Activities of COVID‐19 of Melaleuca cajuputi Oil Using Docking Simulation. ChemistrySelect. 2020 Jun 8; 5(21): 6312–6320.Muhammad Asif et al, “COVID-19 and therapy with essential oils having antiviral, anti-inflammatory, and immunomodulatory properties”. Inflammopharmacology, 2020 Aug 14 : 1–9.
  4. Marc Cohen et al, “Turning up the heat on COVID-19: heat as a therapeutic intervention”. F1000Research, 2020, 9:292
  5. Kampf G, Voss A, Scheithauer S: Inactivation of coronaviruses by heat. J Hosp Infect. 2020; pii: S0195-6701(20)30124-9.
  6. Kunutsor SK, Laukkanen T, Laukkanen JA: Longitudinal associations of sauna bathing with inflammation and oxidative stress: the KIHD prospective cohort study. Ann Med, 2018;50(5):437–442.
  7. Vimalanathan S, Hudson J. Anti-influenza virus activity of essential oils and vapors. Am J Essent Oils Nat Prod, 2014;2:47–53.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.