Tháng Chín 27, 2016
Phát hiện sớm ung thư vú
Khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ để phát hiện sớm ung thư vú ở bệnh nhân không có triệu chứng
Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên thực hiện chụp X-quang tuyến vú (chụp nhũ ảnh) hàng năm và duy trì việc này ngay cả khi sức khoẻ vẫn còn tốt.
- Các bằng chứng gần đây ủng hộ lợi ích của chụp nhũ ảnh đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt, chụp nhũ ảnh rất có ý nghĩa với phụ nữ ở độ tuổi 40 trong việc phát hiện ung thư sớm. Tuy nhiên, việc chụp nhũ ảnh cũng có một vài hạn chế nhất định, đó là không phát hiện được một số loại ung thư hoặc đưa ra chẩn đoán nhầm.
- Bệnh nhân cần được phổ biến về những lợi ích và hạn chế của việc thực hiện chụp nhũ ảnh từ sớm. Mặc dù có những hạn chế nhất định, chụp nhũ ảnh vẫn là một phương pháp hiệu quả và có giá trị trong việc giảm nguy cơ mắc và tử vong vì ung thư vú.
- Chụp nhũ ảnh cần được duy trì và không phụ thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân, miễn là bệnh nhân không có bệnh lý nghiêm trọng hay kéo dài nào như suy tim sung huyết, bệnh thận giai đoạn cuối, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và mất trí nhớ trung bình đến nghiêm trọng. Tuổi không phải là lý do để ngừng thực hiện chụp nhũ ảnh định kì. Những bệnh nhân có vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ hoặc tuổi thọ ngắn cần thảo luận với bác sĩ về việc có nên tiếp tục thực hiện chụp nhũ ảnh hay không.
Phụ nữ ở độ tuổi 20-30 cần thực hiện khám lâm sàng tuyến vú định kì 3 năm/lần bởi một bác sĩ chuyên khoa. Khi bước sang tuổi 40, họ cần được thăm khám hàng năm.
· Khám lâm sàng được thực hiện cùng với chụp nhũ ảnh là cơ hội để bệnh nhân và bác sĩ hay y tá của họ thảo luận về những thay đổi ở tuyến vú, phát hiện sớm và xác định các yếu tố ở tiền sử của bệnh nhân có thể khiến cho họ dễ mắc ung thư vú.
· Việc khám lâm sàng tuyến vú trước khi chụp nhũ ảnh có một vài lợi ích nhất định. Việc thăm khám thường bao gồm những hướng dẫn để bệnh nhân làm quen với tuyến vú của chính họ. Theo đó, họ được phổ biến về những lợi ích và hạn chế của việc thăm khám lâm sàng tuyến vú cũng như việc tự khám ngực. Khả năng mắc ung thư vú rất thấp ở bệnh nhân trong độ tuổi 20 và nguy cơ này tăng dần theo độ tuổi. Do đó, bệnh nhân cần thông báo bất cứ triệu chứng nào bất thường ở tuyến vú của họ cho bác sĩ.
Tự thăm khám tuyến vú (tự khám ngực) nên được bắt đầu ở những phụ nữ ở độ tuổi 20. Họ cần được giải thích về những lợi ích và hạn chế của việc tự khám ngực và phải báo cáo ngay lập tức bất kì thay đổi nào ở tuyến vú cho bác sĩ.
- Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tự thăm khám tuyến vú có ít vài trò phát hiện ung thư vú hơn so với việc tình cờ phát hiện ra khối u vú hoặc đơn giản là người phụ nữ tự cảm nhận được các dấu hiệu thông thường. Một số cảm thấy thoải mái với việc tự thăm khám thường xuyên (hàng tháng sau chu kì) theo phương pháp từng bước có hệ thống để quan sát và cảm nhận ngực của họ. Một số khác lại thích cảm nhận ngực của họ khi tắm hoặc mặc đồ hay thực hiện kiểm tra không thường xuyên.
- Đôi lúc bệnh nhân quá chú tâm vào việc “làm thế này đã đúng chưa” và bị lo lắng khi thực hiện tự khám ngực. Tuy nhiên, tự khám ngực chỉ là cách mà bệnh nhân biết được ngực của họ trông như thế nào cũng như cảm nhận và phát hiện các thay đổi. Mục đích cuối cùng vẫn là thông báo ngay lập tức những thay đổi bất thường ở tuyến vú cho bác sĩ hoặc y tá của họ dù có thực hiện tự khám ngực hay không.
- Những phụ nữ quyết định tự thực hiện thăm khám tuyến vú cần được một chuyên gia y tế hướng dẫn kĩ thuật thăm khám. Họ có thể chọn thực hiện việc này một lần mỗi tháng hoặc không. Tuy nhiên, khi thăm khám thường xuyên, họ sẽ biết được tuyến vú tuông thường sẽ trông như thế nào và nhanh chóng nhận ra bất cứ sự thay đổi nào. Nếu có một thay đổi xuất hiện, ví dụ như tăng kích thước bầu ngực, sưng, kích ứng vùng da ngực, đau núm vú, tụt núm vú (núm vú di chuyển vào bên trong bầu ngực), đỏ hay tiết dịch bất thường (không phải sữa mẹ – quan sát thấy trên áo ngực), bệnh nhân cần đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, những thay đổi này chưa phải là triệu chứng của ung thư.
Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao dựa trên một số yếu tố nguy cơ nhất định nên được chụp cộng hưởng từ và chụp X-quang tuyến vú hàng năm.
Các đối tượng này bao gồm:
- Có nguy cơ của ung thư vú từ 20% đến 25% hoặc cao hơn theo các công cụ đánh giá nguy cơ dựa vào tiền sử gia đình (như mô hình Claus – xem dưới đây)
- Mang gen đột biến BRCA1 hoặc BRCA2
- Người thân (bố, mẹ, anh, chị, em hoặc con) có gen đột biến BRCA1 hoặc BRCA2 và chưa thực hiện kiểm tra gen
- Phải xạ trị vùng ngực trong độ tuổi từ 10-30
- Mắc hội chứng Li-Fraumeni, Cowden hoặc Bannayan-Riley-Ruvalcaba, hoặc người thân (mẹ hay chị em) mắc những hội chứng này
Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ không khuyến cáo sử dụng sàng lọc bằng chụp cộng hưởng ở những phụ nữ mà nguy cơ ung thư vú nhỏ hơn 15%.
Hiện nay chưa có đủ bằng chứng để khuyến cáo sử dụng hay không biện pháp sàng lọc bằng chụp cộng hưởng ở những phụ nữ có nguy cơ ung thư vú trung bình (nguy cơ ước tính từ 15-20% theo thang đánh giá dựa trên tiền sử của gia đình) hoặc những người có thể có nguy cơ ung thư vú cao dựa trên một số yếu tố nguy cơ như:
· Có tiền sử mắc ung thư vú, ung thư biểu mô tuyến vú tại chỗ (DCIS), ung thư tiểu thùy tại chỗ (LCIS), tăng sản tuyến vú không điển hình (ADH), hoặc tăng sản lobular không điển hình (ALH)
- Mật độ mô ngực cao hoặc dày đặc trên nhũ ảnh
Nếu sử dụng chụp cộng hưởng, nên cân nhắc kết hợp sàng lọc bằng nhũ ảnh, bởi vì mặc dù chụp cộng hưởng nhạy hơn (nghĩa là khả năng phát hiện khối u cao hơn nhũ ảnh) nhưng cũng có một số trường hợp chụp cộng hưởng không phát hiện được những khối u có thể nhìn thấy trên nhũ ảnh.
Đối với hầu hết phụ nữ có nguy cơ cao, sàng lọc bằng chụp cộng hưởng và nhũ ảnh nên được bắt đầu ở độ tuổi 30 và duy trì miễn là bệnh nhân có sức khoẻ tốt. Tuy nhiên do chưa có đủ bằng chứng về độ tuổi thích hợp nhất để bắt đầu sàng lọc, quyết định đưa ra sẽ căn cứ vào sự thảo luận giữa bệnh nhân và bác sĩ dựa trên tình trạng và mong muốn của họ.
Rất nhiều công cụ đánh giá nguy cơ, ví dụ như mô hình của Gail, Claus hay Tyrer-Cuzich được các chuyên gia y tế sử dụng để đánh giá nguy cơ mắc ung thư vú ở bệnh nhân. Những cộng cụ này cho phép ước tính một cách tương đối, chứ không chính xác nguy cơ mắc ung thư vú dựa trên rất nhiều các yếu tố nguy cơ và số liệu khác nhau.
Bởi vì các công cụ khác nhau sử dụng các yếu tố khác nhau để ước tính nguy cơ nên chúng có thể đưa ra những ước tính khác nhau trên cùng một đối tượng bệnh nhân. Ví dụ, mô hình của Gail đánh giá dựa trên các yếu tố nguy cơ của bệnh thể như tuổi, tuổi có kinh nguyệt (thời kỳ có kinh nguyệt lần đầu tiên), tiền sử sinh thiết vú trước đó cùng tiền sử ung thư vú của người thân ở thế hệ đầu tiên. Ngược lại, mô hình của Claus ước tính nguy cơ mà chỉ dựa trên tiền sử mắc ung thư vú ở người thân cả hai thế hệ đầu tiên và thứ hai. Hai mô hình này rất dễ đưa ra những ước tính khác nhau trên cùng một bệnh nhân.
Các công cụ đánh giá nguy cơ (ví dụ như mô hình của Gail) do không dựa hoàn toàn trên tiền sử của gia đình nên không phù hợp để sử dụng cùng với các khuyến cáo của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ để xác định bệnh nhân có nên thực hiện sàng lọc bằng chụp cộng hưởng từ hay không. Việc sử dụng bất kì một công cụ đánh giá nguy cơ nào và kết quả thu được cần được thảo luận bởi bệnh nhân và bác sĩ.
Bệnh nhân nữ được sàng lọc bằng chụp cộng hưởng từ được khuyến cáo làm sinh thiết cùng lúc nếu có thể. Nếu không thực hiện, họ sẽ cần chụp cộng hưởng từ thêm một lần nữa khi làm sinh thiết.
Chưa có bằng chứng nào cho thấy chụp cộng hưởng từ là một phương pháp sàng lọc có hiệu quả ở bệnh nhân nữ có nguy cơ trung bình. Mặc dù chụp cộng hưởng từ nhạy hơn nhũ ảnh, phương pháp này lại có tỷ lệ chẩn đoán dương tính sai cao hơn (dễ phát hiện nhầm những vật thể không phải khối u). Việc này có thể dẫn đến phải thực hiện những xét nghiệm sinh thiết và những xét nghiệm khác không cần thiết ở những phụ nữ đã được sàng lọc và gây ra những lo lắng và sợ hãi không đáng có.
Hiệp hội ung thư Mỹ tin rằng việc thực hiện chụp X-quang, cộng hưởng từ (ở phụ nữ có nguy cơ cao), khám lâm sàng tuyến vú, phát hiện và báo cáo những thay đổi ở tuyến vú từ sớm theo những khuyến cáo nêu trên sẽ giúp bệnh nhân giảm thiểu nguy cơ tử vong vì ung thư vú. Việc tuân thủ các khuyến cáo này có ý nghĩa hơn bất kì một thăm khám hay xét nghiệm đơn độc nào.
Không thể phủ nhận việc khám lâm sàng tuyến vú mà không tiến hành chụp nhũ ảnh có thể để sót những khối u vú quá nhỏ mà bệnh nhân hoặc bác sĩ không cảm nhận được nhưng lại có thể nhìn thấy trên nhũ ảnh. Chụp nhũ ảnh là một phương pháp rà soát khá nhạy, tuy nhiên một số khối u không hiện trên nhũ ảnh nhưng lại có thể được cảm nhận bởi bệnh nhân hoặc bác sĩ. Với những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao, ví dụ như những người có đột biến gen BRCA hoặc tiền sử gia đình có người mắc, việc chụp cộng hưởng kết hợp chụp X- quang tuyến vú được khuyến cáo thực hiện.
Người dịch: DS Trịnh Hồng Nhung
Người hiệu đính: TS. DS Nguyễn Thị Vân Anh
Link: