Menu

POPI – Công cụ phát hiện kê đơn không hợp lí ở trẻ em

POPI (Pediatrics: Omission of Prescriptions and Inappropriate prescriptions): Công cụ phát hiện kê đơn không hợp lý ở trẻ em

Người tổng hợp: Phan Dương Liên Phương, Huỳnh Xuân Thảo, Nguyễn Huỳnh Anh Vũ – sinh viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Hiệu đính: DS. Nguyễn Ngọc Vũ Nam, BV Sản Nhi Quảng Nam.

GIỚI THIỆU

WHO ước tính rằng 50% thuốc được kê đơn và sử dụng không phù hợp1. Ở bệnh nhi, ADR nhập viện được ước tính từ 0,6% đến 33,7% và từ 1% đến 1,5% ở bệnh nhân ngoại trú2. Nhiều loại thuốc được quan tâm đang sử dụng phổ biến. Hàng năm, trên thế giới có hàng triệu người chết do kháng thuốc, trong đó có 1,4 triệu trẻ em. Trẻ em là đối tượng nhạy cảm rất dễ có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác nhau vì trẻ có những đặc điểm cần lưu ý nếu phải dùng thuốc3.

  • Sử dụng kháng sinh trong thời gian dài còn ảnh hưởng tới nhóm vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa.
  • Các loại thuốc kháng sinh chloramphenicol, tetracycline; các chế phẩm opioid, nội tiết tố sinh dục, thuốc amphetamine… bị chống chỉ định ở trẻ em trong một số điều kiện cụ thể.
  • Các loại thuốc phenobarbital, paracetamol, phenytoin, carbamazepine, rifampicin… có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh của trẻ em.
  • Đặt thuốc đạn vào trực tràng, thuốc được hấp thu rất mạnh và nhanh đạt nồng độ cao ở trong máu của trẻ dẫn đến dễ gây độc như đặt thuốc đạn có chứa theophylin có thể gây co giật hoặc thuốc đạn có chứa diazepam có thể đạt nồng độ thuốc cao ở trong máu giống như tiêm tĩnh mạch.
  • Các loại thuốc gentamycin, phenobarbital, diazepam… dùng tiêm bắp thịt không dùng cho trẻ sơ sinh do cơ vân ở trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện và chứa nhiều nước dẫn đến khó hấp thụ thuốc và nhiều rủi ro nếu tồn tại lâu.
  • Thuốc bôi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần chú ý khi dùng do da trẻ có lớp sừng mỏng và biểu mô chưa phát triển dễ gây dị ứng và kích ứng. Tuyệt đối không được dùng băng dính chứa thuốc để dán cho trẻ nhỏ hoặc bôi thuốc rồi băng chặt lại nếu dùng thuốc corticoid, thuốc giảm đau chống viêm không steroid.
  • Thuốc bôi ngoài da có chứa thành phần acid boric, hexaclorophene, salicylate, neomycin, benzyl benzoat, xanh methylen… có thể gây ngộ độc toàn thân.
  • Thuốc bôi ngoài có chứa chất iod như: rượu iod, povidon iod… để sát khuẩn, chống nấm có thể gây ngộ độc iod và làm cho trẻ có một số biến chứng như bị bướu cổ kèm theo giảm khả năng hoạt động của tuyến giáp trạng.
  • Thuốc bôi có chất tinh dầu long não bôi ngoài da cho trẻ có thể kích thích thần kinh, gây co giật.
  • Thuốc bôi có chứa chất pinen, eucalyptol, thymol, menthol, guaiacol… bôi qua da cũng có khả năng hấp thu vào trong cơ thể trẻ và gây độc.
  • Thuốc bôi có rượu ethylic, rượu thuốc, methyl salicylate, thuốc chống viêm giảm đau, thuốc mỡ corticoid… dùng cho trẻ và xoa bóp mạnh có thể gây tổn thương da do quá nóng.
  • Thuốc digoxin, salicylate, phenytoin, theophylin, phenobarbital… các loại thuốc không gắn mạnh vào protein của huyết tương thì dạng thuốc tự do của thuốc sẽ tăng lên và phân phối càng nhiều vào mô tế bào, kéo theo đó làm tăng tác dụng độc tính.
  • Hàng rào máu – não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa hoàn thiện nên lưu lượng máu đến não cao hơn người lớn. Nên khi sử dụng các loại thuốc tác dụng tại thần kinh như thuốc ngủ, an thần, chế phẩm thuốc phiện thì dễ dẫn đến tác dụng và độc tính của thuốc nên phải được bác sĩ có kinh nghiệm chỉ định và theo dõi.
  • Các loại kháng sinh nhóm aminoglycosid, aspirin, sulfamid, penicillin, paracetamol, digoxin, phenobarbital, furosemid… dùng quá liều lượng có thể gây tích tụ trong cơ thể do chức năng thấm lọc của cầu thận và thải trừ thuốc qua ống thận còn rất yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

 

CÔNG CỤ POPI

POPI (Pediatrics: Omission of Prescriptions and Inappropriate prescriptions) là công cụ đầu tiên được thiết kế nhằm phát hiện các chỉ định bị bỏ sót hoặc các chỉ định không hợp lý trên đối tượng trẻ em.

Một nghiên cứu hồi cứu và mô tả đã được thực hiện trong khoa cấp cứu của bệnh viện AP-HP Robert-Debré (Paris), bệnh viện nhi lớn nhất của Pháp và nhà thuốc cộng đồng Albaret (Seine và Marne). Tiêu chí bao gồm những bệnh nhân dưới 18 tuổi và có một hoặc nhiều đơn thuốc từ ngày 1 tháng 10 năm 2014 đến ngày 31 tháng 3 năm 2015. Đơn thuốc được định nghĩa là một hoặc nhiều dòng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tiêu chí loại trừ bao gồm các hồ sơ y tế không thể tiếp cận ở bệnh nhân khoa cấp cứu và đơn thuốc không có thuốc cho bệnh nhân ngoại trú. POPI chứa 101 tiêu chí (76 PIM, 25 PPO). Một đánh giá tài liệu đã được thực hiện để có được tiêu chí. Các tiêu chí được phân loại theo hệ thống sinh lý (tiêu hóa, nhiễm trùng đường hô hấp, đau, thần kinh, da liễu và khác). Các tiêu chí được xác nhận bằng phương pháp đồng thuận Delphi hai vòng4.

Đây là nghiên cứu đầu tiên cho phép xác định tỉ lệ lưu hành của các thực hành kê đơn có khả năng không hợp lý (Potentially inappropriate medicines – PIM) và khả năng thiếu sót một số chỉ định trong điều trị (Potentially prescribing omissions – PPO) ở trẻ em. Việc phát hiện PIM/PPO sẽ cải thiện việc sử dụng thuốc và chăm sóc bệnh nhân cũng như hạn chế nhập viện và ADR. Một nghiên cứu đa trung tâm sẽ được tiến hành để xác định tác động và lợi ích của áp dụng POPI trong thực hành lâm sàng. Cũng cần phải đánh giá tác động của công cụ này trong việc giảm các tác dụng phụ của thuốc, cả trong tư vấn hoặc nhập viện. Tác động của dược sĩ trong việc cung cấp đơn thuốc phù hợp cũng nên được đánh giá. Sau đó, công cụ này có thể được cung cấp cho một số hội chuyên ngành như Hiệp hội Bác sĩ Nhi khoa Pháp và Hiệp hội Dược lâm sàng Pháp để sử dụng rộng rãi hơn. Công cụ nên được cập nhật thường xuyên để phản ánh các sự kiện gần đây và để xác định các tiêu chí nhất định1.

Bảng 1. Công cụ POPI

Phân loại theo bệnh
A: Đau và sốt
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
AI-1. Kê đơn xen kẽ của hai loại thuốc hạ sốt như là một điều trị đầu tay.

AI-2. Kê đơn một loại thuốc khác ngoài paracetamol là điều trị đầu tay (trừ trường hợp đau nửa đầu).

AI-3. Sử dụng paracetamol dạng đặt hậu môn như là một điều trị đầu tay.

AI-4. Việc sử dụng kết hợp hai loại NSAID.*

AI-5. Sử dụng ibuprofen đường uống hơn 3 liều/ngày bằng cách sử dụng pipet chia độ 10 mg/kg (trừ Advil).

AI-6. Opiates để điều trị các cơn đau nửa đầu.*

A0-1. Sử dụng dung dịch đường 2 phút trước khi lấy máu tĩnh mạch cho trẻ sơ sinh và trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi.

A0-2. Sử dụng thuốc nhuận tràng thẩm thấu cho bệnh nhân đang điều trị bằng morphine trong thời gian hơn 48 giờ.

B: Nhiễm trùng đường niệu
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
BI-1. Nitrofurantoin dùng như thuốc dự phòng.*

BI-2. Nitrofurantoin được sử dụng như một thuốc chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, hoặc bất kỳ loại kháng sinh nào khác nếu có thể tránh.*

BI-3. Kháng sinh dự phòng sau khi bị nhiễm khuẩn ban đầu không biến chứng (trừ trường hợp bệnh lý niệu).*

BI-4. Kháng sinh dự phòng trong trường hợp nhiễm khuẩn không triệu chứng (trừ trường hợp bệnh lý niệu).*

C: Bổ sung vitamin và kháng sinh dự phòng
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
CI-1. Bổ sung fluoride trước 6 tháng tuổi. CO-1. Hấp thụ không đủ lượng vitamin D. Lượng vitamin D tối thiểu:

·      Trẻ sơ sinh – 3 tháng tuổi = 1000 – 1200 IU/ngày.

·      Trẻ 3 tháng đến < 18 tháng tuổi (sữa giàu vitamin D) = 600 – 800 IU/ngày.

·      Trẻ em từ 18 tháng – 5 tuổi và thanh thiếu niên từ 10 – 18 tuổi: 2 liều tải một quý từ 80000 – 100000 IU/ngày vào mùa đông (thanh thiếu niên có thể dùng như một liều).

CO-2. Kháng sinh dự phòng phenoxymethylpenicillin (Oracilline) được sử dụng bắt đầu từ 2 tháng tuổi và kéo dài đến 5 tuổi đối với trẻ bị thiếu máu hồng cầu hình liềm: 100000 IU/kg/ngày (hai lần) cho trẻ cân nặng 10 kg trở xuống và 50000 IU/kg/ngày đối với trẻ cân nặng trên 10 kg (cũng hai liều).*

D: Bệnh do muỗi đốt
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
DI-1. Sử dụng thuốc chống côn trùng ngoài da ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và picardin ở trẻ dưới 24 tháng tuổi.

DI-2. Tinh dầu Citronella (sả chanh).

DI-3. Sử dụng vòng đeo tay chống côn trùng để chống muỗi và ve.

DI-4. Thiết bị diệt côn trùng bằng sóng siêu âm, vitamin B1, vi lượng đồng căn, bẫy côn trùng bằng điện và băng dính không có thuốc trừ sâu.

DO-1. DEET ‘30%’ (tối đa) trước 12 tuổi. ‘50%’ (tối đa) sau 12 tuổi.

DO-2. IR3535 ‘20%’ (tối đa) trước 24 tháng tuổi. ‘35%’ (tối đa) sau 24 tháng tuổi.

DO-3. Cửa lưới chống muỗi và quần áo được xử lý bằng pyrethroids.

Vấn đề về tiêu hoá
E: Buồn nôn, nôn và trào ngược dạ dày thực quản
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
EI-1. Metoclopramide.*†

EI-2. Domperidone.*†

EI-3. Thuốc chống nôn dạ dày dùng để điều trị trào ngược dạ dày thực quản, chứng khó tiêu, tiếng khóc của trẻ sơ sinh (trong trường hợp không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác), cũng như ngất ở trẻ sơ sinh.*

   EI-4. Sử dụng kết hợp thuốc ức chế bơm proton và NSAID, trong thời gian ngắn, cho những bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ.*

EI-5. Sử dụng thuốc ức chế bơm proton đường tiêm tĩnh mạch bằng đường uống (đặc biệt là bằng ống thông mũi dạ dày).*

   EI-6. Sử dụng thuốc kháng histamine H2 trong thời gian dài.*

EI-7. Sử dụng Erythromycin như một tác nhân tăng co bóp thực quản.*

EI-8. Sử dụng setron (chất đối kháng 5-HT3) cho buồn nôn và nôn liên quan đến hóa trị liệu.*

EO-1. Sử dụng dung dịch bù nước đường uống cho nôn.
F: Tiêu chảy
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
FI-1. Sử dụng Loperamide trước 3 tuổi.*

FI-2. Sử dụng Loperamide trong trường hợp tiêu chảy xâm lấn.*

FI-3. Sử dụng diosmectite (Smecta) kết hợp với một loại thuốc khác.*

FI-4. Sử dụng Saccharomyces boulardii (Ultralevure) ở dạng bột hoặc trong một viên nang đã được mở trước khi uống, để điều trị cho bệnh nhân bằng ống thông tĩnh mạch trung tâm hoặc suy giảm miễn dịch.*

FI-5. Sử dụng thuốc sát trùng đường ruột.*

FO-1. Sử dụng dung dịch bù nước đường uống trong trường hợp tiêu chảy.*
Tai mũi họng và các vấn đề về đường hô hấp
G: Ho
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
GI-1. Sử dụng Pholcodine.*†

GI-2. Sử dụng thuốc tiêu đàm hoặc helicidine trước 2 tuổi.*†

GI-3. Sử dụng Alimemazine (Theralene), oxomemazine (Toplexil), promethazine (Phenergan) và các loại khác.*†

GI-4. Sử dụng thuốc đặt hậu môn có nguồn gốc terpen.*†

GO-1. Đề xuất tiêm vắc-xin ho gà nhắc lại cho người có khả năng có con sắp tới (chỉ áp dụng cho người đã tiêm chủng gần nhất hơn 10 năm trước). Lần tiêm nhắc lại này cũng nên được đề xuất cho gia đình và người người thân xung quanh (ba mẹ, ông bà, người trông trẻ).
H: Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
HI-1. Thuốc chủ vận Beta 2, corticosteroids để điều trị trường hợp đầu tiên về viêm phế quản ở trẻ sơ sinh.

HI-2. Thuốc đối kháng H1, thuốc giảm ho, thuốc tan mỡ hoặc ribavirin để điều trị viêm tiểu phế quản.*

HI-3. Kháng sinh trong trường hợp không có dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn (viêm tai giữa cấp tính, sốt và vân vân).*

HO-1. NaCl 0,9% để giảm nghẹt mũi (không áp dụng nếu nghẹt mũi đang được điều trị bằng 3% NaCl khí dung).*

HO-2. Palivizumab trong các trường hợp sau:

(1) Trẻ sinh ra dưới 35 tuần tuổi thai và dưới 6 tháng trước khi bắt đầu dịch RSV theo mùa.

(2) Trẻ em dưới 2 tuổi được điều trị chứng loạn sản phế quản phổi trong 6 tháng qua.

(3) Trẻ em dưới 2 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh có bất thường về huyết động.

I: Nhiễm trùng tai mũi họng
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
II-1. Một loại kháng sinh khác với amoxicillin như một phương pháp điều trị đầu tiên cho bệnh viêm tai giữa cấp tính, viêm họng liên cầu hoặc viêm xoang (với điều kiện bệnh nhân không bị dị ứng với amoxicillin). Một liều amoxicillin hiệu quả cho nhiễm phế cầu khuẩn là 80 – 90 mg/kg/ngày và liều hiệu quả cho nhiễm trùng liên cầu khuẩn là 50 mg/kg/ngày.*

II-2. Điều trị bằng kháng sinh cho đau họng, không có kết quả xét nghiệm chẩn đoán nhanh dương tính, ở trẻ em trên 3 tuổi.*

II-3. Kháng sinh điều trị viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm họng trước 3 tuổi hoặc viêm thanh quản; kháng sinh như là một điều trị đầu tiên cho viêm tai giữa cấp tính cho thấy một số triệu chứng sau 2 tuổi.*

II-4. Kháng sinh để điều trị viêm tai giữa bằng tràn dịch (OME), trừ trường hợp mất thính lực hoặc nếu OME kéo dài hơn 3 tháng.*

II-5. Corticosteroid để điều trị viêm tai giữa cấp tính, viêm mũi họng hoặc viêm họng liên cầu khuẩn.*

II-6. Thuốc thông mũi hoặc thuốc uống (oxymetazoline (Aturgyl), pseudoephedrine (Sudafed), naphazoline (Derinox), ephedrine (Rhinamide), tuaminoheptane (Rhinofluimicil) và phenylephrine (Humoxal)).*

II-7. Thuốc đối kháng H1 có tác dụng an thần hoặc tác dụng như atropine (pheniramine và chlorpheniramine) hoặc long não; ống hít, thuốc xịt mũi hoặc thuốc đạn có chứa tinh dầu bạc hà (hoặc bất kỳ dẫn xuất terpene nào) trước 30 tháng tuổi.*

II-8. Ethanolamine tenoate (Rhinotrophyl) và các thuốc sát trùng mũi khác.*

II-9. Thuốc nhỏ tai trong trường hợp viêm tai giữa cấp tính.*

IO-1. Liều tính theo mg cho uống (dung dịch) amoxicillin hoặc josamycin.*

IO-2. Paracetamol kết hợp với điều trị bằng kháng sinh điều trị nhiễm trùng tai để giảm đau.*

J: Hen suyễn
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
JI-1. Ketotifen và các chất kháng H1 khác và sodium cromoglycate.*

JI-2. Thuốc giảm ho. *

JO-1. Thuốc hít hen suyễn thích hợp cho lứa tuổi trẻ con.

JO-2. Điều trị dự phòng (corticosteroid dạng hít) trong trường hợp hen kéo dài.*

Vấn đề da liễu
K: Mụn trứng cá
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
KI-1. Minocycline.*

KI-2. Isotretinoin kết hợp với một loại của họ kháng sinh tetracycline.*

KI-3. Việc sử dụng kết hợp một loại thuốc kháng sinh uống và kháng sinh tại chỗ.*

KI-4. Kháng sinh đường uống hoặc tại chỗ dưới dạng đơn trị liệu (không kết hợp với thuốc khác).*

KI-5. Cyproterone + ethinylestradiol (Diane 35) như một biện pháp tránh thai để cho phép isotretinoin mỗi os.

KI-6. Androgenic progestins (levonorgestrel, norgestrel, norethisterone, lynestrenol, dienogest, que cấy tránh thai hoặc vòng âm đạo).*

KO-1. Tránh thai (được cung cấp lộ trình/nhật ký) cho phụ nữ có kinh nguyệt dùng isotretinoin.

KO-2. Điều trị tại chỗ (benzoyl peroxide, retinoids hoặc cả hai) kết hợp với điều trị bằng kháng sinh.*

L: Ghẻ
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
LO-1. Liều thứ hai của ivermectin 2 tuần sau lần đầu tiên.

LO-2. Khử nhiễm quần áo gia đình và điều trị cho các thành viên khác trong gia đình.

M: Bệnh chí (rận)
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
MI-1. Sử dụng bình xịt cho trẻ sơ sinh mắc bệnh hen suyễn hoặc có triệu chứng giống hen suyễn như khó thở.
N: Mắc phải giun đũa
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
NI-1. Điều trị khác với griseofulvin cho nấm microsporum.* NO-1. Thuốc điều trị tại chỗ kết hợp với thuốc uống.*

NO-2. Griseofulvin uống trong bữa ăn có lượng chất béo vừa phải.*†

O: Bệnh chốc lở
Chỉ định không phù hợp  Chỉ định bị thiếu sót
OI-1. Kết hợp các loại kháng sinh dùng tại chỗ và kháng sinh uống.*

OI-2. Ít hơn 2 liều dùng mỗi ngày cho kháng sinh tại chỗ.*

OI-3. Bất kỳ loại kháng sinh nào khác ngoài mupirocin cũng như một phương pháp điều trị đầu tay (trừ trường hợp quá mẫn cảm với mupirocin).*

P: Mắc virus herpes đơn giản
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
PI-1. Thuốc điều trị tại chỗ có chứa corticosteroids.*

PI-2. Thuốc điều trị tại chỗ có chứa acyclovir cho trẻ dưới 6 tuổi.*†

PO-1. Paracetamol trong đợt bùng phát virus herpes.*

PO-2. Uống Acyclovir để điều trị viêm nướu herpes nguyên phát.*

Q: Bệnh viêm da dị ứng
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
QI-1. Thuốc bôi steroid mạnh (clobetasol propionate 0.05% Dermoval, betamethasone dipropionate Diprosone) bôi lên vùng trán, nách, háng cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ.* Dùng nhiều hơn 1 lần/ngày đối với thuốc bôi steroid trừ trường hợp bị lichen hóa nặng.*

QI-2. Thuốc kháng Histamine tại chỗ hay toàn thân trong suốt quá trình điều trị ổ dịch.*

QI-3. Dùng thuốc Tacrolimus 0.03% để điều trị tại chỗ cho trẻ dưới 2 tuổi.*†

Dùng thuốc Tacrolimus 0.1% để điều trị tại chỗ cho người dưới 16 tuổi.

QI-4. Dùng Corticosteroid dạng uống trong điều trị ổ dịch.*

Bệnh tâm thần, động kinh
R: Động kinh
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
RI-1. Carbamazepine, gabapentin, oxcarbazepine, phenytoin, pregabalin, tiagabine hay vigabatrin trong trường hợp động kinh ở cơ tim.*

RI-2. Carbamazepine, gabapentin, oxcarbazepine, phenytoin, pregabalin, tiagabine hay vigabatrin trong trường hợp mất trí nhớ tạm thời (đặc biệt ở trẻ em và vị thành niên).

RI-3. Levetiracetam, oxcarbamazepine tính bằng mi-li-lít hoặc mi-li-gam mà không cần theo hệ thống XX mg/Y mL.*†

S: Bệnh trầm cảm
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
SI-1. Một thuốc chống trầm cảm khác với fluoxetine cho điều trị đầu tay (first_line) trong trường hợp điều trị dược lý.

SI-2. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng để điều trị.*

T: Đái dầm
Chỉ định không phù hợp  Chỉ định bị thiếu sót
TI-1. Desmopressin dạng thuốc xịt mũi.*† Desmopressin trong trường hợp ban ngày.

TI-2. Một thuốc kháng cholinergic dùng cho đơn điều trị khi không có triệu chứng vào ban ngày.*

TI-3. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng kết hợp với thuốc kháng cholinergic.*†

TI-4. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng dùng cho điều trị đầu tay.*

U: Chán ăn
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
UI-1. Cyproheptadine (Periactin) và clonidine.*†
V: Bệnh rối loạn thiếu tập trung (có hoặc không tăng động đi kèm)
Chỉ định không phù hợp Chỉ định bị thiếu sót
VI-1. Điều trị dược lý cho trẻ dưới 6 tuổi (trước khi đi học) trừ trường hợp nghiêm trọng.*

VI-2. Thuốc chống loạn thần dùng điều trị rối loạn thiếu tập trung không tăng động.*

VI-3. Methylphenidate giải phóng chậm khi dùng 2 liều/ngày thay vì 1 liều/ngày.*†

VO-1. Dựng biểu đồ tăng trưởng (chiều cao và cân nặng) của bệnh nhân dùng methylphenidate.*
  • * Tiêu chí phân tích theo khoa cấp cứu6.
  • † Tiêu chí phân tích theo nhà thuốc cộng đồng (Community pharmacy).
  • ENT (tai – mũi – họng): Ear, nose and throat.

Kết luận

Hiện nay, những thực hành kê đơn có khả năng không hợp lý và thiếu sót một số chỉ định trong điều trị khá phổ biến trong các chỉ định thuốc cho bệnh nhân. Đặc biệt là bệnh nhân nhi – đối tượng có hệ thống cơ thể chưa phát triển toàn diện, rất nhạy cảm và nguy cơ cao xảy ra ADR khi dùng thuốc không thích hợp. Công cụ POPI với 101 tiêu chí phân loại trên nhiều hệ thống sinh lý khác nhau giúp ta phát hiện sự thiếu sót hay bất hợp lý trên, có tác động lâm sàng và đóng vai trò quan trọng trong cải thiện chất lượng kê đơn. Vì vậy, POPI nên được nghiên cứu nhiều hơn và được sử dụng rộng rãi ở bệnh viện cũng như các cơ sở khám chữa bệnh để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Retrospective study of irrational prescribing in French paediatric hospital: prevalence of inappropriate prescription detected by Pediatrics: Omission of Prescription and Inappropriate prescription (POPI) in the emergency unit and in the ambulatory setting, 2019. Link: https://bmjopen.bmj.com/content/9/3/e019186

2.      Đến lúc phải siết chặt kê đơn và bán thuốc kê đơn, 11/2017. Link: https://www.moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/yrH2MsfKhcaY/content/-en-luc-phai-siet-chat-ke-on-va-ban-thuoc-ke-on?inheritRedirct=false

  1. TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh, Thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ em, 01/2016. Link: https://syt.thuathienhue.gov.vn/?gd=27&cn=28&tc=3599
  2. POPI (Pediatrics: Omission of Prescriptions and Inappropriate Prescriptions): Development of a Tool to Identify Inappropriate Prescribing. Link: https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371%2Fjournal.pone.0101171&fbclid=IwAR3ehIbrCHUBwOa5_b16Luh-9IIKsn5uwqxdYvulYxn7ZKj1dUfLznqT8_4
  3. Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ VIII năm 2019 – Tổng hội Y học Việt Nam, 11/2019. Link: http://canhgiacduoc.org.vn/GioiThieuChung/TrangTinHoatDong/1553/hoi-nghi-khoa-hoc-toan-quoc-2019-tong-hoi-y-hoc-viet-nam.htm
  4. Nguyễn Thị Hiền, POPI – Công cụ phát hiện kê đơn không hợp lý ở trẻ em, 12/2018. Link:https://www.nhipcauduoclamsang.com/popi-cong-cu-phat-hien-ke-don-khong-hop-ly-o-tre-em/

 

 

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.