Menu

So sánh (S) – amlodipine với hỗn hợp racemic amlodipine

So sánh tính hiệu quả và khả năng dung nạp của đồng phân (S) – amlodipine với hỗn hợp racemic amlodipine trong điều trị tăng huyết áp: Một tổng quan hệ thống và phân tích meta.

Dịch: Bùi Sơn Nhật, sinh viên Dược 5 – Khoa Y Dược ĐHQGHN

Hiệu đính: DS. Phan Thị Diệu Hiền – Khoa Dược – BV Trường ĐHYD Huế

Nguồn: Pubmed: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3967363/

ĐẶT VẤN ĐỀ: Amlodipine là một thuốc chẹn kênh calci, được chỉ định cho đau thắt ngực và tăng huyết áp. Vốn là một hỗn hợp racemic, amlodipine chứa cả hai đồng phân (R) và (S), nhưng chỉ có đồng phân (S) là có tác dụng điều trị. Dựa trên các nghiên cứu về dược lí học, vẫn chưa rõ liệu riêng đồng phân (S) có hiệu quả tương đương và ít biến cố bất lợi (adverse events – AE) hơn so với hỗn hợp racemic hay không.

MỤC ĐÍCH:  Mục tiêu của bài tổng quan và phân tích meta này là đánh giá hiệu quả và khả năng dung nạp của (S) – amlodipine so với hỗn hợp racemic.

PHƯƠNG PHÁP: Tiến hành tìm kiếm hệ thống các bài báo bằng cách tra trên các cơ sở dữ liệu MEDLINE (1966-2009), EMBASE (1966-2009), Trung tâm lưu trữ thử nghiệm đối chứng Cochrane (số 3, 2009), Cơ sở dữ liệu Y sinh học Trung Quốc (1978-2009) và Internet kiến thức Quốc gia Trung Quốc (1980-2009). Tất cả các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) có nội dung so sánh (S)-amlodipine 2.5 mg và hỗn hợp racemic amlodipine 5.0 mg trong điều trị tăng huyết áp đều được đưa vào trong bài tổng quan. Các thông số đánh giá (outcome) bao gồm các biến cố tim mạch, huyết áp tâm thu (SBP), huyết áp tâm trương (DBP) và biến cố bất lợi (AE). Chất lượng các thử nghiệm lâm sàng được đánh giá bằng thang Jadad đã được điều chỉnh, trong đó các thử nghiệm có chất lượng thấp (đạt điểm 0-3), chất lượng cao (đạt điểm 4-7). Phân tích meta các nghiên cứu trên được tiến hành với phần mềm RevMan.

KẾT QUẢ: Trong số 219 bài báo được nhận diện, 214 bài bị loại sau khi sàng lọc qua tiêu đề, tóm tắt và toàn văn. 15 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) được chọn, trong đó có 13 bài viết bằng tiếng Trung Quốc và 2 bài bằng tiếng Anh. Theo thang điểm Jadad, 3 RCT có điểm cao (5-6) và số còn lại được đánh giá là có chất lượng thấp (điểm 1-3). Không thử nghiệm nào đánh giá các biến cố tim mạch kéo dài trên 40 tuần. Phân tích meta của 15 RCT cho thấy (S)-amlodipine không cho hiệu quả khác biệt đáng kể trên huyết áp so với hỗn hợp racemic. Khi chỉ xét tới các bài đạt chất lượng cao, kết quả cho thấy: sau bốn tuần điều trị, chênh lệch trung bình có trọng số (WMD) (trong 1 nghiên cứu) giữa độ giảm SBP DBP lần lượt là −2.84 (95% CI, −6.42 đến 0.74) với (S)-amlodipine và −1.71 (95% CI, −3.48dđến 0.06) với racemic amlodipine. Sau 8 tuần điều trị, giá trị WMD của độ giảm SBP DBP (trong 2 nghiên cứu) lần lượt là −1.13 (95% CI, −5.29 đến 3.03) và −1.34 (95% CI, −2.67 đến −0.01). Chênh lệch nguy cơ (RD) cho số bệnh nhân có biến cố tim mạch với (S)-amlodipine và racemic amlodipine là −0.04 (95% CI, −0.06 đến −0.02). Khi xét tất cả các thử nghiệm, điều trị bằng (S)-amlodipine cho thấy tình trạng phù giảm đáng kể so với racemic amlodipine (RD, −0.02; 95% CI, −0.03 đến 0.00); tuy nhiên, nếu chỉ xét 2 nghiên cứu chất lượng cao, giữa hai nhóm thuốc này không có sự khác biệt đáng kể (RD, 0.01; 95% CI, −0.02 đến 0.03). Một nghiên cứu có chất lượng cao phát hiện ra sự chênh lệch đáng kể trong mức độ tăng hoạt động của men gan ALT và AST trong hai nhóm thuốc (RD, 0.08; 95% CI, 0.01 đến 0.05). Không có sự khác biệt đáng kể nào giữa hai nhóm thuốc được tìm thấy về tần suất bị đau đầu (RD, 0.00; 95% CI, −0.02 đến 0.01) và nóng đỏ da (RD, −0.01; 95% CI, −0.02 đến 0.00).

KẾT LUẬN: Đa số các thử nghiệm lâm sàng so sánh giữa điều trị bằng (S)-amlodipine và racemic amlodipine đều có chất lượng thấp (12/15 [80%]). Theo các bằng chứng có hạn, không có sự khác biệt đáng kể giữa (S)-amlodipine 2.5 mg và racemic amlodipine 5.0 mg trong kiểm soát huyết áp. Khi xét tất cả các thử nghiệm, điều trị với (S)-amlodipine cho thấy tình trạng phù giảm hơn nhiều so với racemic amlodipine; tuy nhiên, nếu chỉ xét các thử nghiệm có chất lượng cao thì không có sự khác biệt đáng kể nào cả. Về lâu dài, sẽ rất cần các RCT chất lượng cao với tiêu chí đánh giá chủ yếu là các biến cố tim mạch để so sánh hiệu quả và tính an toàn của (S)-amlodipine và racemic amlodipine.

Từ khóa: (S)-amlodipine, hypertension, systematic review

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.