Menu

Sử dụng thuốc an toàn sau thiên tai

.
Người dịch: SVD4. Nguyễn Thanh Huyền – ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
Tài liệu tham khảo:
https://www.fda.gov/drugs/emergency-preparedness-drugs/safe-drug-use-after-natural-disaster

Thông tin về việc sử dụng các loại thuốc bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn, lũ lụt, nguồn nước bẩn hoặc sự cố mất điện.
Trước thiên tai
Một kế hoạch chuẩn bị khẩn cấp đặc biệt quan trọng đối với những người có vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là khi bị mất điện trong một thời gian. Để bảo quản thuốc và vật tư y tế, bệnh nhân nên:
• Giữ một danh sách cập nhật các loại thuốc, bao gồm liều lượng và cách sử dụng.
• Biết số lượng thuốc đang có.
• Lĩnh thêm thuốc sớm nếu việc tiếp cận với nhà thuốc có khả năng bị gián đoạn.
• Cho các chai thuốc hoặc gói thuốc vào các vật chứa chống nước (ví dụ, hộp nhựa có nắp đậy).
• Chuẩn bị sẵn đá cho các loại thuốc cần bảo quản lạnh.
Sau thiên tai
Sau một thảm họa tự nhiên, điều quan trọng là phải kiểm tra tất cả các loại thuốc.
• Thuốc tiếp xúc với nhiệt độ quá cao, chẳng hạn như lửa: thuốc có thể bị mất hiệu quả bởi nhiệt độ cao từ ngọn lửa. Nếu thuốc đã tiếp xúc với nhiệt độ cao, hãy cân nhắc đến việc thay thế thuốc.
• Thuốc tiếp xúc với nguồn nước bẩn: thuốc tiếp xúc với nước lũ có thể bị nhiễm bẩn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Khuyến nghị rằng thuốc – ngay cả những thuốc còn trong hộp đựng có nắp, ống nhỏ giọt hoặc các thùng chứa khác – nên được loại bỏ nếu thuốc đã tiếp xúc với nước lũ hoặc nước bị ô nhiễm.
• Thuốc cấp cứu (Life-saving drugs) tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc nguồn nước bẩn: một số loại thuốc cần dùng để điều trị các trường hợp đe dọa tính mạng nhưng thuốc thay thế có thể không có sẵn. Thuốc tiếp xúc với lửa hoặc nước bẩn nên được thay thế càng sớm càng tốt. Nếu thuốc trông không thay đổi (ví dụ, thuốc trong hộp ướt có vẻ khô ráo) thì có thể sử dụng được cho đến khi có thuốc thay thế. Nếu viên thuốc bị ướt thì đã bị nhiễm bẩn và cần được loại bỏ.
• Thuốc cần được hoàn nguyên (pha để tạo thành dạng lỏng): thuốc phải hoàn nguyên (pha thành dạng lỏng trong nước) chỉ được pha với nước tinh khiết hoặc nước đóng chai. Không nên sử dụng chất lỏng không phải nước tinh khiết hoặc nước đóng chai để pha các sản phẩm thuốc này.
• Thuốc cần bảo quản lạnh: một số loại thuốc yêu cầu bảo quản lạnh (ví dụ: insulin và một số loại thuốc kháng sinh dạng lỏng). Nếu bị mất điện trong một thời gian dài, thuốc nên được loại bỏ và thay thế. Tuy nhiên, nếu thuốc thực sự cần thiết để duy trì sự sống (ví dụ: insulin) thì có thể sử dụng cho đến khi có thuốc mới thay thế.
Vì các thuốc nhạy cảm với nhiệt độ sẽ mất hiệu lực nếu không được bảo quản lạnh, do đó, hãy thay thế thuốc mới càng sớm càng tốt. Ví dụ: insulin không được bảo quản lạnh sẽ có hiệu quả trong thời gian ngắn hơn so với ngày hết hạn được ghi trên nhãn. Vui lòng xem Thông tin về Lưu trữ Insulin để biết thêm chi tiết.
Nếu lo lắng về hiệu quả hoặc tính an toàn của một sản phẩm cụ thể, hãy liên hệ với Dược sĩ, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc bộ phận dịch vụ khách hàng của nhà sản xuất.
Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Thuốc (CDER) của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cung cấp thông tin cho việc sử dụng các loại thuốc (dược phẩm) có khả năng bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn, lũ lụt hoặc nguồn nước bẩn và về việc sử dụng các loại thuốc nhạy cảm với nhiệt độ khi tạm thời không có tủ lạnh.

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.