Menu

Thuốc có nguy cơ cao – Levemir

Dịch: DS. Bùi Bích Phượng

 

Đặc biệt cẩn thận là cần thiết vì Levemir là thuốc có nguy cơ cao.

Các thuốc có nguy cơ cao đã được chứng minh tính an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên những thuốc này có thể gây thương tích nghiêm trọng, nếu để xảy ra dù chỉ một sai lầm trong khi sử dụng. Do đó việc chúng ta hiểu biết về thuốc này và sử dụng nó đúng theo chỉ dẫn là rất cần thiết.

Danh sách 10 mẹo an toàn khi sử dụng Levemir:

Khi dùng thuốc

  1. Hiểu về insulin: Levemir là một insulin tác dụng kéo dài nên được tiêm dưới da một hoặc hai lần mỗi ngày. (Khi dùng liều thấp hơn, Levemir có thể được xem là một loại insulin tác dụng trung bình). Khi Levemir được chỉ định một lần/ngày, nên tiêm insulin vào bữa ăn tối hoặc trước khi đi ngủ. Khi dùng 2 lần/ngày, 1 liều tiêm vào bữa sáng và 1 liều nên tiêm vào bữa ăn tối, trước khi đi ngủ, hoặc 12 giờ sau khi dùng liều buổi sáng.
  2. Chuẩn bị insulin: Insulin tác dụng nhanh hoặc ngắn thường được kê kèm với Levemir. Tuy nhiên, Levemir không nên trộn lẫn trong cùng một ống tiêm với các insulin khác trước khi tiêm. Không lắc insulin quá mạnh trước khi sử dụng.
  3. Không sử dụng lại hoặc tái chế: Vứt bỏ bơm tiêm / kim tiêm, bút và lancet vào thùng nhựa hoặc kim loại cứng (ví dụ: chai thuốc tẩy rỗng, hộp đựng đồ sắc nhọn). Khi hộp chứa đầy, đóng nắp lại trước khi đưa vào thùng rác y tế. Không sử dụng lại hoặc tái chế các ống tiêm, kim, hoặc lancet.
  4. Không dùng chung: Ngay cả khi thay kim, việc dùng chung một cây bút insulin hoặc ống tiêm có thể lây truyền các bệnh qua đường máu như viêm gan và HIV.

Để tránh tác dụng phụ nghiêm trọng

  1. Tránh nhầm lẫn: Nếu bạn sử dụng nhiều hơn một loại insulin, đảm bảo mỗi lọ, bút, hoặc bao bì đựng nhìn khác nhau. Nếu chúng trông giống nhau, hãy đặt một băng cao su xung quanh một loại để tránh nhầm lẫn.
  2. Kiểm tra thuốc: Có hàng chục loại insulin khác nhau trên thị trường, chúng nhìn tương tự nhau về cách trình bày lọ, bút hoặc bao bì. Khi bạn mua insulin ở nhà thuốc, hãy chắc chắn rằng đó là loại insulin thích hợp.
  3. Điều trị hạ đường huyết: Mang theo một lượng đường nhanh như viên glucose, kẹo hoặc nước trái cây, để điều trị việc hạ đường huyết. Các dấu hiệu của hạ đường huyết sẽ được liệt kê dưới đây.
  4. Kiểm tra mức đường huyết: Hỏi bác sĩ về khoảng thời gian nên kiểm tra mức đường huyết. Theo dõi mức đường huyết và lượng insulin sử dụng mỗi ngày. Mang theo nhật ký theo dõi đường huyết mỗi lần đến gặp bác sĩ.
  5. Thực hiện kiểm tra định kỳ trong phòng xét nghiệm: kiểm tra HbA1c ít nhất hai lần một năm để xác định mức độ tiểu đường đang được kiểm soát như thế nào. Thử nghiệm này cho thấy mức kiểm soát đường huyết trung bình trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tuần. Mục tiêu HbA1c là <=7%.

Khi nào nên gọi cho bác sĩ

10. Gọi cho bác sĩ khi ốm hoặc thay đổi thói quen: Nhu cầu insulin có thể thay đổi do bệnh tật, căng thẳng, thay đổi thói quen ăn uống, hoạt động thể chất, và các loại thuốc dùng kèm theo. Gọi cho bác sĩ nếu gặp những tình trạng này. Không bao giờ thay đổi liều insulin trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

HẠ ĐƯỜNG HUYẾT DO QUÁ LIỀU INSULIN

Các dấu hiệu của hạ đường huyết

  • Đói
  • Cảm thấy run
  • Tim đập nhanh
  • Cảm giác lâng lâng
  • Chóng mặt
  • Đổ mồ hôi
  • Đau đầu
  • Lú lẫn
  • Cáu gắt

Hạ đường huyết xảy ra khi quá liều insulin, gia tăng khối lượng công việc hoặc tập luyện thể dục mà không ăn. Các triệu chứng của hạ đường huyết có thể khác nhau đối với mỗi người và có thể thay đổi theo thời gian. Hạ đường huyết có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và phản ứng nhanh, vì vậy có thể gặp rủi ro khi lái xe. Hạ đường huyết trầm trọng có thể dẫn đến mất ý thức, động kinh, tổn thương não, hoặc thậm chí tử vong. Biết các triệu chứng của hạ đường huyết và điều trị nhanh bằng cách uống nước trái cây, nước giải khát chứa đường, ăn đường hoặc kẹo. Nếu gặp vấn đề hạ đường huyết phải nói chuyện với bác sĩ.

Nội dung

Tóm tắt

Tên chung

 

Insulin detemir (phát âm IN soo lin DE te mir) (không có thuốc generic)

 

Tên biệt dược

 

Levemir, Levemir FlexPen (dạng bút tiêm)

 

Loại insulin, khởi phát, thời gian tác dụng

 

Tác dụng từ trung bình đến kéo dài; khởi phát tác dụng sau 3 đến 4 giờ và kéo dài 6 đến 23 giờ

Thời gian tác dụng phụ thuộc vào liều lượng; liều cao tác dụng kéo dài hơn liều thấp.

Chỉ định

 

Điều trị đái tháo đường type 1 và type 2 nhằm kiểm soát đường huyết
Thời điểm dùng insulin

 

Tiêm Levemir dưới da một hoặc hai lần mỗi ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ

Khi dùng một lần/ngày, tiêm insulin vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ; Khi dùng 2 lần/ngày, 1 liều tiêm vào bữa sáng và 1 liều nên tiêm vào bữa ăn tối, trước khi đi ngủ, hoặc 12 giờ sau khi dùng liều buổi sáng.

Tiêm Levemir vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

Liều thông thường

 

Liều và tần suất dùng insulin được cá thể hóa cho mỗi cá nhân

Liều insulin hàng ngày dựa trên trọng lượng cơ thể, chế độ ăn uống, mức độ hoạt động, độ tuổi,

sự nhạy cảm với insulin, và loại tiểu đường (type 1 hoặc 2)

Tiêm insulin

 

Không nên trộn Levemir với các insulin khác

Hỏi bác sĩ, điều dưỡng, hoặc dược sĩ để biết cách lấy liều insulin vào ống tiêm và tiêm, hoặc cách chọn liều trên bút tiêm và cách tiêm insulin

Không sử dụng Levemir với một bơm insulin khác từ bên ngoài.

Trước khi tiêm, hãy làm ấm bằng cách lau nhẹ lọ hoặc lăn bút giữa hai lòng bàn tay (không lắc insulin quá mạnh)

Tiêm insulin dưới da (không tiêm tại cơ) ở bắp đùi, cánh tay trên, hoặc

bụng; vị trí tiêm phải được thay đổi (luân phiên) với mỗi liều

Không sử dụng Levemir nếu insulin xuất hiện đục thay vì trong suốt và không màu

Chỉ dẫn đặc biệt và thận trọng

 

Thực hiện chế độ ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ; giữ thói quen ăn uống và tập thể dục đều đặn.

Nói với bác sĩ kê toa insulin về bất kỳ loại thuốc mới nào đang dùng kèm theo.

Không dùng chung bút tiêm insulin hoặc ống / kim tiêm với người khác.

An toàn trong khi mang thai / cho con bú

 

Nói chuyện với bác sĩ về việc kiểm soát bệnh tiểu đường trong khi mang thai và cho con bú.
Lưu trữ và xử lý

 

Bảo quản lọ và bút chưa mở trong tủ lạnh cho đến khi sử dụng liều đầu tiên (không để ở nhiệt độ đóng băng)

hoặc để ở nhiệt độ phòng thì bảo quản được trong 42 ngày.

Sau khi sử dụng lần đầu tiên, lưu trữ lọ / bút trong tủ lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng; vứt bỏ sau 42 ngày.

Vứt bỏ ống tiêm, kim, bút, và lancet đã sử dụng một cách an toàn (như ở mẹo số 3).

Phản ứng phụ thường gặp nhất

 

Hạ đường huyết; các dấu hiệu và cách xử trí hạ đường huyết đã liệt kê ở trên.

Hạ kali máu, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, nhức đầu, đói, tăng cân

Các dấu hiệu khác cần thông báo với bác sĩ

 

Đau ngực hoặc đánh trống ngực, mệt mỏi dai dẳng, nhầm lẫn, tê buốt môi  hoặc lưỡi, cơ yếu, run, thay đổi thị lực, sưng bàn chân, triệu chứng giống như cúm.

Sưng, ngứa, đỏ, ấm, hoặc đau ở vị trí tiêm

Thảo dược không nên dùng cùng với Levemir

 

Những thảo dược có thể làm giảm lượng đường trong máu: crom, tỏi, dây thìa canh.
Thuốc theo toa không nên dùng với Levemir

 

Nhiều loại thuốc theo toa có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và nhu cầu insulin.

Nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc dùng kèm, đặc biệt là thuốc mới.

Các xét nghiệm đặc biệt bác sĩ có thể kê toa

 

Bệnh nhân thường được yêu cầu kiểm tra đường huyết bằng cách sử dụng thiết bị kiểm tra tại nhà, kiểm tra nước tiểu cho biết các chỉ số đường niệu, aceton và phải theo dõi huyết áp thường xuyên.

Để theo dõi bệnh tiểu đường, bác sĩ có thể định kỳ kiểm tra các chỉ số

HbA1c, kali, cholesterol, và các chất dùng để đánh giá chức năng thận.

 

NguồnHigh-Alert Medications – Levemir (insulin detemir). Link

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.