Tháng Chín 27, 2016
Tư vấn tại quầy thuốc – Sốt
Tôi bị sốt
Cấp thuốc và tư vấn sử dụng thuốc bởi dược sĩ nhà thuốc
Nguồn: Caquet R. La médication officinal – Conseils et médicaments délivrés par le pharmacien à l’officine 3è ed. 2003
Dịch: Sinh viên Y4, Nguyễn Thị Hằng, ĐH Y Hà Nội
Hiệu đính: DS. Đào Thu Trang
1. SỐT
Sốt thường thể hiện một phản ứng của cơ thể khi có sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc virus, khi có phản ứng viêm hoặc khối u. Tuy vậy, phần lớn các trường hợp sốt đến hỏi ý kiến dược sĩ nhà thuốc là do nhiễm khuẩn và khá đơn giản.
Về lâm sàng
Tìm nguyên nhân sốt có thể rất dễ dàng khi sốt mới xảy ra (dưới 3-4 ngày) có đi kèm với các triệu chứng khác hướng tới vùng hay cơ quan nào đó như ho (nhiễm khuẩn hô hấp), tiêu chảy (nhiễm khuẩn đường ruột) hay tiểu buốt (nhiễm trùng tiết niệu). Tìm nguyên nhân sốt có thể rất khó khăn trong trường hợp sốt kéo dài (sốt trên 3 tuần) và không có triệu chứng đi kèm (sốt kéo dài đơn độc). Tuy nhiên các trường hợp sốt kéo dài này không tư vấn bởi dược sỹ nhà thuốc mà cần thăm khám bởi bác sĩ.
Những sốt mới xảy ra, sốt cao hay vừa phải đến nhà thuốc thường là do nhiễm khuẩn. Nguyên nhân hay gặp nhất là nhiễm khuẩn tai mũi họng hoặc nhiễm khuẩn khí phế quản và sau đó là nhiễm khuẩn dạ dày ruột. Nhiễm khuẩn tai mũi họng hoặc nhiễm khuẩn khí phế quản đi kèm với ngạt mũi, đau họng hay đau tai, ho; nhiễm khuẩn dạ dày ruột đi kèm với tiêu chảy. Những nhiễm khuẩn tiết niệu đơn giản (nhiễm trùng tiết niệu thấp) thường không có sốt. Hãy thận trọng với sốt mà có các dấu hiệu của viêm bàng quang: đó có thể là viêm tiền liệt tuyến ở nam giới và có thể là nhiễm khuẩn tiết niệu cao, viêm thận bể thận ở phụ nữ.
Phần lớn các trường hợp sốt đến nhà thuốc thường khá đơn giản.Tuy nhiên, cũng cần phải biết trường hợp nào là sốt nguy cấp.
Nguy cấp:
Những trường hợp sốt sau là nguy cấp:
+ Viêm màng não trong trường hợp sốt có kèm nhức đầu và nôn vọt
+ Nhiễm khuẩn huyết khi mà có sốt rét run (rét run thật sự và mạnh khi đang bệnh)
+ Sốt rét cần được đặt ra trước mọi bệnh nhân vừa trở về từ những quốc gia nhiệt đới trong vòng 6 tuần trở lại.
+ Nhiễm khuẩn do ăn phải thực phẩm nhiễm vi khuẩn Listeria hay một viêm thận – bể thận ở phụ nữ có thai
Trong tất cả các trường hợp trên cần cho bệnh nhân nhập viện ngay lập tức!
LỜI KHUYÊN
Nếu như bệnh nhân (hoặc người thân) tới quầy thuốc mua thuốc hạ sốt (bệnh nhân sốt không phải luôn là bệnh nhân ngoại trú) có nhiệt độ vượt quá 38,5 độ C ở người lớn thì cần khuyên bệnh nhân thăm khám bác sĩ.
Nếu như sốt dưới 38,5 độ C, khuyên dùng:
+ Paracetamol: Doliprane® hay Efferalgan® dạng viên nén (dạng sủi bọt) hoặc dạng con nhộng liều 500 mg.
+ Acide acetylsalicylic: Aspirine Bayer® hay UPSA® dạng viên nén 500mg, có dạng sủi bọt hoặc Catalgine® dạng túi bột 500mg.
Để đạt hiệu quả hạ sốt tối đa, khuyên dùng thuốc cách mỗi 4h, với liều thấp 0,5g ở người lớn và không dùng 2 lần một ngày với liều 1g.
Paracetamol
Paracetamol ít tác dụng phụ hơn aspirine và dễ sử dụng hơn. Tuy nhiên đừng quên, khi liều vượt quá 4g/ngày gây độc với gan, nhất là uống khi đói.
Như vậy, trước khi cho bệnh nhân sử dụng paracetamol, hãy đảm bảo rằng họ không dùng cùng lúc các thuốc khác có chứa paracetamol. Thường thì paracetamol có trong các thuốc điều trị nhiễm khuẩn hô hấp thông thường như: Dolirhume®, Claradol®, Fervex®, Humex®, etc.
Aspirine
Chống chỉ định:
+ Bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng
+ Bệnh nhân dùng Heparine hay các thuốc kháng vitamin K hoặc các thuốc chống kết tập tiểu cầu như ticlopidine (Ticlid®) hay clopidogrel (Plavix®)
+ Phụ nữ có thai 6 tháng trở lên
Aspirine được khuyến cáo không nên dùng với :
+ Các NSAID khác (kháng viêm không steroide) ( như Advil®, Indocid®, Feldène®, Profénid®, Voltarène®, etc.)
+ Các thuốc chứa Corticoids (như Betnesol®, Célestène®, Célestamine®, Cortancyl®, Solupred®, etc.
+ Các thuốc bài xuất acid uric niệu (như Bénémide®, Désuric®)
+ Methotrexate với liều trên 15mg/tuần (Méthotrexate®,Ledertrexate®).
Thận trọng khi dùng Aspirine trong các trường hợp sau:
+ Kinh mau, cường kinh (cũng có thể nên thận trọng với phụ nữ sử dụng vòng tránh thai)
+Bệnh nhân bị hen, một vài trường hợp xảy ra cơn hen là do phản ứng dị ứng với Aspirine
Trước khi dùng Aspirine, hãy chắc chắn rằng bệnh nhân không thuộc các trường hợp trên. Không dùng cho các bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật và các bệnh nhân chuẩn bị nhổ răng.
Kháng sinh
Hãy nói không khi khách hàng yêu cầu kháng sinh mà không có đơn của bác sỹ. Kháng sinh không phải là thuốc hạ sốt. Sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ dẫn tới vi khuẩn kháng kháng sinh.
CHÚ Ý
+Nhiệt độ bệnh nhân đã được đo một cách tốt chưa?
Rất nhiều người cảm thấy không khỏe, than phiền rằng họ sốt khi mà thực tế thì họ không có sốt.H ãy đảm bảo rằng nhiệt độ của bệnh nhân đã được đo một cách chính xác.
+ Những băng nhiệt kế đo ở trán (Ftest®, Thermotest®…)có gờ nhỏ chỉ trị số nhiệt độ. Những nhiệt kế đo ở tai (Braun,Orgon®, Orgalys®, Scana®…) thường rất chính xác nhưng hay bị sử dụng sai cách. Những nhiệt kế điện tử (Hartman®, Thermomed®…) hay nhiệt kế gali (Magnien®,Salva®…) là tiện dụng nhất, nên khuyến cáo bệnh nhân sử dụng.
+ Nhiệt độ trực tràng là nhiệt độ chuẩn. Để chính xác nên giữ nhiệt kế đo ở nách ít nhất 8 phút, tuy nhiên hiếm khi thời gian này được giữ đúng. Nhiệt kế đo ở miệng thường cần phải giữ từ 6-8 phút, nó thường thấp hơn nhiệt độ trực tràng 0,5 độ C.