Menu

Vai trò của tỷ số bạch cầu trung tính/ bạch cầu lympho (NLR) trong tiên lượng BN COVID-19

PGS. TS. DS. Phùng Thanh Hương

Bộ môn Hóa sinh – Trường Đại học Dược Hà Nội

  1. Giới thiệu chung

Nhiều nghiên cứu trong 2 năm vừa qua cho thấy viêm cấp là một yếu tố bệnh học quan trọng ảnh hưởng tới các triệu chứng lâm sàng, tiến triển và tiên lượng của bệnh nhân COVID-19. Trong số các tế bào đích mà virus SARS-CoV-2 tấn công, đại thực bào và lympho T là những tế bào quan trọng có thể bị tổn thương, gây rối loạn hệ miễn dịch. Cơn bão cytokine là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự tổn thương đa cơ quan, với những ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng sống và có thể gây tử vong [1].

Trong lâm sàng điều trị COVID-19, một trong những vấn đề quan trọng được quan tâm là việc tiên lượng, phát hiện sớm những bệnh nhân có thể có tiến triển xấu để có những biện pháp theo dõi và điều trị kịp thời, nhằm hạn chế những biến chứng nặng nề và tử vong. Một trong những xét nghiệm thường được dùng cho mục đích tiên lượng nặng ở bệnh nhân COVID-19 là xét nghiệm định lượng nồng độ cytokine trong huyết thanh, đặc biệt là IL-6. Tuy nhiên, còn nhiều tranh cãi về giá trị của xét nghiệm này trong việc phân loại các bệnh nhân có tiến triển nặng. Một phân tích gộp trên 12 nghiên cứu đơn lẻ cho thấy độ nhạy, độ đặc hiệu và AUC-ROC của xét nghiệm IL-6 trong dự đoán tiến triển nặng của bệnh nhân COVID-19 lần lượt là 0,15 (95% CI 0.13 – 0.17, I2=98.9%), 0,73 (95% CI 0.65 – 0.79, I2=91.8%) và 0,531 (95% CI 0.451 – 0.612) [2]. Bên cạnh đó, không phải cơ sở điều trị nào cũng có điều kiện tiến hành xét nghiệm định lượng cytokine

Hiện nay, một số nghiên cứu đang quan tâm tới việc sử dụng những chất chỉ điểm (marker) viêm toàn thân khác cho mục đích tiên lượng điều trị COVID-19. Bài tổng quan này giới thiệu một marker viêm kinh điển, có thể tiến hành ở bất kỳ cơ sở điều trị nào với chi phí thấp.

  1. NLR và giá trị tiên lượng trong điều trị COVID-19

Tỷ số bạch cầu trung tính/bạch cầu lympho (NLR) là tỷ số tính được từ kết quả xét nghiệm công thức máu. Đây là một chỉ số thuộc bộ marker viêm toàn thân, đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu về vai trò quan trọng trong tiên lượng trong một số bệnh liên quan đến nhiễm trùng, bệnh của hệ miễn dịch và bệnh ung thư, giúp dự đoán đáp ứng ngay từ khi bệnh nhân nhập viện hoặc bắt đầu điều trị [3, 4]. Năm 2021, một phân tích gộp trên 61 nghiên cứu gồm 15.522 bệnh nhân COVID-19 cho thấy tăng NLR liên quan tới tăng mức độ nặng (OR 6.22; 95%CI 4.93 – 7.84; P < .001) và tăng tử vong (OR 12.6; 95%CI 6.88 – 23.06; P < .001) [5]. Một phân tích gộp khác cũng vào năm 2021 trên 38 nghiên cứu về COVID-19, trong đó có 5699 bệnh nhân nặng và 6033 bệnh nhân tử vong cho thấy NLR khi nhập viện của những bệnh nhân nặng hoặc tử vong cao hơn rõ rệt so với những bệnh nhân nhẹ (SMD 0.88; 95%CI 0.72-1.04; I2 = 75.52% và 1.87; 95%CI 1.25-2.49; I2 = 97.81%, tương ứng). Cho dù các nghiên cứu có giá trị “cut-off” khác nhau nhưng những người có tăng NLR có kết quả gộp về nguy cơ tử vong tương đối cao hơn 2.74 lần so với người có NLR bình thường (95%CI 0.98-7.66) [6]. Giá trị “cut-off” của một số nghiên cứu được trình bày trong bảng 1.

Bảng 1. Giá trị “cut-off” trong một số nghiên cứu

Cỡ mẫu Giá trị “cut-off” của NLR Độ nhạy/Độ đặc hiệu TLTK
93 3,3 0,88/0,636 (Dự báo bệnh nhân nặng) [7]
496 3,5 0,71/0,87 (Dự báo bệnh nhân nặng) [8]
351 8 0,607/0,859 (Dự báo bệnh nhân nặng) [9]
153 7,4 0,75/0,84 (Dự báo tử vong) [10]

 

Một số nghiên cứu cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa NLR với nồng độ IL-6 và IL-10 (P < 0.001, P = 0.024), cũng như với số lượng  tế bào CD3+ and CD8+ T (P < 0.001, P = 0.046) [1]. Do đó, NLR có thể là marker thay thế phản ánh sự thay đổi nồng độ IL-6, IL-10. Một nghiên cứu so sánh giá trị dự đoán tiến triển nặng giữa IL-6 và NLR cho thấy ROC-AUC của 2 marker lần lượt là 0.972 và 0.831[10].

  1. Kết luận

NLR là một chỉ số xét nghiệm huyết học thường quy, đơn giản, có thể thực hiện ở bất kỳ cơ sở xét nghiệm nào có thể được dùng để dự đoán tiên lượng của bệnh nhân COVID-19, giúp phân loại bệnh nhân và có những biện pháp theo dõi, điều trị cần thiết, kịp thời, nhằm giảm tỷ lệ tiến triển nặng và tử vong. Chỉ số NLR đặc biệt hữu ích ở những khu vực nguồn lực hạn chế, không có điều kiện tiếp cận với những xét nghiệm đắt tiền như định lượng cytokin huyết thanh.

 

  1. Qun, S., et al., Neutrophil-to-Lymphocyte Ratios Are Closely Associated With the Severity and Course of Non-mild COVID-19. Frontiers in Immunology, 2020. 11(2160).
  2. Liu, X., et al., Association between IL-6 and severe disease and mortality in COVID-19 disease: a systematic review and meta-analysis. Postgraduate Medical Journal, 2021: p. postgradmedj-2021-139939.
  3. Faria, S.S., et al., The neutrophil-to-lymphocyte ratio: a narrative review. Ecancermedicalscience, 2016. 10: p. 702-702.
  4. Song, M., et al., Neutrophil-to-lymphocyte ratio and mortality in the United States general population. Scientific Reports, 2021. 11(1): p. 464.
  5. Ulloque-Badaracco, J.R. and W. Ivan Salas-Tello, Prognostic value of neutrophil-to-lymphocyte ratio in COVID-19 patients: A systematic review and meta-analysis. 2021: p. e14596.
  6. Simadibrata, D.M., et al., Neutrophil-to-lymphocyte ratio on admission to predict the severity and mortality of COVID-19 patients: A meta-analysis. Am J Emerg Med, 2021. 42: p. 60-69.
  7. Yang, A.-P., et al., The diagnostic and predictive role of NLR, d-NLR and PLR in COVID-19 patients. International immunopharmacology, 2020. 84: p. 106504-106504.
  8. Aly, M.M., et al., Can Hematological Ratios Predict Outcome of COVID-19 Patients? A Multicentric Study. Journal of blood medicine, 2021. 12: p. 505-515.
  9. Hashem, M.K., et al., Prognostic biomarkers in COVID-19 infection: value of anemia, neutrophil-to-lymphocyte ratio, platelet-to-lymphocyte ratio, and D-dimer. The Egyptian Journal of Bronchology, 2021. 15(1): p. 29.
  10. Sayah, W., et al., Interleukin-6, procalcitonin and neutrophil-to-lymphocyte ratio: Potential immune-inflammatory parameters to identify severe and fatal forms of COVID-19. Cytokine, 2021. 141: p. 155428.

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.