Menu

Viêm khớp tự phát thiếu niên

Người dịch: Trần Hồ Mai Ca, ĐH Y Dược Cần Thơ

Hiệu đính: DS. Quản Thị Thùy Linh

Nguồn: https://www.uspharmacist.com/article/juvenile-idiopathic-arthritis

 

Một hội chứng rối loạn miễn dịch

Viêm khớp tự phát thiếu niên (JIA) là một bệnh tự miễn dịch, xảy ra ở trẻ em lứa tuổi 6-16. Bệnh phát triển khi hệ miễn dịch bị rối loạn và ảnh hưởng đến các khớp khỏe mạnh gây ra viêm và tổn thương khớp. Nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ, tuy nhiên yếu tố di truyền được xem như một nguy cơ khởi phát. JIA, trước đây được gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên, ảnh hưởng đến khoảng 300.000 trẻ em ở Mỹ. Có 3 dạng JIA được phân loại dựa vào số lượng khớp và các cơ quan liên quan bị ảnh hưởng. Mặc dù bệnh không chữa khỏi được, điều trị sẽ giúp làm chậm tiến triển và hạn chế các thương tổn.

Ảnh hưởng ban đầu lên ngón tay và ngón chân

Triệu chứng sớm của bệnh bao gồm sưng, nóng, đau các khớp ngón tay, ngón chân, và thường gặp khớp gối. Khi tiến triển, bệnh ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn trên cơ thể. Bệnh nhân có cứng khớp vào buổi sáng và sau khi không hoạt động; sốt, mệt mỏi, sút cân cũng có thể xảy ra. Các bệnh nhân được chẩn đoán JIA thường có đợt bệnh thuyên giảm giữa các đợt bùng phát.

Không có xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán JIA. Thay vào đó, để chẩn đoán, bác sĩ cần dựa vào khám sức khỏe, tiền sử gia đình và các xét nghiệm máu. Khi người chăm sóc sức khỏe ban đầu nghi ngờ JIA, người này có thể giới thiệu bệnh nhân đến bác sĩ xương khớp nhi, bác sĩ chuyên về bệnh xương khớp và miễn dịch ở trẻ em để đánh giá xác định.

Bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên (JIA) có 3 thể bệnh chính: viêm một khớp hay vài khớp; viêm đa khớp và viêm hệ thống. Khoảng 50% các trường hợp JIA là viêm một khớp hay vài khớp, tức là viêm xảy ra ở ít hơn 5 khớp nhỏ ở cổ tay và đầu gối. Viêm đa khớp ảnh hưởng từ 5 khớp trở lên ở cánh tay, chân, quai hàm và chiếm 20 – 30% các trường hợp JIA. Viêm hệ thống xảy ra ở 10% JIA, bắt đầu bằng sốt cao, nổi mẩn và có thể ảnh hưởng đến tim, gan, lách, hệ bạch huyết. Sự ảnh hưởng lên khớp kéo dài sau nhiều tháng đến nhiều năm.

Điều trị mới bao gồm nhóm thuốc sinh học

Phương pháp điều trị phụ thuộc vào thể bệnh JIA và mức độ triệu chứng. Mục tiêu điều trị dài hạn bao gồm ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và sự phá hủy khớp. Mục tiêu điều trị ngắn hạn gồm giảm đau và giảm viêm. Trước khi các phương pháp điều trị mới ra đời, lựa chọn duy nhất để kiểm soát tình trạng viêm và đau là nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID), như naproxen và ibuprofen. Phương pháp điều trị mới hơn là nhóm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm giúp kháng viêm và làm chậm tiến triển bệnh. Nhóm này gồm có các tác nhân sinh học dùng đường tiêm (tĩnh mạch hoặc dưới da) được dùng trong nhiều năm. Gần đây, FDA đã phê duyệt thêm một số thuốc như: HUMIRA (adalimumab), ORENCIA (abatacept), ENBREL (etanercept), ACTEMRA (tocilizumab), và ILARIS (canakinumab).

Các corticosteroid, như prednisone cũng được dùng vì tác dụng kháng viêm nhanh chóng. Nhưng vì tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ, loại thuốc này chỉ được dùng liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất cho đến khi các thuốc khác bắt đầu phát huy tác dụng. Những phương pháp khác để điều trị JIA bao gồm: vật lý trị liệu để duy trì sự linh hoạt của khớp và khả năng di chuyển, liệu pháp nghề nghiệp để giúp đỡ các hoạt đồng sinh hàng ngày, phẫu thuật trong trường hợp nặng để thay khớp hoặc cải thiện vị trí khớp.

Biến chứng

Biến chứng do bệnh và thuốc điều trị có thể xảy ra. Biến chứng phổ biến nhất là viêm màng bồ đào (lớp giữa của mắt). Viêm màng bồ đào có thể dẫn đến đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và nghiêm trọng nhất là mù lòa. Các loại thuốc sử dụng trong điều trị có thể gây những tác dụng phụ nghiêm trọng, cần được thảo luận với bác sĩ và dược sĩ.

Chẩn đoán và điều trị kịp thời cải thiện đáng kể tiên lượng JIA ở trẻ em. Mặc dù JIA không chữa khỏi được, nhưng với sự phối hợp của các bác sĩ liên quan và dùng thuốc phù hợp, triển vọng bệnh nhân là khá tốt. Nói chuyện với dược sĩ để được tư vấn thêm về thuốc nếu bạn có thắc mắc khi trẻ đang điều trị bệnh JIA.

 

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.